Con người là trung tâm của kịch bản phim tài liệu
16:22' 24/06/2003 (GMT+7)

Trong suốt mấy chục năm làm điện ảnh, ngọn lửa nhiệt tình vì nghề chưa bao giờ tắt trong đạo diễn, nhà quay phim, NSND Lê Mạnh Thích. Đồng thời là một nhà biên kịch tài năng trong lĩnh vực phim tài liệu, kịch bản phim luôn là niềm trăn trở đối với ông. Ông cho rằng kịch bản "không chỉ để đọc, mà còn phải để làm phim" và các sự kiện trong kịch bản phải làm nổi bật hình tượng con người, để qua đó, người xem thấy được vấn đề của cuộc sống.

- Theo ông, đi thực tế với người viết kịch bản phim tài liệu là hết sức quan trọng?

- Còn hơn thế nữa. Không đi thực tế là giết chết bộ phim ngay. Nhiều khi, tôi đã gặp trường hợp này: nhân vật trong kịch bản là một ông A, nhưng trong thực tế ông A ấy đã thay đổi, không còn là hình tượng nghệ thuật nữa, mà là thành bà B. Cho nên, nói một cách không ngoa, có lẽ, về tài xoay xở, đạo diễn phim tài liệu ở Việt Nam không thua kém gì bất cứ đồng nghiệp nào trên thế giới.

Đi thực tế là để có hình dung chính xác hơn về câu chuyện mình sẽ viết, bởi phim tài liệu là sự thật. Nếu chỉ phỏng theo một bài báo, một phóng sự, thì kịch bản chưa thể gọi là kịch bản được, mà nó mới chỉ là ý tưởng. Kịch bản phim tài liệu, theo tôi, nó phải được nuôi dưỡng hàng ngày. Tác giả phải đắm mình vào hiện thực, để rồi từ đó, ý tưởng về hình tượng con người được làm nổi bật.

- Theo ông, đâu là trở ngại lớn nhất mà kịch bản phim tài liệu của chúng ta hiện đang gặp phải?

- Về phía người viết, tôi cho rằng có 2 vấn đề chính. Thứ nhất, thời gian để họ đi thực tế đến mức độ hiểu đến từng chân tơ kẽ tóc vấn đề là không nhiều, điều này cũng gây khó khăn lớn cho công việc, như tôi đã nói ở trên. Thứ hai, đó là tâm lý e dè, lo lắng, dẫn đến không dám có một đột phá nào trong cách viết, cách nhìn nhận vấn đề. Tôi thấy rất lạ là cho đến hôm nay, vẫn có những kịch bản viết rất an toàn, có nghĩa là ta không thể khen được, nhưng cũng chẳng có điểm gì để chê. Kịch bản đã thế, thì làm sao đạo diễn có thể có điểm nhấn để sáng tạo?

Còn một vấn đề nữa mà tôi cũng rất băn khoăn không biết có nên nói hay không, đó là về phía quản lý. Nên chăng, cứ để cho các hãng phim chủ động về kịch bản, để rồi chính hãng phim phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Điện ảnh về sản phẩm của mình. Các nghệ sĩ chịu trách nhiệm trước giám đốc hãng về kịch bản và phim, thế thôi. Có lẽ nếu để các hãng chủ động khâu này, tâm lý anh em nghệ sỹ chắc sẽ thoải mái hơn. Trong nghệ thuật, điều này là hết sức cần thiết.

- Theo ông, thế nào là một kịch bản hay?

- Kịch bản đó phải rõ ràng về ý tưởng, câu chuyện dung dị, cách kể mạch lạc và làm người xem phải suy ngẫm. Bởi phim tài liệu chính là hiện thực cuộc sống, cho nên trong kịch bản phim tài liệu, hình tượng con người phải được đặt lên hàng đầu, các sự kiện trong kịch bản chỉ có một mục đích duy nhất là làm nổi bật hình tượng con người đó, để rồi cuối cùng, người xem thấy được vấn đề cuộc sống. Và, kịch bản tài liệu được viết ra không chỉ để đọc, mà còn là để làm được phim. Có nghĩa là, ta phải nhìn thấy hình ảnh trong đó.

- Hiện nay, ông quan tâm nhất tới đề tài nào cho kịch bản phim tài liệu?

- Đấy là vấn đề của lớp trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Ví dụ, hiện nay trên báo đài hay nói về việc đua xe trái phép của thanh niên. Tôi rất quan tâm đến chuyện này, vì từ đó ta có thể khai thác xã hội theo nhiều góc độ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn chưa biết bắt đầu từ đâu. Một vấn đề nữa là nạn tham nhũng. Dưới góc độ của người làm phim tài liệu, thật xót xa khi chúng tôi không đủ quyền để có thể đi sâu vào những phiên tòa ấy, để làm những bộ phim có giá trị, có sức nặng cảnh tỉnh sâu sắc, trong khi, lửa nhiệt tình của anh em tài liệu thì chưa bao giờ thiếu cả.

(Theo Thế Giới Điện Ảnh)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
ĐD Phạm Việt Thanh: "Quá chú trọng đến giải thưởng cuộc chơi sẽ mất vui" (24/06/2003)
"Người khổng lồ xanh" có chinh phục được khán giả Việt Nam? (17/06/2003)
Phim ''Nữ phóng viên'' sẽ ra mắt vào Ngày báo chí Việt Nam? (13/06/2003)
Khai mạc Liên hoan phim Châu Âu tại TP.HCM (09/06/2003)
Rồng vàng - Game show mới của truyền hình TP.HCM (28/05/2003)
Giới thiệu các phim trình chiếu trong LHP châu Âu lần thứ 3 (27/05/2003)
Từ 1/7, bắt đầu phát sóng "VTV - Bài hát tôi yêu" lần 2 (23/05/2003)
"Hiệp sĩ Thượng Hải" sắp có mặt ở Việt Nam (22/05/2003)
Phim ''Giải phóng Sài Gòn'' sắp ra đời (21/05/2003)
The Matrix Reloaded thành công ngoài sức tưởng tượng (20/05/2003)
Điện ảnh Anh quốc trong cơn sóng gió (16/05/2003)
Đạo diễn Việt Linh: ''Buồn vì kỹ thuật phim Việt Nam còn quá yếu'' (11/05/2003)
Phim X-Men United dẫn đầu doanh thu cả ở Anh và Mỹ (08/05/2003)
Mr Bean lại gây “sốc” với ''Điệp viên 00 thấy” (02/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang