221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1245458
Ở nơi "ai cũng có cơm ăn, ai cũng được học hành"
1
Article
null
Kỳ 3:
Ở nơi 'ai cũng có cơm ăn, ai cũng được học hành'
,

 - Ở Nông trường Sông Hậu, đã phổ cập tiểu học và xóa mù chữ từ năm 1985. Người người quần tụ ở mảnh đất này vì được chăm lo từ miếng cơm ăn, mảnh áo mặc.

Không chỉ đơn thuần phát triển kinh tế, NTSH còn là một điển hình trong việc đầu tư chiều sâu xây dựng và phát triển con người - coi đây là động lực quan trọng của quá trình phát triển. Ngay từ những năm đầu còn đứng trước bao khó khăn, Nông trường đã xác định quan điểm: một nông trường giàu mạnh phải hội đủ hai tiêu chuẩn cơ bản:  từng hộ dân và mỗi thành viên của nông trường phải có được một cuộc sống không chỉ ấm no, giàu mạnh về vật chất mà còn phải được thụ hưởng ngày càng cao và đầy đủ hơn về đời sống văn hóa - tinh thần.

Phổ cập tiểu học từ 1985

Về giáo dục: Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Phải lo cho dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, trong điều kiện phải đương đầu với khó khăn thử thách, với quan điểm tất cả vì con người, tất cả cho con người, Ban Giám đốc Nông trường, đứng đầu là cố  Giám đốc Trần Ngọc Hoằng đã chỉ đạo: “dù sản xuất còn gặp khó khăn thiếu thốn đến đâu nhưng việc học hành của con em cán bộ công nhân viên và nông trường viên không thể thiếu được”.

 

Thư viện khang trang dành cho con em Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.

Bằng nguồn vốn được trích từ phúc lợi của Nông trường, 9 điểm trường các cấp lần lượt được đầu tư xây dựng theo các tuyến kênh trên khắp Nông trường với tổng số 3. 500 học sinh và đội ngũ giáo viên các cấp gồm 180 người.

Cơ sở vật chất phục vụ học tập từ trường lớp, bàn ghế, dụng cụ giảng dạy - học tập, đến lương và các chế độ cho đội ngũ thầy cô giáo đều do Nông trường tự trả. Có lẽ từ trước đến nay, NTSH là đơn vị duy nhất trong khối nông trường của cả nước có một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, cũng là nơi duy nhất bao cấp toàn bộ chi phí cho công tác giáo dục - đào tạo.

Con em của Nông trường đi học, phụ huynh không phải đóng góp bất kỳ một khoản chi phí nào trong suốt quá trình từ nhà trẻ, mẫu giáo tới khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Các cháu học giỏi còn được Nông trường cấp gạo đủ ăn hàng tháng.

Nếu được tuyển vào trường chuyên hoặc cao đẳng, đại học, tùy theo kết quả học tập, bằng quỹ “Khuyến khích phát triển tài năng trẻ”, Nông trường cấp học bổng từ 100 - 200 ngàn đồng và 15 kg gạo/tháng/em.

Đội ngũ giáo viên, bên cạnh được hưởng mức lương bình quân cao gấp 2,5 lần mức lương của ngành giáo dục, còn được Nông trường cấp đủ chế độ gạo hàng tháng cho giáo viên và 2 người con của họ. Những giáo viên có học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia đều được Nông trường khuyến khích vật chất tương ứng với kết quả giảng dạy.

Giáo viên tình nguyện đến dạy học tại Nông trường đều được cấp nhà ở, 1.000 m2 đất thổ cư và được cấp đất canh tác theo khả năng lao động để nâng cao mức sống, còn được  Nông trường hỗ trợ thêm một phần lương và các chế độ khen thưởng (kinh phí bổ sung cho hoạt động giáo dục bình quân mỗi năm trên 1 tỷ đồng). Bằng cơ chế khuyến học, khuyến dạy thiết thực đó, số trẻ vào lớp 1, lên cấp 2 và 3 của Nông trường đều đạt tỷ lệ 100%.

Năm 1985, Nông trường đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học và và chống mù chữ. Năm 1987, Nông trường đã hoàn thành quốc gia về giáo dục phổ cập bậc tiểu học. Năm 1999 đến nay tiếp tục được công nhận đạt chuẩn về phổ cập bậc trung học cơ sở, là trường tiên tiến xuất sắc được sở Giáo dục Cần Thơ chọn làm điểm, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục đào tạo tặng bằng khen. 

Hai năm liền (2000-2001), Nông trường được công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở (trong khi chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT đề ra cho cả nước là phấn đấu đến năm 2005 phải đạt được tiêu chuẩn này).

Hội khuyến học NTSH cũng được thành lập rất sớm (năm 2000), trở thành cơ sở lớn nhất nước nhờ 100% những người có con đang trong độ tuổi học phổ thông tham gia hội Khuyến học với hàng ngàn hội viên; được hội Khuyến học Trung ương đánh giá là đơn vị có phong trào khuyến học tốt nhất nước. Năm 2003, trường Mẫu giáo Dân lập của Nông trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhiều năm liền, học sinh các cấp học của Nông trường đều thi đỗ tốt nghiệp 100%; cũng là nơi được đánh giá thực hiện chương trình Wind thành công, được nhiều tổ chức của các nước trên thế giới tìm đến nghiên cứu, học tập v.v… Với những thành tích đó, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh đã quyết định chọn NTSH là điểm xây dựng “Trung tâm giáo dục cộng đồng” của tỉnh Cần Thơ. 

Về văn hóa: Song song với sự nghiệp giáo dục đào tạo, Đảng ủy và ban Giám đốc NTSH cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho CB- CNV và nông trường viên.

Những năm qua, Nông trường đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng Đài truyền thanh phát sóng FM, 3 thư viện có phòng đọc sách được trang bị đúng tiêu chuẩn với trên 20.000 đầu sách.

 

Kho chứa lúa những ngày đầu ở Nông trường Sông Hậu chỉ lợp giấy dầu. Ảnh: CTV.

Hệ thống thiết chế văn hóa của Nông trường gồm có Nhà văn hóa có sức chứa 500 chỗ ngồi, sân vận động, hội trường v.v… là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao với các hình thức đa dạng, phong phú như các hội diễn văn nghệ, hội thao, hội thi “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, tổ chức các lớp nữ công gia chánh, những cuộc thi tìm hiểu truyền thống cách mạng, truyền thống nông trường… với  9 đội văn nghệ, 8 đội lân, 9 đội bóng đá, 9 đội bóng chuyền, 4 câu lạc bộ võ thuật….

Kinh phí cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hàng năm lên tới gần 400 triệu đồng.

Từ năm 1998 đến nay, Nông trường liên tục giữ vững danh hiệu là “Nông trường văn hóa”. Ngày 27/7/1999, nhân dịp về thăm NTSH, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (nay là đương kim Chủ tịch Quốc hội - NV) đã nhận xét: “Đây chẳng những là một mô hình làm ăn kinh tế giỏi mà còn là một địa chỉ văn hóa rất hay, quan tâm chăm lo cho con người, vì sự nghiệp phát triển lâu dài của nông trường, của đất nước”.

Về y tế: Trạm xá Nông trường có 20 giường bệnh, có đủ y, bác sĩ và được Nông trường tự trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.

Mọi thành viên của Nông trường, bất kể cán bộ, công nhân viên và nhân dân khi đến khám và chữa bệnh đều không mất tiền viện phí. Những gia đình, cá nhân nào khó khăn đều được Nông trường hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền mua thuốc chữa bệnh. 

Những trường hợp bệnh nặng hoặc cấp cứu được Nông trường tạo điều kiện về kinh phí và phương tiện để chuyển lên tuyến trên.

Liên tục là "Đảng bộ trong sạch vững mạnh"

Công tác xây dựng Đảng: Từ 1 đảng viên duy nhất (cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng - NV), đến nay NTSH đã có một Đảng bộ với 9 chi bộ, gồm 70 đảng viên. Hàng năm đảng bộ đều tổ chức cho quần chúng đi học lớp cảm tình đảng và kết nạp thêm đảng viên mới.

Đảng bộ Nông trường luôn chăm lo giáo dục chính trị, lãnh đạo chính trị - tư tưởng, bồi dưỡng ý thức tự lực, tự cường đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng; thường xuyên coi trọng việc quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên và quần chúng, thông qua các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, phát hiện, bồi dưỡng và tạo nguồn phát triển đảng.

Đảng bộ Nông trường luôn chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cốt cán đi đôi với chăm lo xây dựng bộ máy quản quản lý gọn nhẹ, có đủ phẩm chất và năng lực, bảo đảm đi kịp với yêu cầu xây dựng, phát triển của Nông trường và hội nhập vào xu thế phát triển chung của đất nước.

 

Vào các dịp lễ tết, cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng luôn thay mặt lãnh đạo nông trường tặng quà cho các nông trường viên sản xuất giỏi, dạy con ngoan (tiền mua quà lấy từ nguồn quỹ công đoàn mà nay bị gọi là "quỹ đen"). Ảnh: CTV.

Cùng với  việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, Đảng bộ cũng đồng thời chú trọng củng cố, phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội, động viên khơi dậy các phong trào cách mạng của quần chúng, tạo sự chuyển biến mọi mặt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nông trường.

Những thành quả mà NTSH đạt được trong những năm qua là kết quả của ý chí cách mạng và nhiệt tình làm giàu cho tập thể trong thời kỳ đổi mới, luôn gắn liền với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và sự quản lý, tổ chức thực hiện đầy sáng tạo của Ban Giám đốc Nông trường.

Bài học mấu chốt được rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển của Nông trường là Đảng ủy và Ban giám đốc Nông trường luôn gắn chặt công tác giáo dục chính trị tư tưởng với công tác tổ chức và cán bộ, trở thành phương châm xuyên suốt trong nhận thức và hành động của toàn Nông trường.

Liên tục năm nào Đảng bộ NTSH cũng đều được công nhận là “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, toàn bộ đảng viên đều gương mẫu phấn đấu tốt, không có đảng viên nào bị kỷ luật khai trừ.

Xây dựng các đoàn thể chính trị - xã hội: Cùng với công tác xây dựng Đảng, NTSH cũng là đơn vị điển hình trong công tác xây dựng và phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Nông trường có đầy đủ các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác như đoàn thanh niên với 700 đoàn viên TNCS; 850 Hội viên hội Liên hiệp Thanh niên, 1.553 đoàn viên Công đoàn, 1.143 Hội viên hội Liên hiệp Phụ nữ, 1762 hội viên hội Nông dân, 118 hội viên hội Cựu chiến binh, 703 Hội viên hội người Cao tuổi… bình quân mỗi hộ CB-CNV và nông trường viên tham gia từ 2 đến 3 tổ chức đoàn thể.

Các tổ chức đoàn thể của Nông trường đã thu hút hàng ngàn người lao động vào các hoạt động, các phong trào thi đua sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới; trở thành nơi tuyên truyền về chủ trương đường lối, phổ biến kiến thức về đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội với trên 20 loại hình sinh hoạt, học tập thường xuyên, sôi nổi và thiết thực trong Nông trường.

Nhờ hoạt động tích cực và hiệu quả, hầu hết các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của Nông trường đều được cấp Trung ương và Tỉnh Hội khen thưởng, nhiều tổ chức và đoàn thể liên tục được tặng cờ thi đua xuất sắc.

Định kỳ hàng tháng, mỗi cán bộ, công nhân viên, đảng viên đều có bản kiểm điểm cá nhân tự phê bình về các mặt công việc, phẩm chất đạo đức… tự đánh giá, xếp loại; tiếp đó được đưa ra tập thể nơi công tác góp ý, nhận xét rồi chuyển lên Hội đồng thi đua cấp Nông trường bình xét, cuối cùng được trình lên Ban Giám đốc quyết định để nhận lương.

Kết quả công tác, tu dưỡng hàng tháng đồng thời là căn cứ để xét thi đua khen thưởng vào cuối mỗi quý và cả năm.

Đặc biệt, từ rất sớm, NTSH cũng là nơi đưa ra thuật ngữ “công nhân nông nghiệp”, xây dựng và triển khai rất thành công mô hình này mà nội dung cơ bản của nó là: những gia đình nông trường viên trong 3 năm liền đạt các danh hiệu “Gia đình văn hóa mới”, “Nông dân sản xuất giỏi”, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất hiệu quả, có trang thiết bị sản xuất tốt; có ý thức chính trị vững vàng, tham gia đầy đủ và tích cực các phong trào đoàn, hội v.v… sẽ được các đơn vị cơ sở đề xuất, được nông trường bình xét là “Công nhân nông nghiệp”.

Hộ nông trường viên và cá nhân khi đạt được danh hiệu này, sẽ được Nông trường mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và được cấp giấy chững nhận sử dụng đất ở lâu dài theo Luật Đất đai, cùng với các quyền lợi khác.

Mô hình độc đáo này đã thực sự thu hút các hộ nông trường viên, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, nhờ đó trong tổng số 1.553 đoàn viên Công đoàn của toàn Nông trường, đến nay đã có 1.073 người (chiếm gần 70 %) đã trở thành công nhân nông nghiệp.

Bảo quản lúa bằng hệ thống kho chứa tiên tiến khi nông trường đã có "của ăn, của để". Ảnh: CTV.

Ba mươi năm, vượt lên chồng chất những khó khăn, thử thách, Nông trường đã tạo dựng được những thành quả rất đáng trân trọng, đúng như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi về thăm NTSH (ngày 3/1/1996) đã đánh giá: “… Nông Trường Sông Hậu thật sự trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, trung tâm khoa học cộng nghệ, trung tâm văn hóa - xã hội trên địa bàn, làm đòn xeo đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội…”.

Với những thành tích đạt được trong chặng đường tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, năm 1999, NTSH được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2.

Bà Trần Ngọc Sương - người nữ giám đốc có công lớn trong việc đưa NTSH trở thành đơn vị Anh hùng lần thứ hai, ngoài vinh dự được tặng thưởng nguyên bộ Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba, đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động; trở thành một trong số những nữ anh hùng hiếm hoi trong lĩnh vực kinh tế (ngành Nông nghiệp) thời kỳ đổi mới.

Năm 2002, tại Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Singapore, với tư cách là người tham gia chính thức Diễn đàn, Giám đốc, Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương phát biểu: “ …Đón nhận vinh dự này , tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc bởi cuộc sống ấm no của một cộng đồng dân cư 10 ngàn người, rồi lên đến 15 ngàn người quần tụ trên mảnh đất này. Nếu so về qui mô của hoạt động sản xuất kinh doanh, quả là không thể sánh với doanh nhân ở một số cường quốc tham gia cuộc bình chọn này. Nhưng nếu tính về mối liên hệ và sự ảnh hưởng tới cộng đồng, rõ là họ không thể bì kịp, bởi Nông Trường Sông Hậu là mô hình của định hướng phát triển vì lợi ích của cộng đồng…” .

(còn tiếp)

  • Triều Hải Quỳnh (tác giả là tiến sỹ ngành Truyền thông đại chúng, hiện là Biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Những nội dung trong loạt bài này trích từ nghiên cứu năm 2008 của tác giả)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,