"Giải mã" sự hỗn loạn nước Pháp
Những bất ổn tại Pháp do biểu tình phản đối chính phủ tiếp tục gia tăng. Nhìn bề ngoài, dường như chúng khởi nguồn từ đề xuất cải cách lương hưu của chính phủ, nhưng thực tế, có nhiều nguyên nhân hơn thế.
Đây là cuộc đối đầu giữa chính phủ và nghiệp đoàn lao động - những thế hệ già hơn muốn bảo vệ lợi ích mà họ khó khăn mới giành được trong thế kỷ 19 và đã từng được tăng cường trong các thập niên 1970, 1980. Một nhóm công dân khác - những thanh niên bất mãn, với rất nhiều người nhập cư Ảrập và châu Phi - lại biểu tình không phải vì lợi ích công việc, mà vì chính bản thân việc làm.
Hai nhóm này có lợi ích kinh tế, xã hội khác nhau, nhưng họ cùng chung lòng tức giận với chính phủ và hướng lòng bất mãn ấy tới Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Thực tế này tạo ra một tình thế nguy hiểm với Paris, khi nó có khả năng dẫn tới bất ổn xã hội lớn hơn, trừ phi chính phủ có thể làm hài lòng một trong các nhóm.
Làn sóng biểu tình tăng cao tại Pháp. Ảnh: mail |
Ở Pháp, an sinh xã hội là một vấn đề chính sách, thậm chí, nó còn vượt qua chính sách đơn thuần và trở thành một phần cơ bản của kết cấu xã hội.Nguồn gốc của an sinh xã hội quốc gia tại Pháp bắt đầu từ tiếp sau Cách mạng 1789; Thời kỳ Khủng bố 1793-94; Khủng bố Trắng 1794; thời kỳ trị vì của Napoleon Bonaparte từ 1804 đến 1814; giai đoạn Khủng bố Trắng khác năm 1815; hai cuộc cách mạng 1830 và 1848. Tầng lớp lao động đã ngày càng phát triển kể từ cuộc Cách mạng 1848 giữa tiến trình công nghiệp hóa, họ liên minh với nông dân tiến hành biểu tình đòi quyền lợi.
Napoleon III, cháu trai của Bonaparte, lên nắm quyền sau Cách mạng 1848. Dưới thời của ông, nước Pháp bắt đầu mở rộng các lợi ích an sinh xã hội cho công nhân, nông dân và coi đây là giải pháp cho những thay đổi không ngừng trong xã hội. Nhà nước có biện pháp kiểm soát giá bánh mỳ, trợ cấp cho công nhân và các tổ chức thợ thủ công, một kế hoạch lương hưu và bảo hiểm sớm hình thành.
Công nhân Pháp có quyền đình công năm 1864 và quyền thành lập nghiệp đoàn 1868.
An sinh xã hội còn được xem là cách để thống nhất đất nước nhưng quan trọng hơn cả, an sinh xã hội của Pháp đã trở thành một phần cốt yếu trong thoả ước xã hội của chính phủ với người dân. Để yên lòng dân, làm dịu đi những cái đầu bướng bỉnh, nhà nước cam kết sẽ chăm sóc người dân từ lúc nằm nôi tới khi xuôi tay nhắm mắt.
Công nhân biểu tình vì lợi ích
Những cuộc đình công và biểu tình hiện nay không đơn thuần là việc đòi quyền lợi hay cản trở quy định nghỉ hưu muộn hơn hai năm. Nói cách khác, người Pháp không phải lười biếng hay phi logic. Người biểu tình xem đề xuất cải cách chế độ hưu trí của chính phủ như một cái ngưỡng, nếu bị vượt qua sẽ xói mòn nền tảng của xã hội trong suốt 150 năm qua.
Hơn thế nữa, trong khi chỉ 7- 8% nhân dân lao động thuộc về một nghiệp đoàn nào đó (tỉ lệ thấp nhất tại EU, thậm chí thấp hơn ở Mỹ) thì tới gần 70% dân Pháp ủng hộ các cuộc đình công và tin rằng, cần phải tiếp tục hoạt động này nếu đề xuất cải cách được thông qua.
An sinh xã hội quốc gia được tăng cường khi dân số lao động của Pháp gia tăng trong suốt thời kỳ mở rộng phát triển công nghiệp sau Thế chiến II - giai đoạn 1945 đến 1975. Tỉ lệ tăng trưởng GDP trung bình tại Pháp đạt 5,8% từ 1960 - 1973, lớn hơn cả Tây Đức (4,4%) và Mỹ (3,9%). Trong giai đoạn này, tầng lớp lao động tăng mạnh khi cư dân nông thôn tìm đến các thành phố, đặc biệt là Paris.
Mặc dù có một chế độ phúc lợi xã hội tương đối dễ chịu, thậm chí theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng quan hệ giữa chính phủ và người lao động không phải luôn luôn hoàn hảo. Các nghiệp đoàn đã tham gia cuộc biểu tình tháng 5/1968 của sinh viên, nhưng lại rút ra khỏi bất ổn khi nhận được những nhượng bộ từ chính phủ.
Cơn khủng hoảng dầu 1973 đã kết thúc những năm bùng nổ của ngành công nghiệp Pháp. Việc mở cửa kinh tế Pháp với các nước láng giềng châu Âu đầu những năm 1990 thông qua thị trường chung đã đặt nền công nghiệp nước này đứng trước cuộc cạnh tranh lớn từ nước Đức lân cận và trên phạm vi toàn cầu (từ Đông Á). Lĩnh vực sản xuất giảm mạnh, từ 39% lực lượng lao động những năm 1970 xuống còn 25% năm 2000 và 15% hiện tại.
Mặc dù số lượng giảm, nhưng tầng lớp công nhân vẫn xem trọng chế độ phúc lợi xã hội. Thậm chí cả tầng lớp không lao động cũng ủng hộ họ do nhận thức rằng, phúc lợi nhà nước là một phần thoả ước xã hội của đất nước.
Những cuộc biểu tình ngày nay gợi lại các cuộc đình công kéo dài suốt hai tháng năm 1995 nhằm phản đối chính phủ bảo thủ mới được bầu chọn, khi họ tìm cách giảm thiểu chi tiêu vào phúc lợi xã hội để đáp ứng các quy tắc tài chính của Liên minh châu Âu cũng như để cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 5% GDP xuống 3%. Khi đó, đình công đã tác động rất lớn đến đời sống xã hội, làm ngừng trệ mọi phương tiện thông vận tải và cuối cùng chấm dứt khi chính phủ rút khỏi kế hoạch cải cách hưu trí. Lực lượng lao động vì thế đã có một hậu thuẫn để thành công.
Bối cảnh bất ổn 2010 vì thế không quá khác biệt so với 1995. Thâm hụt ngân sách Pháp dự kiến lên tới 8,2% GDP, và Paris đang chịu sức ép từ Đức để hạn chế chi tiêu cho phù hợp với các quy tắc tài chính của EU.
Vấn đề với chính phủ, giống như năm 1995, là các thỏa thuận của họ với Đức trong cắt giảm chi tiêu lại đi ngược lại với thỏa ước xã hội mà người dân tin tưởng. Đây là lý do đầu tiên cho các cuộc biểu tình hiện nay.
Giới trẻ biểu tình vì việc làm
Ngoài những cuộc biểu tình của tầng lớp trung lưu và công nhân yêu cầu tiếp tục thỏa ước xã hội đã được thiết lập, còn có biểu tình của những công dân cảm thấy chưa từng được có thỏa ước xã hội. Chính nhóm này sau đó đã gây ra các cuộc biểu tình bạo lực ở các vùng ngoại ô Paris và nhiều thành phố khác trong năm 2005 và 2007.
Giai đoạn hậu Thế chiến II không chỉ được nhận dạng bởi tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nó còn chứng kiến làn sóng nhập cư tới Pháp, 3/5 trong số họ đến từ các quốc gia từng là thuộc địa của Pháp, đặc biệt là Algeria. Cư dân nước ngoài tăng từ khoảng 1,5 triệu người sau Thế chiến II lên gần 2,5 triệu người trong năm 1975. Rất nhiều người nhập cư có được việc làm khi lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh. Họ tìm nơi định cư ở những vùng ngoại ô, nơi cư trú chính của làn sóng lao động sản xuất đến từ nước ngoài và vùng nông thôn.
Dòng người nhập cư từ các vùng thuộc địa cũ vì nhu cầu lao động đã bị giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng dầu 1973. Ngày nay, công dân Pháp người Ảrập chiếm khoảng 10% dân số, gần bằng tỉ lệ người Hồi giáo ở Pháp.
Cư dân nhập cư ban đầu được hưởng một số lợi ích khi việc làm trong lĩnh vực sản xuất khá phong phú. Tuy nhiên sau đó, con cái của những người nhập cư Bắc Phi và châu Phi ngày càng khó khăn hơn trong tìm kiếm việc làm, phần vì do giáo dục nghèo nàn, phần vì phân biệt đối xử. Giống như Đức, những nỗ lực của chính phủ nhằm khiến tầng lớp nhập cư đầu tiên có cảm giác là một phần của xã hội sở tại đã không thành công.
Vấn đề này đã trở nên phức tạp hơn vì thị trường lao động khắt khe - ít nhất theo những tiêu chuẩn của Mỹ hoặc Đức, nếu không phải của Tây Ban Nha - khiến tỉ lệ thất nghiệp dưới độ tuổi 25 tăng từ 15,5% năm 1997 lên khoảng 25% trong quý tư 2009 (so với tỉ lệ của Mỹ là 19,1% vào tháng 6/2010). Cho dù không có thống kê chính thức, nhưng người ta nghi ngờ rằng, con số này ở mức gấp đôi với thanh niên gốc nhập cư. Điều đó giải thích vì sao, học sinh, sinh viên đã trút tức giận vào các vấn đề không trực tiếp liên quan tới cải cách lương hưu, cũng như sự nổi loạn ở các cộng đồng cư dân vùng ngoại ô trong suốt thập niên qua.
Liên minh biểu tình
Những cuộc biểu tình trong vài ngày qua tại Pháp đã chứng kiến sự xuống đường của cả hai nhóm người kể trên. Bạo lực vẫn còn ở xa mức độ có thể là mối đe dọa với chính phủ; cuộc bạo động của cả 2005 và 2007 căng thẳng hơn nhiều. Tuy nhiên, người biểu tình đã sử dụng nhiều chiến thuật chiến lược hơn, khi nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước, và do đó ít phụ thuộc vào kế hoạch xuống đường. Những chiến thuật mới có thể buộc chính phủ phải nhượng bộ, thậm chí kể cả sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.
Hơn nữa, cuộc biểu tình hiện nay khác so với cuộc bạo loạn vùng ngoại ô hay những cuộc đình công năm 1995 và biểu tình sinh viên năm 2006 vì có sự tham gia của cả lớp thanh niên bất mãn và những công dân bình thường. Điều này có nguy cơ dẫn tới một phòng trào chống chính phủ mạnh mẽ, nếu không phải hiện tại thì cũng có khả năng xảy ra trong tương lai gần.
Trong khi học sinh, sinh viên và người Pháp gốc nhập cư được cho là ủng hộ các nghiệp đoàn và tầng lớp công nhân ở những bất ổn hiện tại, thì lợi ích của họ hoàn toàn trái ngược với tầng lớp công nhân. Giới trẻ cần một thị trường lao động linh hoạt và do đó một phần đáng kể của phúc lợi xã hội sẽ bị xói mòn nếu tình hình việc làm được khắc phục.
Và, Paris sẽ rất khó để làm hài lòng hai nhóm biểu tình.
Nguy cơ liên kết là một nguy hiểm với Paris. Thậm chí dù hai nhóm có các lợi ích khác biệt, nhưng họ lại tương đối đoàn kết và thống nhất trong nỗ lực chống lại ông Sarkozy. Bối cảnh tương tự xảy ra gần đây nhất là vào cuộc cách mạng tháng 5/1968, bắt đầu với việc sinh viên, học sinh trung học yêu cầu các cơ sở giáo dục tốt hơn, rồi sau đó đã liên kết với công nhân trong cuộc biểu tình đòi lương cao hơn, cùng những phúc lợi việc làm.
Những lý do cho sự nổi dậy năm 1968 của hai nhóm biểu tình trên phần lớn không liên quan tới nhau. Ví dụ như công nhân thì ít quan tâm tới quyền lợi phụ nữ, hay sinh viên thì không mấy để ý chuyện mức lương tối thiểu cao hơn cho công nhân. Tuy nhiên, sự liên kết giữa họ đã gây nên bất ổn nghiêm trọng với chính phủ.
Tổng thống Charles de Gaulle đã phải tị nạn trong một căn cứ quân sự Pháp ở Đức trong hai ngày đỉnh điểm của bất ổn. Cuối cùng, công nhân đã bác bỏ yêu cầu của sinh viên về một cuộc cách mạng chủ nghĩa xã hội, đạt được thỏa thuận với chính phủ. Hay nói một cách khác, là chính phủ đã dùng chính những lợi ích đối lập để chia rẽ họ, và kết quả là không thay đổi được một chế độ, nhưng sự kiện đã có tác động mạnh mẽ.
Sau cùng, những cam kết của Paris đưa ra với người dân Pháp suốt 150 năm qua đã đi ngược lại với những cam kết của họ với Berlin trong 20 năm qua. Chính phủ hiện tại dường như sẵn sàng phá vỡ cam kết với người dân, bởi nó rất quan trọng để Pháp có thể đáp ứng được các yêu cầu của Đức và giữ vững liên minh Pháp - Đức. Pháp không sẵn sàng hay chưa sẵn sàng để Đức một mình “nắm giữ” châu Âu. Vì thế, Pháp phải giữ Đức sẵn sàng làm việc song song với Paris, và bởi vậy, họ cần tuân thủ các nguyên tắc tài chính của Berlin.
Tuy nhiên, nước Pháp có một lịch sử rõ ràng là thừa nhận nhu cầu của dân cư. Ít nhất, không thể tránh khỏi việc Paris sẽ phải nhượng bộ với một trong các nhóm biểu tình, hay thừa nhận rằng thỏa ước xã hội không thể thay đổi hoặc tạo ra một hình thức cải tổ với lớp trẻ bất mãn và các cư dân gốc nhập cư. Dường như họ sẽ thiên về nhóm “lâu đời” hơn - nhóm công nhân và tầng lớp trung lưu - kể từ khi nhóm này với các chiến thuật của mình cho thấy, họ có thể đe dọa nghiêm trọng tới các nỗ lực để hoạt động của chính phủ như nhằm vào những cơ sở hạ tầng năng lượng.
Tiến lên phía trước với một chính sách mà ¾ dân số phản đối là điều không bền vững. Tuy nhiên, Pháp đang ở thế có thể chấm dứt cuộc xung đột với chính mình và thay vào đó là cuộc xung đột với nước Đức.
-
Thái An (Theo STRATFOR)