Fender-The Stratocaster: Niềm vinh quang không bao giờ tắt
10:19' 14/03/2004 (GMT+7)

Một tối nào đấy đang nằm trong căn phòng nhỏ yên tĩnh, đột nhiên bạn nghe thấy tiếng đề ga của những chiếc động cơ máy nổ văng vẳng ngay bên tai, từng chiếc gào rú lách nhau vượt lên phía trước, xé toang màn đêm...

Fender Stratocaster tròn 50 tuổi.

Đừng ngạc nhiên mà chạy lại cửa sổ nhìn vì thật ra đó chỉ là tiếng đàn của tay guitar Ritchie Blackmore trong bài “Highway star”, câu riff lừng danh đưa Deep Purple vào bất hủ và khẳng định tên tuổi Fender trở thành một “biểu tượng” sáng ngời của Rock. Năm nay (2004), biểu tượng ấy sẽ tròn 50 tuổi…

Hơi khập khiễng nếu so sánh Fender với Steinway (piano) hay Stradivarius (violin)…, những hiệu đàn mà giá trị của nó đã vượt ngoài quy luật “bán, mua”, nhưng sẽ rất hài lòng với nhiều người khi cho rằng Fender là một biểu tượng bền vững của “giá trị Mỹ”, bởi suốt 50 năm qua trải theo chiều dài lịch sử của Rock thì Fender đã đóng góp một phần rất quan trọng. Từ Bill Carson, Buddy Holly cho đến Jimi Hendrix, Eric Clapton, Jeff Beck… ai cũng mang trong mình một sự tri ân, tri ân một cây đàn đã giúp mình tạo nên tên tuổi.

Strato qua các thời kỳ.

Có một điều rất dễ nhận thấy, nếu chỉ là một tay guitar “gà mờ” thì tên tuổi của một hiệu đàn chẳng toát lên được điều gì, nhưng với những tay guitar sừng sỏ thì cái tên rất quan trọng, mỗi cái tên đánh dấu một thương hiệu riêng, một phong cách đặc trưng của mình. Nếu cào bằng trình độ guitar của những nghệ sĩ tên tuổi đã ở mức “thượng thừa”, sự kỹ thuật, chạy ngón, ai cũng như nhau cả thì việc duy nhất để nhận ra họ ở những nét khác nhau chính là cái “hồn” của từng người. Ngoài đặc tính kỹ thuật chung bắt buộc phải có, những nghệ sĩ guitar luôn gửi gắm tâm hồn mình theo từng câu riff, đoạn reo, chấm ngón (tapping)… và vì thế họ sẽ chọn cho mình một hiệu đàn thích hợp để thể hiện tư tưởng. Đây cũng chính là ranh giới để người nghe xác tín cho mình một cây đàn hay nhất.

Dùng một cây đàn để đặc tả “câu chuyện” của mình là một điều không phải ai cũng làm được. Gary Moore dùng Gibson để chuyển tải nỗi buồn “lạc lõng” trong “Still got the blues”, Brian May chọn Gibson để “thẩm thấu” tình yêu trong “Love of my life”, Santana mô tả “Europa” với Paul Reed Smith ngọt ngào, Eric Clapton cách điệu “Layla” trong nỗi nhớ nhung cùng Stratocaster… Nếu như nỗi buồn của Les Paul Gibson là một nỗi buồn sang trọng và lạc lõng thì Fender Stratocaster đặc tả nỗi buồn ở mức độ lả lơi và quyến rũ. Nỗi buồn của Gibson rất kén người chia sẻ còn Fender là một thế giới mở toang cửa cho bất cứ ai, bất cứ tâm trạng nào cũng có thể gia nhập…

Clarence Leo Fender, người góp phần làm nên biểu tượng Rock.

Fender là một công trình của Clarence Leo Fender, một nhà làm đàn ở Fullerton, California (Mỹ). Ngay từ nhỏ ông đã rất say mê những kỹ thuật điện tử, mày mò sáng chế những dụng cụ tương thích để nâng cao chất lượng sóng radio, sau đó ông vào làm cho K&F (nhà sản xuất rất nổi tiếng với nhãn hiệu đàn Rickenbacker). 1951 (Leo Fender sinh năm 1909), ông lập một hãng đàn riêng lấy tên theo họ của mình, ông cố gắng tìm những nét mới để Fender có vị thế riêng, phần mà ông chú trọng nhất chính là âm thanh, yếu tố quyết định tạo nên tên tuổi của nhà làm đàn. Nếu chỉ nói riêng về đàn guitar điện 6 dây thì Fender có 2 loại chính, The Fender Telecaster (là cây đàn nguyên thủy Fender Broadcaster có bổ sung) và The Fender Stratocaster, cả 2 đều được làm thủ công với chất liệu gỗ. Telecaster ra đời sau Stratocaster nhưng cũng rất nổi tiếng, nhiều tay Blues guitar rất chuộng dòng đàn này, trong đó có cả Albert Collins, 1 trong 3 ông vua không ngai của thánh đường Blues. Âm thanh của Tele có nét đặc trưng riêng nằm ở hộp biến âm, tiếng trong trẻo, khúc chiết và không có nhiều tạp âm. Tuy nhiên, Tele vẫn có mặt hạn chế bởi nó giản dị không phù hợp lắm với yêu cầu kỹ thuật cao của Rock.

3 tay guitar anh hùng của Fender Stratocaster.

Stratocaster là dòng đàn đáp ứng nhiều đòi hỏi nhất, kể cả ở hình dáng khi những đường viền quanh thân đàn mang đậm “nữ tính“ hơn so với Telecaster, tạo sự thoải mái cho người chơi. Ngoài những đặc tính cơ bản phải có của một cây guitar điện thì Strato cũng đem đến sự mới lạ nằm ở cần rung, chính phần này sẽ tô đậm cho âm thanh tiếng guitar, lúc trầm bổng, méo tiếng hay ngân dài nốt đánh. Những nhà làm đàn khác cũng để ý tới điều này nhưng đa số đều thể hiện “cần rung” ở nút vặn hoặc “cần gạt”, tuy thế điều này cũng tùy thuộc vào “phong cách guitar” của người mua, quan trọng là khi dùng cây đàn đó vẫn phải thể hiện được tiếng “vê nốt”. Stratocaster có 3 dòng chính là Strato 50, strato 60 và strato 70.

Mỗi dòng có một phong cách riêng (về kỹ thuật) và nhiều màu chọn lựa. Đó là chưa kể thêm những dòng chuyên biệt để tôn vinh một ai đấy, ví dụ như Fender vẫn có dòng guitar mang tên Fender SRV (để tôn vinh tay guitar huyền thoại Stevie Ray Vaughan, người đã lột tả vẻ đẹp của Fender ở mọi ngõ ngách). Người ta chuộng Stratocaster ở phần âm thanh, một âm điệu rất “Fender” mà không thể tìm thấy ở cây đàn nào khác. Với Nils Lofgren, tay guitar của Bruce Springsteen thì đó là “một công trình nghệ thuật”, còn với Yngwie Malmsteen, tay guitar solo nổi tiếng thì “đó chính là tiếng nói của tôi”… Âm thanh của Fender Stratocaster đến nay vẫn là một bí mật gia truyền cho dù cấu tạo của nó hoàn toàn đơn giản, Fender tạo ra nó với mục đích vừa dễ sử dụng mà cũng dễ sửa chữa thế nhưng khi bạn thử tách rời một bộ phận Fender và gắn vào cây đàn khác thì ngay lập tức sẽ không còn nhận ra Fender ở một điểm nào nữa…

50 năm vẫn ...xài tốt!

50 năm tôn vinh một thương hiệu đàn, quả là một niềm mơ ước cho những ai đang ngày đêm cặm cụi ngồi chế tác những cây guitar cho đời. Cho dù bây giờ Leo Fender đã qua đời, Fender của ông đã thuộc về CBS cũng như cũng có rất nhiều nhãn hiệu đàn nổi tiếng khác đã xuất hiện thì người ta vẫn dành cho ông sự kính trọng tuyệt đối. Những nghệ sĩ guitar lừng danh vẫn tự hào khi khoe họ gần như có đủ bộ sưu tập đàn của ông, từ Ritchie Blackmore cho đến Eric Clapton, từ Buddy Guy cho đến Stevie Ray Vaughan, những cây đàn của họ giờ đã được đem trưng bày ở những bảo tàng âm nhạc. Cho đến giờ những cây đàn Fender 50, 60, 70 khi được sản xuất lại vẫn mang đầy đủ âm thanh ban đầu mà không mất đi một tí nào chất liệu nguyên thủy. Tuy nhiên nếu mua Fender 50 sản xuất lại, bạn chỉ mất 500 USD còn cho một cây nguyên thủy bạn phải mất đến 40.000 USD, âu cũng là cái giá xứng đáng ít ra cũng là về mặt giá trị thời gian…

Dưới đây là hình ảnh Fender Stratocaster qua sự thể hiện của những nghệ sĩ guitar: 

Ritchie Blackmore

 

Buddy Guy

 

Jimi Hendrix

 

 
Stevie Ray Vaughan
 

 

Eric Clapton

 

Jeff Beck

 

 

  • M. Cường (tổng hợp)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Live show Mỹ Tâm: Sẽ hoành tráng và biết cách "chơi nổi"? (13/03/2004)
Khởi động cuộc thi guitar thế giới đầu tiên (13/03/2004)
Thêm một vụ "trục trặc" trong quan hệ "ca sĩ - ông bầu" (12/03/2004)
George Michael sắp "về hưu" (12/03/2004)
Limp Bizkit: Người tạo ra thứ âm nhạc ngoài quy luật (11/03/2004)
Làn sóng ca sĩ mới: Trẻ trung và thực tài (10/03/2004)
Đêm nhạc "Về với phố": Món ngon ăn nhiều... không còn ngon (09/03/2004)
''Búp bê sinh ngày 8/3'' giao lưu trực tuyến (08/03/2004)
“Cho phân nửa còn lại của bầu trời” (06/03/2004)
Norah Jones tiếp tục đăng quang (05/03/2004)
Tháng 3, tháng của những ca sĩ yêu thích hoạt động xã hội (05/03/2004)
Siu Black tái ngộ khán giả (03/03/2004)
10 năm Rock Việt - nhìn từ Hà Nội (02/03/2004)
Khi giấc mơ trở lại... (01/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang