Pops Mohamed - Sứ giả âm nhạc Nam Phi
11:43' 23/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Pops Mohamed không chọn những dòng nhạc hiện đại mà quyết định đi trên con đường khó khăn hơn nhiều: Tìm về nhạc dân tộc Nam Phi kết hợp với những âm hưởng hiện đại. Có lẽ cũng chính vì điều đó mà âm nhạc của anh trở nên độc nhất vô nhị. PV VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Pops Mohamed nhân dịp anh đến Việt Nam trong khuôn khổ Tuần văn hoá Nam Phi tại HN.

Soạn: AM 147485 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Pops Mohamed (giữa) với các nghệ sĩ Nam Phi.

- Tại sao anh lại chọn âm nhạc truyền thống Nam Phi và âm nhạc của các bộ tộc bản địa, thể loại rất khó chơi?

- Nó phản ánh con người bạn, văn hoá dân tộc bạn và cả nguồn gốc của bạn nữa. Không có nhiều người thực sự yêu thích âm nhạc truyền thống dù nó là âm nhạc thực sự của mỗi dân tộc. Nó có thể nói về trang phục của bạn, những thứ bạn ăn, ngôn ngữ bạn nói trong khi nhạc hiện đại lại không làm được điều đó, luôn thay đổi. Các dòng nhạc nối nhau ra đời, từ Rock n' Roll đến Funk, Heavy Metal, Punk, Dance music, Disco, Techno... chúng thay đổi theo thời gian nhưng chỉ có nhạc truyền thống của mỗi dân tộc là không bao giờ thay đổi. Đó là một điều vô cùng tuyệt diệu. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ nhạc truyền thống. Tôi không quan tâm khi nhạc Punk hay bất cứ dòng nhạc nào biến mất, tôi chỉ quan tâm đến nhạc dân tộc của mình. Âm nhạc phản ánh xuất xứ của bạn, con người bạn, đó là lý do tôi chọn nhạc truyền thống châu Phi. Tôi muốn bảo vệ nó và hy vọng càng ngày càng có nhiều người Nam Phi làm như vậy. 

- Khi nghe nhạc của anh, người ta luôn nhìn thấy sự hoà trộn giữa nhạc nhạc truyền thống Nam Phi mang đậm màu sắc của các bộ lạc với nhạc hiện đại. Anh đã kết hợp hai dòng âm nhạc đối lập nhau đó như thế nào?

- Tôi nghĩ sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại sẽ tạo thành âm nhạc của tương lai. Vì thế, có được niềm tự hào về âm nhạc dân tộc mình là điều vô cùng quan trọng. Đó là thứ duy nhất có thể gìn giữ âm nhạc dân tộc cho tương lai. Nếu bạn đến Mỹ hay Anh, bạn sẽ thấy có rất nhiều DJ trộn nhạc giống nhau, chẳng có gì khác biệt cả. Nhưng nếu chơi âm nhạc dân tộc, dù bạn đơn độc trên đất Mỹ, người ta vẫn cứ nghe âm nhạc của nhạc. 

- Nếu chỉ dùng 1 từ để định nghĩa âm nhạc của mình, anh sẽ nói sao?

- Tôi gọi âm nhạc của mình là AMBIENT AFRICAN. Tôi không chơi nhạc và sáng tác để hướng tới những hit nào đó, tôi không lo lắng khi CD của mình chỉ bán được dưới 1000 bản, tôi chỉ quan tâm khi người ta thực sự yêu mến và hiểu âm nhạc của mình.

- Nhạc dân tộc Nam Phi còn khá xa lạ với người nghe của nhiều quốc gia. Anh được mệnh danh là Bộ trưởng âm nhạc không chính thức của Nam Phi vì những nỗ lực bảo vệ nhạc truyền thống. Sứ mạng đó có đè nặng lên anh khi giới thiệu âm nhạc dân tộc với thế giới?

- Đó là nhiệm vụ rất quan trọng. Đó không chỉ đơn thuần là âm nhạc mà còn mang thông điệp về con người và cả Nam Phi. Tôi không dám tự nhận mình là sứ giả gì đó nhưng tôi có trách nhiệm như một đại sứ âm nhạc Nam Phi giới thiệu về đất nước mình tới phần còn lại của thế giới. Người ta mới chỉ được biết về Nam Phi qua sách báo, các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng nhiều người chưa thực sự hiểu về đất nước và con người Nam Phi. Tôi nghĩ âm nhạc sẽ giúp người ta có chút thông tin về Nam Phi, Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn trẻ là nếu bạn đang học chơi guitar, piano hay bất cứ nhạc cụ hiện đại nào, hãy dành thời gian để học chơi 1 hoặc 2 nhạc cụ dân tộc, điều đó sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguồn gốc của mình.

- Đến VN lần này, anh có dịp chơi với các sinh viên và nghệ sĩ VN trong đó có buổi diễn tối 24/9 tại Press Club HN với cha con nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh. Thông điệp anh muốn chuyển tới khán giả VN? Anh có định trở lại VN?

- Thông điệp của tôi là thúc đẩy các hoạt động giao lưu VH, được chơi với các nghệ sĩ VN và muốn giới thiệu âm nhạc của mình bằng các nhạc cụ truyền thống VN. Trong tương lai, tôi muốn mời các nghệ sĩ VN tới Nam Phi, chơi cùng các nhạc sí của chúng tôi. Chắc chắn tôi sẽ trở lại VN. Lần ghé thăm đầu tiên không bao giờ là đủ, tất cả mới chỉ là sự khởi đầu.

- Xin cảm ơn anh!

Lý lịch trích ngang

Soạn: AM 147481 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Pops Mohamed

Pops Mohamed sinh năm 1949 tại Benoni, ngoại vi Johannesburg (Nam Phi). 14 tuổi, Pops Mohamed thành lập nhóm nhạc đều tiên mang tên "The Valiants" chơi Kwela, Soul, Pop và nhạc Latin và tham gia nhiều ban nhạc sau đó. Hai 2 album KalamazooSophiatown phát hành năm 1991 và  1992 của anh đều được đề cử OKTV Awards của Nam phi cho Album Jazz hay nhất. Không chỉ là ca sĩ đa năng, Pops Mohamed còn là một nhà sản xuất đĩa trong đó có album của Moses Molelekwa, Finding Ones Self (giải FNB music awards cho Album Jazz đương đại hay nhấtAlbum Jazz truyền thống hay nhất năm 1996). Từ năm 1994-2003, Pops Mohamed đi tour khắp thế giới, giới thiệu những màn trình diễn độc nhất vô nhị.

Pops Mohamed có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau. Khởi nghiệp với guitar và piano, Pops Mohamed chuyển sang chơi các nhạc cụ cổ như: Mbira (một nhạc cụ cổ của Zimbabwe), Kora (đàn Harp của vùng Tây Phi), Didgeridoo (nhạc cụ của thổ dân Australia)... nhưng thử nghiệm với những công nghệ mới nhất. Pops Mohamed nổi tiếng từ những năm 70, 80 và có thể chơi nhiều loại nhạc: Soul, Funk, Jazz... trước khi chuyển sang nhạc dân tộc. Những năm 90, anh bắt đầu ghi đĩa nhạc dân tộc của thổ dân Nam Phi kết hợp với Jazz, Trance... mang lại những âm thanh hiện đại.  

  • B.H (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
CBS bị phạt 550.000USD cho sự cố Janet Jackson (23/09/2004)
Billy Joel được vinh danh trên đại lộ Hollywood (22/09/2004)
SMĐH: Xác định hướng chuyên nghiệp (22/09/2004)
Nhóm "The Beatles" xuất hiện ở Việt Nam? (21/09/2004)
22/9 chính thức phát sóng VTV Bài hát tôi yêu (20/09/2004)
Giải âm nhạc hòa bình sẽ diễn ra tại San Francisco (20/09/2004)
Khánh Linh đoạt HCĐ LH ca khúc pop - rock lần IV (17/09/2004)
Đêm nhạc Rock "Battle of Bands" (17/09/2004)
Johnny Cash sống lại tại nhà đấu giá Sotheby (17/09/2004)
Sẽ có Hậu Sao Mai điểm hẹn? (17/09/2004)
Usher dẫn đầu đề cử AMA (16/09/2004)
Sở VH-TT TPHCM đối thoại với Phóng viên văn hoá (14/09/2004)
Sao sáng lúc bình minh (12/09/2004)
SMĐH: Chuyện phía sau sàn diễn (12/09/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang