221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1176690
Đất kim cương, đất vàng "vung vít" khắp Hà Nội
1
Article
null
Đất kim cương, đất vàng 'vung vít' khắp Hà Nội
,

 - Hà Nội có thật hết sạch "đất vàng", "đất kim cương" như một số vị lãnh đạo nhận định? Trả lời: "Vàng", "kim cương" này ở ngoại vi không thiếu mà ngay khu vực trung tâm Hà Nội vẫn còn nhiều! Chỉ có điều, nó đang ở dạng này, dạng khác mà thôi...

Dạo một vòng quanh khu vực nội đô, tận mắt chứng kiến khá nhiều lô "kim cương" hàng chục nghìn mét vuông lẽ ra mang lại vô vàn lợi ích cho xã hội, cộng đồng... thì lại đang bị "om" bởi đơn vị này, doanh nghiệp nọ. Trong khi ngay gần đó, cũng là đất, cũng mặt tiền phố lớn như thế - lúc cao điểm người dân đã chuyển nhượng cho nhau với giá hàng chục cây vàng/m2.

Riêng trong năm 2008, Thành phố Hà Nội đã thu hồi hơn 40 ngàn m2 đất "bỏ không" của 5 đơn vị, coi như đã "đòi" được hàng triệu lượng vàng! Thế nhưng, thành tích này của Hà Nội thật ra vẫn rất khiêm tốn và chưa nhận được nhiều tiếng khen trong việc mạnh tay xử lý đất hoang. Thực tế, "vàng", "kim cương" vẫn đang vung vít khắp Thủ đô...

TCty Xây dựng HN bán bia, TCty HUD rửa xe...?

Đường Láng Hạ đất đắt như vàng, kéo dài lên thành đường Lê Văn Lương giá đất được rao xấp xỉ 100 triệu đồng/m2, đoạn đối diện khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính sầm uất có 7 ô đất mặt tiền tổng diện tích 48.878m2 từ năm 2004 đã được giao cho nhiều đơn vị thuộc 5 tổng công ty lớn.

Khu đất hàng ngàn mét vuông mặt đường Lê Văn Lương nhằm thực hiện Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho thuê sau nửa thập kỷ giao cho Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Chụp tháng 3/2009 - Ảnh: T.M).

Đó là:  Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Đầu tư & phát triển nhà Hà Nội (HANDICO), Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung, Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP). Lý do để các "tổng lớn" này được nhận 7 bãi "kim cương" kia là nhằm thực hiện Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho thuê - một dự án có tính xã hội, nhân đạo nên giao đất cũng nhanh mà chính sách ưu đãi cũng lắm...

Cam kết thực hiện dự án đàng hoàng, thế là đất về tay! Yên tâm, qua vài năm tất cả chủ đầu tư (kể trên) đều hầu như chẳng động tĩnh gì (trừ HACINCO xây thô được 1 trong 2 tòa nhà)... đến mức chính Thành phố Hà Nội  - "cha đẻ" của chủ trương nhà ở cho thuê này vào năm 2006 đã nhiều lần phải gửi công văn nhắc nhở "các đơn vị đã được giao làm chủ đầu tư phải kiểm điểm việc triển khai dự án không đảm bảo thời gian qui định, chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo các nội dung đã cam kết với UBND TP".

Tổng Công ty HUD đã ký kết hợp tác toàn diện với gara ô tô Bình Minh khai thác khu đất được giao từ 5 năm nay để thực hiện Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho thuê? (Chụp tháng 3/2009 - Ảnh: T.M)

Cũng thời điểm ấy, VietNamNet đã có loạt bài phản ánh tình trạng bỏ hoang 7 bãi "kim cương" ngay giữa trung tâm Thủ đô này và khi được hỏi thì mỗi chủ đầu tư một lý do, tựu trung là không thể tiếp tục triển khai Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho thuê mà muốn chuyển thành tòa nhà văn phòng - thương mại - dịch vụ!?

Đáng chú ý là mong muốn này lại cũng được Thành phố Hà Nội khá "đồng cảm" mới lạ! Càng ngày, Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho thuê càng biệt tăm, đất "kim cương" hoặc vẫn tiếp tục hoang, hoặc được sử dụng vào những mục đích rất riêng của chủ đầu tư, hoặc lập dự án với mục tiêu, đối tượng thụ hưởng khác hoàn toàn (đại loại như HUD Tower - một trụ sở, văn phòng cho thuê, kinh doanh... và các công trình tương tự)!!!

Có gì khác nhau giữa 2 tấm ảnh chụp khu đất "vàng" mặt đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đã được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung 5 năm về trước, cũng để thực hiện Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho thuê? (Ảnh trái chụp năm 2006, ảnh phải chụp năm 2009 - Ảnh: T.M)

Mục sở thị địa điểm lẽ ra giờ đây đã phải khang trang những chung cư cao tầng, công trình công cộng phục vụ nhu cầu thuê nhà của một bộ phận lớn nhân dân còn đang khó khăn "nơi ăn chốn ở" vào tháng 3/2009, thấy ô đất được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) đang mở quán bia (bắt tay với nhà hàng Hùng Xoăn?!), còn Tổng Công ty HUD thì mở tiệm rửa xe, dọn nội thất (hình như liên doanh với gara ô tô Bình Minh?!), chắc kiếm cũng khá vì nườm nượp khách...

Tại những ô "kim cương" còn lại, ô thì mở lối vào cho bia Tây Đô, ô thì thông đường cho quán Gà 36... Tại ô đất được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung, so sánh 2 bức ảnh VietNamNet đã chụp 3 năm trước và lúc này không có gì khác nhau, ngoại trừ dòng chữ tên công ty trên hàng rào đã mờ thêm, rác rưởi nhiều thêm và cũng thêm nhiều... cỏ dại!

"Ôm" đất 12 năm vẫn không bị thu?

Trải dài mặt đường Xuân Diệu quận Tây Hồ - nơi san sát các biệt thự được coi là "khu nhà giàu" ở Thủ đô, "sánh vai" với các khách sạn 5 sao nổi tiếng... là một "miếng vàng" rộng khoảng 20 nghìn m2, nguyên là một hồ nước liền kề con đường nên thơ này - có tên là hồ Bụng Cá. 12 năm trước, hồ này đã bị "hô biến" thành khoảnh đất mặt đường và được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lương Ngọc Cừ ký quyết định duyệt cho Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ MEFRIMEX thuê 40 năm để làm bãi đỗ xe tĩnh.

Điều 4 quyết định này ghi rõ: "Thời gian xây dựng dự án là 3 năm kể từ ngày dự án được duyệt. Sau 4 tháng có quyết định của UBND TP và kết quả chọn thầu, công ty phải khẩn trương trình UBND TP duyệt dự án đầu tư theo kết quả và các chỉ tiêu chọn thầu. Sau thời gian này, nếu công ty không có dự án trình duyệt, Thành phố sẽ mở hội đồng chọn thầu khác và số tiền bảo lãnh không bồi hoàn Thành phố sẽ sử dụng vào đầu tư hạ tầng chung".

Quây rào và cắm biển - đó là toàn bộ các công việc mà chủ đầu tư đã thực hiện tại thực địa mảnh đất "kim cương" hàng chục nghìn mét vuông mặt đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ), nhằm triển khai dự án gara ôtô hồ Bụng Cá... nhưng đến nay tấm biển án ngữ suốt bao năm này cũng đã biến mất! (Ảnh: T.M).

Được biết, ngày đó, để nhận được mảnh "kim cương" này, lẽ ra chủ đầu tư phải nộp hơn 56 tỉ đồng (trong đó 20 tỉ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại chỗ, số tiền thuê đất nộp trong 4 năm) nhưng ngay dạo ấy và mãi nhiều năm sau, MEFRIMEX - đơn vị trúng thầu khu hồ Bụng Cá này mới chỉ phải "chôn" vào đây xấp xỉ 5 tỉ đồng vốn liếng!

12 năm qua, có lẽ mới chỉ 2 "động thái" được chủ đầu tư tiến hành tại mảnh đất vàng này - là xây tường bao kiên cố xung quanh và cắm biển! Dự án này đã "thoát hiểm" rất nhiều đợt cao điểm xử lý đất đai bỏ hoang, "vô hiệu hóa" nhiều văn bản dọa thu hồi... để rồi đến nay tấm biển rách được cắm cũng đã biến đâu, còn đất "kim cương" vẫn tiếp tục phơi sương, nuôi cỏ...

Năm 2007, khi "kỷ niệm tròn 1 thập kỷ" kể từ ngày dự án gara ôtô Hồ Bụng Cá này nhận quyết định đầu tiên (số 1577/QĐ-UB ngày 23/4/1997 kể trên) của UBND TP. Hà Nội mà vẫn "nằm im", dư luận báo chí đã mệnh danh đây là dự án "Mười năm đánh võng". Đến nay, bước sang năm thứ 13, dự án này vẫn tiếp tục "đánh võng" với rất nhiều nghịch lý.

TIN LIÊN QUAN

Suốt hơn một thập kỷ, dự án xây dựng gara ôtô hồ Bụng Cá (quận Tây Hồ) đã được 5 - 6 lần gia hạn, hết hạn, rồi lại gia hạn, rồi lại trễ hẹn, bị xử lý... nhưng vẫn chưa bị thu hồi! Dự án này đã trải qua 3 đời chủ tịch thành phố, bị các chuyên gia và báo chí vạch ra 5 cái sai lớn, dư luận rất quan tâm... nhưng đến năm thứ 11 mới được UBND TP. Hà Nội giao Sở TN-MT&NĐ thanh tra.

Dự án này trên thực tế 12 năm qua chỉ tiến hành được 2 việc quây rào và cắm biển như thế còn trên hồ sơ, tài liệu thì có dấu hiệu cho thấy diện tích đã không chỉ "gói gọn" trong phần san lấp hồ Bụng Cá mà còn "bành trướng" sang "nuốt chửng" cả đất thổ cư của 120 hộ dân đã, đang sinh sống ổn định tại đây.

Trong 120 hộ dân này có tới 1/3 là người từ nơi khác đến mua đất, chấp hành đầy đủ các qui định của pháp luật thuế để có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rồi Giấy phép xây dựng hợp pháp... và đều đã "nhà cao cửa rộng". Họ rất bức xúc vì nếu cương quyết, mạnh tay - lẽ ra TP. Hà Nội đã phải thu hồi dự án gara ôtô này từ lâu chứ không phải làm điều "tréo ngoe" là thu hồi thêm nhà, đất của họ để giao cho dự án vừa sai, vừa chậm này nữa!?

Còn đại diện MEFRIMEX cũng không thiếu lý do để "bao biện": rằng "sau gần 10 năm, toàn bộ các thủ tục về đất đai, đầu tư và xây dựng đã hoàn tất. Công ty MEFRIMEX đã tiếp tục hoàn tất các thủ tục khác để dự án có thể khởi công trong năm 2008" và rằng "do sự chuẩn bị đầu tư và các thủ tục hành chính quá lâu, đến nay trong số 20.450m2 đất có gần 9.000m2 bị các hộ dân, các đơn vị lấn chiếm sử dụng trái phép"...

Cãi qua, cãi lại... chính quyền thì thiếu cương quyết - nên cuối cùng chỉ có đất "kim cương" là tiếp tục vương vãi, lãng phí... đến thời điểm này vẫn là bãi cỏ bị quây!

Trên đây chỉ là vài điển hình cho thấy giữa trung tâm Hà Nội vẫn còn "thừa thãi" đất vàng, cũng như "thừa" luật và qui định để khiến đất vàng đó không hoang phí - nhưng rốt cuộc thì kết quả vẫn là những điều "tai nghe mắt thấy" kể trên...

  • Nhóm PV Xã hội

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;