Các cường quốc đang tiến ra biển Đông Á

Cập nhật lúc 05:44, 18/11/2010 (GMT+7)

- Các nước đều hiểu rằng tương lai phụ thuộc rất nhiều vào các vùng ven biển và biển. Trước cục diện mới, Việt Nam không thể bị động trong cuộc chơi tiến ra biển.

Từ ARF 17 tại Hà Nội tháng 7/2010, trong mấy tháng ngắn ngủi cuối năm 2010, các hoạt động ngoại giao dồn dập hướng về châu Á, mà cụ thể hơn hướng về biển châu Á, làm lu mờ những mối quan tâm đến các khu vực khác của thế giới.

Khủng hoảng kinh tế thế giới, sự thiếu hụt về tài nguyên năng lượng, bất đồng về chính sách tiền tệ càng làm cho các nước hướng về biển.

Mô tả ảnh.
Hải quân Trung Quốc.
Hàng loạt các sự kiện nóng gây bất ổn ở Đông Á đều nảy sinh từ biển, từ vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm, tới sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc trong phá vỡ 2 tuyến bao vây chuỗi đảo, đề xuất chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, đòi hỏi lợi ích cốt lõi ở Biển Đông; từ các tranh chấp đảo tại Biển Đông, tại Điếu Ngư/Senkaku hay Dôdô tới chuyến thăm quần đảo Kurin của TT Nga; từ các cuộc tập trận hải quân Mỹ-Hàn tại biển Hoàng Hải tới cuộc tập trận Giao Long của Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.

Thành công kinh tế đã giúp siêu cường kinh tế thứ hai thế giới có sự tự tin thái quá, thể hiện quyết tâm tận dụng thế lực hải quân đang ngày một mạnh lên của mình để thách thức cục diện hiện nay ở biển Hoa Đông và Biển Đông như những không gian biển quan trọng nhất, tiến lên phân chia Thái Bình Dương với Mỹ.

Gây áp lực với các nước xung quanh Biển Đông, khẳng định đường 9 đoạn, bắt giữ ngư dân các nước hành nghề trên biển và ép buộc các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thềm lục địa của các nước liên quan hay tranh cãi quanh chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku phải nhìn trong bối cảnh chiến lược của việc Hải quân Trung Quốc muốn vươn ra đại dương trong khi Biển Đông và Điếu Ngư/Senkaku đang là những điểm thắt nút.

Khủng hoảng kinh tế thế giới cũng cho thấy sự đi xuống của kinh tế Mỹ buộc siêu cường này phải điều chỉnh chiến lược, trong đó có mục tiêu củng cố vị trí lãnh đạo ở châu Á sau khi rút quân khỏi Iraq năm 2010 và Afghanistan 2011.

Tại ARF 17 tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Tổng thống Obama trong bữa ăn trưa làm việc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ ngày 25/9/2010 đã khẳng định Mỹ có quyền lợi trong Biển Đông và mong muốn đóng một vai trò mạnh trong khu vực này giống như Trung Quốc.

Chưa bao giờ các chuyến thăm của Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến các nước Đông Nam Á lại dồn dập như thời gian qua.

Chuyến công du 4 nước châu Á (Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc) của TT Obama tháng 11/2010 mang ý nghĩa liên kết đồng minh, tạo một vòng cung mới đối phó với sự trỗi dậy ngày càng bạo dạn của Trung Quốc, thể hiện chính sách hướng Á của chính quyền ông trong thực tế. Các nước này đều là những nền kinh tế đang lên trong G20.

Mục đích chính chuyến công du 10 ngày theo phát biểu của ông Obama là “mở rộng thị trường bán hàng tại châu Á, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của thế giới và tạo ra công ăn việc làm tại đây cho nước Mỹ”. Đối với các nhà phân tích chính trị, mục đích chuyến đi còn nhiều hơn thế.

Ấn Độ có những bất đồng với Trung Quốc trên hồ sơ Kashmir và Pakistan thấy hài lòng với sự ủng hộ của Mỹ cho ghế ủy viên thường trực Hội đồng bảo an. Từ New Deli, các nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn khẳng định lại cam kết khai thác tối đa tiềm năng quan hệ "đối tác chiến lược" giữa hai nước.

Liên kết với Ấn Độ, Washington dễ bề kiểm soát Ấn Độ Dương, phần bên kia của eo biển Malacca nối với Biển Đông, kiểm soát các công trình cảng biển mà Trung Quốc đang xây dựng ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Miến Điện nhằm bảo đảm sự cung cấp nhiên liệu từ châu Phi qua đường lục địa châu Á.

Bắc Kinh gọi đó là “chuỗi trân châu” trong khi Chuyên gia Pháp Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị Đại học Hồng Công nhận định: “chuỗi trân châu” là một mạng nhện bao vây Ấn Độ như một thế cờ GO, đang gây quan ngại cho các nước khu vực.

Indonesia vừa ký Hiệp định "quan hệ đối tác toàn diện" với Mỹ. Quan hệ với nước Hồi giáo lớn nhất không chỉ tăng cường hợp tác đấu tranh chống khủng bố mà còn bảo đảm khôi phục vòng cung đảo bao vây Trung Quốc, bảo đảm an toàn hàng hải trong trường hợp nổ ra xung đột ở Biển Đông. Trên nhiều phương diện Indonesia được coi là Ấn Độ thứ hai trong chiến lược hướng Á của Mỹ.

Chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm trấn an Nhật Bản và Hàn Quốc, các đồng minh thân cận trước nỗi lo ngại từ người láng giềng khổng lồ. Các quốc gia này cho phép Washington tiếp tục duy trì và tăng cường sự có mặt quân sự trên đất họ, một vấn đề từng gây nhiều phản ứng từ dân chúng trong thời gian trước.

Mô tả ảnh.
Hàn Quốc tập trận.
Các chuyến đi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Indonesia, Campuchia trong tháng 10/2010 cũng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của những nước này. Theo nguồn tin nước ngoài, Campuchia là nước đầu tiên trong ASEAN ủng hộ lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở song phương của Trung Quốc.

Để cân bằng với Mỹ, Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ sự gia nhập Hội đồng bảo an của Ấn Độ với tư cách ủy viên chính thức.

Ấn Độ cũng có những chuyến thăm Đông Á để củng cố học thuyết hướng Đông của mình, phá vỡ thế trận chuỗi trân châu của Bắc Kinh.

Nga đang tìm cách tái khám phá châu Á qua phát biểu của TT Medvedev trong chuyến thăm Hà Nội tháng 10/2010: "Tôi tin rằng tại Đông Nam Á, vị thế của chúng tôi thậm chí rõ rệt hơn so với ở châu Phi và Mỹ Latinh. Chúng tôi thực sự chưa bao giờ rời bỏ khu vực này. Do vậy, chúng tôi không cần khôi phục điều gì đó, mà chỉ cần thúc đẩy các mối quan hệ này tới một cấp độ cao hơn".

Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 10/2010 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc tìm kiếm và xây dựng những cơ cấu bảo đảm an ninh trước tình hình mới. Cơ cấu đa cực ở Đông Á đã trở thành điều tất yếu. Tuy nhiên hai cực Mỹ-Trung đóng vai trò không nhỏ trong cơ cấu đa cực đó.

Các nước đều hiểu rằng tương lai phụ thuộc rất nhiều vào các vùng ven biển và biển. Không phải vô cớ đang có những cuộc tái trang bị hải quân trong vùng nếu không muốn gọi đó là cuộc chạy đua vũ trang mới, không chỉ liên quan đến Mỹ-Trung mà cả các nước trong khu vực. Các chuyến viếng thăm hải quân của các nước đến các cảng Đông Á cũng tăng nhanh.

Đánh giá chuyến công du của TT Obama đến châu Á lần này, Robert D. Kaplan của Thời báo New York ngày 12/11/2010 đã đưa ra nhận xét: Obama đang lấy lại châu Á từ phía biển, bước tiến vĩ đại này sẽ có thể tạo nên những dấu ấn nhỏ hơn trên đất liền và lớn hơn nhiều trên biển.

Hải quân sẽ là lực lượng dẫn dắt có hiệu quả thể hiện sức mạnh mềm trên biển, chúng tiến hành các chuyến thăm hữu nghị và bảo vệ các lợi ích chung trong khi quân đội là sự đe dọa xâm chiếm.

Cả hai nước Mỹ, Trung trong các phát biểu của mình đều khẳng định không có ý định bao vây, kiềm chế nhau và không ai được lợi khi Mỹ và Trung Quốc xem nhau như địch thủ, nhưng họ đều nhấn mạnh rằng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương. Tiến ra biển là xu hướng không thể đảo ngược.

Là một quốc gia ven biển ở Biển Đông, trước cục diện mới, Việt Nam không thể bị động trong cuộc chơi tiến ra biển. Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm đau đớn với Vinashin. Chiến lược kinh tế biển Việt Nam 2007 cần phải được phát triển thành một chiến lược biển tổng thể ngoại giao an ninh, quốc phòng, kinh tế biển với một Kế hoạch hành động cụ thể.     

  • TS. Nguyễn Hồng Thao (ĐHQGHN)

Ý kiến của bạn

Các tin khác