"Xén" thủ tục góp phần chống tham nhũng

Cập nhật lúc 05:48, 07/07/2010 (GMT+7)

 - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ góp phần đáng kể vào công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam.

>> Để hành chính không còn... hành là chính

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: LN
Hậu đề án 30 liệu việc kiểm tra, giám sát các thủ tục hành chính có kết thúc?

-  Thủ tướng đã ký Nghị quyết về đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên như thuế, hải quan, xây dựng...

Nghị quyết này rất quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội lớn, mở đầu cho việc đơn giản hóa trên 5.000 TTHC còn lại. Kết thúc Đề án 30, chúng ta sẽ công bố bộ thủ tục hành chính mới.

Tuy nhiên, rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính là một dòng chảy liên tục.

Không phải khi kết thúc Đề án 30 thì việc kiểm soát thủ tục hành chính chấm dứt ngay. Tất cả những cá nhân, doanh nghiệp nếu phát hiện thủ tục bất hợp lý, chưa hợp pháp thì vẫn tiếp tục đề xuất. Vì chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền.

Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành các quyết định về kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó có việc thành lập các tổ kiểm tra thủ tục hành chính ở tất cả các bộ, các địa phương và lập Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đặt ở Văn phòng Chính phủ.

Các nhóm công tác vẫn duy trì với tư cách tư vấn.

Mời bạn tham gia cuộc khảo sát trực tuyến về cải cách hành chính lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam, do VietNamNet và UNDP phối hợp thực hiện, tại địa chỉ http://www.hienkecchc.vn/.
Hiện vẫn đang tồn tại các đơn vị như tổ tư vấn, hội đồng tư vấn bao gồm các chuyên gia, hiệp hội. Thứ hai, tổ chuyên trách ở các bộ ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ để xem xét, báo cáo Thủ tướng bãi bỏ sửa đổi thủ tục không cần thiết

Như vậy, tổ công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hoạt động và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Đề án 30 được đánh giá là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong cải cách hành chính. Vậy sau đề án này, Chính phủ có tiếp tục đặt trọng tâm cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để tránh tình trạng phiền hà cho dân?

- Tất cả mọi việc đều do con người. Bộ máy chúng ta quyết định việc thủ tục được thực hiện thế nào cho tốt. Đó là thái độ của công chức với nhân dân, với doanh nghiệp.

Vì thế, rất cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiểu biết, nhận thức, kiến thức của đội ngũ công chức. Ngoài việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần bố trí bộ máy thế nào để giải quyết thủ tục tốt hơn.

Chúng ta phải có đội ngũ cán bộ giỏi giang, am hiểu pháp luật, có bản lĩnh, kiến thức để phản ánh tình trạng thực tế và nắm bắt các thủ tục cần thiết.

Trong quá trình đi rà soát vừa qua, có những nơi như TP.HCM đã làm rất tích cực. Họ tự đề xuất hủy bỏ 719 thủ tục rườm rà không cần thiết.

Nhiều người cho rằng thủ tục hành chính rườm rà là nguyên nhân của tệ tham nhũng, khiến bộ máy công quyền có điều kiện sách nhiễu dân, làm suy giảm lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền. Từ thực tế quá trình đi rà soát thủ tục hành chính vừa qua, ông cảm nhận điều này như thế nào?

- Tham nhũng gắn với nhũng nhiễu. Mà nguyên nhân là do mọi việc không minh bạch, không công khai. Thủ tục rườm rà đã nảy sinh tiêu cực, tham nhũng do người dân không biết phải thực hiện thế nào.

Nhưng nếu như chúng ta làm việc công khai minh bạch, với hệ thống thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ vận dụng thì sẽ góp phần vào đáng kể vào công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam.

Như ông vừa nói, sắp tới sẽ lập Cục kiểm soát thủ tục hành chính đặt ở Văn phòng Chính phủ và ở các bộ ngành, địa phương. Vậy, cơ quan này có tính độc lập đến đâu? Cơ chế làm việc nào để cơ quan này không trở thành "siêu" cục, nảy sinh tình trạng xin - cho?

- Tính độc lập cũng tương đối thôi.

Nhưng cơ quan này sẽ độc lập ở chỗ có chức năng nhiệm vụ giám sát, kiểm tra phát hiện các thủ tục rườm rà, bất hợp lý mà không phụ thuộc vào các vụ, các cục khác trong Văn phòng Chính phủ hay các bộ.

Về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ sẽ phối hợp soạn thảo, trên tinh thần kiểm soát tốt nhất, chặt chẽ nhất các thủ tục hành chính. Càng hợp lý càng tốt.

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác