Giấu tội: Sai lầm chính trị lớn nhất của Bush
Cựu Tổng thống Mỹ George W Bush đã phá vỡ hai năm yên lặng trước công chúng kể từ khi xuất bản cuốn hồi ký “Những thời điểm quyết định”. Cuốn sách cung cấp cái nhìn của người trong cuộc ở những sự kiện lịch sử trong suốt 8 năm làm Tổng thống. Trong hồi ký, ông đã thừa nhận sai lầm chính trị lớn nhất đời mình.
Bush viết rằng “sai lầm chính trị đắt giá nhất tôi phạm phải” chính là quyết định đưa ra bốn năm trước khi bắt đầu tranh cử tổng thống về việc không tiết lộ rằng, ông từng bị cáo buộc uống say khi lái xe năm 1976.
Tin tức về vụ việc được đưa ra ánh sáng 5 ngày trước cuộc bầu cử năm 2000. Karl Rove, cố vấn chính trị hàng đầu của Bush “đã ước tính hơn hai triệu người, trong đó có rất nhiều người bảo thủ, đã quyết định hoặc ở nhà, hoặc thay đổi lá phiếu bầu”.
Cuốn hồi ký "Những thời điểm quyết định" của cựu Tổng thống Mỹ Bush. Ảnh: Nytimes
Phản ứng 11/9
Vào ngày 11/9/2001, phản ứng đầu tiên của Buhs khi một trợ lý nói với ông có chiếc máy bay lao vào Trung tâm thương mại thế giới là, đó là “một chiếc máy bay cánh quạt nhỏ bị mất điều khiển”.
Khi ông tới một ngôi trường tại Florida cho một sự kiện thúc đẩy cải cách giáo dục, ông đã “choáng váng” vì được thông báo rằng, đó là chiếc máy bay chở khách cỡ lớn.
"Chiếc máy bay ấy chắc hẳn đã có một phi công tồi tệ nhất thế giới. Làm sao anh ta có thể lao vào một toà nhà chọc trời vào một ngày đẹp đẽ như thế? Có thể anh bị đau tim đột ngột”, Bush viết.
Chỉ khi Andy Card, chánh văn phòng Nhà Trắng thì thầm vào tai ông trong một tiết học đọc của trẻ em tại ngôi trường rằng, một máy bay thứ hai cũng đã lao vào tòa tháp, và “nước Mỹ bị tấn công”, thì thực tế xảy ra khủng bố mới đến trong suy nghĩ của Bush.
Ari Fleisher, thư ký báo chí của Bush giơ lên mảnh giấy có dòng chữ “Đừng nói gì cả”. Bush quyết định tìm hiểu tất cả thực tế xảy ra trước khi phát biểu. Ông viết nguyệch ngoạc dòng chữ: “Khủng bố chống lại đất nước chúng ta sẽ không tồn tại”.
Sau khi bác bỏ những quan ngại an ninh về việc ông trở lại Washington, Bush nói với trợ lý: “Anh đang chứng kiến cuộc chiến đầu tiên của thế kỷ 21”.
Tranh cãi với Dick Cheney
Trong hồi ký, Bush thừa nhận ông sợ có thể làm hỏng quan hệ khó cứu vãn nổi giữa ông với cựu phó Tổng thống Dick Cheney.
Khi ông nói với ông Cheney là sẽ không tha thứ cho Lewis "Scooter" Libby, trợ lý cấp cao của Cheney bị cáo buộc khai man trước tòa và gây cản trở trong vụ rò rỉ danh tiếng của một điệp viên CIA, phó Tổng thống Mỹ khi ấy “nhìn tôi với ánh mắt giận dữ chưa từng thấy” và nói: "Tôi không thể tin ông ra đi và bỏ lại một người lính trên chiến trường”.
Ông Bush viết: “Trong tám năm, tôi chưa bao giờ thấy Dick như thế. Tôi lo lắng rằng tình bạn của chúng tôi xây dựng trở nên căng thẳng”. Nhưng dù sao, tại một sự kiện chia tay ở căn cứ không quân Andrews bên ngoài Washington, ông Cheney đã nói “có vinh dự đặc biệt khi được phụng sự với ông Bush”.
Điều này làm Bush thở phào, và kết luận: “Tình bạn của chúng tôi đã được nối lại”.
Khi được Bush đề nghị làm bạn đồng hành trong cuộc tranh cử năm 2000, Cheney trả lời cần tham vấn vợ ông là Lynne. Ông nói rằng từng ba lần đau tim và con gái ông, Mary có xu thế đồng tính. Khi ấy, Bush mỉm cười và trả lời: “Dick, hãy hỏi Lynne đi, và tôi không để ý gì tới trường hợp của Mary".
Khó xử với hành động của John McCain trong khủng hoảng tài chính 2008
Trong cuốn hồi ký, ông Buhs viết rằng, ở chiến dịch tranh cử tổng thống 2008, ông đã nhận được thông điệp cho biết, thượng nghị sĩ John McCain, ứng viên tranh cử của đảng Cộng hòa đang chạy đua với ứng viên Dân chủ khi ấy là thượng nghị sĩ Barack Obama, muốn nói với ông “lập tức”.
McCain nói với Bush rằng, ông muốn Bush triệu tập cuộc họp bàn về cuộc khủng hoảng tài chính, khi ấy vừa xảy ra. Trong lúc đó, ông Bush lại cảm thấy những rối loạn kinh tế là một cơ hội với McCain vì “trong những giai đoạn khủng hoảng, cử tri đánh giá cao kinh nghiệm và từng trải hơn là tuổi trẻ và sức hút”.
Nhưng khi ông gọi cho McCain để nói về cuộc gặp thì ứng viên Cộng hòa lại từ chối. Cựu Tổng thống Mỹ viết trong hồi ký: “Tôi rất lúng túng, ông ấy đề nghị cuộc gặp, tôi cho rằng ông ấy sẽ tới để phác thảo cách thông qua dự luật giải cứu kinh tế”.
Bất đồng trong chính quyền
Ban đầu, Bush viết, ông tin là “những tranh cãi lãnh thổ” giữa Bộ Ngoại giao - dẫn đầu là Colin Powell với Lầu Năm Góc của Donald Rumsfeld có thể vượt qua được. “Nhưng khi tranh luận về Iraq tăng cao, các quan chức cấp cao trong các bộ này bắt đầu tỉa tót nhằm vào những khuyết điểm của nhau”.
“Theo đánh giá của tôi, Colin và Don luôn tôn trọng lẫn nhau. Thời gian trôi qua và tôi hiểu rằng, họ giống như một cặp đấu súng thời trước”.
Vụ ném giày tại Iraq
Bush viết ông ước mình bắt trúng một trong hai chiếc giày ném vào mình từ phóng viên người Iraq trong chuyến thăm chính thức cuối cùng ở Baghdad vào tháng 12/2008.
“Gã đó có thứ vũ khí khá hay”, Bush viết. “Tôi ước mình có thể bắt trúng thứ ấy. Bị một phóng viên ném giày vào mình là một trong những trải nghiệm khác thường của tôi”.
Tuy nhiên, nói về cuộc chiến tại Iraq, ông Bush nói, ông sẽ chế giễu nếu có ai đó nói với ông năm 2001 rằng, một ngày nào đó, ông sẽ ăn trưa với “thủ tướng của một Iraq tự do”.
Ông viết trong hồi ký: “Không có gì - ngay cả khi giày dép bay trong một cuộc họp báo - sẽ có vẻ như không có gì nhiều hơn thế”.
-
Thái An (Theo Telegraph)