Diana với ''The girl in the other room''
08:46' 06/05/2004 (GMT+7)
Album "The girl in the other room".

Hầu như tất cả các tạp chí âm nhạc danh tiếng đều dành cho album mới của “cô bé Jazz lọ lem” người Canada Diana Krall ở mức điểm 3/5 sao, hoặc nhiều lắm là 3,5, ngay cả bảng tổng sắp Billboard cô cũng chỉ tròm trèm hạng 4 sau anh chàng hip-hop Usher… Nhưng thật ngạc nhiên khi Amazon chấm cô đến 5 sao, có nghĩa là cô đang đứng đầu Top của họ về số lượng album bán được.

Sự mâu thuẫn này sẽ được hóa giải khi đọc nhận xét của tờ Guardian “Album này khá kén chọn người nghe, Diana đem lại một phong cách mới với nhiều nét lạ trong album này, vì thế sẽ hơi “khó nuốt” với những thính giả phổ thông…”.

Vậy có nghĩa là Amazon xếp cô lên đầu Top là do người mua toàn những người “kén chọn”? Và nếu là thế thì có thể tin rằng âm nhạc đích thực vẫn luôn sống được với bản chất của mình. Phát hành vào ngày 27/4/2004, đến nay “The girl in the other room” vẫn là album được đặt mua nhiều nhất, hơn cả album mới phát hành của ca sĩ đồng quê Loretta Lynn “Van lear rose” và cả “Yeah” của Usher… Người ta cho rằng sở dĩ Diana được đón chào như vậy là bởi lẽ cô không những lột tả được bề dài lẫn bề ngang và những góc cạnh của Jazz đương đại, mà cô còn thể hiện tài năng âm nhạc của mình trong vai trò người sáng tác. Trong tổng số 12 bài của album thì cặp sáng tác E.Costello/ D.Krall đã chiếm quá nửa với 7 ca khúc. Đây là cũng là nét mới nhất của Diana khi lần đầu tiên cô hợp tác sáng tác cùng chồng mình là Elvis Costello, và có lẽ vì thế mà ở album này người nghe cũng nhận ra được một vài nét phảng phất phong cách của Elvis, cho dù ông không tham gia vào quá trình sản xuất “The girl in the other room”. Diana bảo rằng: “Khi sáng tác xong một đoạn nhạc, tôi và Elvis thảo luận xem ca từ sẽ như thế nào. Tôi viết ra giấy những suy nghĩ và cảm giác của mình, vấn đề còn lại sẽ là của Elvis, anh ấy sẽ tìm được một tổng phổ chung cho toàn bài”.

Nhẹ nhàng và sâu lắng.

Trong tổng số những sáng tác chung đó có thể xem “Narrow daylight” là bài dễ nghe và có giai điệu nhất. Đây cũng có thể là ca khúc được nhiều người chấp nhận nhất ở mức độ “phổ thông” trong album này. Giai điệu mượt mà và êm ả, giọng ca Diana “nhừa nhựa” những tâm sự của mình trên nền piano mỏng manh. Đó là tâm trạng của những người đã đi qua nhiều vùng cảm giác, từ vinh quang, danh tiếng cho đến nhạt nhòa, tối tăm. Cũng còn là cảm giác đông qua hè đến và khoảng trống phía xa cũng mịt mờ như hư không. Sau những ánh đèn flash, sau những tiếng cười hoan hỉ… điều gì sẽ đọng lại? Có lẽ câu hỏi này dễ nhận được nhiều sự đồng cảm. Ánh sáng ban mai chật hẹp và tù túng thường gây nên cảm giác muốn vượt qua thực tại, trèo qua những chiếc hộp luôn bị đóng kín bởi những bức bối đời thường. Giọng ca của Diana cũng giống như những tâm trạng ấy, cô luôn biết diễn tả mình ngoài “ca từ”, ngoài những gò bó của khuôn nhạc, thả lỏng cảm xúc chơi vơi ở một quãng tám mà nhạc lý cơ bản không diễn tả được. Al Schmitt, nhà sản xuất danh tiếng của hãng đĩa Verve đã cho rằng: “Cô ấy không đơn thuần chỉ là một ca sĩ, cô biết làm điều gì đúng cho mình và luôn biết làm thế nào để làm cho một bài hát có nhạc tính nhất”.

Đam mê và cháy bỏng.

“Điều đúng nhất” với Diana Krall là sự trở về, trở về với những cảm xúc cũ và giá trị cũ. Nhiều người cho rằng nghe Diana giống như gợi nhớ về thời những chiếc đĩa than 2 mặt, 33 vòng quay nhẹ nhàng trên mâm đỡ như những vòng quay của thời gian, những chiếc kim thở tiếng lách tách như vẫn còn vương vấn chút bụi trần. Trở về không đầy nghĩa là rập khuôn mà là đánh bóng lại nó theo hình thức mới. Một album gai góc là album không đơn thuần chỉ giới thiệu những giai điệu đẹp và những phần trình bày dễ nghe, nó còn phải thể hiện được sự mới mẻ và tìm tòi, sáng tạo của mình. “The girl in the other room” gần như làm được điều đó, có nghĩa là có một chút sáng tạo và tìm tòi nhưng chưa đủ độ chín rực, tuy nhiên vẫn được người nghe chấp nhận.

Những bản nhạc Blues, Jazz cũ mèm vẫn đầy sức quyến rũ qua cách thể hiện của Diana, từ “Stop this war” (kinh điển của Mose Allison) cho đến Temptation (Tom Waist), từ “Black Crow” (Joni Mitchell) lại đến “Love me like a man” (Chris Smither)…, mỗi bài cô đều gây được sự chú ý của người nghe nhờ cảm giác mới lạ. “Stop this war” được Diana tấu lại theo lối Blues Jazz nhẹ nhàng. Với sự trợ giúp của Jeff Halmiton (trống chổi), Anthony Wilson (guitar), John Clayton (bass) và tự mình ngồi ở vị trí dương cầm, Diana đã đem lại cho sáng tác của Mose Allison một sắc thái nhẹ nhàng và gợi cảm, giảm nhẹ tinh thần “nóng bức” của Blues và tăng nặng phần nhiều chút lãng đãng của Jazz nhưng vẫn giữ được bản chất Blues nguyên thủy. “Temptation”, một sáng tác của chàng nhạc sĩ “ưa tuyệt vọng” Tom Waist được Diana thể hiện lại và được xem như còn hay hơn phần trình bày của Holly Cole, có lẽ vì Diana biết khéo léo giữ nguyên bài hát ở dạng Jazz thuần chất hơn là Jazz pha Pop của Holly Cole, những tiếng búng bass, vê ngón guitar nghe vẫn đậm đà hơn hẳn. “Love me like a man” cũng thế, nó được xem có phần quyến rũ hơn với người thể hiện trước đó, Bonnie Raitt (bà cũng là người phụ giúp đắc lực Diana trong album này), người nghe có thể nhận ra một vài đặc tính của Count Basie trong bài này nhất là đoạn cuối với kiểu kết thúc đặc trưng.

Với Elvis, một sự kết hợp tuyệt vời.

Ở album này, Diana gần như đặt mình ra khỏi những công thức chung trước đó, không quá cầu toàn về giai điệu vì Diana sợ rằng nếu quá chú trọng vào giai điệu sẽ dễ làm người nghe vướng vào vòng ảo tưởng và vì thế cô tập trung rất nhiều vào chất liệu để làm sao khi nghe người ta hiểu rằng mình đang lắng nghe một tinh thần Jazz lắng đọng. Ở “Black Crow”, Diana và Anthony Wilson (guitar) đã tung hứng rất uyển chuyển, tiếng piano lăn tăn cuộn tròn với tiếng guitar hứng khởi, lúc đổi vị trí cho nhau, lúc soán ngôi nhưng dường như vẫn nhận ra được phong cách của từng người… Rõ ràng Diana đã đem đến cho “The girl in the other room” một hơi thở mới, chấp nhận thay đổi những con đường trước mắt để chọn cho mình một lối đi gai góc, có thể chưa thành công lắm nhưng lại rất đáng để ca ngợi và động viên.

Từ bỏ những lối mòn cũ, Diana ngày càng tỏa sáng.

Và cũng từ album này có thể nhận thấy cuộc sống hạnh phúc của Diana bên người chồng mới, Elvis Costello, và cũng thấy luôn cả tầm nhìn xa rộng của nhà sản xuất kiêm chủ tịch hãng Verve Tommy LiPuma, luôn biết chọn mặt gửi vàng cho những món hàng đắt giá. Đi tìm kiếm sự sáng tạo nhưng Diana vẫn biết cách ru hồn người nghe, biết cách đưa họ trở về một khoảnh khắc nào đấy trong cuộc đời mình bằng đam mê cháy bỏng và điều đó là lí do gần như là thuyết phục nhất để người nghe chịu bỏ hầu bao mua album về và thưởng thức nó.

  • M. Cường (tổng hợp)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mỹ Hạnh và đêm ca nhạc vì những nạn nhân đắm tàu (06/05/2004)
NS Lê Quang tâm sự về ''Bốn mùa cho em'' (02/05/2004)
"Tiến về Sài Gòn": Đêm ca sĩ trẻ hát nhạc truyền thống (30/04/2004)
Billboard Latin Music Awards 2004 đã có chủ! (30/04/2004)
“Âm nhạc vì một thế giới tốt đẹp hơn” (30/04/2004)
''Tâm hồn tôi luôn hướng về đất mỏ'' (29/04/2004)
The Corrs - Những âm thanh đẹp của Ailen (28/04/2004)
Nghĩ về Rock Bắc – Rock Nam (26/04/2004)
Eric Clapton - Cây guitar được “phong thánh” (26/04/2004)
Có hay không chuyện nhạc sĩ hòa âm copy nhạc? (23/04/2004)
Tạp chí Blender bầu chọn 50 ca khúc dở nhất (22/04/2004)
180 phút dành cho "Rock ba miền" (20/04/2004)
Rao bán bút tích cuối cùng của John Lennon (20/04/2004)
Hợp xướng thiếu nhi, cố gắng mới của Nhạc viện HN (19/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang