Vinashin sai phạm do không có "đầu mối" trách nhiệm

Cập nhật lúc 05:00, 21/10/2010 (GMT+7)

- Bên hành lang Quốc hội, nói về "quy trách nhiệm" ở Vinashin, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, để xảy ra sai phạm một phần vì nguyên nhân không có cơ quan nào làm đầu mối chịu trách nhiệm chính.

  • Chính phủ: Nguyên Chủ tịch Vinashin ’độc đoán, gia trưởng’ 
    Từ sai phạm Vinashin, phải đổi mới giám sát tập đoàn
  •  
  • Phân khúc, chia cắt

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền: Cải cách doanh nghiệp phải chỉ ra một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chính. Ảnh: Ngọc Lê
    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền: Cải cách doanh nghiệp phải chỉ ra một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chính. Ảnh: Ngọc Lê
    Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát sát sao hơn, kịp thời hơn và xử lý kiên quyết hơn thì đã hạn chế được khó khăn, thiệt hại của Vinashin nói riêng cũng như các tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung.

    Như báo cáo Chính phủ gửi riêng cho đại biểu Quốc hội đã khẳng định, ngay từ khi Vinashin có dấu hiệu thua lỗ năm 2008, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát sao. Vậy nhưng sai phạm vẫn kéo dài đến nay. Nguyên nhân do đâu?

    - Là do quản lý chưa chặt chẽ và bản thân doanh nghiệp thì báo cáo sai sự thật, quản lý cũng chưa tốt dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, quy trình ra quyết định đầu tư không chuẩn.

    Rồi có cả vấn đề bố trí cán bộ trong doanh nghiệp như vậy cũng đã dẫn đến khó khăn của Vinashin.

    Nhưng ngoài sai sót của doanh nghiệp thì trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước đối với tập đoàn này đến đâu?
    - Các cơ quan quản lý với chức năng là chủ sở hữu đã thực hiện chức năng của mình chưa rõ ràng, chưa đến nơi, đến chốn.

    Ở đây có một lý do nữa là không có cơ quan nào làm đầu mối chịu trách nhiệm chính, mà bị phân khúc, chia cắt.

    Cũng vì thế, trong quá trình cải cách doanh nghiệp hiện nay, ngoài việc làm rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu ra, còn phải chỉ ra một cơ quan có chức năng chịu trách nhiệm chính. Chỉ có vậy, khi doanh nghiệp gặp vấn đề mới có chỗ để mà quy kết trách nhiệm.

    Chắc chắn sẽ nhiều đại biểu nói về Vinashin

    Mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng Vinashin vẫn luôn báo cáo lãi, kể cả một số cơ quan khi báo cáo cũng báo cáo chưa chính xác, chân thực về thực trạng của Vinashin. Liệu có phải là do cả tin, hay có sự “bao che” nên đã xảy ra thực trạng trên? 

    - Trong báo cáo Chính phủ cũng nói Vinashin báo cáo không trung thực kết quả của mình, kể cả các doanh nghiệp đã kiểm toán. Bản thân DN không báo cáo trung thực đầy đủ tình hình tài chính, hoạt động thì báo cáo kiểm toán cũng không phản ánh đầy đủ tình trạng của DN đó. Đây là hậu quả của quản lý chưa chặt chẽ, của quản trị DN chưa tốt, dẫn đến đầu tư dàn trải, quy trình không chuẩn, bố trí nhân sự không đúng… dẫn đến khó khăn cho Vinashin.

    Vấn đề của Vinashin được rất nhiều cử tri quan tâm và dự kiến sẽ được trình bày toàn diện trước Quốc hội. Nhưng đến khi thông qua chính thức chương trình kỳ họp thì chỉ được trình bày trong một phần của báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và báo cáo cụ thể lại được gửi riêng cho đại biểu. Vì sao vậy?

    - Trong chương trình của kỳ họp có việc Chính phủ báo cáo tình hình Vinashin. Quốc hội cũng sẽ thảo luận về vấn đề này. Vinashin chỉ là một doanh nghiệp nên phần thảo luận cũng chỉ nằm trong tình hình kinh tế - xã hội chung của đất nước.

    Vinashin là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, tại sao Quốc hội không dành riêng một buổi thảo luận để hiểu sâu vấn đề?

    - Quốc hội dành ra 2 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và các đại biểu có quyền phát biểu ý kiến trong thời gian đó về các vấn đề mà cử tri quan tâm. Không ai hạn chế đại biểu có ý kiến về vấn đề Vinashin trong 2 buổi thảo luận và chắc chắn sẽ có nhiều người đề cập đến chủ đề này.

                      Trách nhiệm cá nhân: Phải có thời gian
     
    Tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm chung của Chính phủ với vụ việc Vinashin. Là người từng theo đuổi chất vấn về sai phạm ở Vinashin qua nhiều kỳ họp, cá nhân ông có hài lòng? 

    - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Hải: Đó là sự nhìn nhận có trách nhiệm của Thủ tướng, trước những vấn đề lớn. Bước đầu ĐBQH cảm thấy đã được tôn trọng trong việc nhận trách nhiệm về hậu quả của Vinashin, còn trách nhiệm cá nhân, các đơn vị quản lý phải có thời gian.

     

    • Ngọc Lê ghi
  • Ý kiến của bạn

    Các tin khác