Eric Clapton - Cây guitar được “phong thánh”
08:01' 26/04/2004 (GMT+7)

Cuối tháng 3, Eric Clapton cho ra mắt album thứ tư trong 4 năm gần đây: “Me and Mr. Johnson”. Album là sự tưởng nhớ tới thần tượng nhạc Blues người da đen Robert Johnson (1911-1938).

 

'Me and Mr Johnson' - những ca khúc Blues kinh điển.

Eric Patrick Clapton là ''kết quả'' của cuộc tình chớp nhoáng giữa một cô gái và một người lính Canada đóng quân tại vùng Surrey, Anh quốc. Sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc, người cha ruột của ông quay lại quê nhà, còn người mẹ gửi Clapton cho cha mẹ mình và di cư sang Đức. Suốt thời thơ ấu, cậu bé Ricky (tên thường gọi của Eric) sống với ông bà ngoại, và cứ đinh ninh đây chính là cha mẹ ruột của mình. Mãi tới năm lên 9 thì ông bà mới cho cậu biết sự thật. Eric Clapton theo học tại Đại học Mỹ thuật Kingston, nhưng công việc học tập của anh trong ngôi trường này nhanh chóng kết thúc sau khi cậu sinh viên trẻ tuổi thường xuyên bị các giáo viên đuổi ra khỏi lớp vì tội chơi guitar trong giờ học…

 

Bị ảnh hưởng bởi phong cách nhạc Blues và R&B theo kiểu Mỹ từ ca sĩ Jerry Lee Lewis, và đặc biệt là Robert Johnson, chàng thanh niên da trắng trẻ tuổi đã sớm quen với bầu không khí đặc quánh mùi rượu và khói thuốc ở các quán bar trong vùng, nơi những người da đen hay lui tới và thả mình trong những điệu Blues buồn bã thời hậu chiến…

 

Kiếm tìm cho mình những người bạn cùng niềm đam mê, Eric tham gia rất nhiều ban nhóm: The Rooster, Casey John, The Yardbirds và The Bluesbreakers. Ở đâu ông cũng là người luôn cố gắng “thổi vào” ban nhạc của mình chất Blues đầy thuần khiết và tinh tế. Vào năm 1966, khi mà Bluesbreakers nổi danh tại các bảng xếp hạng của Anh và Mỹ, thì cũng là lúc người ta bỗng thấy xuất hiện đầy rẫy trên các đường phố tại thủ đô London và New York dòng chữ “Eric is God” (Eric là …Chúa Trời).

 

Thành công không bao giờ là đủ với Clapton, ông rời bỏ Bluesbreakers để theo đuổi mục tiêu “Tạo nên cuộc cách mạng trong suy nghĩ về âm nhạc”. Eric tạo nên một hình ảnh mà sau này người ta dùng hẳn một thuật ngữ âm nhạc để miêu tả cho các mô hình tương tự: “Bộ Tam quyền lực” - nhóm Cream. Eric Clapton chơi guitar, tay bass Jack Bruce và Ginger Baker chơi trống, nhóm Cream chỉ tồn tại ngắn ngủi trong vòng có 2 năm với 3 album, nhưng họ đã vươn tới sự thành công gần ngang với những The Beatles và Rolling Stones. Tên tuổi của Clapton nổi như cồn, và trở thành thần tượng cho những chàng trai mới lớn đang tập chơi guitar.

 

Sau album chia tay “Goodbye” và gặt hái thành công với nhóm Blind Faith - “siêu nhóm” đầu tiên trong lịch sử nhạc Rock, sự nghiệp solo của ông cũng bắt đầu với album debut. Bộ đĩa đôi tiếp theo “Other Assorted Love Songs”, và đặc biệt là “Layla” - ca khúc được viết dựa trên cuộc tình tay ba của chính Eric được công chúng chào đón nồng nhiệt. “Layla” có mặt trong top 100 đoạn guitar solo xuất sắc nhất mọi thời đại, tiêu biểu cho tiếng guitar gây choáng ngợp theo kiểu Clapton…

 

Mặc dù đã đạt được quá nhiều thành công trong sự nghiệp âm nhạc, nhưng Clapton cũng phải đối mặt với những vấn đề về lạm dụng chất kích thích. Trong thập niên 70 - 80, Clapton vật lộn với căn bệnh nghiện ngập và sự nghiệp âm nhạc của ông hầu như rất mờ nhạt. Bộ 4 đĩa tuyển chọn “Crossroads” - 1988 nhận 2 giải Grammy đã đánh dấu sự quay trở lại của “con tắc kè hoa đổi màu”. Eric Clapton với một nỗ lực phi thường, đã thoát ra khỏi bóng đen ma túy và rượu chè.

 

Nhưng thử thách không chỉ có vậy. Năm 1990 trên đường trở về sau chuyến lưu diễn ở Winconsin, Clapton tận mắt chứng kiến cảnh ba người bạn thân của mình tử nạn trong một vụ rơi máy bay trực thăng. Điều này gây cho ông một cú sốc khá lớn… Định mệnh còn làm nhiều hơn thế. Vài tháng sau, đứa con trai mới lên 4 tuổi của ông đã ngã từ tầng thứ 49 của cao ốc Del Santo và ra đi mãi mãi… Người ta thấy hình ảnh một con người khác hẳn của Eric Clapton trong buổi biểu diễn Unplugged tại New York: một Eric trầm lắng, một Eric đầy chiêm nghiệm. Album này cùng với những lời ca chất chứa đầy cảm xúc trong ca khúc “Tears in Heaven” – (Những giọt nước mắt nơi Thiên đường) viết tặng con trai, đã mang về 6 giải Grammy.

 

Eric Clapton quay về với Blues truyền thống để tìm sự thanh thản. Album đặc chất Blues: “From the Cradle” đánh dấu cho sự trở lại của ông. Năm 1997, ca khúc chủ đề trong bộ phim Phenomenon - “Change the World” đã mang về cho tay guitar này thêm một giải Grammy dành cho ca sĩ nam trình diễn nhạc Pop hay nhất.

 

Eric Clapton - Nghệ sỹ guitar xuất sắc.

Sức sáng tạo của Clapton dường như không hề có giới hạn. Năm 1998, “Pilgrim” của ông được đề cử cho giải Album nhạc Pop hay nhất. Năm 1999 ông lại dành thêm một giải Grammy nữa với phần trình diễn của mình trong ca khúc “The Calling” từ album “Supernatural” của Carlos Santana. Năm 2000 Eric Clapton cho ra mắt “Riding With The King”, một album tuyệt hảo dành cho giới ghiền thể loại nhạc Blues với bộ đôi Eric Clapton và B.B King. Năm 2001 “Reptile” của Clapton lại cho thấy ông  không bao giờ là kẻ tụt hậu, đĩa nhạc này là sự kết hợp đơn giản nhưng hiệu quả giữa Blues theo kiểu cổ và hơi thở của thời đại công nghiệp…

 

Hiện nay ''huyền thoại guitar'' này đang rất bận rộn với các chuyến lưu diễn nằm trong kế hoạch quảng cáo cho album mới đây nhất: “Me and Mr. Johnson”. Album là sự tưởng nhớ của ông tới thần tượng nhạc Blues: Robert Johnson - nghệ sỹ đã từng rất nổi tiếng với câu nói “Tôi đã bán linh hồn cho quỷ sứ để đổi lấy điệu Blues”.

 

Đĩa nhạc gồm 14 ca khúc của Johnson được Eric Clapton chơi lại. Trong đó có các ca khúc kinh điển thuộc loại vỡ lòng dành cho những người chơi Blues: “Love in Vain”, “Hell Hound on My Trail”, “Me and the Devil Blues”…  Trước đây người nghe đã có dịp được thưởng thức những tác phẩm mà huyền thoại blues guitar da trắng này trình diễn như “Ramblin’ on My Mind” (cùng với nhóm Bluesbreakers); “Four Until Late” (trong album đầu tiên “Fresh Cream” của nhóm Cream), hay “Crossroads” - ca khúc mà người ta coi là tiêu biểu nhất cho lối chơi nhạc và tư tưởng đặc sệt chất Eric Clapton.

 

Điều dễ nhận thấy trong album lần này là những ca từ và lối hát rợn người của Johnson, qua tiếng đàn và xử lý của Clapton, đã dịu đi rất nhiều và dễ đi vào lòng thính giả hơn. Với 14 ca khúc, thời lượng tổng cộng 50 phút, Clapton đã bày tỏ sự tôn kính chân thành với nghệ sỹ đã tạo ra và truyền cảm hứng lớn nhất tới cuộc đời âm nhạc lừng lẫy của mình.

  • Anh Nghĩa (tổng hợp)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Có hay không chuyện nhạc sĩ hòa âm copy nhạc? (23/04/2004)
Tạp chí Blender bầu chọn 50 ca khúc dở nhất (22/04/2004)
180 phút dành cho "Rock ba miền" (20/04/2004)
Rao bán bút tích cuối cùng của John Lennon (20/04/2004)
Hợp xướng thiếu nhi, cố gắng mới của Nhạc viện HN (19/04/2004)
Cổ Thiên Lạc có trễ hẹn với khán giả VN? (16/04/2004)
Sarah McLachlan - Ánh hồng phía cuối chân trời (16/04/2004)
Đêm nhạc Mozart tại Hà Nội (15/04/2004)
Nhật Tinh Anh trở lại sau scandal (14/04/2004)
Nhạc sĩ Thế Hiển sẽ ''cầm'' nhà đi kiện? (13/04/2004)
Rachmaninov "qua mặt" cả Mozart (13/04/2004)
NS Phương Uyên:"Đánh giá bài hát phải có văn bản" (12/04/2004)
Bức Tường với liveshow đặc biệt ''Bông hồng thuỷ tinh'' (09/04/2004)
NS Trần Tiến: "Tôi nhớ ra mình nhái nhạc ở đâu rồi!" (08/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang