Đề nghị Chính phủ cam kết với dân về bô-xít

Cập nhật lúc 13:16, 22/10/2010 (GMT+7)

- Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình đề nghị Chính phủ cam kết với Quốc hội, với nhân dân về sự an toàn của các dự án bô-xít, đặc biệt là xử lí bùn đỏ.

>> Hàng loạt nhân sĩ kiến nghị tạm dừng khai thác bô-xít
>> Đại biểu gửi thư cho Chủ tịch QH đòi giám sát bô-xít
>> Chuẩn bị kiểm tra thực địa các dự án bô-xít

Cảnh báo nhãn tiền

Tại phiên họp tổ sáng nay (22/10) thảo luận về báo cáo KT-XH của Chính phủ, ông Bình cho hay bô-xít Tây Nguyên là vấn đề khiến ông suy nghĩ rất nhiều.

Mô tả ảnh.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình. Ảnh: LAD
"Xem bản đồ, đến Séc, Hungary, chỗ họ khai thác bằng bằng chứ không dốc như ta. Của ta trên cao nguyên, nếu xử lý bùn đỏ không tốt, nó tràn xuống thì không chỉ ở Tây Nguyên mà ảnh hưởng đến cả vùng đồng bằng ven biển".

Phát biểu ở tổ ĐB Thanh Hóa, ông Bình cho hay ông tán thành chủ trương khai thác, nhưng ông đề nghị Chính phủ "cam kết với Quốc hội, với nhân dân về sự an toàn, đặc biệt là xử lí bùn đỏ".

Trong khi đó, ở tổ Hà Nội, ĐB Đặng Văn Khanh đặt câu hỏi: Ở kỳ họp trước, Quốc hội đã có ý kiến khá quyết liệt về bô-xít Tây Nguyên, nhưng bây giờ thì đã có cảnh báo nhãn tiền. Hôm nọ Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên có nói hồ chứa bùn đỏ của ta có thể chịu được động đất 8 độ rích-te trở lên, nhưng bây giờ Hungary chả động đất gì cả mà sẽ phải khắc phục bao nhiêu năm, phải xây bao nhiêu đập để chặn bùn đỏ. Thế thì chúng ta tính cái gì, bền vững ra sao, hậu quả như thế nào?

Bộ trưởng: Về lý thuyết là an toàn

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Hai hồ bùn đỏ chưa vận hành nên an toàn về mặt thiết kế. Ảnh: TC
Cũng là ĐB của Hà Nội, trả lời báo giới giờ giải lao, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định hai khu xử lý bùn đỏ của Tân Rai và Nhân Cơ đã được hội đồng quốc gia và chuyên gia nước ngoài "thẩm định rất cẩn thận". Hệ số an toàn đã gấp hai lần, động đất tính cấp 7 nhưng tính trừ hao lên cấp 9.

Theo giải thích của Bộ trưởng, Việt Nam đã khảo sát mô hình bùn đỏ của Brazil, Úc, "những nơi đã trồng cây trên bùn đỏ 20 năm nay rồi, cây lên rất cao rồi. Ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình Hungary".

“Hungary đưa tất cả vào một cái hồ to, còn công nghệ của mình hơi khác, chia ra từng lô một, mỗi lô 5 ha, kín hết lô này mới đổ lô khác”.

Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá hai hồ bùn đỏ là "đảm bảo an toàn". Tuy nhiên, do chưa vận hành nên "an toàn là về mặt thiết kế, an toàn về chạy mô hình, an toàn về học tập kinh nghiệm nước ngoài để đưa vào Việt Nam". Qua trường hợp của Hungary, Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu để đưa mức an toàn lên cao hơn.

Ông Nguyên cũng cho biết đã thành lập một tổ giám sát chuyên ngành giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh và các cơ quan chức năng giám sát 24/24h, ghi rất cẩn thận nhật ký xây dựng hồ bùn đỏ. "Chưa từng có công trình nào có cả một tổ giám sát quốc gia như thế", Bộ trưởng nói.

Liên quan đến vấn đề môi trường của các dự án bô-xít Tây Nguyên, ông Phạm Khôi Nguyên nhắc đến ba vấn đề: bùn đỏ, công nghệ khai thác - khai thác đến đâu phải phục hồi rừng đến đấy, chất thải của nhà máy. Cả ba vấn đề đều đã được "thẩm định rất cẩn thận".

  • Thủy Chung - Lan Anh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác