221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1245670
7 bài học rút ra từ Nông trường Sông Hậu
1
Article
null
Kỳ 4:
7 bài học rút ra từ Nông trường Sông Hậu
,

 – Tác giả tạm đúc kết 7 kinh nghiệm sau khi nhìn lại 30 năm xây dựng và phát triển Nông trường Sông Hậu (NTSH).

 

Trao đổi và lắng nghe ý kiến của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, các nhà lãnh đạo quản lý tiền nhiệm và đương nhiệm, các nhà khoa học cũng như nông trường viên của Nông trường,… nhất là từ quan sát và tìm hiểu thực tiễn sinh động ở NTSH, bước đầu có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây:

 

Một là, bám sát thực tiễn, có định hướng phát triển đúng, xác lập được một cơ cấu và cơ chế quản lý sản xuất - kinh doanh phù hợp.

 

Từ việc hiểu rõ các yếu tố tự nhiên…

 

Vấn đề tiên quyết mà người quản lý một vùng sản xuất nông nghiệp phải nắm thật chính xác là đặc tính của tài nguyên đất, nước và các sinh vật (nhất là cây trồng, vật nuôi) hiện có.

Ở NTSH, trên cơ sở bản đồ chi tiết về thổ nhưỡng, Ban Giám đốc Nông trường đã khảo sát thực địa kỹ càng ngay trong giai đoạn đầu tiên, nhờ đó đã nắm chắc hiện trạng, xác định rõ khả năng sản xuất của từng cánh đồng, khu đất.

 

Sự am hiểu đó cộng với chủ động về giống và làm chủ tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, NTSH đã làm nên một kỳ tích: không chỉ trở thành một địa chỉ sản xuất giống lúa đặc sản, cao sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn là nơi xuất khẩu gạo với số lượng ngày càng lớn và có uy tín trên thị trường thế giới, tính đến nay đã đạt con số hơn 1 triệu tấn gạo xuất khẩu.

 

         

Cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng (người ngồi, đầu bạc) cùng các nông trường viên Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.


 … hiểu rõ các yếu tố xã hội…

 

Ban giám đốc NTSH sớm nhận ra rằng, đa số người dân chung quanh đây đều trong tình cảnh “ba không”: không có ruộng đất, không có vốn làm ăn, không có kỹ thuật tiên tiến.

 

Khi chưa trở thành nông trường viên, phần lớn hộ dân ở đây chỉ chuyên sống bằng nghề giăng lưới đi câu; đến mùa vào phát cỏ móc lõm để sạ giống lúa hoang dã mà người dân địa phương vẫn gọi là “lúa ma” với đặc điểm là nước dâng cao tới đâu lúa vượt lên tới đó.

 

Cuộc sống vì thế luôn bấp bênh theo kiểu được sao hưởng vậy. Cũng có những người đã cố gắng bám trụ lại trên phần đất được khai phá từ đời trước, nhưng trước điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, bất thường, họ đã lần lượt bỏ đi nơi khác kiếm sống.

 

Vận dụng chủ trương của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi người, nhất là tầng lớp nông dân nghèo đều có tư liệu, có đầy đủ vật tư và kỹ thuật để ổn định sản xuất, Ban Giám đốc NTSH đã đưa đến cho người nông dân các điều kiện đó bằng việc đưa họ vào làm ăn tập thể, vận động họ nhận khoán theo khả năng của mình.

 

Cơ chế khoán đến hộ với những ưu điểm nổi bật và lợi ích thiết thực mà nó mang lại đã đem đến cho người nhận khoán niềm tin tưởng, sự phấn khởi, từ đó họ đã tự nguyện gia nhập để trở thành nông trường viên và tích cực nhận khoán để ổn định đời sống và góp phần xây dựng Nông trường.

 

… đến qui hoạch sản xuất tốt…

 

Căn cứ trên các bản đồ tài nguyên thiên nhiên đã được các chuyên gia nghiên cứu khảo sát kết hợp kiểm tra thực địa, Nông trường tiến hành qui hoạch các vùng sản xuất một cách cụ thể và khoa học theo một hướng đi chung là kinh doanh nông nghiệp tổng hợp đa năng.

 

Theo đó, đất đai toàn Nông trường được phân chia thành giải thửa theo đặc tính thổ nhưỡng và địa hình tự nhiên. Trên diện tích tổng thể đó, các hạng mục đầu tư được tính toán chi ly; trong đó những trục giao thông chính được xây dựng kết hợp với những kênh thủy lợi chính, gắn với khu dân cư, nhất là khu sản xuất, nhờ đó đất đai của từng hộ nông trường viên đều được cặp đường nước bảo đảm tưới tiêu theo mùa vụ sản xuất của nông trường.

 

Hệ thống thủy lợi được xác lập, chia nội đồng thành các ô kích cỡ “trăm ngang ngàn dọc” theo kênh trục chạy dài khắp Nông trường. Bình quân 1.000m được đào một kênh ngang rộng 15m, trên những kênh ngang, cứ 100m lại có hệ thống bờ giữa mương cặp chia đồng ruộng thành các ô bàn cờ, hoàn toàn chủ động tưới tiêu cho 5.637 ha trồng lúa 2 vụ.

 

Mô hình “sống chung với lũ” cũng được tiên lượng và tính toán về lâu dài, nhằm bảo đảm cho người dân ổn định đời sống và sản xuất có hiệu quả. Trên cơ sở từng “phân khu sản xuất” đã xác định và khắc phục, tận dụng hạn chế và lợi thế của thiên nhiên theo phương châm “chống lũ tràn, rước triều, tiêu mưa”.

 

Nông trường giao cho đội ngũ kỹ sư nông nghiệp phụ trách hướng dẫn nông dân từ khâu lập kế hoạch sản xuất, đến việc sử dụng các loại vật tư, cách theo dõi và chăm sóc đồng lúa cho đến khi thu hoạch.

 

… và tổ chức sản xuất giỏi

 

Để các khâu của quá trình sản xuất khi triển khai đại trà thực sự phát huy tác dụng trên đồng ruộng, Nông trường thành lập một trung tâm sản xuất giống, đóng vai trò là một trong những vệ tinh của viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và trường đại học Cần Thơ để lần lượt khảo nghiệm các giống lúa nguyên chủng có triển vọng để đưa vào sản xuất trên diện rộng.

 

Nông trường dành ra 10% diện tích đất canh tác để trồng giống lúa xác nhận, từ đó bảo đảm cung cấp đủ giống lúa trồng đại trà trên 5.600 héc - ta lúa thương phẩm của Nông trường và cho các vùng trong khu vực.

 

Một phần diện tích đất khác được Nông trường chuyên sử dụng cho việc trồng và khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi khác như rau màu, cây ăn trái, heo, bò, cá, tôm v.v…

 

Các giống cây trồng và vật nuôi sau khi khảo nghiệm thành công được Nông trường giao cho các hộ nông trường viên sản xuất giỏi triển khai thực hiện trước, sau đó sẽ được áp dụng rộng rãi trong toàn nông trường và mở rộng ra các khu vực xung quanh.

 

Chính cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng là người nghĩ ra phương án trồng cây bạch đàn bên lề đường, bờ kênh... Ảnh: CTV.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi và từng bước thực hiện hiện đại hóa trong sản xuất, Nông trường chủ trương cơ giới hóa từ từng phần đến toàn phần các khâu của các quá trình sản xuất.

 

Cơ giới hóa làm đất: Nông trường thành lập một đội cơ khí chuyên lo khâu làm đất cho tất cả nông trường viên, phát triển theo yêu cầu phát triển của Nông trường, đồng thời đảm nhận các khâu cơ giới hóa khác trong nông nghiệp.

 

Cơ giới hóa thủy lợi: Một đội xáng cạp và trang bị 2.000 máy bơm nước được thành lập chuyên vận hành các thiết bị máy móc, bảo đảm giữ mực nước ruộng thích hợp tại từng phân khu của Nông trường theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa.

 

Cơ giới hóa sạ lúa: Năm 1997, khi máy sạ lúa thẳng hàng của Viện lúa Quốc tế IRRI được Viện Lúa Ô Môn đưa về thử nghiệm. Nông trường đầu tư vốn mua về một số máy loại này, giao cho xưởng cơ khí nghiên cứu, cải tiến và đã thành công khi đưa vào sản xuất.

 

Cùng với việc giao máy cho các hộ nông trường viên sản xuất, Nông trường đã hỗ trợ một số hợp tác xã trong tỉnh Cần Thơ mỗi hợp tác xã 2 máy và 500 kg lúa giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo hàng, đem lại kết quả khả quan, sau đó được áp dụng trên diện rộng.

 

Cơ giới hóa phơi sấy lúa: Nông Trường là đơn vị kinh doanh nông nghiệp đầu tiên đầu tư công cụ cơ giới sấy lúa một cách có hệ thống. Chỉ sau một thời gian ngắn, thông qua thử nghiệm và tổ chức các hội thi, hệ thống máy sấy lúa và hệ thống máy gặt đập liên hoàn của Nông trường đã 3 lần được Bộ Nông nghiệp chọn điểm trình diễn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 

Đẩy mạnh công tác khuyến nông đến tận hộ nông dân: Công tác này được Nông trường triển khai thực hiện một cách bài bản.

Các kỹ sư trưởng khu phụ trách đã thường xuyên mở những buổi tập huấn cho nông dân, trực tiếp hướng dẫn các khâu bón phân, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu bệnh, áp dụng thành công biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây lúa (IPM) và biện pháp thâm canh tổng hợp “ba giảm, ba tăng” {Ba giảm: giảm lúa giống (tiết kiệm giống nhờ dùng máy gieo hàng), giảm lượng phân bón, giảm lượng thuốc trừ sâu; Ba tăng: tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận}…

 

Nhờ đó, các nông hộ nông trường viên nhanh chóng làm quen với các quy trình sản xuất tiến tiến của Nông trường.

 

Chủ động và bảo đảm sự ổn đinh về cung ứng vật tư nông nghiệp: Để chủ động được nguồn vật tư nông nghiệp lớn, bảo đảm cho cây lúa và các cây trồng, vật nuôi khác không thiếu phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc phòng chữa bệnh, từ nguồn ngoại tệ thu về thông qua xuất khẩu gạo và các sản phẩm nông sản, Nông trường đã trở thành nhà nhập khẩu vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thường xuyên cung ứng đủ cho nông trường viên sản xuất với giá rẻ nhất, còn có dư để cung ứng cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.

 

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật toàn diện và đồng bộ, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân

 

Trong suốt 25 năm, (từ năm 1979 đến hết năm 2003), với tinh thần tự lực tự cường, Nông trường đã đầu tư xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ nhằm tạo ra một diện mạo mới cho nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

... để nhiều năm sau, từ nguồn gỗ đó, những ngôi nhà gỗ được dựng lên thay cho nhà tranh tre nứa lá ở nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.

Những con số kết tinh sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, thể hiện tinh thần tất cả cho sản xuất, tất cả vì con người của Nông trường Sông Hậu sau 30 năm xây dựng và phát triển là những bằng chứng sinh động về điều đó: nạo vét 100 km kênh mương bị bồi lắng. Nâng cấp toàn bộ hệ thống đê bao cho 7.000 héc - ta đất sản xuất, kết hợp xây dựng và nâng cấp hệ thống đê bao vững chắc dài gần 400 km.

 

Xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh trong nội bộ Nông trường và liên xã phục vụ đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hóa có tổng chiều dài trên 300 km với 35 cầu bê tông, 39 cầu gỗ.

 

Nông trường có 44,5 km điện trung thế, 160,36 km điện hạ thế, 32 trạm biến áp với tổng công suất 3.600kw, bảo đảm cho 100% hộ dân có điện. Có 1 bưu cục với hơn 600 thuê bao; nhà văn hóa 500 chỗ ngồi; trạm xá với 20 giường bệnh; 9 trường học các cấp v.v…

 

Nói cách khác, trên tổng diện tích gần 7.000 ha đất, Nông trường đã thiết lập một kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu từ sản xuất đến đời sống sinh hoạt của toàn Nông trường theo hướng bền vững và ổn định.

 

Ba là, khai thác và phát huy hiệu quả liên kết “bốn nhà”

 

Với nhận thức: mọi hoạt động thực tiễn chỉ phát huy tác dụng và nhanh chóng đi vào đời sống khi dựa trên lý thuyết và được lý thuyết dẫn đường, ngay từ những năm đầu, Ban Giám đốc NTSH đã tích cực tìm đến với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để kết nối, hợp tác nghiên cứu và ứng dụng các chương trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của Nông trường vào thực tiễn.

 

Trên cơ sở các ngành nghề mới nảy sinh từ thực tiễn, Nông trường đặt ra các yêu cầu mới về kỹ thuật, công nghệ, từ đó ký hợp đồng đặt hàng với các cơ quan nghiên cứu, các viện, trường và các nhà khoa học trong và ngoài khu vực; liên kết với các viện, trường, cơ quan nghiên cứu để thử nghiệm từng nội dung và vấn đề liên quan.

 

Hàng loạt các công trình và chương trình lần lượt được thực hiện và triển khai ứng dụng vào thực tiễn từ sự hợp tác giữa NTSH với trường đại học như đại học Bách Khoa, đại học Nông - Lâm, đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh; khoa Công Nghệ (đại học Cần Thơ); Trung tâm nghiên cứu Cơ điện thành phố Hồ Chí Minh; viện nghiên cứu Lúa đồng bằng Sông Cửu Long; viện Cây ăn quả Miền Nam; viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam; Trung tâm cây Lâm nghiệp Miền Đông (viện Lâm Nghiệp) v.v…

 

Kết quả các nghiên cứu và việc triển khai ứng dụng chúng vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh và quản lý đã góp phần giúp Nông trường và các hợp tác xã từng bước tiếp cận và thích nghi với các thành tựu mới về khoa học - kỹ thuật, nhanh chóng đi vào quỹ đạo của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Mối liên kết này đã mang lại lợi ích cho cả Nông trường và các cơ quan, cán bộ khoa học. Trong đó có thể khẳng định: nếu không có chất xám của đội ngũ cán bộ khoa học thì cũng không thể có những tiến bộ kỹ thuật nói trên; ngược lại, không có đầu tư tài chính của Nông trường thì những tiến bộ kỹ thuật nói trên không thể ra đời cũng như được ứng dụng vào sản xuất.

 

Các chương trình liên kết hợp tác nghiên cứu đó chủ yếu được triển khai bằng kinh phí của Nông trường. Trong đó, ngoài các nghiên cứu thông thường và có tính định kỳ, riêng các nghiên cứu ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới ước tính 4,3 tỷ đồng.

           

Để các chương trình nghiên cứu nói trên phát huy tác dụng, Nông trường đã triển khai các hoạt động khác có liên quan như thành lập mạng lưới khuyến nông trong toàn nông trường, thành lập tổ chức công nhân nông nghiệp; tổ chức tập huấn chương trình “Wind” với sự hỗ trợ của Nhật Bản với mục đích cải thiện điều kiện lao động, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; tập huấn kỹ thuật sản xuất v.v… cho hàng trăm hộ nông trường viên.

 

Các chương trình và hoạt động đó được triển khai đồng bộ, thường xuyên; bên cạnh góp phần tạo ra và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới có chất lượng và giá trị cao, bảo đảm tăng nhanh năng suất, làm cho khối lượng sản phẩm tăng lên không ngừng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

 

Chính những điều này đã tạo điều kiện để xác lập một mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, xét cả về mặt sinh thái tự nhiên và thị trường. Đó là mô hình mà cái đích của nó là sản xuất ra những sản phẩm sạch từ cây trồng, vật nuôi, bảo vệ bền vững môi trường trong đất, trong nước, trong không khí nhờ có những nhà máy và cơ sở chế biến với công nghệ hiện đại.

 

Bốn là, không ngừng ổn định và phát triển đời sống vật chất, văn hóa - tinh thần CB- CNV và hộ nông trường viên.

 

Cái đích cuối cùng mà Ban Giám đốc NTSH xác định cần đạt tới chính là tất cả vì con người và cho con người. Điều này được thể hiện sinh động ở việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nông trường cũng luôn quan tâm đến đời sống vật chất và văn hóa - tinh thần của từng thành viên trong cộng đồng.

 

Đó chính là việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ về lợi ích, trong đó lợi ích của kinh tế hộ nông trường viên được xem là điểm xuất phát.

 

Vận dụng chính sách nhà nước tạo điều kiện cho mọi người, nhất là tầng lớp nông dân nghèo đều có tư liệu sản xuất, và có đầy đủ vật tư và kỹ thuật để sản xuất, bằng những biện pháp được xây dựng từ thực tiễn, Nông trường đã áp dụng thực hiện một cơ chế khoán được lòng dân đồng thời có các chính sách hữu hiệu để kích thích sự sáng tạo của tập thể, từ đó tạo sự tác động tích cực trở lại đối với đời sống của hộ nông trường viên.

 

Từ những nông dân nghèo tay trắng, chính sách khoán hộ cùng với việc đáp ứng tốt nhất những điều kiện có thể của Nông trường đã giúp 2.800 hộ nông trường viên có tài sản, có việc làm với thu nhập bình quân: 50-80 triệu đồng/hộ/năm, không có hộ nghèo; nhiều hộ đạt trên 100 triệu, cá biệt có hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; thu nhập theo bình quân đầu người 800.000 - 1.000.000đồng/tháng.

 

Những cánh đồng lúa luôn được thử nghiệm, đầu tư giống mới cho năng suất cao, kháng bệnh tốt ở nông trường Sông Hậu.... Ảnh: CTV.

“Bảng tổng hợp giá trị tài sản nông nghiệp của nông trường viên năm 2000” do Ban Kinh tế Tỉnh ủy Cần Thơ và NTSH phối hợp điều tra cho thấy: đến cuối năm 1999, trong cư dân của NTSH đã có 2. 800 căn nhà các loại, với mức thấp nhất là 10 triệu đồng/căn, mức cao nhất trên 50 triệu đồng/căn, với tổng giá trị lên tới 7,2 tỷ đồng.

 

Toàn Nông trường có 7.678 xe gắn máy, gần 100 dàn máy vi tính cá nhân (gần chục hộ đã nối mạng Internet), gần 2.700 xe đạp, 2.406 ti vi, 255 đầu video, 1.933 radio casette, 64 tủ lạnh, 2. 767 quạt máy, 1.237 cây nước…

 

100% số hộ nông trường viên (2800 hộ) đều đã có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt với hệ thống lưới điện trị giá 11 tỷ đồng.

 

Về tư liệu sản xuất, không tính tài sản chung của nông trường, trong các hộ nông trường viên có trên 100 máy kéo, 46 máy xới tay, 145 máy suốt lúa, 120 máy cắt lúa, 40 lò sấy lúa, hơn 2.000 máy bơm nước, 2.606 bình xịt, 5. 000 ha vuông nuôi cá, gần 240. 000 cây ăn trái các loại, trong đó 150.000 cây xoài cát Hòa Lộc…

 

Nếu chia bình quân, mỗi hộ có giá trị tài sản là 90,4 triệu đồng. Thời điểm đó, đây là những con số mà bất kỳ nông trường và hộ nông trường viên nào trên cả nước cũng đều mong ước.

 

Năm là, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ

 

Thấu suốt quan điểm: thành bại của sự nghiệp cách mạng nào cũng bắt đầu từ con người và tất cả đều do nhân tố con người quyết định, Ban Giám đốc Nông trường ngay từ những năm đầu còn gặp nhiều khó khăn, thử thách vẫn hết sức quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để bồi dưỡng và xây dựng một đội ngũ cán bộ - công nhân viên bảo đảm đi kịp với yêu cầu của thực tiễn. 

 

Cùng với các chính sách hấp dẫn để “chiêu hiền đãi sĩ”, đội ngũ cán bộ khi trở thành thành viên của Nông trường được ban Giám đốc quan tâm tạo điều kiện được học tập, đào tạo bằng nhiều hình thức như thường xuyên gửi cán bộ, nhân viên đi học các lớp bồi dưỡng, chuyên tu, các khóa trung và dài hạn do các cơ quan chức năng tổ chức, đi kèm theo đó có các chế độ đầu tư và đãi ngộ thích đáng để họ an tâm theo học.

 

Chẳng hạn, để động viên phong trào học ngoại ngữ và tin học, Nông trường tăng thêm lương cho những người có 1 trong các ngoại ngữ Anh - Pháp - Hoa với các mức: 50.000 đồng/tháng với người có bằng A, 100.000 đồng/tháng với người có bằng B, 200.000 đồng/tháng với người có bằng C.

 

Để tạo thuận lợi cho người học, Nông trường đã mời giáo viên đến tại Nông trường để dạy vi tính, ngoại ngữ và các lớp quản lý nhà nước, quản lý tài chính - kế toán cho cán bộ - công nhân viên.

Đối với các chương trình đào tạo bậc cao và dài hạn, Nông trường hợp tác với các trường đại học, các viện đào tạo gửi cán bộ đi học.

 

Bằng các biện pháp đó, đến nay, trong tổng số 464 người là CB - CNV của Nông trường, đã có gần 200 người tốt nghiệp đại học, 102 nhân viên trung cấp, 8 cán bộ có trình độ thạc sĩ, hiện đang có 2 cán bộ được cử đi đào tạo tiến sĩ, 3 cán bộ đang học thạc sĩ…

 

Những năm gần đây, thông qua nhiều hình thức đào tạo, Nông trường đã đã chuẩn hóa 25 cán bộ có trình độ đại học (trong đó có 10 cử nhân luật, 12 cán bộ chính trị) và tổ chức hàng trăm lượt cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại ngữ, vi tính, quản lý, kỹ thuật v.v…

 

Trước một phong trào học tập sôi nổi với đối tượng tham gia ngày càng mở rộng về độ tuổi và nhu cầu, ngày 22/12/2001, Giám đốc Nông trường đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng tại NTSH.

 

Chính sách tuyển dụng vào làm việc và cơ chế khuyến khích học tập thiết thực của NTSH, tự nó đã trở thành yếu tố thu hút cán bộ, không chỉ đối với những người trong khu vực, mà những cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi từ thành phố cũng tìm về Nông trường ngày càng đông, đã tạo cho NTSH có một đội ngũ cán bộ - công nhân viên ngày càng hùng hậu về số lượng, mạnh về chất lượng; được Nông trường tạo mọi điều kiện và cơ hội.

 

Nhờ đó, đã không ngừng phát huy tính tích cực năng động sáng tạo của từng cá nhân và sức mạnh tổng hợp của cả tập thể trong sự nghiệp xây dựng Nông trường.

 

Sáu là, chủ động tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường thế giới

 

Ngay từ những năm 80, NTSH đã có sự chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và công nghệ, nhất là có ý thức chuẩn bị về cơ sở vật chất - kỹ thuật và xây dựng một đội ngũ cán bộ để chủ động hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.

 

Sự “đón đầu” đó đã giúp Nông trường sớm áp dụng các hệ thống quản lý quốc tế vào quản lý sản xuất - kinh doanh như: ISO, HACCP, GMP, SSOP, SQF, FDA, ISF, HALAL, BRC…; đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa SOHAFARM trong và ngoài nước (năm 2002); lần lượt đạt được trên 10 chứng chỉ xuất khẩu hàng hóa từ các quốc gia, kể cả các quốc gia, lãnh thổ khó tính nhất.

 

... Để giúp bà con nông trường viên, những người nông dân chân đất lấm bùn có cơ hội không chỉ thoát nghèo mà có thể làm giàu trên mảnh đất ruộng lầy của mình. Trong ảnh là một trong những ngôi nhà xây tường đầu tiên mọc lên ở nông trường Sông Hậu, của anh Trương Anh Dũng. Anh Dũng là một trong 16 chàng trai, cô gái buổi đầu theo ông Trần Ngọc Hoằng bơi xuồng vào khai phá đất hoang, xây dựng nông trường, làm công nhân đào đất và thủ kho phân bón, do hoàn thành tốt nhiệm vụ nên được nông trường thưởng cho ngôi nhà này. Lúc xây dựng, ngôi nhà trị giá 10 cây vàng. Ảnh: CTV.

Nhận rõ nếu tiếp tục phải chia sẻ lợi nhuận cho các khâu trung gian trước khi hạt gạo xuống tàu thì công lao động khó nhọc của nông dân không thể được đền bù tương xứng.

 

Vì vậy, một mặt Nông trường tích cực tìm kiếm thị trường và chuẩn bị các điều kiện, mặt khác đã cùng một số nhà kinh tế thức thời mạnh dạn kiến nghị nhà nước đổi mới cách quản lý thị trường xuất khẩu gạo, cụ thể là cho một số cơ sở chuyên sản xuất chế biến gạo có thể trực tiếp xuất khẩu gạo mà không qua trung gian.

 

Nông trường quan tâm tìm hiểu khách hàng và thị trường tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Nhật Bản, khối cộng đồng châu Âu và châu Mỹ.

 

Nhờ đó, sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu SOHAFARM của NTSH, bên cạnh ngày càng đa dạng về chủng loại (gạo thơm Khao Dawk Mali, chuối sấy, rau, củ quả sấy, trà khổ qua, trà gừng hòa tan, gừng non muối, thạch dừa, gà Nagoya Nhật Bản, xoài cát Hòa Lộc, các sản phẩm hàng hóa gia dụng trong nhà, ngoài trời bằng gỗ bạch đàn v.v…) thì đã có mặt ngày càng nhiều với sức vươn mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Đến nay, mô hình sản xuất và phương thức quản lý, đặc biệt là chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu SOHAFARM của NTSH đã trở nên quen thuộc và ngày càng được bạn hàng quốc tế tín nhiệm và đã có mặt hầu như tất cả các châu lục trên thế giới.

 

Với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, có năm đạt trên 80 triệu USD (riêng xuất khẩu đạt trên 50 triệu USD), đưa tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 80% trong tổng doanh thu hàng năm.

 

Bảy là, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển.

 

Thông qua đường lối, chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nông trường quán triệt, vận dụng vào điều kiện cụ thể của mình với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống.

 

Tại địa bàn nơi đứng chân, Nông trường luôn được sự lãnh đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Hậu Giang trước kia cũng như tỉnh Cần Thơ hiện nay; sự quan tâm, động viên, khích lệ của các cơ quan Trung ương, các bộ chủ quản; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học; các ngân hàng thương mại; các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước…

 

Nguồn lực sức mạnh tổng hợp đó luôn là chỗ dựa tinh thần cho tập thể ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, công nhân viên, nông trường viên của NTSH trong từng giai đoạn cũng như trong suốt quá trình phấn đấu xây dựng và trưởng thành.

 

(còn nữa)

  • Triều Hải Quỳnh (tác giả là tiến sỹ ngành Truyền thông đại chúng, hiện là Biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Những nội dung trong loạt bài này trích từ nghiên cứu năm 2008 của tác giả)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,