221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
548834
GS,PGS: "Đặc quyền" nhà giáo hay "cái danh" giới khoa học?
1
Article
null
GS,PGS: 'Đặc quyền' nhà giáo hay 'cái danh' giới khoa học?
,

(VietNamNet) - Sau ba năm thực hiện theo quy định mới (Nghị định 20), việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS đang được "điều chỉnh" để việc tôn vinh giá trị GS, PGS thực chất hơn. Tại hội thảo góp ý về những sửa đổi của Nghị định 20 diễn ra hôm nay (27/11), đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể để hoàn thiện công tác này.

GS Nguyễn Hữu Đức (người trẻ tuổi nhất được công nhận GS năm 2004) cùng người cha trong ngày vui nhận giấy chứng nhận chức danh
"Trả" chức danh GS, PGS cho người giảng dạy

Có cần phải công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho "đối tượng kiêm nhiệm" trong khi Luật Giáo dục hiện hành quan niệm GS, PGS là chức danh của nhà giáo?

Đối tượng kiêm nhiệm đây là cán bộ đã về hưu, người thuộc biên chế viện nghiên cứu khoa học và cơ quan hành chính. Theo tiêu chuẩn hiện hành thì PGS kiêm nhiệm phải có đủ thâm niên giảng dạy. "Có những người là Chánh văn phòng, làm lễ tân phụ trách đoàn ra, đoàn vào cũng tìm mọi cách "chạy" giờ dạy theo quy định và được xét công nhận PGS." - vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Đào tạo (Ban Tổ chức Trung ương Đảng) Nguyễn Xuân Sơn bức xúc.

Chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn: muốn có một hội đồng toàn những người có trình độ cao, có uy tín, hiểu rất rõ về ứng viên, cả về chuyên môn lẫn phẩm chất của nhà giáo để việc xét được chính xác và có chất lượng nhưng thực tế không có đủ những người như vậy. (GS Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước về Chức danh GS)

"Đây là mắc mớ chính của các ứng viên nên không tránh khỏi hiện tượng chạy xin giấy chứng nhận giờ giảng dạy." - GS TSKH Ngô Thị Thuận nhận xét - "Nếu thông suốt quan niệm  GS, PGS là các chức danh của nhà giáo ĐH nên không nên xét PGS cho cán bộ nghiên cứu của đơn vị nghiên cứu thì các nhà nghiên cứu không còn gì để phân vân".

Thế nhưng GS Nguyễn Xuân Bảo, chủ tịch Hội đồng ngành Thuỷ lợi lại phản đối. GS Bảo phân tích: Tiêu chuẩn  kèm "thâm niên giảng dạy" đã điều chỉnh hướng đi của nghiên cứu viên, cơ quan nghiên cứu: không chạy theo dự án sản xuất đơn thuần mà thay vào đó là đề tài, phát minh, sáng chế có nhiều hàm lượng chất xám; đồng thời thúc đẩy liên kết giữa viện và trường.

Nếu chỉ công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho đội ngũ nhà giáo thì sẽ làm cho những đối tượng "phi nhà giáo" chệch mục tiêu phấn đấu.

Mà, mục tiêu này có lẽ không chỉ của các nhà nghiên cứu. Theo GS Bảo, đó là "chức vụ khoa học đã tạo cho họ một vị trí nhất định trong xã hội, một lợi thế trong quan hệ công tác, trong điều hành một tổ chức lao động khoa học, điều không thể mua được bằng bất cứ giá nào. Cũng từ vị thế đó, họ sẽ tìm kiếm được việc làm tốt hơn, những chương trình đề tài cấp cao và đương nhiên được đãi ngộ nhiều hơn".

Trao quyền cho trường ĐH chỉ là hình thức

Soạn: AM 206191 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: "Căn cứ vào số lượng là cần thiết nhưng chỉ nên tham khảo thôi và yếu tố chất lượng mới quan trọng và quyết định. Có rất nhiều ngành trong nước có đủ chuyên gia để đánh giá chất lượng"

Cũng chính vì quan niệm GS, PGS là chức vụ nhà giáo nên Hội đồng Nhà nước về chức danh GS (viết tắt là HĐCDGSNN) đã đề xuất: Hội đồng này chỉ công nhận những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn; còn việc bổ nhiệm chức danh sẽ giao cho các cơ sở đào tạo ĐH, sau ĐH (sau đây gọi là "trường ĐH").

Với GS Vũ Dương Ninh, việc giao quyền phải căn cứ vào tình hình thực tế: "Ở nước ngoài, khi đội ngũ GS, PGS của họ đông đảo, mỗi trường ĐH là một cơ sở có lực lượng khoa học mạnh thì việc xét chức danh là của từng trường. Nhưng nước ta thì nhiều nơi không  đủ GS, PGS cần thiết thì làm sao có được sự đánh giá đúng nếu giao cho từng trường. Vì vậy, việc này là hơi sớm và chỉ nên làm khi các trường có đủ số lượng GS, PGS cần thiết"

GS TSKH Trương Minh Vệ cho rằng, nếu tách bạch hai khâu công nhận bổ nhiệm thì cần có hướng dẫn các trường trong việc ra quyết định bổ nhiệm.

Cũng đồng ý với xu hướng "phân quyền" nhưng GS Lưu Trần Tiêu, chủ tịch HĐCDGS liên ngành Văn hóa Nghệ thuật - Thể dục Thể thao lưu ý: Những ứng viên đủ tiêu chuẩn được lưu giữ trong "ngân hàng tên" ngày một nhiều, trong khi việc bổ nhiệm GS, PGS của trường chắc chắn rất hạn chế. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra, rồi những ứng viên đủ tiêu chuẩn và điều kiện nhưng không có cơ hội được trường bổ nhiệm thì giải quyết ra sao.

Việc tính điểm công trình chỉ là bảo đảm điều kiện cần  ở mức tối thiểu chứ không phải là điều kiện đủ. Việc đánh giá chất lượng công trình và uy tín khoa học phải thông qua việc thẩm định và bỏ phiếu tín nhiệm (GS Vũ Dương Ninh). Tăng tỷ lệ số phiếu tín nhiệm ở HĐCDGSNN lên 2/3 (GS Ngô Thị Thuận, GS Lưu Trần Tiêu).

Một cái "kho" dự trữ để chờ cơ hội bổ nhiệm dần theo nhu cầu như vậy, theo GS Nguyễn Xuân Bảo, sẽ không chọn được người đạt chuẩn nhất (giỏi nhất, thực chất nhất, trẻ nhất...) để bổ nhiệm vì theo truyền thông của ta phải theo trật tự tuổi tác, thâm niên. Chưa kể hàng loạt hệ quả như lãng phí chất xám, không công bằng...

Bởi vậy, GS Bảo đề xuất Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Nội vụ nên giao chỉ tiêu GS, PGS cho các trường trên cơ sở tính toán hợp lý. Việc này sẽ không gây ra "cái kho dự trữ" đồng thời tạo được động lực cạnh tranh lành mạnh cho cán bộ giảng dạy.

GS Nguyễn Văn Đạo bổ sung "cần sớm ban hành quy định về số lượng GS, PGS cho từng môn học, ngành học thì mới tạo cơ sở vững chắc cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và điều chuyển cán bộ".

Làm rõ hơn các ý kiến trên, ông Nguyễn Viễn Thọ, ĐH Huế mang đến tiếng nói từ cơ sở: Ở trường ĐH và viện nghiên cứu chưa đâu đưa ra được Khoa này, Khoa kia, bộ môn này, bộ môn kia cần bao nhiêu GS, PGS mà có bao nhiêu, dùng bấy nhiêu. Trên thực tế, phân biệt giữa công nhận và bổ nhiệm ngạch GS, PGS nhiều khi cũng là hình thức, theo ý nghĩa là trên thực tế chưa có ai được HĐCDGS công nhận mà lại không được bổ nhiệm ngạch. "Kể cả khi giao quyền bổ nhiệm cho trường ĐH, thì sự khác nhau chỉ là khác người ký trên giấy chứng nhận chứ thực chất cũng chẳng có gì khác nhau nếu chưa đưa ra sự định biên và quy luật cạnh tranh." - ông Thọ nói.

2 đợt/năm hay 2 năm/đợt?

Cần xem xét mức độ tham gia của ứng viên khi một cuốn sách có nhiều người là tác giả. Ví dụ, có giáo trình có thể đạt điểm tối đa là 3 nhưng chia cho chủ biên và hàng chục tác giả thì chỉ đạt 0,1-0,2 điểm. Vậy có nên đánh giá là viết sách? Có thể tham gia viết nhiều sách nhưng thẩm định kỹ thì chỉ là một đoạn giáo trình được chế biến nhiều chỗ (GS Vũ Dương Ninh). Các ứng viên GS phải có sách chuyên khảo là công trình nghiên cứu của mình, chứng tỏ ứng viên là người đứng đầu trong nhóm nghiên cứu và có uy tín về mặt chuyên môn (GS Ngô Thị Thuận).

Từ năm 2001 đến nay, việc xét công nhận chức danh GS hàng năm nhằm giải quyết số "tồn đọng" do gián đoạn thời gian trước, nhưng đến giờ "nguồn tuyển đã cạn." - GS Vũ Dương Ninh cho hay.

Những người chưa được công nhận năm nay cũng cần có thời gian hai hoặc ba năm phấn đấu để khắc phục những nhược điểm yếu hoặc thiếu của họ. Do vậy, nên xác định hai năm một lần là vừa phải, GS Ninh đề xuất. GS Ngô Thị Thuận cũng cho như vậy là hợp lý bởi "để hoàn thiện tiêu chuẩn, hàng năm HĐCDGSNN có thay đổi cách cho điểm làm cho một số ứng viên gặp khó khăn, không xoay sở kịp".

"Cần phải xem xét kỹ về thời gian, nếu một năm tiến hành xét công nhận một lần, e chỉ đủ thời gian cho các ứng viên chuẩn bị hồ sơ!" - Ông Nguyễn Xuân Sơn thận trọng.

Trong khi đó, GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu lại cho rằng không cứ mỗi năm xét công nhận một lần mà nên thực hiện 2 đợt/một năm và công bố luôn số đạt GS, PGS cho cả năm năm nhiệm kỳ của Hội đồng.

  • Kiều Oanh - Hạ Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,