221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1248375
Trưởng Ban Dân vận TƯ: Không nên bỏ tù bà Ba Sương
1
Article
null
Trưởng Ban Dân vận TƯ: Không nên bỏ tù bà Ba Sương
,

- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết mong các cơ quan pháp luật ở Trung ương xem xét thận trọng, kỹ càng về vụ án Nông trường Sông Hậu, đồng thời cho rằng bỏ tù một người Anh hùng như bà Trần Ngọc Sương không chỉ đáng tiếc mà còn là điều tối kị.

Mô tả ảnh.
Bà Hà Thị Khiết: Tôi mong các cơ quan pháp luật ở Trung ương xem xét thận trọng. Ảnh: CN
Trao đổi với VietNamNet bên hành lang Quốc hội hôm qua (24/11), bà Hà Thị Khiết cho biết bản thân bà rất quan tâm và đang theo dõi sát quá trình xử lý vụ án, "đặc biệt là khi ngày càng có nhiều phản ứng từ dư luận".

 "Tôi chưa bình luận về khía cạnh "nặng" hay "nhẹ" của bản án phúc thẩm vừa được tuyên đối với chị Ba Sương, nhưng tôi mong các cơ quan pháp luật ở Trung ương cần xem xét thận trọng và kỹ càng hơn, bây giờ sự việc lỡ thì đã lỡ rồi nên chúng ta càng phải thận trọng hơn", bà Khiết nhấn mạnh.

Cũng theo ý kiến bà Hà Thị Khiết: "Khi xét xử, không thể không tính đến công trạng và cống hiến của bản thân chị ấy (Trần Ngọc Sương). Ngoài ra, chúng ta cũng rất cần đặt những sự việc đã xảy ra trong bối cảnh xã hội lúc đó để có những phán quyết đảm bảo có lý, có tình và đúng pháp luật".

 Là người đã từ lâu biết đến nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu Trần Ngọc Sương, bà Khiết tâm sự: "Tôi nghĩ chị ấy cũng chỉ vì để giúp đỡ, chăm lo cho mọi người, cho công việc chung của Nông trường nên mới duy trì Quỹ đó (Quỹ đời sống - PV)".

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/11, phía Viện kiểm sát cho rằng bà Trần Ngọc Sương chỉ phải bồi thường số tiền hơn 3,9 tỷ đồng thay vì phải bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng như Tòa sơ thẩm đã tuyên.

Số tiền 400 triệu đồng còn lại được Viện kiểm sát chuyển sang buộc Phó Giám đốc Nông trường Trương Hồng Nhung phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, bà Sương đã nói ngay tại tòa: "Nếu buộc cô Nhung phải bồi thường thì để tôi lo, chứ gia đình cô Nhung không có tiền, và trong việc chi tiêu cái Quỹ này thì không có ai tư túi".

Sau đó, Tòa phúc thẩm đã y án sơ thẩm, tiếp tục tuyên phạt bà Trần Ngọc Sương 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng.

"Ngay cả như bản thân tôi làm lãnh đạo thì nhiều khi cũng không thể kiểm soát được hết cấp dưới. Mình tin vào cấp dưới, nhưng bây giờ sự việc nó ra như thế, là người đứng đầu, không ai lại đổ trách nhiệm hết cho cấp dưới", bà Hà Thị Khiết bộc bạch.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng chia sẻ thêm quan điểm của mình: "Người lãnh đạo đúng là việc gì mà trách nhiệm thuộc về mình thì không được đổ cho cấp dưới".

Nhắc đến sự việc 110 người dân ở Nông trường Sông Hậu đã cùng nhau ký tên vào lá đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị "xin ở tù thay" cho bà Trần Ngọc Sương, bà Hà Thị Khiết cho biết: "Tôi cũng đã điện vào cho anh em Dân vận ở Cần Thơ yêu cầu phải quan tâm, xem xét diễn biến tình hình trong đó".

"Chúng ta phải hết sức thận trọng, bỏ tù một người Anh hùng như chị Ba Sương không chỉ là điều đáng tiếc mà còn là điều tối kị", bà Khiết bày tỏ thêm.

Cũng phát biểu trên VietNamNet mới đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã bày tỏ thái độ hết sức bất bình đối với kết quả bản án phúc thẩm, đồng thời cho rằng: "Đây không phải là "Quỹ đen" mà phải gọi đúng tên là "Quỹ đời sống", trong thời gian đó người ta cũng gọi đây là "Quỹ đời sống. Cô ấy (Trần Ngọc Sương) duy trì quỹ đó không phải để cho riêng mình tiêu xài, cũng không hề có gì giấu giếm để phục vụ cho những lợi ích cá nhân".

Trước phản ứng của dư luận, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh nói, đã yêu cầu Công an TP Cần Thơ báo cáo lại toàn bộ quá trình điều tra vụ án. Nếu phát hiện thấy có sai sót, sẽ tiến hành thẩm tra, xem xét lại. 

Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba cũng cho biết khả năng cơ quan này có thể lập đoàn giám sát, trong trường hợp phát hiện thấy có dấu hiệu sai sót.

Ngày 23/11, bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương) đã gửi Đơn kêu cứu khẩn cấp lên Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.

Trong thời gian chờ xem xét giám đốc thẩm, vì tình trạng “sức khỏe suy kiệt”, bà Sương kính mong Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC xem xét cho bà được tạm hoãn chấp hành án tù mà TAND TP Cần Thơ đã tuyên.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai:

Dưới góc độ một người nghiên cứu lịch sử, tôi thấy vụ án này phản ảnh bước chuyển đổi của xã hội, chuyển đổi về những giá trị và đương nhiên trong đó cốt lõi là luật pháp.

Chính vì thế mà phải nhìn hiện tượng bà Ba Sương trong quá trình của nó, kể cả hành vi cũng như tất cả các yếu tố liên quan mà có thể người ta lấy căn cứ vào đó để cấu thành tội phạm, chứ không thể nhìn trong hiện tại thuần túy được.

Mỗi chúng ta đều liên tưởng trong đời sống xã hội của mình, cơ quan mình cũng có những loại quỹ đời sống như tại Nông trường Sông Hậu.

Trong trường hợp này tôi rất chú ý đến chi tiết chưa được kiểm chứng là đằng sau vụ án này có yếu tố đất đai. Tôi không bình luận trực tiếp về những thông tin TP Cần Thơ muốn lấy đất Nông trường Sông Hậu để làm khu đô thị, nhưng tôi thấy trong xã hội hiện nay, vấn đề đất đai luôn luôn có mặt đằng sau mọi động thái xã hội.

Do vậy, việc lường trước và xem xét cẩn trọng là cần thiết. Nếu quả thực đúng như vậy thì các cơ quan tư pháp phải làm thật nghiêm túc, xem thực tế đến đâu.

Ngoài ra, phải giám sát cả quá trình, nhất là những biến động đất đai liên quan đến vụ án. Khi đó, chúng ta sẽ tìm ra bản chất vấn đề.

Khi có những thay đổi về mặt luật pháp thì trách nhiệm Nhà nước ở đâu? Tôi cho rằng công và tội phải rõ ràng. Nhưng công và tội luôn có mối quan hệ với nhau bởi cuộc sống của một con người là quá trình liên tục.

Cái gì đã khiến một người có công thành có tội? Phải trả lời được câu hỏi này. Một người phụ nữ hơn 60 tuổi, không nhà cửa, chồng, con thì chúng ta phải nhìn một cách nhân văn hơn.

Do vậy, nếu không giải tỏa dư luận trong vụ án này thì bản án không có hiệu ứng như chúng ta mong muốn. Tôi nghĩ vụ án này cần tiếp tục làm rõ ra. Bởi đây không chỉ là một bản án cụ thể mà còn là một hiện tượng xã hội.

Nếu làm rõ được bản án thì luật pháp sẽ có sự đồng thuận xã hội cao hơn. Điều này quan trọng hơn rất nhiều. Bỏ một người vào tù là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là để mỗi người bên ngoài nhìn vào tìm thấy những giá trị sống tốt hơn.

Quả thật, nếu có chuyện Thành ủy Cần Thơ có văn bản chỉ đạo khởi tố vụ án theo tội này, tội kia thì đây là điều không chấp nhận được. Nhưng chúng ta tin các cơ quan pháp luật cao hơn ở Trung ương sẽ làm rõ những điều này. Khi nhiều cơ quan ở Trung ương vào cuộc, tôi tin vụ án này sẽ được làm rõ.  

  • Đăng Dương

  • Cao Nhật
 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,