Nhật muốn cùng Việt Nam khai thác đất hiếm

Cập nhật lúc 23:26, 22/10/2010 (GMT+7)

Nhật báo kinh doanh Nikkei hôm nay (22/10) đưa tin, Nhật Bản muốn thảo luận với Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển kim loại đất hiếm, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nguồn khoáng sản chiến lược này.

Tờ báo cho biết, nhiều khả năng Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan sẽ thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề này trong cuộc gặp tại Hà Nội ngày 31/10.

a
Kim loại đất hiếm rất cần thiết trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Ảnh: NYtimes
Thông tin được đưa ra giữa lúc có nhiều quan ngại về thông tin Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu kim loại đất hiếm (có ý nghĩa sống còn với các sản phẩm hàng hoá điện tử và linh kiện ô tô) sang Nhật.

New York Times ngày 22/9 dẫn nhiều nguồn giấu tên cho biết, Trung Quốc đã cấm xuất sang Nhật Bản kim loại đất hiếm, trong khi hiện gần 90% đất hiếm Nhật đang sử dụng nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận thông tin này. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định: "Thông tin này hoàn toàn không có cơ sở, Trung Quốc hoàn toàn không hề đưa ra quyết định đó”.

Quan hệ Trung - Nhật trở nên căng thẳng vào tháng trước sau khi Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc trong vụ va chạm với hai tàu tuần tra Nhật ở gần quần đảo tranh chấp (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku).

Trung Quốc chiếm khoảng 97% tổng sản lượng kim loại đất hiếm của thế giới, một nửa trong số đó được xuất khẩu sang Nhật.

Nikkei cho hay, hai công ty của Nhật là Toyota Tsusho và Sojitz đã sẵn sàng chuẩn bị cho dự án phát triển kim loại đất hiểm tại Việt Nam, trong khi một hãng khác là Sumitomo Corp đặt ra mục tiêu bắt đầu vận chuyển kim loại đất hiếm từ Việt Nam sang Nhật vào 2013.

Trữ lượng đất hiếm ở Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30% toàn cầu, nhưng nước này hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Mùa hè năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu những kim loại này tới 72% trong nửa cuối năm nay.

Kim loại đất hiếm trên thực tế không phải quá hiếm. Một số lượng lớn tồn tại ở Mỹ, Canada, Australia, Nam Phi, Nga, Thụy Điển, Việt Nam… Hiếm là ở chỗ có thể tìm ra những tài nguyên ấy ở một nơi tập trung.

Các cường quốc phương Tây hiện tại đã bắt đầu đổ tiền của vào khai thác trở lại kim loại hiếm. Những nhà đầu tư mạo hiểm có thể muốn nhìn vào Molycorp Inc, đã mở lại mỏ Mountain Pass. Cùng với Arafura và Lynas Corp ở Australia, hãng này hy vọng sẽ sản xuất khoảng 50.000 tấn kim loại đất hiếm vào giữa thập niên này. Dĩ nhiên, nó không đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới.

Theo tài liệu của Cục điều tra địa chất Mỹ, tập hợp của mười bảy nguyên tố hóa học với những tên gọi rất khó phát âm như yttrium, dysprosium and neodymium… gọi là kim loại đất hiếm. Chúng có có hàm lượng rất nhỏ có trong trái đất.

Những nguyên tố này được dùng trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao như laser, tấm pin năng lượng mặt trời, đánh bóng thủy tinh và đồ sứ; bộ chuyển đổi tiếp xúc ô tô, màn hình máy tính, chiếu sáng, ti vi và dược phẩm… Kim loại đất hiếm là thứ hàng hóa “được khao khát” trong công nghệ cao và khá đắt đỏ.

  • Thái An (Theo Reuters, Telegraph)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác