221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
873466
GS "bổ sung"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
GS 'bổ sung'
,

(VietNamNet) - Cần xét bổ sung thêm các GS theo tiêu chí mới là thành tích công bố quốc tế, xét ưu tiên thứ tự theo điểm công trình. Chính sách đó không chỉ làm giảm được ảnh huởng của nhiều dạng tiêu cực, động viên các nhà khoa học trong nước vươn tới trình độ quốc tế, chọn được người tài, mà còn có tác dụng thu hút các TS trẻ có tài được đào tạo ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước.

Sau khi phân tích hiện trạng báo cáo khoa học ở hội nghị dư số lượng mà non chất lượng, tác giả Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) đã đề xuất việc "xét bổ sung GS theo tiêu chí mới" trong bài viết có tiêu đề gửi tới VietNamNet.

Báo cáo hội nghị tăng: Chất lượng nghiên cứu "loãng"

Các GS trong lễ công nhận chức danh năm 2006. Trong số 44 người được công nhận chức danh GS, có một người “trẻ nhất” ở vào tuổi 45; 30 người từ 50 - 60 tuổi và có tới 10 GS đã 60 tuổi. Ảnh: Hoàng Lê

Các nghiên cứu khoa học thì cho dù là lý thuyết hay ứng dụng đều phải có cái mới, và được công bố dưới dạng bài báo đăng tạp chí khoa học hoặc bằng phát minh, sáng chế (tức là phải được phản biện, thẩm định).

Ở VN hiện nay, điểm công trình để đánh giá đề tài và công nhận chức danh GS, TS được tính theo số bài báo đăng tạp chí khoa học và báo cáo hội nghị. Yêu cầu của các báo cáo, kể cả báo cáo ở các hội nghị khoa học quốc tế, thường dễ dãi.

Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học làm quen, trao đổi thông tin và tìm cơ hội cộng tác. Các báo cáo thường là tổng hợp từ các bài báo, không phải là nghiên cứu mới. Chính vì lẽ đó mà đang xảy ra thực tế, không biết nên buồn hay vui, khi mà các hội nghị khoa học cùng với các báo cáo kèm theo đang tăng nhanh vượt xa số công trình nghiên cứu mới được đăng trên báo (nhất là các báo quốc tế, có uy tín).

Chúng ta không phủ nhận tác động tích cực của các hội nghị. Tuy nhiên, do các báo cáo hội nghị không phải chịu phản biện ngặt nghèo như các bài báo khoa học, nên việc tăng tỷ lệ các báo cáo hội nghị sẽ làm loãng chất lượng nghiên cứu cơ bản.

Các tuyển tập kỷ yếu hội nghị đang được in ra cả đống nhưng không ai đọc, gây lãng phí và dẫn tới một nghịch lý là: ta áp đảo Thái Lan về các ấn phẩm khoa học, nhưng lại thua xa họ ở số bài báo quốc tế!

Ấy vậy nhưng các báo cáo hội nghị đã và đang trở thành “nguồn” điểm công trình chính của các đề tài và để các cán bộ tính điểm cho việc đăng ký các chức danh GS, PGS, nghiên cứu viên chính (NCVC), nghiên cứu viên cao cấp (NCVCC)!

Điểm công trình: Phải tính từ các công bố tạp chí quốc tế

Cơ quan quản lý nên chăng, trước mắt hạn chế số điểm từ các báo cáo hội nghị không quá 1/2 tổng số điểm của mỗi đề tài và các chức danh (quốc tế người ta không tính điểm các báo cáo hội nghị).

Ta cần hướng dần tới mục tiêu lớn hơn là phần lớn điểm công trình là phải được tính từ các công bố tạp chí quốc tế! Để hội nhập thực sự thì không thể khác được. Không thể ta cứ mãi là “vương quốc riêng”, đi lối riêng với chuẩn riêng, không cùng đường với ai cả.

Thiếu nghiên cứu đạt chuẩn mực quốc tế là điểm yếu kém nhất của nghiên cứu khoa học ở VN mà dư luận đã nói đến nhiều trong thời gian qua.

Việc tính điểm bài báo quốc tế chỉ hơn không nhiều so với bài báo trong nước, hay báo cáo hội nghị là không hợp lý và không khuyến khích được nỗ lực nghiên cứu ở trình độ cao.

Chúng tôi ủng hộ đề xuất thưởng hàng năm cho các công bố trên các tạp chí quốc tế. Trước mắt, trích từ 5-10% kinh phí của quỹ nghiên cứu cơ bản cho việc này. Nhiều nước có nền khoa học mới phát triển và đi trước chúng ta, như Hàn Quốc, Trung Quốc,... đang áp dụng thành công chế độ thưởng các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Điều này giúp đẩy nhanh và nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học ở các nước đó qua các thống kê cụ thể.

Không phải cứ tạp chí nước ngoài nào cũng đạt chuẩn mực cao. Gần 7.000 tạp chí quốc tế uy tín nhất của các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật đã được lựa chọn bởi ISI (Institute for Scientific Information, website: www.isinet.com) nên được coi là chuẩn đánh giá (mức 1). Còn tổng hợp các danh sách của các hội chuyên ngành Quốc tế (MathRev., ApplMech Rev., Chemical Abst.,...) là chuẩn đánh giá mở rộng (mức 2).

Để đầy đủ và đáp ứng mọi yêu cầu, các cơ quan quản lý cần thống kê các bài báo trên các tạp chí quốc tế theo 2 chuẩn đánh giá trên. Tự xây dựng tiêu chuẩn riêng sẽ làm tăng thêm tính không công bằng và không khách quan trong các đánh giá.

Nhiều tiêu chuẩn còn hình thức

Tiêu chuẩn GS (hay NCVCC) của chúng ta đưa ra nặng nề và quá hình thức như: phải có 10 (hay 20) điểm công trình, phải là PGS (hay NCVC) được 6 năm, phải có 1 NCS đã bảo vệ TS, phải dậy đủ số giờ quy định, phải viết một quyển sách, "phải ...và phải ...", nhưng lại bất kể chất lượng những thứ đó ra sao!

Các tiêu chí đó đang hướng tới các bậc cao niên, không có công trình nghiên cứu mới, càng không có các công trình được đăng trên các tạp chí thế giới. Có thể coi đây là đặc lợi của một số nhà khoa học làm lãnh đạo, quản lý có quyền, nhưng thời gian và khả năng làm khoa học thì hạn chế. Điều này cho thấy chỉ đưa đến một “hiệu quả” tất yếu: Không động viên được các nhà khoa học, đặc biệt là các cán bộ trẻ đang thực sự vươn tới trình độ cao.

Còn cái gọi là “kế hoạch nâng cao tiêu chuẩn GS” bằng cách tăng số điểm công trình lên 12, số NCS đã bảo vệ luận án TS lên 2 người,... sẽ không nâng cao chất lượng GS vốn đã thấp của chúng ta, mà chỉ làm đội ngũ GS của chúng ta đã già càng già thêm như các báo đã đưa và làm tăng số công trình cấp “địa phương” (báo cáo hội nghị chất lượng thấp như đã nói ở trên), và nở rộ số TS yếu kém vốn đã quá dồi dào.

Hội đồng chức danh  GS Nhà nước từ chối đề xuất đưa yêu cầu về công bố quốc tế vào tiêu chuẩn GS ở ta với lý do “trình độ khoa học chung của chúng ta hiện còn thấp”, nhưng lại né tránh xem xét ưu tiên cho các nhà khoa học tâm huyết ở VN đã vươn tới được các công bố quốc tế?

Trong khi đó trên thế giới, các nhà khoa học và GS được đánh giá chủ yếu qua các công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho rằng, GS phải có nhiều học trò và “đứng đầu một trường phái”? Nghe thì có vẻ to tát nhưng trong thực tế thì thế nào? Có những GS có chức, quyền được quản lý một nhóm lớn, cho ra lò một loạt các TS trình độ thấp với những kết quả nghiên cứu chỉ là các ấn phẩm địa phương và báo cáo hội nghị! Liệu có thể gọi đó là 1 trường phái?

Trên thế giới có các GS khoa học ứng dụng, thực nghiệm lãnh đạo các nhóm lớn, GS khoa học lý thuyết có các nhóm nhỏ hơn, thậm chí có các GS và Giám đốc nghiên cứu (ở Pháp) làm việc độc lập, nhưng họ đều là các chuyên gia đã nổi danh trong một lĩnh vực nhất định thông qua các công trình Quốc tế của mình. Ảnh hưởng của họ không chỉ thể hiện qua các học trò trực tiếp, mà còn nhiều hơn và rộng hơn qua các công bố mang tính quốc tế đó. GS Anhxtanh không đào tạo TS, nhưng nhiều người tự nhận là học trò của ông.

Việc đưa số giờ dạy học làm một tiêu chí đánh giá, công nhận chức danh GS, PGS là tạo kẽ hở cho một số lãnh đạo cơ sở lợi dụng quyền của mình để cho phép người này và cản trở người khác tham gia đào tạo, không dựa theo khả năng chuyên môn của họ và lợi ích của các học viên.

Điều này trái ngược hẳn với thực tế các nước đang làm: người ta tìm mọi cách thu hút các cán bộ nghiên cứu khoa học giỏi tới giảng dạy để nâng cao uy tín của cơ sở đào tạo, để cạnh tranh với các cơ sở khác.

Khi một nhà khoa học đã có nhiều công bố quốc tế rồi thì việc viết sách không phải là một cái gì quá đặc biệt để đề ra như một tiêu chuẩn riêng.

Trên thế giới, có những nhà khoa học và GS rất giỏi qua thành tích nghiên cứu nhưng không viết sách (GS Anhxtanh của Viện nghiên cứu cao cấp Princeton cũng không viết sách giáo khoa hay chuyên khảo).

Tăng tỷ lệ GS "bổ sung"

Trước mắt, để tôn trọng tính kế thừa và tính tới thực tế, trong khi vẫn giữ tiêu chuẩn GS như Hội đồng chức danh GS Nhà nước đã chọn, cần xét bổ sung thêm các GS theo tiêu chí mới là thành tích công bố quốc tế, xét ưu tiên thứ tự theo điểm công trình. Yêu cầu khác chỉ là dạng nhận đảm nhiệm, kiêm nhiệm công tác giảng dạy hoặc hướng dẫn NCS ở các ĐH hay Viện nghiên cứu.

Chính sách đó không chỉ làm giảm được ảnh huởng của nhiều dạng tiêu cực, động viên các nhà khoa học trong nước vươn tới trình độ quốc tế, chọn được người tài, mà còn có tác dụng thu hút các TS trẻ có tài được đào tạo ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước như Trung Quốc đã làm thành công.

Các TS trẻ tài năng của Trung Quốc qua thời gian thực tập sau TS (theo học bổng Humboldt, ...) từ nước ngoài trở về có thể lập tức nhận vị trí PGS và cả GS (không cần qua bước PGS) nếu trình độ và các công bố quốc tế của họ vượt được các ứng viên tương ứng có thâm niên trong nước.

Tỷ lệ số GS "bổ sung" này cần được tăng dần theo thời gian, và sẽ là cái cầu nối chúng ta tới chuẩn quốc tế, góp phần mang lại sinh khí và sức trẻ cho khoa học nước nhà trong hội nhập.

  • Phạm Đức Chính (Viện Cơ học Việt Nam)

Ý kiến của bạn:


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin liên quan

,
,
,
,