Âm nhạc trên sóng phát thanh: Làm gì để giữ công chúng?
08:59' 17/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Phải nói một điều hơi buồn là phát thanh giờ đây dường như chỉ dành cho người nghèo. Như chương trình trên hệ AM của đài chúng tôi, dân nội thành gần như không ai nghe". Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, Trưởng ban văn nghệ Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đã chỉ ra một thực tế mà loại hình phát thanh đang phải đối diện từng ngày.

Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến.

Phát biểu của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cũng là điều mà nhiều đại biểu muốn nói tại hội thảo Không gian âm nhạc trên sóng phát thanh do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức vào ngày 16/3/2004 tại TP.HCM. Tuy nhiên, trước thực tế sóng phát thanh giờ đây chỉ còn phục vụ cho đại bộ phận nhân dân vùng nông thôn, cũng có hai luồng ý kiến khác nhau.

Một, cho rằng đây là chuyện hiển nhiên khi đời sống kinh tế xã hội ở nhiều vùng nông thôn nước ta vẫn còn thiếu thốn các loại hình giải trí. Ông Võ Minh Quang, Giám đốc Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Đồng bằng Sông Cửu Long, khẳng định: "Bà con nông thôn vẫn là đối tượng chủ yếu của sóng phát thanh. Một nơi dù đã có hay chưa có điện, cái radio vẫn là phương tiện chủ yếu để giải trí. Hơn 90% hộ nông thôn ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay có trong nhà chiếc radio, họ dùng để nghe đài từ ruộng vườn nhà đến khi đi biển".

Ý kiến ngược lại cho rằng không khéo phát thanh sẽ... chết khi phải chen chân giữa một rừng phương tiện nghe nhìn giải trí hiện đại hấp dẫn của thời buổi này. Hiện chỉ còn vài địa phương trong cả nước là có đài phát thanh độc lập với đài truyền hình. Rõ ràng loại hình báo nói đã không còn "một mình một chợ" như trước đây mà phải bước vào cuộc cạnh tranh thiếu cân sức với những đối tượng đầy ưu thế: truyền hình, internet, băng đĩa...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Trong tình hình đó, không gian cho âm nhạc trên sóng phát thanh cũng chịu hệ lụy. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Trưởng ban âm nhạc Đài TNVN đưa ra nhiều tự vấn: "Số lượng thính giả ở một số khu vực, nhất là ở các đô thị ít đi có phải vì chất lượng âm nhạc trên sóng phát thanh giảm hay còn vì lý do nào khác nữa? Có phải âm nhạc trên đài đang xuống cấp, giẫm chân tại chỗ? Thính giả trẻ nghe đài ngày càng ít đi, làm gì để thu hút họ?".

Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã gợi ý: "Các Đài phát thanh nên tổ chức hai dạng chương trình. Một là loại chương trình mà thính giả thích cái gì nghe cái đó, thậm chí một bản giao hưởng họ chỉ muốn nghe một chương. Còn khi đã chủ động giới thiệu đến với thính giả thì phải có cách dẫn giải tương đối khái quát cho họ. Bố cục chương trình sao cho khéo. Phát thanh cũng có giờ vàng, giới thiệu tác phẩm mới mà phát vào sáng sớm hoặc nửa đêm khi mà thính giả đã đi ngủ thì hỏng".

"Sứ mệnh" của âm nhạc phát thanh

Âm nhạc trên sóng phát thanh phù hợp với nhiều đối tượng công chúng và đáp ứng được mọi nhu cầu thưởng thức. Trong số đó, thính giả trẻ là đối tượng quan trọng. Thế hệ trẻ dễ bị chao đảo trước tình hình thị trường âm nhạc lộn xộn hiện nay, thế nên, âm nhạc trên sóng phát thanh càng quan trọng hơn trong vai trò định hướng cho họ.

Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần.

TS. Phạm Ngọc Quang, Trưởng khoa Ngữ văn - Báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đưa ra một thống kê bỏ túi ông thực hiện trên gần 300 sinh viên của khoa này. Kết quả: 74% sinh viên có nghe nhạc và 26% không thích nghe. Điều dễ hiểu là 56% trong số họ ưa chuộng nhạc trẻ, nhưng khá lạ là số thích nghe nhạc ngoại tương đương với số thích nghe nhạc truyền thống cách mạng với cùng tỷ lệ 38%. Thống kê thực hiện đối với những sinh viên đang ở ký túc xá tại Linh Trung, Thủ Đức, một địa bàn mà sinh viên ít có điều kiện tham gia vào các hoạt động giải trí như trong nội thành. Sinh viên chỉ thường xuyên nghe nhạc trên đài nên rõ ràng các con số trên phản ánh sự tác động của làn sóng phát thanh đối với nhu cầu giải trí của họ.

Ngoài Đài TNVN gần đây mở thêm hệ âm nhạc thông tin giải trí VOV3 đáp ứng nhu cầu nghe nhạc chất lượng, đa dạng, "nóng" hơn thì phải kể đến Đài TNND TP.HCM với hàng loạt chương trình và sân chơi âm nhạc rất ăn khách trên sóng phát thanh: Tuyển chọn giọng ca hay, Nốt nhạc thứ bảy, Làn sóng xanh, Quà tặng âm nhạc, Còn mãi những bài ca... Các chương trình đều phục vụ công chúng nói chung, nhưng vẫn có thính giả của riêng mình, đấy là điểm đáng chú ý.

Không chỉ là chuyện âm nhạc trên sóng phát thanh mà còn là chuyện chung của nền âm nhạc Việt Nam. Các loại hình nghệ thuật đều phải luôn gắn bó với công chúng, riêng đối với âm nhạc, phương tiện kết nối hiệu quả nhất, sâu rộng nhất vẫn là phát thanh. Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần đúc kết: "Xã hội hiện nay có quá nhiều thứ phương tiện nghe nhìn, khó có thể mà tập trung vào việc nghe bằng tai được. Nhưng dù cuộc sống có thế nào đi nữa, nghe nhạc bằng tai vẫn là phương cách có tính chuyên nghiệp nhất, tác động mạnh mẽ nhất".

  • Bài và ảnh: Võ Tiến

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhạc trẻ VN: Cơn phấn khích với Hip-Hop và R&B sẽ tồn tại lâu? (15/03/2004)
Chờ đón "Lửa hội Điện Biên" (14/03/2004)
Fender-The Stratocaster: Niềm vinh quang không bao giờ tắt (14/03/2004)
Live show Mỹ Tâm: Sẽ hoành tráng và biết cách "chơi nổi"? (13/03/2004)
Khởi động cuộc thi guitar thế giới đầu tiên (13/03/2004)
Thêm một vụ "trục trặc" trong quan hệ "ca sĩ - ông bầu" (12/03/2004)
George Michael sắp "về hưu" (12/03/2004)
Limp Bizkit: Người tạo ra thứ âm nhạc ngoài quy luật (11/03/2004)
Làn sóng ca sĩ mới: Trẻ trung và thực tài (10/03/2004)
Đêm nhạc "Về với phố": Món ngon ăn nhiều... không còn ngon (09/03/2004)
''Búp bê sinh ngày 8/3'' giao lưu trực tuyến (08/03/2004)
“Cho phân nửa còn lại của bầu trời” (06/03/2004)
Norah Jones tiếp tục đăng quang (05/03/2004)
Tháng 3, tháng của những ca sĩ yêu thích hoạt động xã hội (05/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang