Kiến nghị dừng bôxit: Thủ tướng quyết thế nào?
- Sai phạm ở Vinashin và câu chuyện bùn đỏ Tây Nguyên tiếp tục trở thành những vấn đề "nóng" mà ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ.
Thống kê của Vụ công tác đại biểu tập hợp các câu hỏi chất vấn bằng văn bản cho thấy, Thủ tướng Chính phủ và hầu hết lãnh đạo các bộ liên quan (Giao thông Vận tải, Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán thuộc QH...) đều nhận được nhiều câu hỏi về Vinashin và bùn đỏ Tây Nguyên.
Đáng chú ý, cùng một vấn đề, ĐBQH đã gửi chất vấn tới nhiều bộ khác nhau để "truy" cho được câu trả lời.
Lãnh đạo ở Vinashin, Bộ trưởng có giới thiệu cán bộ?
Theo ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Chính phủ cho rằng sai phạm ở Vinashin do sự độc đoán chuyên quyền của lãnh đạo tập đoàn và thiếu kiểm soát của cơ quan quản lý.
ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng). Ảnh: Lê Anh Dũng.
"Những cá nhân ở Vinashin đã bị tạm giam còn cơ quan quản lý thiếu sự kiểm soát là cơ quan nào, sẽ bị xử lý thế nào thì chưa nghe nói, xin Thủ tướng cho biết?", ĐB Huỳnh Nghĩa hỏi.
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Lê Quốc Dung cũng gửi Thủ tướng câu hỏi tương tự về "người chịu trách nhiệm chính".
ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) còn truy trực diện hơn: "Trách nhiệm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách, Bộ trưởng các bộ liên quan, xin không nói chung chung vì đây là DN thuộc Chính phủ và sai phạm diễn ra không phải trong thời gian ngắn?".
Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cũng đề nghị Bộ trưởng Giao thông và Vận tải làm rõ vấn đề vì sao một tập đoàn đang thí điểm lại được thành lập nhiều đơn vị mới? Đang thí điểm nếu không làm tốt thì nên chọn hướng khác, nhưng tại sao lại tái cơ cấu như một chủ trương chính thức?
"Ngay khi lãnh đạo Vinashin bị cách chức, đã bổ nhiệm một số cán bộ thay thế, Bộ trưởng có biết trước phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của họ? Bộ trưởng có tham gia giới thiệu họ giữ các chức vụ trên không mà chỉ một tháng sau chính các vị này cũng bị cách chức, khởi tố? Trách nhiệm của Bộ trưởng?", ông Lợi hỏi.
ĐB Đặng Như Lợi cũng đồng thời chất vấn Bộ Nội vụ chuyện bổ nhiệm cán bộ ở Vinashin. "Bộ đã tham gia thủ tục, quy trình bổ nhiệm, đánh giá cán bộ ra sao để xảy ra vụ việc như trên? Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm thế nào để không mất lòng tin của cử tri trong công tác cán bộ".
Là người đề xuất lập Uỷ ban lâm thời làm rõ trách nhiệm, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết vẫn tiếp tục mong Thủ tướng làm rõ "Thủ tướng có trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này?".
Có tiếp tục dự án bôxit?
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội đầu kỳ họp, chỉ duy nhất ĐBQH Dương Trung Quốc bày tỏ quan ngại nguy cơ vỡ hồ chứa bùn đỏ khi khai thác bôxit Tây Nguyên. Ngay sau đó, Bộ trưởng TNMT Phạm Khôi Nguyên đã có đôi lời giải trình và chỉ một tuần sau, đoàn công tác của Bộ Công thương, TKV, Uỷ ban KHCNMT Quốc hội và báo chí đã vào Tây Nguyên "thị sát" với nhiều thông tin trấn an.
ĐBQH Đặng Như Lợi. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Tuy nhiên, nhiều lo ngại quanh nguy cơ này tiếp tục được gửi lên Thủ tướng.
Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết "trước nguyện vọng của nhân dân thể hiện qua bản kiến nghị của hơn 2.000 nhân sĩ, trí thức, các giới, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình đề nghị Chính phủ dừng dự án khai thác bôxit Tây Nguyên, Thủ tướng quyết định thế nào?".
ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cũng băn khoăn: "Có tiếp tục triển khai dự án này nữa không? Nếu xảy ra sự cố bùn đỏ như ở Hungary thì ai chịu trách nhiệm, kể cả khi Thủ tướng đã nghỉ?".
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn Bộ trưởng TN&MT: "Có ý kiến nhà khoa học cho rằng dừng ngay ta chỉ mất 35 triệu USD, nếu tiếp tục thì dự án này sẽ chung số phận với Vinashin, mất 4,5 tỷ USD hoặc hơn. Đừng đâm lao phải theo lao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm?".
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng nhận thêm chất vấn của các ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội); Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) về căn cứ để khẳng định "ông hoàn toàn yên tâm vì công nghệ VN khác Hungary" về nguy cơ vỡ hồ làm ảnh hưởng đến hạ du...
Trong số 37 câu hỏi dành cho Bộ trưởng Công thương (người luôn nhận được nhiều chất vấn nhất qua các kỳ họp), thì bôxit Tây Nguyên vẫn tiếp tục là một quan ngại lớn.
ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội), Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) muốn biết chính kiến của Bộ trưởng trước kiến nghị xem xét dừng dự án.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng chuyển cho Bộ trưởng kiến nghị mang tính chuyên môn sâu của một cử tri vốn là Chủ tịch Hội hoá học Đồng Nai.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác vốn được xới lên từ các kỳ họp trước như xây đường sắt cao tốc, quy hoạch sân golf, cho nước ngoài thuê đất rừng, đặc biệt tình trạng thiếu điện trầm trọng vẫn tiếp tục được ĐBQH chất vấn lần này.
Thủ tướng Chính phủ sẽ là người đăng đàn cuối cùng "chốt" phiên chất vấn. Bốn bộ trưởng đăng đàn lần này là Bộ trưởng Công thương, Tài chính, Y tế và Giao thông - Vận tải. Tính đến hết ngày 14/11, đã có 203 chất vấn bằng văn bản của 87 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ nhận được 21 chất vấn. Bộ trưởng Công thương nhận được nhiều chất vấn nhất (37), tiếp đó là Bộ trưởng Tài chính (18), Bộ trưởng Y tế (15) và Giao thông vận tải (13).
Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi, bắt đầu từ 22/11.
-
Lê Nhung