Đưa nợ "ngoài" của doanh nghiệp nhà nước vào tầm kiểm soát
- Vay nợ là nhu cầu tất yếu của mọi quốc gia, nhưng để giữ được chỉ số nợ của Việt Nam trong giới hạn an toàn, điều mấu chốt là phải tăng hiệu quả vốn đầu tư.
>> Nợ quốc gia tăng sát mức an toàn
>> Siết chi tiêu để tài chính quốc gia trong ngưỡng an toàn
Chiều 20/10, Quốc hội nghe báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010, dự toán năm 2011, do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày.
Theo báo cáo này, các chỉ số tài chính của Việt Nam ước thực hiện đều “an toàn” và tốt đẹp.
Nợ công cần duy trì dưới 60% GDP
Nợ công là vấn đề mới và dự kiến sẽ là một trong những điểm nóng của kỳ họp thứ 8 này.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, thời kỳ trước, khi còn chưa có khái niệm nợ công mà chỉ có nợ Chính phủ, nợ Chính phủ với ngưỡng dưới 50% GDP… Xét theo tiêu chí đó, các chỉ số nợ của Việt Nam đều an toàn, không có nợ xấu. Việc trả nợ cũng không gây sức ép lên tài chính quốc gia.
Nợ công sẽ là điểm nóng tại kỳ họp Quốc hội |
Tuy nhiên, ông Ninh cũng nhấn mạnh, nếu so với các nước đang phát triển cùng chỉ số tín nhiệm thì nợ của Việt Nam chỉ an toàn trong trung hạn. Do đó, khi xây dựng chiến lược nợ trong dài hạn, Chính phủ sẽ phải tính toán đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các chỉ tiêu quản lý nợ công.
Dự báo tình hình nợ công quốc gia 2011, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định rằng, Việt Nam vẫn đủ khả năng trả nợ nên sẽ có mức nợ công trong ngưỡng an toàn.
Các khuyến cáo của các nhà kinh tế và kinh nghiệm một số nước cho thấy, nợ công ở mức 60% GDP là giới hạn an toàn. Hiện nay, mức nợ công ước năm 2010 của Việt Nam mới chỉ hơn 52,6% GDP và Chính phủ cũng ước năm 2011, chỉ bằng 57,1% GDP.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng thể hiện sự lo ngại. Các mức nợ như trên cũng đã là mức cao, chạm sát ngưỡng an toàn. Do vậy, các biện pháp để duy trì các chỉ số nợ dưới mức “trần” 60% GDP là cấp thiết.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách phân tích, điều mấu chốt nhất là phải tăng cường hiệu quả đầu tư, thay đổi cơ cấu nguồn vốn đầu tư và giảm dần vay nợ. Đặc biệt là Việt Nam hiện đã từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình nên các nguồn vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi sẽ giảm dần.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng bày tỏ quan điểm, không có một công thức nào, hay tỷ lệ chung nào cho mọi nền kinh tế và các quốc gia về giới hạn nợ an toàn.
Mức nợ được cho là an toàn hay không còn phụ thuộc vào sức khỏe tài chính cũng như khả năng trả nợ khi đến hạn của từng nước.
Để đảm bảo nền tài chính lạnh mạnh, Ủy ban đề nghị Chính phủ cũng phải kiểm soát chặt chẽ cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước đi vay không có bảo lãnh của Chính phủ.
Giảm phát hành trái phiếu Chính phủ, giảm bội chi
Có thể nói, mục tiêu đảm bảo an ninh tài chính quốc gia sẽ đòi hỏi Chính phủ thời gian tới phải có những động thái quyết liệt, thắt chặt lại các chỉ tiêu về bội chi cũng như việc phát hành nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Do đó, mặc dù mức 45.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu dự kiến cho năm 2011 đã giảm rất mạnh so với ước năm 2010, tới 34% nhưng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, phải giảm phát hành xuống còn 40.000- 45.000 tỷ đồng.
Kèm theo đó, Chính phủ phải khắc phục ngay nhưng hạn chế, yếu kém trong việc sử dụng nguồn vốn này.
Ủy ban cũng cảnh báo, trên thực tế, đã xuất hiện những hiện tượng lãng phí, thất thoát vốn. Hiện tượng tăng qui mô và mức đầu tư của dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ quá cao, có thể dẫn tới quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Nhiều dự án kéo dài, làm tăng tổng mức đầu tư, làm tăng trách nhiệm trả nợ cho ngân sách Nhà nước.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát lại các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước một cách toàn diện, kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ.
Nợ công năm 2011: 57,1% GDP Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giảm bội chi từ mức 5,95% GDP dự kiến của Chính phủ xuống 5,5% GDP. Dư nợ Chính phủ năm 2011 dự kiến bằng 45,3% GDP, dư nợ quốc gia: 42,8% GDP. Dư nợ công: 57,1% GDP. Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2011 theo thứ tự ưu tiên: Thứ nhất, trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại cơ cấu chi, ưu tiên chi cho con người, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, an sinh xã hội; thứ hai là hạn chế bố trí vốn cho các công trình khởi công mới, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình cấp bách, quan trọng, cần hoàn thành ngay trong năm; thứ ba: rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ có mục tiêu lồng ghép với chương trình kinh tế - xã hội. |
-
Phạm Huyền