"Phí ngoại giao" và tham nhũng đất đai
- Một loạt kẽ hở tạo đất màu mỡ cho tham nhũng trong quản lý đất đai đã được các chuyên gia trong và ngoài nước mổ xẻ.
>>> Tham nhũng đất đai khiến dân đi lề trái
Hội nghị bàn tròn về tăng cường minh bạch trong quản lý đất đai đã được Đại sứ quán Thụy Điển, Tổ chức Minh bạch quốc tế, UNDP và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 18/11.
Nghiên cứu đưa ra thảo luận cho thấy sự thay đổi của các chính sách đất đai sau năm 2003 ít nhiều chịu tác động từ các "sức ép" mới về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó mục tiêu số 1 là tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các địa phương đã lấy đất nông nghiệp để phục vụ phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, đường xá... Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 2001 đến 2006, cả nước đã có 376.000 ha đất trồng lúa bị thu hồi, kéo theo 1 triệu lao động nông nghiệp bị mất việc, dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội.
Bà Phạm Chi Lan: Đừng nhân danh tăng trưởng kinh tế một cách mù quáng... Ảnh: Hương Giang |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị xem xét lại nhu cầu tăng trưởng với việc giải quyết đất đai hiện nay.
Đó không chỉ là vấn đề đền bù không thỏa đáng, công bằng cũng như không tính toán khía cạnh xã hội sau lợi ích kinh tế như việc làm, đào tạo nghề cho nông dân...
"Lâu nay ở các địa phương còn nghèo, khó khăn, cứ nghĩ lấy đất của nông dân xây dựng lên một khu công nghiệp, thế là tự nhiên có tăng trưởng. Tăng trưởng chưa thấy đâu mà đã thấy mất mát", bà nói.
Bà lo ngại nhiều trường hợp "nhân danh tăng trưởng kinh tế" để thu hồi đất của nông dân, vùng nông nghiệp hoặc ven đô để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng khác. "Đừng nhân danh tăng trưởng kinh tế một cách mù quáng mà không có tính toán đầy đủ đến mặt mất mát của sự tăng trưởng. Không thể tính toán chi phí cơ hội một cách đơn giản".
Bất hợp lý về phân bổ lợi ích đất đai là điều bà Chi Lan thắc mắc. Thu hồi đất, đền bù cho dân 1 nhưng doanh nghiệp đầu tư, hay nhiều hộ gia đình "tự nhiên ra mặt đường" lại hưởng giá trị cao gấp hơn đến cả 100 lần. Bà cho rằng Nhà nước nên chủ động nắm giữ giá trị đó và có chính sách phân bổ lợi ích công bằng cho xã hội.
Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, mặc dù có sự đổi mới nhưng chế độ thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2003 vẫn chưa giải quyết được tình trạng nông dân bị thu hồi đất canh tác không tìm được ngành nghề mới, do quỹ đất tái định cư ngày càng ít, bản thân người nông dân không muốn chuyển nơi ở, cũng không có khả năng sử dụng tiền đền bù để chuyển nghề.
Ảnh: HG |
Ông Thịnh dẫn số liệu của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy năm 2005, số lượng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai trên cả nước là gần 18.000. Đến 2007, con số này tăng lên hơn 31.000. Khiếu kiện tập trung vào giá đất bồi thường thấp chiếm khoảng 70% số vụ.
Hối lộ để được việc
Ông Thịnh cho rằng nếu xem xét, nghiên cứu kỹ nội dung của hàng chục nghìn đơn thư khiếu kiện của người dân lên Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường mỗi năm, có thể thấy tình trạng tham nhũng đất đai "đáng báo động".
Một trong những nội dung quản lý về đất đai, theo ông, đang có nhiều biểu hiện tham nhũng phổ biến là đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quy trình cấp giấy đã được công khai nhưng diễn ra "dài và nhiều bước", đôi khi thông tin không rõ ràng nên cán bộ có quyền dựa vào đó để vòi vĩnh dân.
Cải cách hành chính "một cửa" giúp người dân giảm được chi phí thời gian công sức nhưng những thủ tục rườm rà, những yêu cầu đôi khi không rõ ràng đã tạo cơ hội cho tham nhũng. Ông Thịnh cho hay thực tế có một bộ phận dân cư có tâm lý đứng trước những thủ tục rườm rà thì muốn "hối lộ để được việc", mất tiền nhưng công việc trôi chảy, đỡ tốn thời gian.
Chuyên gia Bộ Ngoại giao Đan Mạch Soren Davidsen, tác giả chính báo cáo "Những phát hiện chính trong báo cáo chung của Đan Mạch, Thụy Điển và Ngân hàng Thế giới: Đánh giá các yếu tố rủi ro gây tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam": "Nhà đầu tư và công chức nhà nước cùng chia nhau đặc lợi/lợi nhuận do giá trị đất tăng lên sau khi đất được chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy hoạch sử dụng đất/quy hoạch đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch. Có tồn tại việc trả "chi phí ngoại giao" cho cán bộ phụ trách quy hoạch sử dụng đất để lấy được thông tin về quy hoạch, trả "chi phí ngoại giao" hoặc sử dụng môi giới không chính thức để xác định và sắp xếp trước những mặt bằng đẹp cho dự án đầu tư. Nhà đầu tư hối lộ cán bộ để đổi lấy việc phê duyệt dự án của riêng họ mà không tính đến bản quy hoạch trước đó. Người dân bị thu hồi đất thường nhận được bồi thường cao hơn giá đất và tài sản gắn liền với đất trên thị trường thực tế, đổi lại phải đưa hối lộ hoặc chia lợi nhuận cho cán bộ nhà nước. Các nhà đầu tư cũng hứa rằng khi hoàn thành dự án, họ sẽ bán đất, nhà hoặc khu văn phòng cho cán bộ nhà nước với giá ưu đãi, hoặc đưa ra khuyến khích không chính thức đối với cán bộ phường, xã của Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, ví dụ trả "một khoản tiền hợp lý" cho cán bộ làm việc thêm ngoài giờ..." |
-
Linh Thư