Nghiêm cấm quảng cáo gây hiểu lầm
- Một trong những hành vi bị xem là "điều cấm" được ghi trong Luật bảo vệ người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (17/11), đó là hành vi quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin về hàng hoá, dịch vụ cũng sẽ bị xử lý. Tất nhiên, việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự còn tùy mức độ vi phạm.
Trước đó, khi thảo luận dự án luật, nhiều ĐB đã đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm trong việc quảng cáo quá sự thật hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Nghiên cứu tài liệu trước khi bấm nút. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhưng, theo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH, sở dĩ không cần bổ sung chế tài về vi phạm quảng cáo quá mức vì đã có một số quy định khác trong luật.
Chẳng hạn, tại Điều 13 “Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng” đã quy định rõ trách nhiệm của bên thứ ba là bên được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuê cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông khi đưa quảng cáo.
Thêm vào đó, Pháp lệnh Quảng cáo và Luật Cạnh tranh đã quy định cụ thể về trách nhiệm đảm bảo thông tin trung thực trong hoạt động quảng cáo.
Luật bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định, các tổ chức, cá nhân không được phép lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Cũng theo quy định của luật, người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án.
Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Xem xét nhiệm kỳ của Thủ tướng Cũng trong chiều nay, QH đã bấm nút thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2011. Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào đầu năm 2011 sẽ là kỳ họp cuối cùng của QH khóa 12. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa 12 của QH, Chủ tịch nước, Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao. Tại kỳ họp thứ hai diễn ra vào cuối năm, Quốc hội khóa 13 sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
Theo nghị quyết, tại kỳ họp thứ nhất QH khóa 13 sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 8, QH khoá 12 đến kỳ họp thứ nhất, QH khoá 13.
-
Lê Nhung