221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
834878
"Trang sức" bằng luận án tiến sĩ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Trang sức' bằng luận án tiến sĩ
,

(VietNamNet) - Có người chọn đề tài tắm giặt cho quân đội để làm luận án tiến sĩ. Lại có người khẳng định cái mới trong đề tài của mình là cái đã quy định trong điều lệ Đảng. Bộ trưởng GD-ĐT phải thốt lên: "Bằng tiến sĩ không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm tiến sĩ. Đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người!"

Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ (TS) là nội dung được Bộ GD-ĐT chọn làm khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trong thời gian tới. Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH miền Trung - Tây Nguyên diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26/8 đã mổ xẻ điều này.

Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga: "Ở các nước, người ta tập trung đào tạo 3 năm ròng rã còn chưa được, trong khi ở ta chỉ đào tạo theo bán thời gian thì làm sao có chất lượng?".Ảnh: HC

Đề tài luận án TS: Tắm giặt cho quân đội!

Có nghiên cứu sinh (NCS) của một học viện thuộc quân đội đã làm luận án TS với đề tài: "Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc". Không được Bộ GD-ĐT chấp nhận,  học viện này vẫn khăng khăng bảo vệ với nhiều lý lẽ khá hùng hồn.  

Phải đến khi Thứ trưởng  Bành Tiến Long nói thẳng, nếu đề tài này được chấp nhận để làm luận án TS thì sẽ gây phản cảm trong dư luận xã hội và gây phản ứng đối với các nhà khoa học, họ mới chịu rút lui!.

Vụ trưởng Vụ ĐH & sau ĐH Trần Thị Hà đã làm cả hội trường "cười ra nước mắt" với câu chuyện trên.

Chưa kể, nhiều luận án TS xoay quanh một số chủ đề quen thuộc, chỉ khác nhau vùng nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu. 

Ví dụ như "nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng", "những giải pháp chủ yếu để phát triển một nghề", "đầu tư vốn cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá một ngành, một lĩnh vực nào đó"... 

Có NCS phải viết đi viết lại bảng thông tin tới 5 - 6 lần mà vẫn không chỉ ra được cái gì mới, mới so với ai trong đề tài của mình. "Bản thân đề tài chỉ là sự sao chép, không có gì  tìm tòi, sáng tạo riêng thì làm sao đưa ra được cái mới?" - Thứ trưởng Bành Tiến Long châm biếm. 

"Việc đào tạo và cấp bằng TS như hiện nay khiến chúng tôi rất xấu hổ" Có những vị vừa làm việc, vừa học rất làng nhàng, nhưng hết lấy bằng thạc sĩ lại đến bằng TS" - Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Phú Xuân (Huế) Nguyễn Đình Ngộ

Bà Trần Thị Hà còn nhớ mãi ấn tượng về một NCS làm luận án về bộ môn Mác - Lê nin. 

Sau nhiều lần yêu cầu viết đi viết lại bảng thông tin để đưa lên mạng,  NCS này cho hay, cái mới trong đề tài của mình là... phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng. 

"Vào Đảng hơn 20 năm, tôi biết những điều đó đã được quy định rõ trong điều lệ Đảng từ lâu, thế mà NCS ấy vẫn cho là... mới!" - Bà Hà than trời. 

Điều đáng nói,  một số đề tài "đặc sắc" như vậy vẫn được Hội đồng đánh giá các cấp (từ Hội đồng chấm đề cương, Hội đồng khoa học bộ môn đến Hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn) thông qua và đề nghị cho NCS được bảo vệ ở cấp Nhà nước.

 "Việc thực hiện những đề tài luận án TS kiểu như vậy chẳng những lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà chẳng đem lại giá trị gì cho khoa học, cho thực tiễn, thậm chí còn làm giảm uy tín của NCS, của người hướng dẫn và cơ sở đào tạo" - Bà Hà nói.

Truyền thống... nể nang 

Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Duy Tân (Đà Nẵng) Trương Sĩ Quý đã làm cả hội trường cười ồ khi hóm hỉnh: "Tôi thấy Hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn ở nhiều cơ sở có "truyền thống" rất... nể nang nhau. Tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, để sau này anh lại du di cho NCS mà tôi hướng dẫn!".  

Nhiều SV cũ của ông Quý, nay tham gia các khoá đào tạo cao học, thạc sĩ có các thầy từ nơi khác đến dạy đã than: "Tốn kém lắm, học phí 3 - 4 triệu nhưng cái khoản ngoài học phí thì tốn gấp 2 - 3 lần".

Học viên phải góp tiền để lo cho các thầy từ tiền khách sạn, vé may bay, rồi ăn uống, quà cáp... dù thày đã có tiêu chuẩn hẳn hoi.

Tình trạng chung này các trường đều biết nhưng lờ đi. Thầy giáo hướng dẫn chấp nhận chuyện đó thì làm sao tránh khỏi tình trạng nể nang, du di?"

Một biểu hiện du di khác nữa là khi chấm thi, nhiều trường nâng điểm cho thí sinh vô nguyên tắc.

Như trong kỳ thi tuyển sinh sau ĐH năm 2005, trong 17 bài thi môn Anh văn đạt điểm trên trung bình của các thí sinh thi NCS vào Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định lại, tại Hội đồng thi ĐH Thái Nguyên chỉ có 2 bài đạt yêu cầu. 

"Khi tôi hỏi các hội đồng thi tại sao lại có tình trạng này thì họ bảo vì trường còn chỉ tiêu nên du di cho thí sinh. Rõ ràng, không thể nói khác hơn là họ rất vô cảm với chất lượng đầu vào của NCS!" - Bà Hà nhận xét.

Hay một biểu hiện du di khác là  nhiều hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn thông qua luận án một cách chiếu lệ, gửi lên Bộ GD-ĐT mà không xem xét kỹ.  Vì vậy, nhiều luận án đã bảo vệ ở cấp bộ môn, khi gửi đi phản biện độc lập bị phê phán "như bản nháp" - ông Quý tiếp tục nêu thực tế.

"Thậm chí, việc đánh giá luận án cấp nhà nước cũng mang nặng tính hình thức, nể nang, ít các tranh luận khoa học về các vấn đề chuyên môn. Hãn hữu lắm mới có luận án bị xem là không đạt yêu cầu, phải bảo vệ lại.

Chưa kể, việc thẩm định chất lượng các luận án của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT cũng chưa được thực hiện theo quy định của Quy chế (thẩm định ngẫu nhiên, thẩm định luận án đạt xuất sắc để đề nghị khen thưởng). Sự thẩm định như vậy hầu như chỉ xảy ra đối với một vài luận án bị kiện cáo.

Không cần kín mà cần mới

GS Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng rất đồng tình với việc đưa các luận án TS lên mạng để lấy ý kiến đóng góp. Đồng thời, ông cho rằng, để nâng cao chất lượng luận án TS, không cần phản biện kín.

Lý do, đã làm luận án TS thì phải có cái mới. Cái mới này chưa chắc người phản biện đã hiểu ngay mà cần có sự trao đổi công khai với NCS và người hướng dẫn.

"Nếu phản biện kín, có khi người phản biện không hiểu được cái mới của đề tài rồi cho rằng luận án không đạt thì rất nguy hiểm", ông Ga cảnh báo.

Thứ trưởng Bành Tiến Long tiếp lời: "Bảo kín, nhưng thực sự có "kín" hay không? Chưa kể, đã xảy ra tình trạng các thầy phản biện kín có "trách nhiệm" tới mức, phản biện cho một luận án TS mà chỉ viết chưa tới nửa trang giấy! Tất nhiên là có những luận án yêu cầu phải bảo vệ bí mật, nhưng phải có tiêu chí rõ ràng chứ không thể nói cái nào cũng cần bảo vệ bí mật. Hồi tôi mới lên, có lần thấy có khá nhiều luận án được yêu cầu bảo vệ bí mật, nhưng khi kiểm tra làm rõ thì chỉ có... 1 cái!". 

Sẽ tăng tiền

Quy định thu chi tài chính cho đào tạo TS đã được ban hành từ năm 1994 nhưng đến nay chưa hề thay đổi. Với mức 6 triệu đồng/NCS/năm, trong thực tế, các cơ sở đào tạo chỉ nhận được 3,7 triệu đồng/NCS/năm.

"So với mức kinh phí đào tạo TS ở nước ngoài lên tới 15.000 - 20.000 USD/NCS là quá thấp", ông Ga so sánh.

Với khoản kinh phí quá thấp và lạc hậu như vậy, hầu hết các cơ sở đào tạo dùng vào việc tổ chức, quản lý đào tạo; phần dành cho NCS để thực hiện đề tài luận án hầu như không có. 

Vì vậy, NCS và người hướng dẫn chỉ chọn thực hiện những đề tài đòi hỏi chi phí thấp mà không quan tâm đến giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài, dẫn tới chất lượng luận án kém... 

Cũng theo GS Bùi Văn Ga, kinh phí cho một đề tài nghiên cứu cấp Bộ hiện nay chỉ khoảng 30 triệu đồng, khiến nhiều nhà khoa học ở nước ngoài khi nghe thấy đã không khỏi phì cười. Theo ông, không nên dàn trải khoản kinh phí này mà tập trung cho những đề tài lớn có đào tạo nhiều NCS.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: "Nếu thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm tiến sĩ. Đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người". Ảnh: HC

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ, làm NCS thì kinh phí phải đủ, không đủ không làm để tránh chất lượng kém.

Kinh phí đó có thể từ sự điều chỉnh quy định của Nhà nước và cũng có thể từ tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp. Người hướng dẫn NCS phải được lựa chọn năng lực và bố trí phù hợp. 

Sắp tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ rà soát lại các cơ sở đào tạo TS, đáp ứng đủ yêu cầu thì mới được đào tạo. Đồng thời rà soát lại chương trình đào tạo TS để đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Cùng với đó, sẽ bỏ thi tuyển, chỉ xét tuyển NCS làm luận án TS. Thời gian học sẽ tiến hành theo 2 hướng. Một là học tập trung trong 3 năm. Nếu không tập trung thì thời gian học sẽ kéo dài 5 năm; trong đó ít nhất phải có 6 tháng tập trung để viết bài, tham khảo ý kiến!".  

Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng quy chế đào tạo TS mới và phấn đấu đến tháng Giêng 2007 công bố.

  • Hải Châu

Ý kiến của bạn:

 

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,