Võ lâm "dậy sóng" với công văn của Bộ GD-ĐT

Cập nhật lúc 16:18, 02/08/2010 (GMT+7)

Trên báo Thể Thao Văn hóa số ra ngày 30/7 có nêu ý kiến phân tích của độc giả Đào Công và phỏng vấn một số nhân vật đại diện cho các phái võ khác về câu chuyện "đưa môn võ Vovinam vào các chương trình ngoại khoá của Bộ GD-ĐT. Để góp thêm một góc nhìn, VietNamNet giới thiệu các ý kiến này.

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Vovinam có phải là Quốc võ?

Trên trang web của Liên đoàn Vovinam Việt Nam, võ phái này mới thành lập từ năm 1938, do võ sư Nguyễn Lộc kết hợp giữa võ thuật Trung Quốc và kỹ thuật vật vùng Sơn Tây (Việt Nam) sáng chế ra. Trong quá trình phát triển, môn võ này du nhập thêm các kỹ thuật của nhiều môn võ khác.

Trong những năm gần đây, Vovinam có sự phát triển mạnh mẽ ở các nước có cộng đồng người Việt sinh sống, đã thành lập được liên đoàn cấp quốc gia, từng bước tham gia và hệ thống thi đấu khu vực. Đây là điều đáng mừng, vì thể thao nước nhà có nhân tố mới, với sinh khí mới, góp phần đưa thể thao trong nước hội nhập khu vực và quốc tế. Cũng chính vì sự khởi sắc, phát triển của Vovinam thời gian qua, mà có ý kiến chọn bộ môn võ này là "quốc võ"!

Mô tả ảnh.
Các võ sĩ Vovinam trong một bài thi biểu diễn - Ảnh: Hồng Long

Vấn đề này khi đưa ra cũng đã gặp phải rất nhiều ý kiến phản biện, nhất là tại các bộ môn võ thuật cổ truyền, các chuyên gia về lịch sử, văn hoá.

Qua tham vấn các chuyên gia nội dung thuộc Dự án số hoá di sản văn hoá - Bộ VH,TT&DL; các nhà khoa học thuộc Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, quan điểm chung là có hai tiêu chí để lựa chọn một bộ môn võ thuật nào đó là "quốc võ"- với tư cách là bộ môn đại diện cho nền võ thuật của một quốc gia.

Một là, phải được sinh ra từ dân tộc và có thời gian tồn tại lâu dài (có thể hàng trăm, hàng nghìn năm) trong lòng dân tộc đó, đồng thời phải có những đóng góp lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ, triều đại.

Hai là, phải mang đậm bản sắc của dân tộc đó, nghĩa là phải thuần nhất là của dân tộc đã sản sinh ra nó, không được pha tạp, lai căng với võ thuật nước ngoài. Điều này đòi hỏi môn võ đó phải có hệ thống lý luận về tâm pháp, yếu pháp, môn công, y võ...đồ sộ, toàn diện, mang đậm tính riêng có được đúc kết qua hàng ngàn đời của dân tộc đó.

Mô tả ảnh.
Dạy võ Cổ truyền Tây Sơn.

Trở lại với câu chuyện Vovinam, nếu căn cứ theo tiêu chí bề dày lịch sử, có công lao với đất nước và tính truyền thống đặc thù, thì môn này không phải là "quốc võ". So với truyền thống hàng trăm năm của võ Tây Sơn - Bình Định, của võ Hét miền Thanh - Nghệ (Nhất Nam) và nhiều võ phái khác, thì môn Vovinam là phái võ trẻ.

Thời gian chưa đủ nhiều để kiểm chứng tính khoa học của nó. Có học giả đặt câu hỏi: Nếu Vovinam là Quốc võ, thì trước khi ra đời (năm 1938), tổ tiên ta đánh giặcc và thắng giặc bằng gì?

Khả năng ảnh hưởng tới các môn võ cổ truyền

Tuy nhiên, như người xưa thường nói : "văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị", việc tranh luận hơn thua trong võ, thật không có hồi kết. Điều cần thiết lúc này là nhận thức sao cho đúng để bộ môn nào cũng được tạo điều kiện phát triển như nhau. Việc "chỉ thầu" cho các tỉnh phải dạy võ Vovinam là không có cơ sở khoa học, đồng thời làm ảnh hưởng tới tất cả các võ phái khác.

Bên cạnh đó, tại rất nhiều địa phương, nhiều bộ môn võ thuật khác nhau đã được đưa vào nhà trường và triển khai rất thành công, trong phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ GD-ĐT phát động.

Mô tả ảnh.
Dạy võ Nhất Nam tại trường học ở Yên Bái.

Điển hình như tại tỉnh Yên Bái, ngành giáo dục thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai dạy võ thuật dân tộc Nhất Nam trong toàn bộ hệ thống các trường phổ thông, đã thu được những kết quả rất đáng phấn khởi, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.

Tại quê hương môn võ Tây Sơn - Bình Định, phong trào học sinh tập võ cũng rất mạnh mẽ...Tại TP.HCM, các môn phái như Tân Khánh, Bà Trà, Sa Long Cương, các môn võ Thiếu Lâm, Nam Hồng Sơn, Karatedo, Taekwondo, Judo v.v...cũng phát triển rất mạnh trong các nhà trường, đem lại bầu không khí sinh hoạt võ thuật sôi động và lành mạnh.

Do đó, nếu công văn nói trên đi vào cuộc sống, hàng loạt chương trình đào tạo võ thuật cho học sinh đang được triển khai của rất nhiều môn phái sẽ "chết yểu".

Hậu quả nhãn tiền đó là sự kỳ thị, thậm chí mâu thuẫn giữa các môn phái, phát sinh vấn đề xã hội phức tạp khác. Nhiều võ phái vì không có học trò mà đóng cửa, những giá trị văn hoá phi vật thể theo đó mà mất dần...

Võ thuật dân gian Việt Nam từ ngàn đời đã tạo nên khí phách con người Việt. Hơn cả câu chuyện quyền cước, đó chính là văn hoá. Sự đa dạng về văn hoá làm giàu tài sản tinh thần của dân tộc.

Do đó, không thể vì những cái ngắn hạn, mà phá bỏ hủy hoại khối tài sản vô giá này. Vì đây là một vấn đề lớn và nhạy cảm, nên chăng Bộ GD-ĐT cho dừng ngay việc triển khai văn bản này, đồng thời cho phép ngành giáo dục ở các địa phương được quyền chủ động lựa chọn bộ môn võ thuật phù hợp để đưa vào các trường học nhằm rèn luyện thể chất cho học sinh.

Ông Nguyễn Văn Thắng - HLV môn phái Tây Sơn ở Hà Nội: “Những kỹ thuật đặc dị, mang tính riêng có và nguyên gốc đã làm nên một Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc, một Taekwondo của Hàn Quốc, một Karate do của Nhật Bản. Ở nước ta, tiếng là võ Việt, nhưng quan sát kỹ hình thái chiêu thức, đòn thế, kỹ chiến thuật…của một số môn phái, thấy ngay bóng dáng của quyền thuật Trung Hoa...Nhiều võ sư không phủ nhận đó là “võ Tầu”, nhưng đã được “Việt hóa”. Cách tư duy “cá vào ao ta là của ta” cũng không vấn đề gì, nhưng đó không thể là sản phẩm “nội” thứ thiệt, vì vậy không thể có tiếng nói đại diện…”.


Ông Đào Hoàng Long - HLV môn phái Nhất Nam ở Yên Bái: “Võ ta xưa sinh ra từ làng quê, từ cuộc sống lao động nông nghiệp của cư dân Lạc Việt. Trải qua bao cuộc chiến tranh giữ đất, giữ làng, những kỹ thuật tự vệ - chiến đấu được hình thành dần. Võ ra đời từ đó và trở thành thứ vũ khí lợi hại của tổ tiên ta trong các trận đối đầu trực diện với kẻ thù hùng mạnh. Người Đại Việt vốn nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn nên thường lấy thủ làm gốc, rèn thân pháp thật nhanh để tránh né đòn thù cho khéo, rồi chớp thời cơ nhắm vào điểm hở, điểm yếu, chỗ hiểm của địch mà “ xuất kỳ bất ý”, ào ạt tấn công để dứt điểm. Kỹ thuật cận chiến, xoay trượt, tiếp áp rồi bung ra hàng “sêri” đòn bằng kỹ thuật gật, lắc cổ tay; thuật cầm nã, tiếp vít, khóa quật…là những nét đặc dị của võ ta, xuất phát từ đặc điểm thể chất và tâm lý của con người Việt”.

(Theo Thể thao và Văn hóa)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Tuấn Khoa, Hà Nội, 16:36, 04/08/2010

Ý kiến đưa võ vào trường học rất hay. Nhưng không nhất thiết là môn võ nào, tuỳ từng địa phương mà lựa chọn cho phù hợp là tốt nhất. Tôi rất mong Bộ GD-ĐT sớm triển khai.

Thaodandatviet, Đồng Nai, 14:54, 04/08/2010

Tại sao chúng ta cứ phải bàn cãi nhiều với nhau làm gì về môn phái nào là quốc võ.

Vấn đề là việc dạy võ cho học sinh trong trường học như thế nào để có chất lượng và có tác dụng tốt, muốn như vậy thì phải có đội ngũ giáo viên, HLV am hiểu về võ thuật, hay nói dễ hiểu hơn là phải " có võ".

Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn Thất Sơn ( Cần Thơ), người dạy võ mà không hiểu tí gì về võ thì còn thua cả một võ sinh hạng bét, làm sao dạy cho HS, không phải GV dạy Thể dục nào cũng có võ.

Bản thân tôi cũng đã và đang dạy Thể dục hơn 10 năm nay nhưng cũng chỉ là dạy chéo ban, chưa hề học võ thì làm sao dạy cho HS, chẳng lẽ 40 tuổi đầu rồi phải đi học võ để dạy cho HS?

Hoàng Dũng, Hà Nội, 14:44, 04/08/2010

ích kỷ + ích kỷ = ích kỷ, cá nhân + cá nhân = cá nhân, Tây hay ta miễn đạt được mục tiêu. Nói lắm không bằng làm, làm cho tương lai tâm huyết huyết là việc làm tốt, vấn đề là ai làm, ai khuyến khích người làm

Tuyên, HN, 12:21, 04/08/2010

Nếu để nâng cao sức khỏe thì yêu cầu tùy chọn môn phái chứ sao lại bắt phải là Vovinam cho nó thuận tai?
CHẳng nhẽ cứ tên là Việt Võ đạo mới là võ Việt à, mà chắc gì đã là võ Việt?
Hay là có mục đích kinh tế, quan hệ ở đây?

Nguyễn Việt Hưng, 16/703 Phường Hạ Long-TP Nam Định, 10:41, 04/08/2010

Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ GDĐT đưa môn võ thuật vào học trong các cấp học để cho các em rèn luyện thân thể và chuẩn bị cho các em định hướng về sau này khi các em trưởng thành và có nhận thức đầy đủ.

Nhưng việc này nên để đa số mọi người tham gia góp ý để có được sự đồng thuận khi phát triển môn võ nào thành môn quốc võ.Vì đã học võ thì phải kết hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh.

hoamaixanh03, tuoitresebaycaomai@yahoo.com, 10:15, 04/08/2010

Tôi cũng nhận thấy các ý kiến phản đối là có phần quá đáng và nâng quá cao Quốc võ và học võ một cách chính thống.

Chúng ta hãy chỉ hiểu đơn giản đây cũng như 1 trong những môn thể dục: nhảy cao, bơi lội, nhảy xa...

Điều tốt đẹp của việc học võ còn giúp các em ngoài việc nâng cao sức khỏe còn nâng cao về đạo đức trong việc học võ, các em sẽ cảm thấy tự tin hơn và không sợ bị bắt nạt, tự tin hơn để giúp đỡ người hoạn nạn mà không sợ bị bọn xấu trả thù.

Hồi đi học tôi cũng mơ được học võ, vậy mà không có.

Hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã đưa ra quyết định hay.

Nhung Lee, Đống Đa - Hà Nội, 23:08, 03/08/2010

Xin phép mình xin có một vài ý kiến cá nhân như sau:

1. Tại sao cứ phải là Vovinam mà không phải là môn võ khác? Thực tế hiện giờ tại các trường học trên địa bàn cả nước đang có khá nhiều môn phái hoạt động, và cũng rất hiệu quả.

Nếu mục đích chính đáng nhất cho việc này là vì SỨC KHỎE học sinh, sinh viên, vì tương lai đất nước, vậy tại sao không cho các em có sự lựa chọn cho mình một môn THỂ THAO thích hợp nhất với thể trạng của các em. Phải chăng cứ học võ mới là bảo vệ được đất nước?

Phải chăng cứ phải học võ mới có sức khỏe tốt? Vậy những môn như điền kinh, cầu lông ... nhân dân ta luyện tập thường xuyên là không mang lại sức khỏe tốt?

2.Không thể nói việc chọn Quốc võ phải đảm bảo 100% thuần Việt là cổ hủ. Lựa chọn 2 sản phẩm, 1 sản phẩm lai ngoại và 1 sản phầm 100% do Việt Nam sản xuất và được quốc tế công nhận, bạn tự hào cái nào hơn? Mình không có ý nói xấu về Vovinam, bởi bản thân mình đã từng có ý định đi học Vovinam. Nhưng việc chọn Quốc võ không phải cứ dựa trên số giải thưởng mang về là được. Tuy nhiên, mình cũng xin ý kiến thêm là dù là Quốc võ hay là môn võ nào thì việc áp dụng, gán cho tất cả các trường học là không hợp lý. Quốc võ đáng tự hào, nhưng nếu đem cái tự hào đó bắt người không hợp với nó học một cách gượng ép sẽ phản tác dụng.

3. Thầy giỏi sẽ có trò tốt. Thầy giỏi ở đây không những là giỏi về ký thuật, mà phải có cả cái đức của người thầy, của người học võ. Liệu Liên đoàn VOVINAM có đủ giáo viên cung cấp nhu cầu tại các trường lớn như vậy?

Hoàng, Hà Nội, 16:25, 03/08/2010

Các bạn hiểu sai về Bộ GD-ĐT rồi.

Tthực ra ở đây là rèn luyện sức khoẻ cho toàn thể học sinh để có sức lao động và học tập chứ đâu phải bắt các em phải thuần thục các kỹ năng của VIVONAM.

Còn nói như bạn Hà Minh Khoa thì lại càng không đúng cái gì cũng vậy. Phải tuân thủ theo tổ chức có 1 người lãnh đạo chứ, nếu theo bạn thì học theo yêu cầu của học sinh thì giả dụ mỗi học sinh đòi học 1 môn phái thì cứ 1 trường phải tuyển số võ sư bằng số học sinh à? Vô lý.

Mặt khác, các người cũng quên cái kiểu cổ hủ: Nào là học võ quốc -- võ chính phái,v.v. Xin nhắc lại đây là rèn luyện sức khoẻ cho nhân dân lấy học sinh, SV làm lòng cốt chứ không phải tổ chức bảo tồn võ học

Hoan hô bộ GD-ĐT có ý tưởng tuyệt vời. Dăm mười năm nữa người VN sẽ có sức khoẻ tốt để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Ah! nhắc thêm nhà Mạng là tại sao lúc trước tôi gửi ý kiến mà không thấy cho đăng? Nếu không đăng thì xin huỷ mục này đi

Phạm Hữu Nguyên, 45, Lê Đại Hành, Hải Phòng, 15:01, 03/08/2010

Theo tôi, trong nhà trường cũng phải có một nền cơ bản về võ thuật.

Trước khi cho các cháu học võ vovinam cũng rất tốt cho các cháu một sân chơi rèn luyện sức khoẻ.

Cũng không nhất thiết mình phải soi xét nọ kia làm gì. cốt là làm sao hướng cho các cháu có một tinh thần tập luyện cũng như một môn thể dục cho các cháu.

Học võ là để thể dục cho cơ thể khoẻ mạnh để có sức khoẻ để học tập tốt hơn.

Nếu Bộ GD-ĐT có chương trình cho các học võ là rất đáng hoan nghênh. Chỉ sợ đánh trống bỏ rùi thì không hay. Chúc Bộ GD-ĐT chuẩn bị tốt giáo viên cho các cháu học tập tốt.

Linh, Cầu Giấy, Hà Nội, 13:43, 03/08/2010

Có 1 điểm hoàn toàn sai trong í kiến bài viết này là: lấy "thời gian tồn tại" là 1 trong 2 tiêu chí đánh giá Quốc võ. Như vậy là hoàn toàn bảo thủ, mang tính hình thức, xáo rỗng. Đây chỉ nên đc xem là 1 tiêu chí NHỎ để đem ra bàn xét.

Nếu còn trẻ mà có tiềm năng là tốt, tích cực vì có tiềm năng cho sau này. hiện tại chỉ là tức thời. Ta xét về hành trăm nghìn năm sau rồi tất cả các môn võ sẽ đều đc gọi là lâu đời hết. nên như vậy quả là phiến diện, không bao quát!

Công văn chỉ đạo đưa chương trình ngoại khóa, khích lệ tinh thần thượng võ của đất nước, rèn luyện sức khỏe cho học sinh. Đó là điều đáng mừng. Nhưng mới chỉ là hoạt động ngoại khóa, tự chọn, chưa hề bắt buộc học sinh. Như vậy, không có gì sai cả.

Đem so sánh các môn võ cổ truyền, ta thấy: xưa nay, các môn võ nc ta đều bình đẳng tự túc phát triển môn phái. Gần đây, Vovinam phát triển rộng rãi, phổ biến, quy mô hơn cả, thành tựu đạt được đáng lưu tâm nhất. (phát triển rất mạnh trong và ngoài nước, được đưa vào 1 môn thi đấu trong SeaGames ...).

Vovinam vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại và có tiềm năng rất lớn. vì thế việc vụ trưởng chọn môn võ Vovinam là hoàn toàn dễ hiểu.

Nước ta có rất nhiều võ phái, nhưng việc chọn ra một môn đại diện góp mặt với thế giới là cần thiết. Nhìn sang, Nhật cũng có rất nhiều môn võ nhưng nhiều người chỉ biết đến Karate? Không phải bắt chứoc, VN cũng vậy, nguời ta biết Vovinam là nổi hơn cả. Vovinam hoàn toàn có thể đc chọn là Quốc võ!

Mong mọi ng có 1 cái nhìn khác!

Nguyễn Văn Như, Hải Dương, 09:45, 03/08/2010

đề nghị Bộ GD&ĐT cần thận trọng khi triển khai việc này tới quy mô toàn quốc

Hà Tiến Tùng, Thanh Oai - Hà Nội, 09:10, 03/08/2010

Hay nhất là mỗi tỉnh nên chọn ra một môn võ cổ truyền, như thế vừa làm phát triển võ địa phương, theo nhiều xu hướng, sau đó sẽ tìm cách chọn 1 môn võ có nhiều ưu điểm để phổ biến.
Tôi thấy đưa võ cổ truyền vào trong học đường là tốt, vì học võ thì thường học kèm cả nhân, tốt hơn học ở trường bây giờ. trước đây tôi đã học võ, nhưng không bao giờ đánh nhau, vì các thầy đã dạy kỹ, học võ để rèn luyện không phải để đánh nhau. nếu được thế thì quá tốt.

Người yêu võ thuật, 08:59, 03/08/2010

Việc đưa võ thuật vào là một môn học là việc rất hay, nó giúp học sinh rèn luyện thể chất tốt, tăng cường thể lực và ý chí cho học sinh.

Các cụ nói "Học văn cho võ đỡ phu, học võ cho văn đỡ nhược" là như thế.

Nhưng việc chỉ định phải học Vovinam là không hợp lý. Nó thể hiện cái nhìn phiến diện và suy nghĩ nông cạn của người ra quyết định. QĐ này:

- Xóa hết công sức của các trường khi đã đưa các môn võ khác vào trươc đó ( họ còn nghĩ ra trước các bác)
- Mỗi địa phương có đặc trưng riêng, truyền thống riêng ( bác là Dân Bình Định bác có học Vovinam không ?)
- Một môn phái võ tồn tại lâu năm ( hàng trăm năm) thể hiện sự đúng đắn về triết lý và kỹ thuật ưu việt của nó. Vovinam chưa đạt đến độ này.

Hà Minh Khoa, bạch mai hai bà trưng hà nội, 00:58, 03/08/2010

Xin phép không bình luận vấn đề Vovinam có phải là Quốc Võ hay không. Nhưng là người học võ, tôi thấy việc đưa Vovinam vào chương trình giảng dạy ở trường học như của Bộ GD - ĐT đưa ra là không hợp lý.
Tập võ là để rèn luyện sức khỏe và đạo đức. Không thể trói buộc tất cả học sinh chỉ học Vovinam.
Mọi người đều có quyền chọn cho mình 1 môn võ yêu thích, hợp với thể trạng của mình để theo tập. Như vậy mới phát huy được tinh thần của chính môn võ đó. Nếu chỉ chọn Vovinam, vậy các môn khác được đặt ở đâu. Nhiều môn võ cổ truyền đã có công giữ nước, nhiều môn võ khác cũng góp phần làm dạng danh thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Liệu những môn sinh của các môn võ đó có phục không khi họ có công nhưng không được trọng. Bản thân tôi thì tôi không phục . . .

yeu hoc sinh, Đống Đa, 23:25, 02/08/2010

Tôi ủng hộ dạy võ Vovinam.

Mục tiêu của học võ là để tăng cường sức khỏe và cái tâm cho học sinh.

Cần dạy môn võ nào có tính phổ cập cao, có khả năng phát triển, đơn giản, hiện đại, hiệu quả. Đây chỉ là dạy võ cho học sinh thôi đừng quá đề cao mục tiêu, tiêu chí, yêu cầu như tính dân tộc, tính truyền thống... vậy thì Việt Nam chẳng có môn nào phù hợp cả.

Nhớ rằng học sinh chỉ học có vài tiết một tuần (tháng) nên đừng đòi hỏi quá ở môn võ. Võ là để dạy cho học sinh nên phải phù hợp với học sinh chứ không phại dạy võ cho các võ sinh đi thi đấu.

Võ cũng phải là môn giả trí cho các em. Có thể ở một số nơi đặc thù hoặc làng võ nào đó các trường có thể lựa chọn môn võ khác của vùng. Võ thuật là phải giao lưu, là phải học hỏi lẫn nhau để tiến bộ

Đừng lấy cái tự hào dân tộc ra để áp đặt nào là 100% Việt.. Nếu cái gì cũng 100% Việt thì người Việt tự tách mình khỏi thế giới và sẽ tự diệt vong. Giống như đặt câu hỏi võ Tây Sơn, võ Bình Định ... có thắng được Karate, Thiếu Lâm ... không? Vậy không cần thiết để trả lời những câu hỏi đó.
Tôi mong điều có lợi nhất cho các em học sinh.

Thất Sơn, Cần Thơ, 21:36, 02/08/2010


Ý của bạn Nguyễn Thanh Thủy (Vũng Tàu) rất xác đáng. Học sinh từ bậc tiểu ở New zealand đã được chọn môn học năng khiếu tự chọn (nôm na là môn tự chọn trong học chế tín chỉ mà ta đang mạnh mẽ áp dụng từ 2009) chứ không ép như ta.

chu long , Hàng Kênh Hải Phòng , 21:33, 02/08/2010

Nếu đưa một môn học mới vào trong học đường thì trước tiên phải có sự chuẩn bị về tâm lý và dư luận để xem mức đọ khả thi của dự án ,đằng này bộ muốn dung quyền để áp đặt.

Học võ là tốt cho sức khỏe ,song tôi thấy trong trường học hầu như học sinh đang vật lộn với sự học quá tải (học thêm) các em đã quá mệt mỏi ,nay lại đưa môn võ vovina vào học đường chắc các em không kham nổi và chắc tiêu cực lại nảy sinh.

Mong các nhà quản lý cắt bớt sự phiền hà cho học sinh và phụ huynh được nhờ mà muốn làm gì thì cũng nên trưng cầu và thăm dò trước phản ứng của đại đa số thầy tò và phụ huynh học sinh và những nhà nghiên cứu chuyên môn

Thất Sơn, Cần Thơ, 21:30, 02/08/2010

Theo tôi thì cứ để từng trường học chọn môn võ nào vào môn năng khiếu cho trường mình.

Ở tỉnh tôi có trường chọn Vovinam, có trường chọn Taekwondo,, có trường chọn Karatedo...

Mỗi địa phương đều có những võ sư giỏi của từng môn phái, có những võ sư chuyên về quyền hoặc chuyên về thi đấu đối kháng.

Hiện nay, theo tôi biết ở một số địa phương có không ít VĐV là võ sinh từ các môn phái khác được điều động tăng cường thi đấu đối kháng cho Vovinam (cụ thể là Giải vô địch Vovinam ĐBSCL vừa qua tại An Giang từ 27-31.7.2010) và sau giải các VĐV lại trở về với môn võ mà họ thích nhất.

Tôi là người dân VN, rất yêu quê hương nhưng không vì thế mà tôi nghĩ Vovinam phải là môn võ bắt buộc ở trường học.

Hãy để cho học sinh (cụ thể là các con, cháu của tôi) được chọn cái mà các em thích, thích mới học được.

Ngoài ra, theo tôi được biết Hàn Quốc có Học viên Taekwondo (luôn cập nhật kỹ thuật mới và sau đó được phổ biến rộng rãi) mà người ta còn chưa dám đưa vào chương trình bắt buộc học ở trường học, vậy lí do gì Bộ GDĐT lại làm khác người.

Nếu các vị nhìn thấy các GV thể dục dạy võ cho HS-SV thì nói thật thua các em 6-7 tuổi học cùng môn võ về cả kỹ thuật và lực ...

Võ phải được học từ nhỏ, gặp thầy võ phải biết dạy người và giỏi chuyên môn con chúng ta mới thật sự thành người, ngược lại thì sẽ rất có hại. Nói tóm lại, hãy để con cháu chúng ta tự chọn môn năng khiếu theo sở thích của các cháu, thích võ thì học võ, thích nhịp điệu thì học nhịp điệu hay thích chơi cờ vua thì chơi cờ vua... như thế mới phát huy được năng khiếu của mỗi em học sinh.

Tieu Phong, 21:24, 02/08/2010

Để rèn luyện thể chất cho học sinh thì đã có các môn TDTT là đủ. Còn muốn công nhận môn võ nào đó là "Quốc võ" thì cần phải được sự thống nhất của toàn dân và các võ sư, các nhà nghiên cứu, các nhà sử học... Quốc võ phải được triển khai ở một qui mô và nhận thức khác chứ không nên làm việc một cách máy móc như vậy

Nguyễn Kim Tôn, Hà Nội, 20:51, 02/08/2010

Khi coi Vovinam là quốc võ, nhiều người cho rằng nó ảnh hưởng nhiều từ Tàu. Vậy thử hỏi, có phái võ nào không bị ảnh hường của" Tàu" không?

Nếu các phái võ nào cũng muốn được đề cao, coi mình mang đậm chất Việt Nam và chế phái võ khác bị ảnh hưởng của "Tàu" thì chúng ta chẳng khác nào đang vạch áo cho người xem lưng.

Chi bằng cứ chấp nhận chọn một môn phái nào đó ít bị ảnh hưởng, xây dựng nó thánh dân tộc, loại bỏ dần yếu tố ngoại lai và mang đậm chất Việt Nam. Một môn phái nếu chúng ta biết xây dựng tốt thì sẽ dần loại bỏ được những ảnh hưởng của Tàu và mang đậm chất Việt Nam

Lê Bằng Phong, 685/66, XVNT, Bình Thạnh, TP.HCM, 20:02, 02/08/2010

Theo tôi, võ Việt có bề dày lịch sử lâu đời và hết sức đa dạng.

Nói các chiêu thức của các môn phái võ Việt na ná giống với võ Trung Hoa là không chính xác, bởi sự lai tạp giữa võ Việt và võ Trung Hoa có tính hai chiều chứ không phải một chiều, tức là có sự tiếp thu qua lại.

Võ Việt có tiếp thu của võ Trung Hoa là đúng, tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, võ Trung Hoa chắc chắn cũng tiếp thu võ Việt, thậm chí võ Trung Hoa còn "ăn cắp" tinh hoa võ Việt để làm "của riêng" của họ.

Tôi ủng hộ quan điểm đa dạng các môn phái võ Việt và khuyến khích các phái võ có điều kiện phát triển.

Nguoixaxu, Nguoixaxu, 19:35, 02/08/2010

Cac ban tham khao :

Co nen tim hieu ky ve KINH DICH cua nguoi Lac Viet minh ? Toi thay Vovinam co triet ly giong Vo Dang ( la mon vo ma nguoi Trung quoc da phat trien dua tren triet ly hoc cua KINH DICH ) , nen co the coi mon vo do la Quoc Vo duoc day . :)

Trong cac mon phai vo hoc co truyen o Vn hien nay , co mon phai nao co triet ly hoc giong Vovinam khong ?

Hen gap lai . :)

violet9x, 18:12, 02/08/2010

Cháu rất ủng hộ. Bạn bè cũng rất hứng khởi. Cháu là sv sư phạm nên cháu hiểu đuợc ngành giáo dục cần phải có những chiến luợc như vậy.

Học sinh giờ không rèn luyện thân thể mà chỉ luyện game thôi. Học võ là học để làm nguời. MONG SỚM THẤY ĐUỢC KẾT QUẢ ( võ gì cũng tốt nhưng vovinam có lẽ hợp hơn cả)

Nguyễn Thanh Thủy, Vũng Tàu, 18:06, 02/08/2010

Thật vớ vẩn khi quy định bắt buộc một dạy môn võ ấy. Nên chăng trong trường học của VN nên mở ra các CLB ngoại khóa về năng khiếu: bóng đá, bóng bàn, cầu long, võ, múa, dance....học sinh thích tham gia môn nào thì vào CLB đó. Điều này giúp các em phát huy năng khiếu và tự tin thể hiện bản thân hơn. Chẳng phải các nước trên thế giới đã làm rất tốt điều này hay sao.

Vinh Hòa, Nha Trang, 17:59, 02/08/2010

Văn bản của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức dạy võ ở trường học để nâng cao sức khỏe cho học sinh là rất tốt.

Người Việt Nam ta cần phải có sức khỏe tốt, dẻo dai đẻ lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc. Ở Việt Nam ta có nhiều môn phái võ khác nhau.

Mỗi môn phái võ có những cái hay đặc trưng.

Nếu chỉ bắt học sinh học một môn võ nhất định thì sẽ làm cho các môn phái võ khác phát triển yếu kém, võ của ta sẽ nghèo nàn, đơn điệu, làm mất đi những nét hay, độc đáo của các môn phái võ khác ở từng địa phương, thậm chí có thể làm thất truyền.

Theo tôi, Bộ GD-ĐT chỉ cần ra văn bản hướng dẫn chung còn việc dạy môn phái võ nào là để tùy các địa phương quyết định.

Trần Đình Sơn, Thủ Đức - Tp HCM, 17:28, 02/08/2010

Theo tôi thấy, càng hôi nhập với thế giới, chúng ta càng cần có những giá trị tinh thần - văn hóa Việt trong mỗi người Việt.

Võ thuật là một trong các giá trị văn hóa mà mỗi người Việt cần được trang bị. Việc Bộ GDĐT có ý định phát hành văn bản về việc dạy võ Việt trong trường học là một hành động đúng và có tầm nhìn sâu rộng.

Tôi rất ủng hộ. Chỉ xin góp ý, qui định tùy theo đặc trưng văn hóa tại địa phương mà trường học sẽ dạy 1 trong các môn võ có nguồn gốc Việt( hoặc đã được Việt hóa).

Hoang Minh, Da nang, 17:22, 02/08/2010

Tôi đã nghe, đọc rất nhiều về vấn đề này.

Tôi thấy người ta làm việc quá là máy móc. Bộ GD - ĐT tự làm khổ mình rồi.

Theo tôi nên bỏ quyết định đó đi.

Ở phổ thông, đại học có nhiều môn để học, để thực hành, để ngoại khóa, việc gì bắt người ta phải học, luyện võ?

Cứ thử mà xem, nếu quyết định này đi vào thự tế thì lại là một vấn nạn mà Bộ GD-ĐT cần lường trước.

Chơi game bạo lực ra đường còn thanh toán nhau, luyện võ phải có cái tâm mà học sinh thì nhỏ nên chưa có cái tâm tịnh để mà hành đạo.

Thôi thì các bác lo những việc khác đi như xây thêm trường mẫu giáo, trường học có đủ sân chơi - phòng vệ sinh tốt, ưu ái cho giáo viên để họ mới chính là người thay đổi giáo dục bây giờ để tốt hơn.

Nếu tôi là Bộ Trưởng bộ GD tôi sẽ suy nghĩ và làm theo cách khác. Giáo dục bây giờ tôi lo lắm. Như cái cây nhiều cành ru trong gió nhưng hơi thiếu dinh dưỡng. Thân gầy, cành khẳng khiu, lá tơi tủa, gốc bị mối mọt ăn phân nửa. Đừng nghĩ là ta có thể chống đỡ nó. Hãy chặt cho vào lửa, cháy thành tro làm phân bón cho một cây mới khỏe mạnh hơn.

Nguyễn Văn Cảnh, Việt Nam, 17:18, 02/08/2010

Quý vị có dám chắc chắn như vậy không?

Ai mà chẳng biết các võ phái của Việt Nam rất phức tạp về nguồn gốc và các võ sư nào cũng đều cho rằng môn phái của mình là lợi hại nhất, chẳng ai chịu thua ai.

Sự thật là quý vị chỉ đang truyền bá võ thuật. Còn thứ quý vị còn phải học tập và rèn luyện thêm cho đến nơi đến chốn đó là.... võ đạo. Kính cáo.

Nguyễn Minh Phương, Hà Nội, 16:42, 02/08/2010

Tôi thấy nên để các địa phương tự lựa chọn một môn võ nào đó và thành lập câu lạc bộ tập luyện không bắt buộc là Vovinam thì hay hơn. Nếu bắt buộc sẽ sinh ra bệnh thành tích rất nguy hiểm.

Hơn nữa, tôi mới được xem môn võ cổ truyền NHất Nam biểu diễn trong đêm giao lưu với Đội tình nguyện đạp xe Xuyên Việt trong chương trình "Hành Trình tuổi trẻ vì quê hương" tại Quảng trường Hồ Chí Minh - Nghệ An thì thấy rất hay và mang đậm phong cách Việt, tôi thật sự ấn tượng về môn võ này.

Bạn nào biết rõ hơn về môn phái Vovinam, Nhất Nam, Bình Định thí gửi bài lên cho chúng tôi tham khảo với nhé.

Các tin khác