Hội nghị đảng TQ: Mọi con mắt dồn vào Tập Cận Bình

Cập nhật lúc 10:12, 18/10/2010 (GMT+7)

Mọi sự chú ý thời gian này, khi đang diễn ra hội nghị trung ương 5 khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), tập trung vào Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình có thể được bầu vào vị trí phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc trong hội nghị lần này (dự kiến kết thúc hôm nay - 18/10). Nếu kết quả đúng như vậy, thì vị trí trở thành người kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại hội CPC năm 2012 của ông Tập Cận Bình sẽ được củng cố.

a
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX

Ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy năm 1999, ba năm trước khi ông trở thành Tổng bí thư CPC. Ông Tập Cận Bình là con trai cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân. Ảnh hưởng của ông ngày càng mở rộng kể từ khi ông là một thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc năm 2007.

Một vị trí trong Quân ủy Trung ương có ý nghĩa đặc biệt với giới chính khách Trung Quốc. Một thành viên dân sự duy nhất của Quân ủy hiện tại là ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quân ủy, vị trí được coi là biểu tượng của quyền lực với một vị lãnh đạo tối cao nước này.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã trao lại ghế Tổng bí thư cho ông Hồ Cẩm Đào năm 2002 nhưng vẫn giữ cương vị Chủ tịch Quân ủy. Hai năm sau đó, ông Hồ Cẩm Đào mới đảm nhận chức vụ này. Khi trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy, ông Hồ Cẩm Đào đã gần như “xác định” vị trí Chủ tịch Trung Quốc của mình. Vì lý do đó, trong Hội nghị Trung ương năm ngoái, đã rất nhiều người dự đoán ông Tập sẽ được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin, kế hoạch này bị gạt bỏ lập tức ngay trước hội nghị “để tránh gây ra lộn xộn trong giới lãnh đạo trước một sự kiện lớn lao của quốc gia được tổ chức là kỷ niệm 60 năm thành lập nước Trung Quốc ngày 1/10/2009”. Giới quan sát dự đoán rằng, ông Tập Cận Bình vẫn sẽ chưa đươc bổ nhiệm năm nay vì ông Hồ Cẩm Đào vẫn muốn duy trì ản hưởng của mình. Những người khác thì lại cho là, ông Hồ Cẩm Đào có thể muốn hạn chế ảnh hưởng của ông Tập trước khi có những dấu hiệu rõ ràng hơn của việc ông Lí Khắc Cường là ứng viên sáng giá nhất kế nhiệm ghế Thủ tướng từ ông Ôn Gia Bảo.

Con đường kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào của ông Tập Cận Bình, 57 tuổi, phụ thuộc vào lá phiếu Phó Chủ tịch Quân ủy - cơ quan giám sát quân đội Trung Quốc (PLA) với lực lượng lên tới 2 triệu người. Vị trí này thực sự quan trọng về cả tính biểu tượng của như thực tế. Không có nó, ông Tập sẽ chỉ là người ngoài cuộc trong các vấn đề quân sự.

Theo giới phân tích, có rất ít thông tin để biết rõ quan điểm chính trị của ông Tập Cận Bình, chỉ biết ông dường như là người ủng hộ thị trường, nhưng khá thận trọng về cải tổ chính trị, ông chia sẻ mối quan tâm với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và việc cần thiết duy trì ổn định xã hội.

"Ấn tượng chung về Tập Cận Bình là, ông là một người rất thận trọng”, Cao Trí Khai, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh nói. “Trước công chúng, ông ấy rất thận trọng, cẩn thận. Ông ấy không phải là người dễ thể hiện cảm xúc, ít nhất là trước công chúng”.

Phó Chủ tịch Trung Quốc có một “dòng dõi” chính trị hoàn hảo. Cha ông được coi là một vị anh hùng cách mạng tại Trung Quốc, từng đảm nhận vị trí phó thủ tướng và phó chủ tịch quốc hội nước này.

Năm 1975, ông theo học tại trường Đại học Thanh Hoa, và có bằng kỹ sư hóa chất, luật sư. Ông từng phục vụ trong quân đội, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Với nền tảng chính trị và giáo dục, ông là người đúng như cách gọi của Trung Quốc là “hữu hồng hữu chuyên”.

Giống nhưng những nhà lãnh đạo Trung Quốc khác cùng thế hệ, ông Tập có hơn một thập niên làm việc ở các cương vị lãnh đạo đảng ở địa phương. Ông thúc đẩy cải tổ thị trường và hướng tới việc thành lập đặc khu kinh tế tại Phúc Kiến. Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, sau đó tháng 9/2006, ông được điều tới Thượng Hải thay thế Trần Lương Vũ, Bí thư Thành ủy bị sa thải vì bê bối quỹ an sinh. Nhiệm vụ của ông khi ấy là: “dọn dẹp lộn xộn”.

Ông trở thành nhân vật được cho rằng sẽ kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kể từ tháng 10/2007, khi được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 thành viên.

Trong suốt 30 năm tăng trưởng kinh tế kỳ diệu, Trung Quốc ngày nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức: khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, thất nghiệp gia tăng, các vấn đề môi trường và tham nhũng lan tràn. Ông Tập và các cộng sự - gọi là thế hệ lãnh đạo thứ năm - sẽ phải giải quyết các vấn đề ấy.

  • Thái An tổng hợp

Tin liên quan

Các tin khác