Thủ tướng nhận trách nhiệm của Chính phủ về Vinashin
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu trước Quốc hội sáng nay là hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, rút kinh nghiệm từ Vinashin.
>> Kỳ họp ’áp chót’ và trọng trách trên vai mỗi đại biểu
>> Quốc hội muốn thực quyền, đại biểu phải có chính kiến
Thủ tướng đánh giá, năm 2010 đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế, phục hồi tăng trưởng.
Theo đó, GDP cả năm tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội. Điều kiện khó khăn xong vẫn bảo đảm tốt an sinh xã hội, cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng đạt tiến bộ.
Sau khi đánh giá những thành tựu đạt được của năm 2010, Thủ tướng đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm 2011.
Trong đó, có mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sản xuất gắn với tái cấu trúc.
Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm
Trước Quốc hội, Thủ tướng đã dành ít phút để đánh giá về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin).
Thủ tướng nói, tình trạng nghiêm trọng hiện nay chủ yếu do yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, lãnh đạo tập đoàn báo cáo không trung thực.
"Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của tập đoàn", Thủ tướng nói.
Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo. Chính phủ đang triển khai thực hiện và đến nay đã có một số kết quả bước đầu.
Do vậy, một trong những mục tiêu năm tới là rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, Thủ tướng cho biết.
Toàn bộ báo cáo về Vinashin đã được gửi riêng cho đại biểu QH nghiên cứu.
Một phần quan trọng trong báo cáo kinh tế - xã hội do Thủ tướng trình bày trước Quốc hội được dành cho Vinashin. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Ngoài ra, để tái cấu trúc kinh tế, Thủ tướng xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh cải cách DNNN. Theo đó, phải cải cách các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cả về định hướng, nội dung hoạt động cũng như quản trị doanh nghiệp, thực hiện cơ chế quyền chủ sở hữu nhà nước.
Theo đó, tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Đặc biệt, tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là công khai minh bạch theo các tiêu chí hoạt động chung. Thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc, đặt các DNNN vào môi trường cạnh tranh.
"Đây là giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty, góp phần để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo", Thủ tướng đánh giá.
Người đứng đầu Chính phủ cũng xác định hàng hoạt giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường khác. Đặc biệt, về phát triển nông nghiệp, Thủ tướng nói, phải đề cao trách nhiệm của nhà nước trong bảo đảm an toàn cho ngư dân, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Về an ninh quốc phòng, Thủ tướng cho rằng, phải thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia. Kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng. Tăng cường bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo. Đặc biệt, không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước.
Ổn định kinh tế vĩ mô được xem là cơ sở cho phát triển bền vững để đạt tăng trưởng cao hơn 2010. Trọng tâm chung được xác định là cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát lạm phát, giảm bội chi.
Dư nợ Chính phủ: Vẫn trong giới hạn an toàn
Trước đó, khi đánh giá tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, các mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu đề ra cho năm 2010 đều cơ bản hoàn thành.
Chẳng hạn, GDP cả năm tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%).
Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%).
Đến hết 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.
Nhận định về những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng nói, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thể chế kinh tế thị trường chưa đồng bộ, bao cấp qua giá điện, giá than còn kéo dài. Quản lý giá một số mặt hàng nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh chưa tốt. Các cân đối vĩ mô chưa vững chắc.
Trong đó, điều tiết qua thuế còn cao, thất thu còn nhiều, chi ngân sách còn lãng phí, bội chi còn lớn, nhập siêu còn cao, cán cân thanh toán tổng thể vẫn còn thâm hụt, dự trữ ngoại tệ giảm, lãi suất cho vay còn cao.
Mặt khác, sự phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ lại chưa đồng bộ. Việc xử lý mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chưa thật hợp lý, tốc độ tăng trưởng tuy đạt khá cao nhưng lại làm nảy sinh những khó khăn mới cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Người đứng đầu Chính phủ phân tích, những hạn chế trên đây có nguyên nhân khách quan nhưng những khuyết điểm chủ quan trong quản lý điều hành ở các cấp, các ngành là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, cần sớm được khắc phục.
Năm 2011, Việt Nam phấn đấu GDP tăng khoảng 7 - 7,5% so với 2010. GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010. Giảm nhập siêu xuống dưới 20%. Tăng giá tiêu dùng khoảng 7%. Phấn đấu giảm bội chi xuống 5,5% GDP và giảm xuống 5% năm 2012.
Tổng thu ngân sách nhà nước 590,5 nghìn tỷ đồng; Tổng chi ngân sách nhà nước 725,6 nghìn tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP.
-
Lê Nhung