Khi người nhà Bộ trưởng cũng phải mua thuốc "xách tay" ngoại

Cập nhật lúc 06:25, 19/10/2010 (GMT+7)

 - Kể lại việc gia đình mình có một người thân bị bệnh hiểm nghèo phải dùng "thuốc xách tay" mua tận Hàn Quốc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói, "thuốc là loại hàng hóa đặc biệt liên quan đến tính mạng con người, đến sự sống và cái chết nên người bệnh dễ bị lợi dụng và sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao".

Cùng với Bộ trưởng Triệu, nhiều lãnh đạo khác của ngành Y tế và đại diện các Bộ Tài chính, Công thương cũng đã có mặt tại phiên họp "điều trần" về quản lý giá thuốc do Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức sáng 18/10.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai (giữa) trao đổi với hai lãnh đạo Bộ Y tế. Ảnh: Lê Nhung
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai (giữa) trao đổi với hai lãnh đạo Bộ Y tế. Ảnh: Lê Nhung
Nghe xong bản báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, các thành viên Ủy ban đã không ngần ngại gửi đến lãnh đạo ngành y tế gần hai mươi câu hỏi "xoáy" về quản lý giá,  chuyện bác sĩ nhận chung chi "hoa hồng", y đức...

Rồi trách nhiệm Bộ Y tế trong thực hiện quy định về đấu thầu thuốc? Khi chưa thể công bố giá toàn bộ thì có thể công bố giá các biệt dược, các loại thuốc độc quyền được không?

Khó nhưng Bộ không bó tay

Theo Thứ trưởng Cao Minh Quang, Bộ Y tế đang gặp vướng mắc về thủ tục công bố danh sách các nước trong khu vực có điều kiện y tế và thương mại giống Việt Nam để làm cơ sở tham khảo và so sánh giá thuốc vì mỗi nước có điều kiện y tế, chính sách thương mại và quản lý giá thuốc khác nhau.

Trong khi đó, thông tư liên tịch về đấu thầu thuốc còn nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình hiện nay.

Về việc thực hiện quy định công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và BHYT chi trả theo định kỳ 6 tháng/lần, ông Cao Minh Quang cho biết trên thị trường đang lưu hành khoảng 22.000 mặt hàng thuốc với trên 1.500 hợp chất.

Từng loại hợp chất có nhiều chủng loại hàm lượng quy cách đóng gói, nhà sản xuất, nơi sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng trên thực chất là rất khó khả thi.

Việc công bố giá tối đa nếu thực hiện sẽ có tình trạng cùng một loại hợp chất, nồng độ và quy cách đóng gói nhưng lấy một giá trung bình hoặc thấp công bố là giá tối đa để tiết kiệm chi phí điều trị. Điều này có thể dẫn tới một số bệnh viện không mua được thuốc với giá tối đa mà Bộ công bố. Nếu công bố mức giá cao nhất đã trúng thầu để làm cơ sở giá tối đa thì cũng không có ý nghĩa. Thậm chí công bố giá tối đa có thể dẫn tới tăng giá thuốc đồng loạt trên thị trường.

Nghe xong câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Đặng Như Lợi tiếp tục "truy": Thuốc có phải là mặt hàng thiết yếu thuộc về quốc kế dân sinh không? Anh trả lời xong câu hỏi này thì tôi mới hỏi câu tiếp theo.

Tuy nhiên, câu hỏi này vẫn để ngỏ....

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận một số sai phạm bức xúc hiện nay như nhiều bệnh viện vi phạm quy định đấu thầu. Một số DN dược tổ chức bán thuốc trong bệnh viện kéo theo hiện tượng thao túng giá.

Nghe hết các ý kiến trao đi đổi lại giữa Thứ trưởng Quang với các thành viên Ủy ban, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khảng khái: "Quản lý giá thuốc là vấn đề rất khó nhưng Bộ Y tế xác định không bó tay".

Ông Triệu dẫn chứng, tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã kết luận là hiện nay giá thuốc vẫn đang trong tầm quản lý, nhà nước  vẫn đủ thuốc cho dân. Đến cuối năm, giá thuốc đang có xu hướng từng bước đi vào ổn định.

Lý giải hiện tượng người dân đang phải mua thuốc với giá cao ngất ngưởng, Bộ trưởng Triệu cho hay, "Thuốc là loại hàng hoá đặc biệt liên quan đến tính mạng con người nên dễ bị lợi dụng". Do đó, trong 100 bác sĩ, nếu  95 anh tốt mà 5 anh lạm dụng giữa cái sống cái chết thì người bệnh sẵn sàng chấp nhận mua bằng mọi giá.

Trước những câu "truy vấn" sát sạt của Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi về trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu giải thích: "Trong  thị trường thuốc hoàn hảo với những loại thông thường nhiều người bán thì bàn tay quản lý sẽ kéo giá thuốc về với giá gốc. Nhưng với những thị trường không hoàn hảo, với thuốc mới phát minh, thuốc đặc trị, biệt dược thì tăng từ ngoài biên giới VN chứ không phải vào đến VN mới tăng. Khó kiểm soát. Chưa nói đặc thù 90% nguyên liệu là nhập ngoại".  Người Việt chỉ tin tưởng vào thuốc... ngoại.

Cũng theo Bộ trưởng Triệu, để xây dựng một thị trường thuốc "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" cũng như kéo giá thuốc thì còn phải phụ thuộc vào nền công nghiệp dược trong nước: "Để xây dựng một nền công nghiệp dược phải dựa trên cơ sở ngành hoá dược. Mà ngành hoá dược phải đi lên cùng với ngành công nghiệp của đất nước", ông lập luận.

Chính phủ chưa tài, Quốc hội cũng chưa giỏi

Một vấn đề khác cũng được các Ủy ban quan tâm là chuyện chung chi hoa hồng giữa bác sĩ và trình dược viên.

Mô tả ảnh.
Nghe xong gần 20 câu hỏi, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Y tế cùng nán lại trong phòng họp suốt 20 phút giải lao để thảo luận trước khi trả lời. Ảnh: Lê Nhung
Theo một nữ đại biểu, "có hay không mối liên hệ giữa việc bác sĩ nhận hoa hồng và việc xuống cấp y đức gần đây".

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, Bộ đang tiếp tục kiểm tra, quản lý chặt chẽ vấn đề hoa hồng cho thầy thuốc, kêu gọi "cả hệ thống chính trị" từ cấp ủy, công đoàn của các bệnh viện tham gia vào việc kiểm soát các “bệnh án lạ”, củng cố hoạt động của nhà thuốc bệnh viện, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của giám đốc. Kiên quyết không để chỉ vì lợi ích của một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện cũng như bao che cho một vài bác sĩ để người bệnh thiệt thòi trong lúc nhiều người khác trục lợi.

Theo Bộ trưởng, Luật Dược phải sửa đổi bổ sung một số điều cho phù hợp, có nghị định riêng về đấu thầu thuốc cho sát, tránh lách luật. Đồng thời, mời các chuyên gia tham gia xây dựng giá trần, chuyển quản lý giá thuốc sang Bộ Tài chính, nghiên cứu việc đấu thầu thuốc tập trung, triển khai thí điểm trước tại một số tỉnh.

Hiện, Bộ Y tế đang tính toán tới cơ chế không công bố giá trần mà công bố thặng số bán buôn tối đa đối với các thuốc do ngân sách và BHYT chi trả, chọn lọc một số loại thuốc có tỷ trọng tần suất cao trong điều trị. Cùng một lúc áp dụng hai cơ chế, cơ chế kê khai và kê khai lại theo pháp lệnh về giá và cơ chế thặng số bán buôn tối đa là cố định, giá thuốc có thể tịnh tiến lên và xuống do sự biến động của thị trường nhưng mức lãi của doanh nghiệp là cố định.

Một trong các giải pháp để tăng cường quản lý, theo Bộ trưởng, đó là phải bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, trước mắt sửa đổi Luật Dược.

"Bức xúc như Luật Đất đai mà trong 10 năm, Quốc hội phải sửa tới 4 lần. Thì Luật Dược, cũng là một đạo luật bức xúc, đã ban hành 5 năm, đến nay cũng cần phải sửa. Nếu mà kiểm điểm thì Chính phủ chưa tài mà Quốc hội cũng chưa giỏi. Chính phủ chưa tài vì mới vận hành theo kinh tế thị trường chưa đầy 20 năm, so với các nước đã qua mấy trăm năm. Quốc hội chưa giỏi vì Quốc hội là phải ban hành những luật mà lâu lâu mới đưa ra sửa đổi chứ.... Do đó hai bên phải phối hợp chặt chẽ", Bộ trưởng Y tế quả quyết.

Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã "đeo đuổi" vấn đề giá thuốc gần như suốt năm nay. Đây cũng là phiên "điều trần" thứ hai của Ủy ban này. Hồi tháng 4, đã có một phiên với Bộ LĐTB&XH về chính sách giảm nghèo.

Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, BHXH phải tham gia quá trình đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, bởi BHXH chính là người trả tiền thuốc lớn nhất. 

Phó Chủ nhiệm ủy ban Đặng Như Lợi chất vấn: "Tại sao tổ chức đứng ra thanh toán tiền lại không có quyền định giá thuốc?".

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu giải thích, cơ quan BHXH hay Bộ Y tế thì cũng đều là "Chính phủ" với nhau cả. BHXH có thể ví như thủ kho của Bộ Y tế, được Chính phủ phân công hỗ trợ làm việc cùng Bộ Y tế. Sắp tới có thể sẽ phải đề nghị chấn chỉnh lại trách nhiệm và quyền  hạn của cả hai bên.

 

  • Lê Nhung 

Ý kiến của bạn

Các tin khác