221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
741118
Công nhận GS: Cẩn thận với tác giả "ma"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Công nhận GS: Cẩn thận với tác giả 'ma'
,

Tôi vừa đọc một ý kiến về vấn đề tính điểm bài báo khoa học và vị trí của tác giả trong bài bài báo. Đây là một ý rất đáng quan tâm trong việc duyệt xét tiêu chuẩn công nhận chức vụ GS ĐH, bởi hiện nay, dư luận trong các trường ĐH, các nhà khoa học và giảng viên trẻ rất ta thán về vấn đề “cướp công”. Cụ thể hơn là có nhiều người có tên trong bài báo khoa học nhưng chẳng có đóng góp gì cụ thể trong công trình nghiên cứu cả!  Nhưng khi xét đề bạt GS thì những bài báo như thế đều được tính điểm.

Trong giới làm khoa học, người ta gọi đó là những “ghost authors” (tác giả ma), hay “honorary authors” (tác giả danh dự).  Tình trạng tác giả ma rất phổ biến. Theo một phân tích công bố trên tập san y học JAMA vào năm 1998, các nhà nghiên cứu ước tính rằng, khoảng 1/3 bài báo khoa học có “chứa chấp” một tác giả ma hay tác giả danh dự. 

Thế thì một câu hỏi then chốt đặt ra: Ai là người xứng đáng đứng tên tác giả trong một bài báo khoa học? 

Trả lời câu hỏi này không đơn giản chút nào. Bởi vì câu trả lời còn tùy thuộc vào “văn hóa” làm việc của từng trung tâm nghiên cứu hay trường ĐH, tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân (và chủ quan) của các thành viên trong công trình nghiên cứu.  Một công trình nghiên cứu thực nghiệm từ khi phát sinh ý tưởng cho đến khi hoàn tất là cả một dây chuyền liên tục, với sự đóng góp của nhiều thành viên với nhiều chuyên môn khác nhau.  Vì thế, có thể nói bất cứ thành viên nào cũng cảm thấy đóng góp của mình là quan trọng (với suy nghĩ kiểu “không có tôi thì công trình nghiên cứu sẽ không thành công”), nhưng mức độ đóng góp phải khác nhau.  Do đó, việc xác định ai có tư cách đứng tên tác giả đòi hỏi những tiêu chuẩn khách quan.  

Năm 1985, Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra 3 tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học.  Năm 2000, 3 tiêu chuẩn này được hiệu đính lại, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để qui quyền tác giả.  Theo định nghĩa của ICMJE [4], một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau đây:  

Một là đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện. 

Hai là đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc. 

ba là phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san. 

Định nghĩa của ICMJE nói cụ thể là những người chỉ có công tìm tài trợ, chỉ có công thu thập dữ kiện, hay chỉ có công lãnh đạo một nhóm nghiên cứu không có quyền đứng tên tác giả nếu như không hội đủ ba tiêu chuẩn trên đây. 

Thật ra, những tiêu chuẩn trên đây cũng vẫn còn khá chung chung, và có thể được diễn dịch khác nhau tùy theo quan điểm của tác giả.  Do đó, có nơi triển khai 3 tiêu chuẩn trên thành 10 đóng góp cụ thể liên quan đến có công trong việc (1) soạn thảo bài báo, (2) thiết kế nghiên cứu, (3) phân tích hay diễn giải dữ kiện, (4) thu thập dữ kiện, (5) điều hợp công trình nghiên cứu, (6) phân tích lâm sàng, (7) phân tích thống kê, (8) phân tích sinh hóa, (9) cố vấn về thiết kế nghiên cứu, và (10) quản lí dữ kiện. 

Trong một nghiên cứu công bố trên Tập san Annals of Internal Medicine, các nhà nghiên cứu thẩm định 115 bài báo công bố trên Tập san Lancet từ tháng 7/1997 đến 12/1997, với 785 tác giả (tính trung bình khoảng 7 tác giả trên một bài báo).  

Trong số 115 bài báo này, khi đối chiếu lại với 3 tiêu chuẩn “vàng” của ICMJE, chỉ có 56% các tác giả hội đủ 3 tiêu chuẩn mà thôi!  Nói cách khác, có đến 44% các tác giả có tên trong bài báo nhưng không hội đủ 3 tiêu chuẩn của ICMJE.  Khi phân tích theo thứ tự tác giả, số lượng tác giả hội đủ cả 3 tiêu chuẩn như sau: tác giả số 1 (71%), tác giả 2 (60%), tác giả 3 (47%), tác giả chót (69%).  Như vậy có khoảng 40% đến 53% các tác giả thứ 2 và thứ 3 không hội đủ3 tiêu chuẩn để đứng tên tác giả.  Ngay cả trong cách tác giả số 1, có đến gần 30% không hội đủ 3 tiêu chuẩn để đứng tên tác giả!   

Như đã trình bày trên, bản chỉ dẫn của ICMJE đặc biệt nhấn mạnh rằng những người có công trong việc thu thập dữ kiện, giám thị hay người hướng dẫn, và tìm nguồn tài trợ cho công trình nghiên cứu không đủ điều kiện để đứng tên tác giả nếu không hội đủ 3 điều kiện chính.  Thế nhưng trong thực tế, rất ít ai tuân thủ theo chỉ dẫn này!  Phân tích của V. Yank và D. Rennie cho biết, có đến 35% tác giả là những người tham gia thu thập dữ kiện nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện; 36% tác giả là những người giám thị nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện; và 8% tác giả là những người có công tìm nguồn tài trợ nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện.   

Khi phân tích theo 10 tiêu chuẩn phụ, V. Yank và D. Rennie cho thấy tác giả số 1 và tác giả chót thường là những người trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo bài báo; ngược lại, tác giả số 2 và số 3 thường là những người đã làm công tác phân tích thống kê và quản lí số liệu (xem bảng thống kê số 1).  Các phân tích này cho thấy, dù một bài báo có nhiều tác giả, nhưng trong thực tế chỉ có 3 hay bốn tác giả (số 1, 2, 3 và tác giả chót) là có đóng góp đáng kể mà thôi. Phần còn lại có thể nói, chỉ là những “tác giả danh dự” hay “tác giả” không hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả. 

Vì thế, tôi đề nghị khi xét công nhận chức vụ GS ĐH, Hội đồng nhà nước về chức danh GS cần ứng dụng một phương pháp mà các tập san khoa học ngày nay làm. Đó là yêu cầu ứng viên phải tự khai báo cụ thể là họ đã đóng vai trò gì trong bài báo khoa học hay trong công trình nghiên cứu dựa vào 10 khía cạnh mà tôi vừa nêu trên.

  • Tiến sĩ y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Australia)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,