- Với chủ đề "Chiến lược phát triển thông tin và truyền thông", hôm nay, ngày 6/8/2008, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp và các Thứ trưởng Bộ TT-TT đã trả lời được gần 100 câu hỏi của người dân.
Tham gia buổi trả lời trực tuyến còn có các thứ trưởng Bộ TT-TT và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ TT-TT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ trưởng sẽ cùng các vị lãnh đạo các đơn vị chức năng trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành TT-TT.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trả lời các câu hỏi trực tuyến của người dân. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó đến nay, kinh tế- xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, văn hóa – xã hội có những bước phát triển mới, an ninh quốc phòng được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới WTO và là ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc.
Đất nước đạt được những thành tựu to lớn như trên, có đóng góp của toàn dân, của nhiều cấp, nhiều ngành; trong đó có sự đóng góp của Ngành Thông tin và Truyền thông với tư cách là một Ngành ngành dịch vụ, công nghệ, hạ tầng kinh tế - xã hội cần phải đi trước một bước để thức đẩy các Ngành khác phát triển. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn dân quan tâm đến vai trò của thông tin và truyền thông là động lực phát triển kinh tế- xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; luôn tạo điều kiện để sự nghiệp thông tin và truyền thông phát triển ngày càng lớn mạnh xứng đáng là ngành mũi nhọn, tiên phong của đất nước.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Ngành Thông tin và Truyền thông cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đó là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt, Ngành Thông tin và Truyền thông phải làm gì để đưa lĩnh vực thông tin và truyền thông trở thành một trong những lĩnh vực có tỷ trọng lớn đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước; từng bước hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức. Mặt khác là phát triển lĩnh vực báo chí, xuất bản theo hướng nâng cao chất lượng tư tưởng và văn hóa, phong phú về nội dung và hình thức trình bày, hiện đại về mô hình, cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất - kỹ thuật; đồng thời xây dựng cơ chế quản lý phù hợp và khoa học.
Để đạt được mục tiêu đó, một trong những biện pháp quan trọng là cần làm tốt công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bao gồm cả việc xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để phát huy thế mạnh của mình trong việc chỉ đạo điều hành quản lý kinh tế ngành vượt lên những thách thức, khai thác triệt để những cơ hội để đưa Ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tình hình mới.
Bắt đầu từ tháng 1/2008, mỗi tháng 1 lần, lãnh đạo Bộ TT-TT đã thực hiện trả lời trực tuyến với nhân dân về lĩnh vực quản lý của Bộ: Thứ trưởng Lê Nam Thắng trả lời về chính sách phát triển viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện và truyền dẫn phát sóng; Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng trả lời về các vấn đề ứng dụng và phát triển CNTT; Thứ trưởng Trần Đức Lai về kinh tế, kế hoạch, đầu tư phục vụ sự phát triển ngành; Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng về hướng tới một ngành bưu chính Việt Nam năng động và Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn về hoạt động xuất bản, in, phát hành sách.
Buổi đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp được tường thuật trực tiếp trên các kênh thông tin: website của Bộ TT-TT, Báo điện tử VietNamNet, Báo điện tử VTC News, Báo Bưu điện Việt Nam, bắt đầu lúc 8h30 phút ngày 6/8/2008.
Sau đây là nội dung buổi trả lời trực tuyến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp:
Đúng 8h30 sáng 6/8, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp bắt đầu trả lời trực tuyến các câu hỏi của người dân gửi về. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Lời người dẫn: Kính thưa quý vị độc giả, thưa các bạn!
Trong thời gian qua, để cung cấp và trao đổi thông tin về công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thông tin và truyền thông với người dân, Bộ TT-TT đã tổ chức 5 buổi trả lời trực tuyến giữa các lãnh đạo Bộ với người dân về các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ. Thông qua các buổi trả lời trực tuyến này Bộ Thông tin và Tuyền thông đã phần nào cung cấp những thông tin cần thiết đến với người dân về những chủ trương, chính sách, về những định hướng của Bộ đối với công tác quản lý nhà nước của Bộ, đồng thời cũng nhận được sự chia sẻ và quan tâm sâu sắc của người dân đối với những vấn đề mà công tác quản lý nhà nước của Bộ cần phải thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Để tiếp tục tăng cường trao đổi và cung cấp thông tin đến người dân về chủ trương phát triển của ngành thông tin và truyền thông trong giai đoạn phát triển và hội nhập của đất nước cũng như làm rõ hơn vai trò của ngành thông tin và truyền thông đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hôm nay Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp sẽ trả lời trực tuyến người dân với chủ đề “Chiến lược phát triển Thông tin và Truyền thông”.
Buổi trả lời trực tuyến của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp được thực hiện trên cổng thông tin điện tử của Bộ đồng thời cũng được truyền trực tiếp trên các phương tiện truyền thông của Bộ như: báo điện tử ICTnews, báo điện tử VietNamNet, trang tin điện tử VTC... Buổi trả lời trực tuyến kéo dài đến 12h00. Quý độc giả quan tâm xin đặt câu hỏi trực tiếp với Bộ trưởng Lê Doãn Hợp ngay sau đây tại địa chỉ: http://giaoluu.mic.gov.vn. Sau đây xin kính mời Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chủ trì buổi trả lời trực tuyến hôm nay.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Xin chào quý vị độc giả trên cả nước. Cho đến thời điểm này, tôi đã nhận được hơn 100 câu hỏi, tập trung vào các lĩnh vực như Bưu chính, Viễn thông, Báo chí, Xuất bản và CNTT.
Như quý vị độc giả đã biết, trong thời gian qua Bộ TT-TT đã tổ chức 5 buổi trả lời trực tuyến của Lãnh đạo bộ với các quý vị với các chủ đề có liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản, với mục đích cung cấp và trao đổi thông tin đến quý vị độc giả nhằm tạo sự đồng thuận để công tác quản lý nhà nước của Bộ đi vào thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.
Mặt khác Bộ cũng lắng nghe những ý kiến phản hồi từ xã hội để kịp thời điều chỉnh những chủ trương, định hướng, cơ chế chính sách để phát triển hơn nữa ngành thông tin và truyền thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Hôm nay, với trách nhiệm là người đứng đầu ngành này, tôi sẽ trả lời các câu hỏi của quý vị xoay quanh chủ đề “Chiến lược phát triển Thông tin và Truyền thông”. Tôi cho rằng đây là nội dung quan trọng có thể nói là bao trùm toàn bộ công tác quản lý nhà nước của Bộ đồng thời cũng là vấn đề mang tầm vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Độc giả Quang Hoàng-Hà Nội: Đề nghị Bộ trưởng cho biết các công việc trọng tâm, các định hướng lớn của Bộ TT-TT từ nay đến năm 2010?
Trả lời: Từ nay đến 2010, Bộ đã xác định các công việc trọng tâm và các định hướng lớn như sau:
- Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm 2008 và những năm tiếp theo, Bộ TT-TT phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật bưu chính và chuyển phát, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Luật Xuất bản và hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
- Hai là, xây dựng và hoàn thành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án trọng điểm như: Chương trình quốc gia về ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về CNTT và truyền thông; Kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam với mục tiêu ứng dụng rộng rãi CNTT để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin thiết yếu cho người dân, DN; Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông và internet công ích, bưu chính công ích, nhằm hỗ trợ khu vực nông thôn…
- Ba là, hoàn thành các kế hoạch đổi mới, sắp xếp DN nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập. Với nhiệm vụ này, Bộ sẽ phải tập trung chỉ đạo để các DN nhà nước hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo chủ trương chương Đảng và Nhà nước, chỉ đạo các DN hoàn thiện mô hình tổ chức theo mô hình Tập đoàn, mô hình công ty mẹ- công ty con…nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
- Bốn là, Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông tại các địa phương, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là giúp đỡ các Sở Thông tin và Truyền thông trong việc ổn định tổ chức sau khi được kiện toàn sáp nhập và bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới
- Năm là, tăng cường công tác đối ngoại, tích cực chủ động hội nhập quốc tế theo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong trong lĩnh vực ứng dung CNTT và thông tin đối ngoại, tạo điều kiện để các DN viễn thông cạnh tranh lành mạnh, không ngừng phát triển. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản; hoàn chỉnh tất cả các cơ chế chính sách, quy chế quản lý mới để quản lý báo chí, xuất bản đạt hiệu quả tốt nhất phù hợp với tình hình trong nước và hội nhập quốc tế. Tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ đầu ngành và cán bộ CNTT.
Nguyễn Xuân Đào-Quảng Nam: Trong thời gian qua việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước đã có những chuyển biến tích cực với việc bộ TT-TT ra hàng loạt chính sách mới như NĐ 64/CP, QĐ 43/2008/QĐ-TTg, Thông tư 43/2008/TTLT-BTC-BTT-TT. Tuy nhiên việc ra các định mức đơn giá cho dự án chuyên ngành CNTT lại quá chậm dẫn đến việc trì trệ trong công tác thẩm định tài chính đối với các dự án CNTT ? Vậy đến khi nào Bộ TT-TT mới có thể hoàn thành sớm việc này ? ( Theo trả lời của BỘ TT-TT trong kỳ giao lưu trước thì quý II/2008 xong nhưng đến bây giờ vẫn không có, lưu ý trong thông tư liên tịch số 43 thì việc xây dựng các đề án, dự án CNTT thì áp dụng Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ là rất bất cập và hoàn toàn không sát với công việc chuyên môn CNTT.....)
Trả lời:
Cám ơn bạn đã có những đánh giá tích cực về việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trong thời gian vừa qua. Bộ TT-TT luôn xác định nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức chính phủ điện tử ở Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Chính vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực CNTT trong đó có định mức, đơn giá chuyên ngành CNTT, phương pháp định giá phần mềm. Việc ban hành định mức, đơn giá chuyên ngành CNTT, phương pháp định giá phần mềm sẽ có tác động rất lớn đến ngành CNTT Việt Nam nói chung và công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước nói riêng. Đây là công việc khó khăn, đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy chúng tôi dự kiến sẽ ban hành định mức, đơn giá chuyên ngành CNTT, phương pháp định giá phần mềm trong quý III/2008.
Trong khi chờ định mức, đơn giá chuyên ngành phù hợp đối với lĩnh vực CNTT thì việc vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành là cần thiết để đảm bảo cho hoạt động ứng dụng CNTT không bị ngưng trệ. Vì vậy thông tư liên tịch số 43 quy định việc xây dựng các đề án, dự án CNTT áp dụng Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ là cần thiết. Ngoài ra Thông tư 43 còn cho phép áp dụng các đơn giá, định mức theo định hướng thị trường nhằm tạo điều kiện thực sự thuận lợi cho việc triển khai các dự án CNTT.
Luong Hoai Nhon-Tam Kỳ Quảng Nam: Hiện nay nhân lực ngành CNTT của nước ta đang thiếu hụt trầm trọng, trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng vậy, làmột kỹ sư CNTT đang làm trong cơ quan nhà nước tôi nhận thấy cần phải có một cơ chế nào đó để thu hút những người có năng lực thật sự trong lĩnh vực IT vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, vậy Bộ Trưởng cho biết trong thời gian đến Bộ trưởng có những chính sách gì để thực hiện vấn đề này không chẳng hạn về chính sách lương, thưởng, môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ hội học tập đào tạo nâng cao chuyên môn vì đây là ngành đòi hỏi phải có sự học hỏi không ngừng để theo kip tốc độ phát triển. Chúc Bộ Trưởng sức khỏe!
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Đây là một câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Bộ TT-TT là bộ quản lý Nhà nước trên 3 lĩnh vực lớn: Chính trị - kinh tế - xã hội. Chính trị là lĩnh vực báo chí - nhạy cảm; Kinh tế là lĩnh vực viễn thông - mũi nhọn; Kỹ thuật là lĩnh vực CNTT - mang tính thời đại. Vì thế, việc tập hợp nhân tài trong lĩnh vực đa chức năng là vấn đề lớn. Nếu không tập hợp được nhân tài thì rất khó khăn trong quản lý.
Hiện nay, cơ chế thu hút nhân tài về Bộ TT-TT đang rất khó khăn và cần từng bước tháo gỡ, điều chỉnh, khắc phục chứ không thể ngay lập tức. Quan điểm của lãnh đạo Bộ là nâng cao mức sống cho anh em cần phải gắn liền với điều kiện thực tế của đất nước.
Cũng cần nhận thức là việc một số nhân tài được đào tạo cơ bản rời cơ quan nhà nước ra làm việc bên ngoài họ vẫn cống hiến cho đất nước. Đừng bao giờ nghĩ những người trong bộ máy NN mới là yêu nước, còn thì không yêu nước. Ở đâu góp phần vào hội nhập, đổi mới và phát triển đất nước đều là yêu nước. Vấn đề đặt ra là cần cố gắng tập hợp những ngưòi có kiến thức, năng lực và khát vọng cống hiến làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước.
Có 3 việc cần làm để tập hợp nhân tài:
Ảnh: Lê Anh Dũng.
Thứ nhất là giáo dục tư tưởng chính trị để thấy vinh dự đứng trong bộ máy NN; nếu làm tốt là đóng góp tốt nhất cho đất nước. Đó là nhiệm vụ quan trọng, vừa là tình cảm, trách nhiệm, vinh dự đối với đất nước, quê hương.
Thứ hai, không chỉ đặt ra vấn đề trách nhiệm chung chung, mà phải quan tâm đến chuyện cải thiện đời sống cho cán bộ, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của họ. Cần đưa ra một loạt giải pháp kinh tế để thu hút nhân tài cống hiến cho Bộ và cho bộ máy nhà nước. Để làm điều này, có 3 việc cụ thể:
- Tham mưu cho Chính phủ đưa ra những cơ chế tiền lương đặc thù đủ bù đắp chất xám, đủ lưu giữ những người có năng lực cống hiến cho bộ máy NN, đủ bù đắp cho cuộc sống;
- Đưa ra cơ chế bình chọn những người có công sức, đóng góp tốt nhất cho quản lý NN, cho lĩnh vực mà Bộ quan tâm có chính sách đi kèm. Coi đó là sự tôn vinh nghề nghiệp cho những người có đóng góp, cống hiến. Những người giỏi đi tiên phong trong các lĩnh vực không nhiều, nên cần phải có chính sách để thu hút nhân tài làm đầu tàu dẫn dắt phong trào;
- Đối xử có văn hóa: Những người tài được đối xử, chăm sóc, không chỉ là vật chất mà cả về tinh thần, để làm cho những người rời khỏi tổ ấm này cảm thấy không thể nơi nào bằng.
Chúng ta cũng hiểu Chính phủ và QH quyết định cơ chế phân phối tiền lương. Vì thế, cần phải thuyết phục các ngành, cáccấp hiểu được khó khăn của chúng ta để thuyết phục các cấp lãnh đạo có cơ chế tiền lương đặc thù để giữ và vun đắp nhân tài. Phải tham mưu cho Chính phủ để quy tu, tập hợp nhân tài, để làm tốt tất cả những gì mà đất nước đặt ra cho ngành TT-TT trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nhân-Hà Nội: Xin Bộ trưởng cho biết làm sao để kiểm soát blog hiệu quả. Làm sao để blog đi đúng lề bên phải xin cám ơn bộ trưởng.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Trước hết, phải nói Internet và blog xuất hiện ở VN là tiến bộ ngoạn mục của loài người được lan tỏa ở VN. Một xã hội thông thoáng, tự do cởi mở về thông tin, trao đổi với nhau qua blog là một xã hội tốt. Phải ghi nhận điều đó. Thử hình dung nếu không có Internet, không có blog làm sao mọi người hiểu lẫn nhau như hiện nay.
Đó là một vấn đề mang tính quy luật. Khi đổi mới và hội nhập, cái gì thế giới có ta có, vấn đề chỉ là sớm và muộn, nhanh và chậm, không ai đứng ngoài để trở thành ốc đảo.
Thế giới quản lý tốt, mình quản lý được. Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý. Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt. Nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động. Đi ngoài hành lang không được và không an toàn.
Quản lý blog như thế nào? Chúng ta không hạn chế phát triển blog. Hiện nay VN có 1,1 triệu blogger, tương lai gần 3-5 triệu không xa lạ. Con số hàng triệu người đặt ra vấn đề xã hội lớn cần quản lý. Chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội quản lý tốt blog, hạn chế 2 vấn đề: một là, hạn chế bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc cá nhân lẫn nhau. Nó làm xã hội rối loạn, không thể phát triển.
Hai là hạn chế những tuyên truyền, vận động chống phá nhà nước, ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế.
Để làm thế này có bước đi: tham mưu xây dựng một số quy chế quản lý dưới góc độ những văn bản dưới luật, hạn chế những việc không tốt, phát huy điều tốt, tiến tới hình thành Nghị định riêng, như NĐ 55 về quản lý internet. Cao hơn, đưa vào một chương quản lý trong Luật dân sự là đủ.
Việt Nam chủ trương khuyến khích phát triển blog để xã hội thông thoáng, nhiều thông tin. Thời đại 3 chữ T: trí tuệ, thông tin, và thương hiệu. Blog là dạng thông tin cá nhân, giúp mọi người hiểu , biết nhau và trao đổi vấn đề quan tâm,. Đây là vấn đề tốt. Tôi tin trong tương lai blog làm xã hội thông thoáng, cởi mở, nhiều thông tin, hiểu biết lẫn nhau, giúp mọi người làm nghề tốt hơn... nâng cao nhận thức, trình độ, từ đó nâng cao toàn bộ khả năng hành động của mình.
Nguyễn Ích Tín-Vĩnh Phúc: Đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ nội hàm của "thuật ngữ" Thông tin - Truyền thông? Hiểu nhất quán thế nào là Thông tin, thế nào là Truyền thông? Trân trọng cám ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Cụm từ “thông tin và truyền thông” trong tên gọi của Bộ TT-TT có xuất phát điểm từ cách đặt tên.
Bộ TT-TT là bộ quản lý đa ngành đa lĩnh vực, với 5 lĩnh vực. Tên gọi của một bộ không thể hàm chứa mọi lĩnh vực cho một bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Chỉ chọn cụm từ đặc trưng và phù hợp với xu hgướng quốc tế
“Thông tin” ở đây hàm chưa CNTT và một phần thông tin nói chung, trong đó có báo chí và xuất bản. “Truyền thông” ở đây là cụm từ dùng chỉ chung cho 2 lĩnh vực bưu chính và viễn thông, được hiểu theo cách thông dụng của thế giới. Truyền thông là chuyển tải, từ nơi này sang nơi khác.
Bao hàm nhất không phải là tất cả. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn nếu nói cho đủ, thì sẽ rất dài. Nông nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi, Lâm nghiệp.... nếu muốn khoe tên mình thì rấ dài. Muốn ngắn hơn nữa tên Bộ Thông tin là đủ. Bưu chính, Viễn thông thấy muốn soi có mình trong đó. Không có tên bộ nào bản thân tên gọi chứa đựng được tất cả các lĩnh vực. Đặc trưng cao nhất của Bộ được chứa hàm trong đó.
Bản thân Bộ TT-TT, có thể hiểu Thông tin là nội dung. Truyền thông như là phương tiện. Gắn nội dung với phương tiện, như gắn hàng hóa với đường sắt, hành khách với hàng không. Thế giới cũng nhiều nước đặt tên gọi Bộ là TT-TT, như Mỹ, Hàn Quốc. Như vậy chúng ta đang đi đúng xu hướng thời đại.
Việc đặt tên Bộ TT-TT đã được QH thảo luận rất kỹ, quyết định có trách nhiệm. Tất cả truyền thống của ngành Truyền thông, Bưu chính, Xuất bản, Báo chí, Viễn thông đều có bóng hình trong đó. Trong tương lai trước mắt và lâu dài, tên gọi là thương hiệu, tình cảm, dấu ấn, kỉ niệm đối với người làm trong ngành, có trách nhiệm xây dựng thương hiệu ngày càng lan toả, sáng giá ,đóng góp cho sự phát triển đất nước nhất là trong thời kỳ hội nhập.
Cụm từ “thông tin và truyền thông” trong tên gọi của Bộ TT-TT có xuất phát điểm từ cách đặt tên. “Thông tin” ở đây bao gồm CNTT và một phần thông tin nói chung, trong đó có báo chí và xuất bản. “Truyền thông” ở đây là cụm từ dùng chỉ chung cho 2 lĩnh vực bưu chính và viễn thông.
Lê huy dung-Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá: Đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về: 1.Tên Bộ là Bộ TT-TT, tuy nhiên chức năng, nhiệm vụ chưa gắn liền với tên của Bộ 2. Thông tư số: 03/ TTLB / NV - TT-TT về nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biền giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành là quá hẹp, trong thực tế ngành phải tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, vậy đề nghị Bộ trưởng lý giải về vấn đề này như thế nào? 3. Với chức năng của cấp Sở, việc quản lý nhà nước về thông tin chỉ có lĩnh vực báo chí và xuất bản là quá hẹp( chuyển từ Sở VHTT sang ) trong khi lĩnh vực thông tin lại để ở Ngành Văn hoá - Thể thao - Du lịch là không phù hợp với tên gọi của Bộ VH,TT&DL. Trong khi đó việc quản lý báo chí xuất bản ở một số tỉnh là không có, hoặc phạm vi quản lý quá ít, xin Bộ trưởng có hướng giải quyết trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời:
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: "Việc lấy một tên gọi gắn liền với tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ là rất khó hoặc rất dài..."
Thứ nhất, Hiện nay các Bộ được tổ chức theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ TT-TT quản lý nhà nước về 5 lĩnh vực chính: báo chí, xuất bản, bưu chính và chuyển phát, viễn thông và internet, CNTT Việc lấy một tên gọi gắn liền với tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ là rất khó hoặc rất dài. Vì vậy giải pháp ở đây là chọn một cụm từ mang tính đặc trưng nhất, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Thứ hai, Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTT-TT-BNV ngày 30/6/2008 giữa Bộ TT-TT và Bộ Nội vụ có đề cập đến trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông và phòng Văn hoá và Thông tin trong việc “tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thông tin và truyền thông” đây là một trong các nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại trung ương cũng như địa phương để đảm bảo hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, nâng cao pháp chế trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Còn nhiệm vụ của ngành trong công tác chỉ đạo tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội cũng là một nhiệm vụ quan trọng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản phải có nhiệm vụ chỉ đạo định hướng cho công tác này. Do đó có thể hiểu hai vấn đề bạn đề cập đều nằm trong nhiệm vụ của ngành nhưng với các vai trò khác nhau nên cách đề cập trong Thông tư 03/2008/TTLT-BTT-TT-BNV về công tác phổ biến chỉ dừng ở mức đề cập trách nhiệm mà một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần thực hiện để tăng cường công tác pháp chế, còn khía cạnh tuyên truyền bạn đề cập sẽ nằm trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí và xuất bản.
Thứ ba, Bộ TT-TT được Chính phủ giao quản lý về thông tin bao gồm hai lĩnh vực báo chí và xuất bản. Theo đó, các Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước hai lĩnh vực này. Việc quản lý nhà nước về thông tin nói chung cần phải được Chính phủ xem xét, phân định.
Nguyễn Xuân Bách-Hoàn Kiếm - Hà Nội: Tôi nghe đài báo nói rất nhiều đến kế hoạch triển khai công nghệ 3G tại Việt Nam trong thời gian tới, mà trước mắt là việc thi tuyển cấp phép cho 4 trên tổng số 7 nhà khai thác dịch vụ DTDD hiện nay. Tuy nhiên, tôi cũng được biết là kế hoạch công bố đề thi vẫn đang bị đẩy lùi so với dự định ban đầu. Xin bộ trưởng có thể nêu lý do và cung cấp thời gian dự kiến tương đối cụ thể về việc công bố đề thi 3G không? Xin chân thành cám ơn bộ trưởng.
Trả lời:
Theo kinh nghiệm Quốc tế, cấp phép 3G theo ba hình thức chính: hoặc đấu thầu, hoặc thi tuyển, hoặc kết hợp cả hai hình thức trên. Đối với Việt Nam thì tất cả 7 nhà khai thác dịch vụ thông tin di động đều là DN Nhà nước, vì vậy Bộ TT-TT tiến hành tổ chức thi tuyển cấp phép 3G.
Việc tổ chức thi tuyển cấp phép 3G là hình thức cấp phép Viễn thông lần đầu tiên áp dụng cho Việt Nam (chưa có tiền lệ). Mục đích là đảm bảo công khai, minh bạch trong thi tuyển và lựa chọn được 4 nhà khai thác di động xứng đáng nhất đảm bảo cung cấp dịch vụ băng rộng 3G rộng rãi, chất lượng và đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên viễn thông.
Bộ TT-TT đã hoàn thiện xây dựng hồ sơ thi tuyển trên cơ sở công khai tham vấn các nội dung thi tuyển với các DN, các cơ quan quản lý viễn thông trong và ngoài nước. Một trong các việc để đảm bảo sự thành công của thi tuyển là nội dung liên quan đến cam kết đầu tư triển khai cung cấp dịch vụ 3G của các DN, các nội dung cam kết phải được được đảm bảo bằng các cơ chế sử phạt tài chính. Hiện Bộ TT-TT đang cùng các Bộ ngành khác xây dựng trình Chính phủ các cơ chế tài chính này. Vì vậy để đảm bảo lợi ích lâu dài và các mục đích thi tuyển Bộ TT-TT lùi thời gian công bố Hồ sơ thi tuyển so với thời gian dự kiến và các DN cũng có thời gian để cân nhắc và chuẩn bị thi tuyển theo các nội dung đã được tham vấn.
Bộ TT-TT Dự định phát hành Hồ sơ thi tuyển trong tháng 8/2008, các DN có 02 tháng chuẩn bị làm đề án (tháng 9, tháng 10/2008); Bộ TT-TT chấm điểm Hồ sơ thi tuyển của các DN (tháng 11/2008); Báo cáo Thủ tướng Chính phủ (tháng 12/2008); Cấp giấy phép 3G cho các DN trúng tuyển.
Ngũ Triều Linh-quan ba ha giang: Thưa Bộ trưởng Bộ trưởng có thể cho biết là đến khi nào thì cước ĐTDĐ mới có thể rẻ như nhưng nước trong khu vực không và li do tại sao mà cước điện thoại nước ta vẫn cao như vậy dù số người dùng điện thoại là rất nhiều. Xin cảm ơn Bộ trưởng
Trả lời:
So với các nước khác, dịch vụ di động được đưa vào Việt Nam chậm hơn, đặc biệt so với các nước phát triển từ 3-5 năm.
Giá thành dịch vụ trong giai đoạn đầu, phải đầu tư ban đầu nhiều nên giá cước di động tại Việt Nam vẫn còn cao trong thời điểm 3-4 năm trước đây.
Tuy nhiên, trong những năm qua, thông tin di động phát triển rất mạnh tại Việt Nam với mật độ ĐT hiện là 60%, trong đó 80-90% là của di động. Điều này chứng tỏ giá cước di động càng ngày càng tiệm cận với giá thành, số lượng thuê bao di động tăng nhanh cho thấy giá cước đã ở mức hợp lý và chất lượng dịch vụ di động đã ngày càng tốt hơn.
Dimin-Quang Nam: Thưa Bộ trưởng. Bộ trưởng cho biết giá cả thị trường ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt, như giá xăng đã lên đến 19.000đ/lít, nhưng giá một cái thư thường chỉ có 800đ/cái giá này cách đây đã 10 năm, như vậy liệu DN Bưu chính có đủ sức chịu lỗ, hoặc lá thư đó có chịu đến với ngưòi nhận không? đó là nổi băng khoăn của người gửi thư
Trả lời:
Xin cảm ơn bạn đã có câu hỏi hiện đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.
Đúng như nhận xét của bạn, giá cước dịch vụ thư thường trong nước 20 gam hiện nay còn ở mức rất thấp, chưa đủ bù đắp chi phí cung ứng dịch vụ, nhất là việc chuyển phát thư đến vùng sâu vùng xa nhằm ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân và được Nhà nước xác định là dịch vụ công ích. Đây là một khó khăn rất lớn cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam nhất là trong giai đoạn tách bưu chính và viễn thông, bưu chính hoạt động độc lập. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI ) những năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Điều này làm ảnh hưởng không ít tới các DN sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ trong cả nước trong đó có ngành Bưu chính - ngành dịch vụ đã chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự biến động của giá cả, đặc biệt là giá xăng dầu.
Trong thời gian qua, mặc dù Tổng công ty Bưu chính VN đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức lại hoạt động khai thác, vận chuyển bưu chính nhằm giảm chi phí nhưng với tính chất phân bố điểm phục vụ ở diện rộng trên toàn quốc của mạng bưu chính công cộng thì việc giảm chi phí ở khâu vận chuyển vẫn không đáng kể so với tốc độ tăng giá xăng dầu.
Để đảm bảo cho Tổng công ty Bưu chính VN thực hiện tốt nghĩa vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, giảm dần mức hỗ trợ của Nhà nước, cân bằng được thu chi và tiến tới kinh doanh có lãi trong thời gian tới; đồng thời để đảm bảo quyền lợi của Bưu chính Việt Nam trong việc tham gia hệ thống thanh toán cước đầu cuối mới của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), mức cước thanh toán được tính trên cơ sở mức cước thư 20 gam nội địa thì việc điều chỉnh cước thư thường 20 gam trong nước là cần thiết. Bộ TT-TT đang yêu cầu Tổng công ty Bưu chính Việt Nam xây dựng phương án điều chỉnh cước dịch vụ thư thường trong nước đến 2 kg (trong đó có mức cước thư 20 gam). Trên cơ sở đó, Bộ TT-TT sẽ xem xét để xây dựng đề án trình Chính phủ.
Đây là một giải pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam phát triển ổn định, hoàn thành nghĩa vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, tăng khả năng đầu tư để cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian chuyển phát, đảm bảo an toàn an ninh bưu chính nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội.
Việc điều chỉnh cước dịch vụ thư thường trong nước đến 2kg sẽ được thực hiện theo lộ trình nhằm giảm dần mức hỗ trợ của Nhà nước và đảm bảo đến năm 2013, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam tự cân bằng được thu chi. Việc tăng giá cước dịch vụ thư thường trong nước đến 2kg phải đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế nhằm phát huy nội lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước; đồng thời giá cước dịch vụ phải đảm bảo tính trên cơ sở giá thành dịch vụ, phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, bền vững, phát huy nội lực của Tổng công ty Bưu chính VN trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: Trong sơ kết sáu tháng đầu năm của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại Đồ Sơn, Hải Phòng, tôi đã nói, Bưu chính Việt Nam cần tập trung gỡ bốn việc khó, giảm bù lỗ:
Thứ nhất là tham mưu cho Bộ, cũng là cho Chính phủ việc điều chỉnh giá cước. Giá cước của ta đã quá lạc hậu so với cuộc sống đến nỗi DN, người dân cả cơ quan nhà nước không quan tâm đến. Như giá cả hiện nay, Nhà nước phải bù lỗ cho bưu chính một nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cước phải chọn thời điểm phù hợp để điều chỉnh khi có điều kiện.
Thứ hai là tổng rà soát cán bộ, công nhân viên chức. Hiện tổng lao động của Bưu chính Việt Nam là 48 nghìn người, doanh thu 3 đến 4 nghìn tỷ đồng. Có thể nói đây là ngành tạo ra giá trị bình quân đầu người thấp nhất nước. Điều đó không thể chấp nhận được. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có trình độ đại học, cao đẳng chưa đến 17%. Do vậy cần sàng lọc toàn bộ nguồn nhân lực bưu chính. Sàng lọc ở đây là tuyển lựa cán bộ quản lý, trẻ hóa, tri thức hóa. Tất nhiên, con đường sàng lọc phải là nhung lụa chứ không phải sa thải ồ ạt.
Việc thứ ba là ngành Bưu chính đặt tại những địa điểm thuận lợi, hầu hết ở cá trung tâm đô thị nhưng khai thác, sử dụng chưa hiệu quả. Bộ TT-TT và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho phép Bưu chính được liên doanh, liên kết để khai thác tăng thu cho Bưu chính. Bộ và Tập đoàn chỉ kiểm tra quy hoạch, kiến trúc, công năng và cơ chế phân phối lợi ích giữa bên có vốn và đất đai để bảo vệ vốn và tài sản của nhà nước.
Việc thứ tư là ngành Bưu chính Viễn thông phải mạnh dạn mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng tầm nhìn quốc gia, quốc tế. Phải hỏi cả thế giới, ngành bưu chính có lãi, sao Bưu chính Việt Nam lỗ?
Nhưng cũng như tôi thường nói vui, ngành Thông tin và Truyền thông có một khá, một khổ và ba khó. Một khá là Viễn thông, khổ là Bưu chính và ba khó là Báo chí, Xuất bản, CNTT.
Mai Lan-Hà Nội: Với vai trò là cơ quan quản lý Ngành, xin Bộ trưởng cho biết những định hướng, lộ trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước để phát triển chính phủ điện tử Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trả lời:
Với hiện trạng ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử Việt Nam hiện nay, Bộ TT-TT đang xây dựng định hướng, lộ trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước để phát triển chính phủ điện tử Việt Nam đến năm 2020 theo các bước như sau:
Đến năm 2010 tập trung vào việc ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan để hình thành các cơ quan điện tử, đồng thời cung cấp thông tin, xây dựng một số dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN.
Đến năm 2015 tập trung xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan cùng ngành, giữa các cơ quan thuộc chính phủ; Cung cấp các dịch vụ cơ bản trực tuyến phục vụ người dân và DN.
ến năm 2020 tập trung tạo lập được môi trường mạng rộng khắp phục vụ hoạt động của các cơ quan chính phủ, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến, hình thành chính phủ điện tử rộng khắp phục vụ người dân và DN mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.
Nguyễn Hải Anh-Hà Nội: Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất, xin Bộ trưởng cho biết chủ trương của Bộ TT-TT trong việc quy hoạch phát triển ngành Bưu chính Việt Nam trong thời gian tới để ngành Bưu chính Việt Nam trở thành một ngành kinh tế hoạt động độc lập có hiệu quả và phát triển bền vững?
Trả lời:
Ngành Bưu chính có các lợi thế: Bề dày truyền thống, lịch sử vẻ vang, là một ngành có hệ thống chân rết từ Trung ương đến địa phương, có địa điểm đẹp, thuận tiện giao dịch.
Tôi cũng đồng tình khó khăn của ngành Bưu chính: Truyền thống vẻ vang, bề dày lịch sử đáng ghi nhận nhưng những chính sách xã hội phải giải quyết rất nặng nề. Đây là truyền thống của ngành là vừa lo cho hiện tại, cho tương lai và quá khứ. Khó khăn thứ hai là Bưu chính vừa được tách khỏi Viễn thông – một ngành có lợi thế nên có hẫng hụt ban đầu và tất cả giá cả tăng lên không đủ bù đắp chi phí
Bưu chính cũng là một ngành có lao động đông nhưng chất lượng thấp, năng suất thấp.
Từ đó, tư tưởng quy hoạch ngành Bưu chính là ngành xã hội luôn luôn cần và mãi mãi cần. Xã hội càng phát triển thì càng có nhu cầu.
Bưu chính là ngành có “chân rết’ đến tận địa phương nên quy hoạch phải đồng bộ cả bốn cấp và đổi mới toàn bộ điểm Bưu điện - văn hóa xã. Đây là hình ảnh của Bộ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Bưu chính Việt Nam ở cơ sở, ở lòng dân, rất phù hợp với Nghị Quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt để ngành bưu chính vượt khó, đưa Internet , thông tin về nông thôn để người dân có thông tin để sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đó là nhiệm vụ chính trị của Bộ.
Bưu chính, Viễn thông Việt Nam trong mối liên kết với tin học, truyền thông tạo thành cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, phải là một ngành mũi nhọn, phát triển mạnh mẽ, cập nhật thường xuyên công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Là một bộ phận của ngành thông tin và truyền thông, bưu chính phải trở thành một ngành kinh tế hoạt động độc lập có hiệu quả và phát triển bền vững trong thời gian tới. Với chủ trương đó, Bộ TT-TT đã xây dựng quy hoạnh phát triển cho toàn ngành Bưu chính Việt Nam đến năm 2010, cụ thể:
Về phát triển mạng lưới: tập trung phát triển bưu chính theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; Hoàn thành thắng lợi việc chia tách bưu chính, tạo điều kiện đẩy nhanh quy trình giảm bù lỗ cho Bưu chính Việt Nam để bưu chính trở thành một ngành kinh tế hoạt động có hiệu quả, cung cấp các dịch vụ đa dạng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Về phát triển dịch vụ: đẩy mạnh phát triển bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ; kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích và các dịch vụ thương mại; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; phát triển các dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Về phát triển thị trường: phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ chuyển phát thư trong môi trường cạnh tranh công bằng, mimh bạch; tích cực khai thác thị trường trong nước, đồng thời vươn ra hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Về phát triển công nghiệp bưu chính: khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghiệp bưu chính; tăng cường tiếp thu chuyển giao công nghệ hiện đại; nâng cao năng lực sản xuất thiết bị trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết bị bưu chính; Đẩy nhanh tiến trình nâng cao hàm lượng giá trị lao động Việt Nam trong các sản phẩm bưu chính; Tăng cường hợp tác quốc tế, mạnh dạn tham gia thị trường phân công lao động quốc tế trong lĩnh vực bưu chính; Thực hiện chuyên môn hóa sản xuất một số sản phẩm tại Việt Nam; đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Về phát triển nguồn nhân lực: đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn lành nghề, có phẩm chất, làm chủ công nghệ hiện đại, vững vàng trong quản lý kinh tế.
Ngô Tuấn Anh-Quỳnh Lưu Nghệ An: Thưa bộ trưởng, đến nay Bưu chính và Viễn thông đã hoạt động riêng biệt được 6 tháng. Tuy nhiên, thực tế cơ chế hoạt động của hai lĩnh vực này đến giờ vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Cơ chế Viễn thông hỗ trợ Bưu chính hiện nay do ai điều chỉnh? Cơ chế này do VNPT đưa ra hay là quy định cứng của Nhà nước? Và cơ chế hỗ trợ này sẽ thực hiện đến bao giờ? Cách hỗ trợ như hiện nay theo tôi là chưa ưu việt, vậy theo bộ trưởng có cần phải điều chỉnh lại cơ chế hõ trợ này không? Xin cám ơn bộ trưởng.
Trả lời:
Cơ chế Tập đoàn hỗ trợ Bưu chính do Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông thực hiện, đảm bảo duy trì và phát triển kinh doanh trong giai đoạn đầu chia tách bưu chính, viễn thông để Tổng công ty Bưu chính Việt Nam có khả năng tiến tới cân bằng thu chi theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến Tổng công ty Bưu chính sẽ tiến tới cân bằng thu chi, chậm nhất là năm 2013. Với cơ chế hỗ trợ như hiện nay cùng với sự năng động, phát huy sáng tạo, nỗ lực của mình, tôi tin tưởng rằng Bưu chính Việt Nam sẽ đảm bảo cân bằng thu chi theo đúng lộ trình đã đề ra.
Chu Thanh Tuấn-: Nhằm góp phần triển khai Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngành Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai kế hoạch xây dựng điểm Bưu điển – Văn hoá trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm 1998. Để phát huy vai trò, tác dụng của điểm Bưu điện – Văn hóa, xin Bộ trưởng cho biết định hướng của Bộ trong việc phát triển điểm Bưu điện – Văn hóa xã trong thời gian tới?
Trả lời:
Điểm Bưu điện – Văn hóa xã là sự sáng tạo và là một chủ trương đúng đắn. Sáng tạo là đưa ra mô hình phù hợp với nông dân và nông thôn. Đúng đắn là thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8; hợp với lòng dân, đưa các dịch vụ thiết yếu đối với cuộc sống của người dân ở nông thôn gồm: giao thông, thủy lợi, điện, trường học và thông tin; hợp với xu thế thời đại là đưa thông tin về cơ sở.
Thực hiện chủ trương này, điểm Bưu điện – Văn hóa xã đã thực hiện được một số việc: Tạo thương hiệu, địa chỉ cho người yêu quý thông tin; xây dựng một thiết chế ở xa; là một điểm nhấn, “tay với” của Bộ TT-TT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông ở cơ sở, tác động đến phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng so với yêu cầu phát triển, điểm Bưu điện Văn hóa xã xuất hiện nhiều nhược điểm cần khắc phục: Không theo kịp sự phát triển; sau 10 năm tồn tại, cơ sở vật chất, thiết bị điểm Bưu điện Văn hóa xã bắt đầu xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu của người dân; chế độ chính sách đối với nhân viên điểm Bưu điện Văn hóa xã không khuyến khích sự sáng tạo, say mê trong công việc và chủ trương đúng nhưng cách làm có biểu hiện phong trào, bình quân, đại trà mâu thuẫn với hiệu quả.
Sắp tới, điểm Bưu điện Văn hóa xã cần tập trung:
Tổng công ty Bưu chính Việt Nam cùng với VNPT tổng rà soát quy hoạch, đầu tư đến đâu, hiệu quả, khai thác đến đó để nơi nào cần, điểm Bưu điện Văn hóa xã vươn tới, nơi nào kinh doanh tốt thì có thể xã hội hóa. Thứ hai, có chế độ đãi ngộ để nhân viên điểm Bưu điện Văn hóa xã tâm huyết với công việc. Phải đưa ra cơ chế chính sách để thu hút tất cả các cấp, ngành, hệ thống chính trị quan tâm, coi đây là trung tâm thông tin cơ sở, đưa thông tin có ích về nông thôn, để người nông dân có thông tin có ích về cách làm giàu, cách nuôi cây con, người dân có trí thức hơn, sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Trên cơ sở đầu tư có hiệu quả, đầu tư trọng tâm cho điểm Bưu điện Văn hóa xã, cần phải làm một việc nữa là lồng ghép, gắn điểm Bưu điện Văn hóa xã với các thiết chế ở địa phương như bệnh xá, trường học, biên phòng... làm nó trở thành một thiết chế cộng đồng không đơn lẻ, có chỗ đứng tốt hơn, phục vụ tốt hơn.
Vũ Hữu Tiến-Tập thể A34 - Di Trạch - Hoài Đức - Hà Nội: Xin hỏi Bộ trưởng một câu hỏi: Bộ TT-TT đã có hoạch định thế nào cho lĩnh vực truyền hình đến năm 2020? Trong tương lai, các tổ chức tư nhân ở Việt Nam có được thành lập các kênh truyền hình của riêng mình hay không?
Trả lời:
Hiện nay, Bộ đã làm xong quy hoạch phát triển phát thanh truyền hình. Quy hoạch này đã đặt trên bàn của Chính phủ 5 tháng trước, đang xin ý kiến các bộ ngành, sẽ phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Khi quy hoạch được duyệt, các bạn sẽ thấy rõ hướng đi trong thời gian tới.
Về vế thứ hai là phát triển truyền hình tư nhân, xuất bản tư nhân và báo chí tư nhân, chúng ta làm theo luật pháp. Tại thời điểm này, chúng ta chưa có văn bản nào chỉ đạo khác đi so với những gì chúng ta đã làm. Chúng ta hội nhập thế giới phải học kinh nghiệm thế giới. Tất cả những gì thế giới có và đang làm tốt, ta cần tiếp cận. Cái hay của thế giới không phải là sản phẩm của một nước nào mà của tinh hoa của trí tuệ loài người. Đã là tinh hoa thế giới, VN phải tiếp cận. Không thể khó cấm, dễ làm. Cái gì tốt cho đất nước, ta phải làm, và phải quản. Chúng ta sẽ đi theo bước đi của thế giới, nhưng phải bước đi theo lộ trình vững chắc.
Lộ trình được thực hiện căn cứ trên 3 điểm:
- Nâng cao nhận thức, dân trí cho toàn dân. Các nước tư bản có 300 năm phát triển. Chúng ta tưởng họ thoáng nhưng thật ra họ quản rất chặt, vì dân trí cao. Với dân trí của Việt Nam hiện nay, nếu mở ra mà không có cơ chế tốt, thì thuận ít, nghịch nhiều.
Dân trí đến đâu, dân chủ đến đó, cơ chế quản lý đặt ra tương ứng.
- Hoàn chỉnh luật theo nguyên tắc phục vụ Đổi mới, hội nhập là nền tảng cho quản lý. Luật càng về sau càng thoáng, theo yêu cầu phát triển và yêu cầu quản lý tốt hơn.
VN phát triển rất nhanh nhất là báo chí, phát thanh và truyền hình, cả về chất lượng và số lượng. Nhờ sự phát triển đó, người dân có thể ngồi một chỗ biết cả thế giới. Vấn đề quản lý đặt ra không theo kịp, đẻ ra nhiều tiêu cực, mặt trái. Cũng giống như cây trồng, phát triển nhanh tạo nhiều khoảng trống về cơ học, quản lý và cả sinh học. Phải lấp kín khoảng trống quản lý bằng cơ chế chính sách.
- Bộ máy quản lý phải thích ứng thực tiễn, vươn lên làm chủ trong phát triển. Quản lý để phát triển, quản có lý.
3 điều kiện này phát triển tới đâu, quản lý thông thoáng, mở dần tới đó. Mở có lộ trình, hướng đi, nguyên tắc, có thực tiễn, học thế giới để làm tốt hơn. Đất nước đang phát triển, Đảng, Nhà nước đang đặt ra vấn đề quản lý trên nền nhận thức đúng và lộ trình, đảm bảo kỉ cương, phép nước và nhu cầu phát triển. Nói như vậy để người dân hiểu, và sẽ hiểu dần qua mở cửa luật pháp và quản lý của nước ta trong sự phát triển của từng thời kỳ.
Vu Giai Tuyen-HN: Kính chào bộ trưởng TT & TT! Tôi xin được hỏi bộ trưởng vể vấn đề cấp phép 3G cho 4/7nhà mạng. Hiện đang thi tuyển nhưng kết quả cuối sẽ có 4 nhà mạng di động được cấp phép. Còn 3 nhà mạng còn lại không được cấp phép thì tương lai của họ sẽ đi về đâu? Có thể là sát nhập hoặc có thể là bị thị trường đào thải. Điều đó cũng có nghĩ là phá sản thì tôi nghĩ như vậy sẽ lãng phí tài sản của xã hội nói chung và của nhà nước nói riêng. Xin bộ trưởng cho ý kiến về 3 nhà mạng còn lại nếu không được cấp phép #G. Tôi xin chân thành cảm ơn bộ trưởng sẽ trả lời câu hỏi của tôi. Vũ Giai Tuyền. ĐT: 0982545098. -- Thanks & regards!!!!
Trả lời:
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc cấp phép 3G sẽ theo hình thức đấu thầu hoặc thi tuyển.
VN chọn phương án tiến hành thi tuyển cấp phép 3G theo chỉ đạo của Thủ tướng CP. Hình thức thi tuyển lần đầu tiên được tiến hành tại VN một cách công khai, minh bạch với mục đích chọn ra được các DN xứng đáng nhất để cấp phép (triển khai nhanh, chất lượng tốt, giá thành hạ).
Đợt cấp phép lần này áp dụng đối với băng tần số 1900-2100 MHZ. Tuy nhiên, tại một số băng tần số khác cũng có thể triển khai được dịch vụ 3G như băng tần 450 MHz, 800 MHz, 900 MHz.
Còn tại băng tần 1900-2100 MHz, Bộ TT-TT đã nghiên cứu và ban hành quy hoạch tần số vô tuyến điện, trong đó băng tần 3G được chia tối ưu nhất là cho 4 nhà khai thác. Vì vậy, chỉ có 4 DN có thể trúng tuyển. Các DN khác không trúng tuyển là do hồ sơ thí tuyển không đạt. Tuy nhiên, DN không trúng tuyển và đang cung cấp dịch vụ 2G vẫn có thể hợp tác với DN được cấp phép 3G để cung cấp dịch vụ 3G hoặc cung cấp dịch vụ 3G trên dải tần số khác như 450, 800, 900 MHz mà mình đang khai thác.
Tôi xin nhấn mạnh: Tất cả các DN dự tuyển 3G hiện nay đều đã cung cấp dịch vụ 2G trên các băng tần 450, 800, 900. Đối với các DN không trúng tuyển cung cấp dịch vụ 3G trên tần số 1900- 2100 đợt này, họ hoàn toàn có thể cung cấp 3G trên băng tần 450, 800 và 900 của họ.
trần ngoc Hòa-: Chào ông Bộ trưởng Bộ TT-TT, hiện nay bao VietNamNet đã do bộ trực tiếp quản lý, vây hướng phát triẻn của báo năm tới so với khi còn ở Công ty VASC sẽ có những thay đổi gì?
Trả lời:
Trước hết, đánh giá VietNamNet là một trong những báo Việt Nam đưa thông tin ra thế giới rất tốt. Cố nhiên, trong quá trình tác nghiệp, VietNamNet có một số sai sót và đã được cơ quan quản lý nhắc nhở, khắc phục.
Tôi xin khái quát thế này, trong sự nghiệp hội nhập, kinh tế đi nhanh hơn, chính trị đi đúng mức hơn nhưng thông tin đi chậm. Chúng ta phải khắc phục việc này. Trung ương, Chính phủ có chỉ đạo đẩy mạnh thông tin đối ngoại và Bộ TT-TT đã thành lập Cục Thông tin đối ngoại để thực hiện chủ trương này. VietNamNet được điều chuyển từ VNPT lên Bộ TT-TT là một bước chuyển đổi quan trọng để Bộ tập trung chỉ đạo để VietNamNet làm tốt thông tin đối ngoại.
Nói như vậy không có nghĩa VietNamNet ở tập đoàn VNPT thì không được quan tâm hơn. Nhưng ở tập đoàn thì vai trò thông tin đối ngoại VietNamNet hẹp hơn nhiều so với nhu cầu thông tin đối ngoại tầm quốc gia khi trực thuộc Bộ. VietNamNet cũng phải nâng cấp tầm nhìn, đội ngũ, hoạt động tác nghiệp hàng ngày. Sắp tới Bộ sẽ có buổi làm việc với VietNamNet về kiện toàn bộ máy, cơ chế quản lý để VietNamNet tự chủ hoạt động có hiệu quả hơn.
Cùng với chương trình Việt Nam Online, Cục Thông tin đối ngoại, VietNamNet tập trung cao nhất cho thông tin đối ngoại; chuyển thông tin đối ngoại từ phòng ngự sang tấn công, đưa đủ thông tin về Việt Nam đến với thế giới và bạn bè quốc tế.
Đó chính là vai trò của VietNamNet khi được chuyển về Bộ TT-TT.
Đôc giả: Ông nghĩ gì về việc bắt giữ 2 nhà báo của Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ? Cách xử lý như thế nào?
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Câu hỏi này không phù hợp với chủ đề trực tuyến về chiến lược phát triển thông tin và truyền thông nhưng bạn hỏi thì tôi xin nói mấy điểm.
Việc nhà báo tác nghiệp vi phạm luật pháp cũng như mọi công dân, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc bắt giữ 2 nhà báo thuộc trách nhiệm các ngành tư pháp, từ điều tra, khởi tốt, kiểm sát và xử án. Tôi chỉ làm việc đốc thúc các cơ quan tư pháp xét xử sớm hơn, nhanh hơn để trả lời công luận, cũng thông qua đó để có câu trả lời cho các nhà báo tác nghiệp.
Chúng ta có 15 ngàn phóng viên, có vài ba phóng viên sai phạm là quá ít so với những phóng viên làm việc tốt. Các phóng viên tốt đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển, cần ghi nhận đóng góp của họ.
Mọi công dân đều chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó là việc của cơ quan tư pháp. Theo tôi được biết, những phóng viên này chủ yếu sai phạm là đưa thông tin sai sự thật. Sự thật là điều quan trọng nhất của mỗi con người, mỗi thời đại. Điều quý giá nhất của thế giới và hành tinh chúng ta là niềm tin cậy và sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới. Đưa thông tin không đúng sẽ gieo rắc nỗi oan ức cho người khác, cho xã hội. Đưa thông tin đúng mới tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
Độc giả giauten-hnoi: Việc chuyển Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông về Bộ TT-TT quản lý từ 1/7/2008 theo quyết định 370 của Thủ tướng nay được thực hiện đến đâu ? Có khả năng không thực hiện hay không ?Nghe nói là có khả năng quyết định này sẽ được xem xét lại ?
Trả lời:
Ngày 10/4/08, Thủ tướng đã có quyết định số 370 quy định về các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ TT-TT. Trong đó có nội dung chuyển học viên CNBCVT thuộc Tập đoàn VNPT về Bộ TT-TT quản lý. Thời hạn thực hiện việc bàn giao xong trước ngày 1/7/2008.
Để triển khai quyết định này, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã quyết định thành lập tổ công tác giúp Bộ trưởng thực hiện việc bàn giao. Tổ công tác bao gồm các đơn vị tham mưu của Bộ, đại diện lãnh đạo Tập đoàn VNPT, lãnh đạo học viện và một số đơn vị trực thuộc học viện CNBCVT. Tổ công tác đã khẩn trương triển khai, thực hiện nhiệm vụ, theo đúng sự chỉ đạo của Bộ trưởng đảm bảo thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên, do tập đoàn VNPT có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét để học viện CNBCVT tiếp tục ở lại tập đoàn VNPT. Do vậy hiện nay Bộ TT-TT đang tiếp tục chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: Sắp tới, dù học viện chuyển về Bộ hay ở lại tập đoàn VNPT, thì Bộ vẫn chỉ đạo tập đoàn và học viện thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là rà soát lại toàn bộ thực trạng của học viện, từ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ chế hoạt động, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất….
Hai là, sau khi rà soát, đánh giá, Bộ sẽ chỉ đạo học viện làm một số việc: khắc phục nhược điểm, cơ cấu lại ban giám hiệu để đảm bảo về cơ cấu, trình độ, ngành nghề đáp ứng yêu cầu; Sàng lọc và đánh giá toàn bộ đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đạo tạo. Từ đó tuyển thêm, cử đi đào tạo bồi dưỡng ở các nước, để chúng ta có đội ngũ ngang tầm.
Ba là xem xét lại tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý sao cho hoạt động có hiệu quả nhất.
Bốn là cơ chế quản lý tài chính, chất lượng đào tạo để học viện vươn lên trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao của ngành TT-TT. Đặc biệt là bổ sung them những ngành mà chúng ta chưa có, giảm bớt những ngành mà học viện đang đào tạo nhưng xã hội không cần.
Câu hỏi 2 (Hồ Hữu Hiếu-Đồng Nai): Kính gửi các lãnh đạo Bộ TT-TT! Hiện nay tôi đang công tác tại cơ quan nhà nước của một tỉnh. Ngày 02/7/2008 Bộ TT-TT đã có công bố xếp hạng đánh giá các trang thông tin điện tử. Tuy nhiên có một số vấn đề tôi xin được hỏi ý kiến: - Đối với Trang thông tin điện tử của một số tỉnh thành, việc tích hợp các dịch vụ hành chính công trực tuyến bằng cách gắn liên kết (link) đến các địa chỉ website riêng lẻ do các Sở, Ban, Ngành, Tổ chức… chủ động xây dựng, quản lý, hoạt động theo những tên miền khác nhau và độc lập với website tỉnh. Vậy thì khi đánh giá các dịch vụ này có được xem là một dịch vụ hành chính công được tích hợp trực tuyến trên trang website tỉnh đó hay không? Và nếu như thế thì có nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần tạo ra một trang chủ chung và từ đó gắn các liên kết đến các Website khác có dịch vụ trực tuyến đã có sẳn mà không cần phải tốn công xây dựng cổng thông tin cho một tỉnh thì điều đó có đúng hay không???? - Căn cứ công văn số 876/BTT-TT-ƯDCNTT ngày 24/3/2008 của Cục ứng dụng CNTT, việc đánh giá các Trang thông tin điện tử theo 4 mức nhưng trong văn bản chưa được hướng dẫn cụ thể về các vấn đề trên khiến cho việc đánh giá còn gây nhiều tranh luận và Bộ TT-TT cũng có trả lời trực tuyến theo địa chỉ: /cntt/2008/07/793850. Tôi xin được các đồng chí hỗ trợ thêm về các thông tin.
Trả lời: Khi truy cập vào một dịch vụ trên trang thông tin điện tử chính thức của một tỉnh, dịch vụ đó được chuyển hướng đến một URL khác thì vẫn được tính là một dịch vụ hành chính công trực tuyến (nếu như nó đáp ứng được các điều kiện của một dịch vụ hành chính công ban hành theo công văn số 876/BTT-TT-ƯDCNTT ngày 24/3/2008 của Cục ứng dụng CNTT).
Trên góc độ của người dùng, trang thông tin chính thức của địa phương có khả năng cao là địa chỉ người dùng tham khảo đầu tiên khi tìm kiếm một dịch vụ công. Việc tích hợp các dịch vụ công của các đơn vị của tỉnh lên trang thông tin đó, dù ở mức độ đơn giản nhất, cũng tạo điều kiện cho họ nhanh chóng tìm được các dịch vụ công cần thiết. Điều này càng có ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện nay khi trình độ sử dụng máy tính của người dân ở nước ta còn chưa cao và cơ sở hạ tầng truyền thông còn chưa thật tốt.
Trên góc độ kỹ thuật, mặc dù hai phương án (xây dựng portal và đơn thuần chỉ xây dựng trang chủ chung và có các đường link liên kết tới các trang của các đơn vị) theo tiêu chí số lượng dịch vụ hành chính công có điểm số ngang nhau (vì cùng số lượng dịch vụ công) nhưng phương án xây dựng cổng trong tương lai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân thông qua khả năng tích hợp các dịch vụ khác nhau và các tính năng khác của cổng.
Trên góc độ kinh tế, việc xây dựng phân tán các trang tin của các đơn vị sẽ đòi hỏi mỗi đơn vị phải đầu tư cho phần cứng, phần mềm, đội ngũ kỹ thuật, đội ngũ biên tập đi kèm.
Bốn mức độ dịch vụ hành chính đã được hướng dẫn cụ thể trong công văn số 1448/BBCVT-KHTC của Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ TT-TT từ ngày 6/7/2007. Các hướng dẫn tại công văn 876/BTT-TT-ƯDCNTT ngày 24/3/2008 của Cục ứng dụng CNTT được trích từ công văn 1448/BBCVT-KHTC và các đánh giá được tiến hành theo đúng tinh thần của các công văn trên.
Việc còn một số tranh luận vào thời điểm sau khi công bố kết quả đánh giá do một số đơn vị chưa hiểu đúng tinh thần của các công văn trên cũng như các nội dung liên quan trong Nghị định 64 của chính phủ về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước là không tránh khỏi. Chúng tôi đang cố gắng cải tiến phương pháp và hình thức đánh giá để lần đánh giá sau sẽ tốt và đầy đủ hơn.
Câu hỏi 3 (Hoàng Văn Chính): Đảng và Nhà nước ta có cơ chế chính sách gì để hỗ trợ ngành xuất bản phát triển, phục vụ tốt sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trả lời:
Đảng và Nhà nước ta luôn coi hoạt động xuất bản là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, tạo điều kiện để ngành xuất bản phát triển thông qua những chính sách sau:
- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
- Tài trợ, đặt hàng xuất bản phẩm từ nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ những nhiệm vụ chính trị-xã hội
- Tài trợ cước phí vận chuyển sách đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phục vụ các dan tộc thiểu số và đưa sách ra nước ngoài phục vụ bà con Việt Kiều và thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại
- Hỗ trợ mua bản quyền một số tác phẩm có giá trị cao của các tác giả trong và ngoài nước để xuất bản.
- Đầu tư có trọng điểm để ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới cho ngành xuất bản, in, phát hành.
- Khuyến khích người viết để họ đầu tư trí tuệ, công sức sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao cho xã hội.
Câu hỏi 4 (ThuanND-35 Ngô Quyền, Hà Nội): Bộ trưởng hãy vắn tắt về hiệu quả sử dụng của VINASAT-1 từ ngày 19/4 đến nay? Chiến lược CNTT với giáo dục? và Quản lý Internet công cộng dã chặt chẽ hơn không nhằm tránh tệ nạn xã hội đặc biệt đến trẻ thành niên?
Trả lời:
Nhiệm vụ đầu tiên của VINASAT-1 là phục vụ an ninh quốc phòng và công ích trong nước tại các băng tần C và Ku. Hiện 2 đơn vị là Bộ Công An, Bộ Quốc phòng đã sử dụng hàng trăm MHz trên vệ tinh. VINASAT-1 cũng dành hẳn 1 bộ phát đáp băng C phục vụ các yêu cầu về liên lạc khẩn cấp.Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác vận hành và kinh doanh vệ tinh VINASAT-1. Nhiệm vụ tiếp theo là phục vụ kinh doanh của bản thân VNPT và các đơn vị khác.
Sau hơn 1 tháng khai trương dịch vụ, VINASAT-1 đã có hơn chục khách hàng chính thức ký kết hợp đồng và khá nhiều khách hàng tiềm năng đang nghiên cứu để sử dụng dịch vụ.
Trong số các khách hàng trước đây ký biên bản ghi nhớ với VNPT, hiện đã có một số khách hàng ký kết hợp đồng chính thức thuê băng tần của vệ tinh VINASAT-1 như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), VTC, VCTV. Trong đó, VTV là khách hàng lớn đầu tiên ký kết hợp đồng sử dụng dung lượng vệ tinh VINASAT-1. Hiện VTV đã tiến hành thu phát 4 kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV4 duy nhất qua đường truyền của VINASAT-1 1. Sắp tới đơn vị này sẽ tiếp tục mở rộng số kênh truyền qua vệ tinh VINASAT-1 cũng như mở rộng vùng phủ sóng của truyền hình Việt Nam sang úc, Niu-Di-lân, các nước châu Âu...
Trước khi phóng vệ tinh VINASAT-1, tại nhiều cuộc họp, Ban chỉ đạo Quốc gia về đề án phóng Vệ tinh VINASAT-1đã đề nghị các khách hàng trong nước dùng dịch vụ của VINASAT-1, đặc biệt là những khách hàng sử dụng ngân sách.
Hiện đang có một số khách hàng chưa chính thức ký kết được với VNPT do hạ tầng mặt đất của họ vẫn đang trong quá trình xây dựng, đầu tư lắp đặt thiết bị. Ví dụ như Viettel cũng đã đấu thầu lắp đặt tiếp trạm Hub mới, hỗ trợ cho 500 trạm điều khiển từ xa, để hoàn toàn sử dụng tần số của VINASAT-1. Dự kiến, trong 2 tháng sẽ hoàn thành việc đấu thầu này. Nhưng chắc chắn trong thời gian tới, sẽ có nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của VINASAT-1 hơn sau khi họ tiến hành chuyển đổi thiết bị xong. Để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ thuê băng tần vệ tinh nước ngoài sang sử dụng băng tần vệ tinh VINASAT-1, VNPT đều có phương án hỗ trợ về thiết bị, cho thuê hoặc cho mượn để khách hàng có thể sử dụng, phục vụ công tác chuyển đổi.
Vệ tinh VINASAT-1 1 không những phủ sóng trong nước mà còn phủ sóng ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu-Di-lân, và thậm chí cả Ha-oai (Mỹ)... nên hiện VNPT đang tiếp cận một số khách hàng tại ấn Độ, Indonesia, Lào và Campuchia để tiếp thị cho dịch vụ vệ tinh của mình.Tại thị trường Campuchia, VNPT đã và đang hợp tác với rất nhiều đối tác để cung cấp các dịch vụ viễn thông. Thị trường Campuchia có rất nhiều khách hàng tiềm năng có thể sử dụng dịch vụ vệ tinh VINASAT-1 của chúng ta như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, hãng truyền hình của Campuchia. Công ty liên doanh của Viettel tại Lào cũng đang có dự định sử dụng VINASAT-1 để phủ sóng cho địa hình rừng núi của Lào.
Đến nay VNPT cũng đã ký được một số biên bản ghi nhớ với một số nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh trong khu vực về việc hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong việc dự phòng dung lượng. Thậm chí còn có đối tác đã bày tỏ nhu cầu muốn được mua và sử dụng dung lượng vệ tinh VINASAT-1. Hiện VNPT đang xúc tiến để tiến tới thương thảo và ký kết hợp đồng chính thức.
Theo tính toán của VNPT, ngay trong năm 2008, mọi đầu mối trong nước sẽ có thể hoàn tất chuyển giao hệ thống và khai thác VINASAT-1. Với tốc độ này thì chậm nhất sau 3 năm, 100% dung lượng của VINASAT-1sẽ được khai thác và phát huy đầy đủ tính năng, hiệu quả.
Nói về chiến lược CNTT của Việt Nam xin mời bạn tìm đọc:
1. “Chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005;
2. Chỉ thị số 07/CT-BCVT, ngày 07/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (Nay là Bộ TT-TT) về định hướng chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Gọi tắt là Chiến lược cất cánh).
Trong cả 2 văn bản nêu trên đều thể hiện rất rõ quan điểm và định hướng chiến lược phát triển CNTT trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thông tin chi tiết, xin mời bạn tìm đọc trong cuốn “Pháp luật và chiến lược, quy hoạch về bưu chính, viễn thông và CNTT”, sách do Nhà xuất bản Bưu điện xuất bản tháng 7/2007 hoặc truy cập vào Website của Bộ TT-TT, tại địa chỉ http://www.mic.gov.vn/.
Về câu hỏi quản lý Internet công cộng đã chặt chẽ hơn không nhằm tránh tệ nạn xã hội đặc biệt đến trẻ vị thành niên?
Thời gian qua, với sự phát triển bùng nổ của Internet thì việc sử dụng Internet hàng ngày trong đời sống người dân không còn xa lạ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mọi sự kiện, hoạt động trong đời sống đều được phản ánh qua Internet. Cộng đồng người sử dụng Internet được ví như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các thành phần đặc trưng. Do vậy, việc xuất hiện các nội dung độc hại gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, đặc biệt là tầng lớp trẻ thành niên là điều không thể tránh khỏi. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề trên, Bộ TT-TT đã phối hợp với các Bộ, ngành khác tiến hành song song nhiều biện pháp để định hướng, bảo vệ người sử dụng Internet, đặc biệt là trẻ em khỏi những tác động tiêu cực của Internet, cụ thể:
- Về mặt chính sách: Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây (nay là Bộ TT-TT) đã phối hợp với các Bộ Công an, Văn hóa Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Thông tư liên tịch 02/2005 về quản lý đại lý Internet trong đó có yêu cầu chủ đại lý Internet phải thực hiện các biện pháp như: chỉ được cung cấp dịch vụ từ 6h đến 24h hàng ngày; niêm yết nội quy sử dụng Internet trong đó nêu rõ các điều cấm ngăn chặn người sử dụng truy cập đến các trang web có nội dung xấu; trẻ em muốn sử dụng Internet tại đại lý Internet phải có người giám hộ đi cùng …
Để ngăn chặn tình trạng học sinh, trẻ em tập trung tại đại lý Internet để chơi game quá nhiều, Bộ TT-TT đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin ban hành Thông tư liên tịch về quản lý trò chơi trực tuyến yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ game phải có biện pháp cảnh báo, hạn chế các yếu tố gây hứng thú giúp cho người chơi, đặc biệt là trẻ em không quá sa đà vào việc chơi game gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Việc quy định các DN cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải giới hạn điểm thưởng (yếu tố gây hứng thú) 50% từ phút thứ 181 đến 300 và 100% từ phút thứ 301 trở đi là nhằm giúp cho người chơi (đặc biệt là trẻ em nhận thức còn chưa tốt) tránh được vịêc quá sa đà vào chơi game mà bỏ bê học hành, hơn thế nữa nhiều trẻ em chơi quá nhiều còn bị ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức, tinh thần gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc trong xã hội; đồng thời để hành động chơi game thực sự là giải trí. Ngoài ra, việc yêu cầu các DN trò chơi trực tuyến phải xây dựng phần mềm lọc thông tin cũng góp phần tạo ra một môi trường game lành mạnh, trong sáng hơn. Hiện nay, với định hướng của Bộ TT-TT, các DN cũng đã ý thức tốt hơn về vấn đề trên.
Một số DN đã bắt đầu sản xuất những trò chơi Việt Nam trong đó đưa vào các nội dung mang tính lịch sử dân tộc, truyền thống văn hoá Việt Nam, qua đó phần nào nâng cao tầm hiểu biết cho giới trẻ. Trước những loại hình dịch vụ thông tin mới đang rất thịnh hành như dịch vụ blog, trong Nghị định mới thay thế Nghị định 55, Bộ TT-TT đã đưa vào quản lý nội dung thông tin trên Internet khá chi tiết theo từng loại hình, theo đó gắn kết trách nhiệm của tất cả các thành phần tham gia cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet.
Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng một Nghị định mới về xử phạt, đưa ra các chế tài để tạo điều kiện ngăn ngừa những hành vi lợi dụng Internet vào mục đích xấu, đảm bảo tất cả các hành vi vi phạm đều có chế tài xử phạt nghiêm minh và cũng như các nội dung số, quan trọng nhất là nâng cao ý thức, giáo dục tuyên truyền để người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên hiểu được cách sử dụng Internet một cách đúng đắn, tích cực.
- Về mặt thực tiễn: Bộ TT-TT đã phối hợp với các Bộ ngành triển khai nhiều chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh dịch vụ Internet công cộng nhằm định hướng, nâng cao nhận thức đúng đắn về Internet cho cả người cung cấp dịch vụ và người sử dụng để Internet được phát triển và sử dụng hiệu quả, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động Internet thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hoạt động lợi dụng internet phục vụ các nhu cầu thiếu lành mạnh; Thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các dịch vụ nội dung, các ứng dụng trên mạng nhằm giúp cho người sử dụng có cơ hội được hưởng nhiều tiện ích khác nhau và từ đó sẽ hình thành thói quen sử dụng Internet cho những mục đích tốt phục vụ tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống thông qua việc thúc đẩy triển khai Chương trình công nghiệp nội dung số đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và những chính sách tạo điều kiện cho các DN cung cấp nội dung thông tin trên mạng phát triển.
Minh Nguyên-Hà Nội: Thưa Bộ trưởng, công ty tôi muốn thực hiện một website về lĩnh vực du lịch là lĩnh vực kinh doanh của công ty. Để trang web thực sự có ích, chúng tôi muốn bên cạnh những thông tin trong ngành, chúng tôi cũng cung cấp một số thông tin thời sự về kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, tôi có hỏi thông tin thì được cho biết trên trang web không được đưa những thông tin ngòai lĩnh vực ngành nghề công ty tôi kinh doanh? Điều này có đúng không? Và cụ thể thì văn bản nào quy định rõ chúng tôi được phép cung cấp những loại thông tin gì? Xin cám ơn Bộ trưởng.
Trả lời:
DN của ông hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vì vậy việc cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của DN và thông tin liên quan đến ngành nghề của DN đã đăng ký kinh doanh là phù hợp theo qui định tại Điều 22 – Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23-8-2001 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Hiện nay Bộ TT-TT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 55 để qui định cụ thể hơn việc quản lý thông tin trên internet.
Việc cung cấp thông tin thời sự về kinh tế, chính trị, xã hội là những thông tin ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, là chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí và được quy định tại Luật Báo chí. Trong trường hợp DN của ông muốn cung cấp thêm các thông tin thời sự về kinh tế, chính trị, xã hội thì chỉ được cung cấp lại các thông tin của các cơ quan báo chí trong nước trên cơ sở đảm bảo các quy định về bản quyền và nguồn tin và phải làm thủ tục xin bổ sung nội dung thông tin cung cấp trên trang tin của DN mình theo qui định tại Quyết định số 27/2002/QĐ-BVHTT ngày 10/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin về việc ban hành Quy chế quản lý và cấp giấy phép cung cấp thông tin, thiết lập trang tin điện tử trên Internet.
Quang Nhật-Sở Thông tin và Truyền thông: Hiện nay ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phát triển rất kém so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan…, trong thời gian gần đây thì cũng có một số các tập đoàn như Intel, Hon Hai… đã đầu tư vào Việt Nam đó cũng là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên tôi thấy hầu như ngành này chưa được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và của Bộ TT-TT. Đây là một ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường đặc biệt là nó mang lại doanh thu rất lớn. Vậy, Bộ có những cơ chế, chính sách gì trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong thời gian tới?
Trả lời:
Như chúng ta đã biết, trong sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới hiện nay thì lĩnh vực ICT phát triển nhanh chóng, và nhiều nước đã có sự phát triển rất tốt.
Nắm bắt được nội dung này, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ TT-TT đã đề xuất nhiều cơ chế, giải pháp để phát triển CNTT VN. Có thể như bạn nói chúng ta chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này như Trung Quốc, Thái Lan. Nói như vậy có thể đúng nhưng chưa đủ. Hiện nay Bộ TT-TT đã trình Thủ tướng Luật CNTT, nêu lên những nguyên tắc cơ bản để CNTT phát triển, trong đó có ngành công nghiệp điện tử, như ngành công nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số. Tuy nhiên để tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy GDP, Bộ cũng đang hoàn thiện và trình Chính phủ các dự án quy hoạch khu CNTT tập trung, một số cơ chế ưu đãi thu hút DN nước ngoài. Hiện nay Nghị định đầu tư trong CNTT hiện đã hoàn thiện và sắp trình chính phủ. Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tư vấn lấy ý kiến DN phần cứng, phần mềm, nội dung số để tìm hiểu những khó khăn của DN, và hoàn thiện khung pháp lý.
Như vậy, tôi tin rằng trong một thời gian không xa, CNTT, trong đó có ngành công nghiệp điện tử sẽ có bước phát triển nhanh.
Lê Vũ-20 Tô Hiến Thành, Hà Nội: Hiện nay, sách có giá cao so với thu nhập bình quân người dân, kể cả cán bộ, công chức. Hình như ngành xuất bản chú trọng nhiều đến đến lợi nhuận mà ít quan tâm đến chất lượng thông tin và những giá trị tinh thần cung cấp cho người đọc. Xin bộ trưởng cho biết nhà xuất bản là đơn vị sản xuất kinh doanh đơn thuần hay là đơn vị vừa sản xuất kinh doanh vùă phục vụ nhiệm vụ chính trị tư tưởng.
Trả lời:
- Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn và điều tra thực tế, giá sách của Việt Nam hiện nay không cao so với với mặt bằng của xã hội và các nước trong khu vực và thế giới (trước Quý I/2008, giá sách trung bình là 100đồng/trang khổ 13x19cm; đến thời điểm này do giá giấy tăng 100%, nhưng giá sách cũng chỉ 130 đồng/trang khổ 13x19cm). Tuy nhiên so với thu nhập của người dân, kể cả cán bộ, công chức thì giá sách còn “cao”.
- Sản phẩm của các nhà xuất bản chủ yếu là sách, mang hàm lượng tri thức cao, có giá trị về tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, sách cũng là một mặt hàng như các mặt hàng hoá khác, cũng phải chịu sự tác động của các quy luật kinh tế và sự chi phối của thị trường. Do vậy, hoạt động của nhà xuất bản phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: phục vụ nhiệm vụ chính trị tư tưởng và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Để thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ trên đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của các nhà xuất bản, đồng thời cần có sự quan tâm, đầu tư của cơ quan chủ quản nhà xuất bản.
Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành của trung uơng xây dựng cơ chế, chính sách và những giải pháp đồng bộ trình Chính phủ phê duyệt để tạo điều kiện hỗ trợ cho ngành xuất bản phát triển toàn diện, đảm bảo thực hiện tốt 2 nhiệm vụ của nhà xuất bản.
Nguyễn Công Minh-49/6A Hoàng Dư Khương P12 Q10 TPHCM: Thưa bộ trưởng, dù vừa rồi chính phủ ta và các tập đoàn CNTT như Microsoft, Cisco đã có ký với nhau một số văn bản cam kết hợp tác nhưng theo tôi thấy thì tiến độ xây dựng chính phủ điện tử ở VN ta là quá chậm, các thủ tục hành chính với phương châm "hành là chính" vẫn còn mang tính thủ công nhỏ lẻ, rườm rà và làm tốn nhiều thời gian của nhân dân, không biết đến bao giờ thì chính phủ ta mới thực sự được điều hành qua mạng và công dân xứ ta mới thật sự là những "công dân @" ? Rất mong ngài bộ trưởng giải đáp. Xin cám ơn. Nguyễn Công Minh
Trả lời:
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, xếp hạng về phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam so với các nước đã được cải thiện. Theo xếp hạng tính sẵn sàng về chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, năm 2008 Việt Nam có những tiến bộ nhất định, từ vị trí 105 trong 179 nước được xếp hạng năm 2005 đã tăng lên vị trí 91 trong 182 nước được xếp hạng năm 2008.
Tuy nhiên, so với những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đặt ra, việc phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam vẫn là quá chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển Kinh tế - Xã hội, thúc đẩy cải cách hành chính. Nhận thức được điều này, Bộ TT-TT, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT và truyền thông, trong thời gian qua đã có những hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.
Cụ thể, đã dự thảo và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó xác định rõ các nội dung và điều kiện bảo đảm ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đặc biệt cũng đưa ra những quy định bảo đảm các hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Bộ TT-TT cũng đã dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, trong đó xác định rõ trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương trong việc ứng dụng CNTT năm 2008.
Một số mục tiêu chính của Kế hoạch này bao gồm: Một là nâng cao năng lực điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước, bằng việc tăng cường các hình thức họp trên môi trường mạng, tăng cường trao đổi văn bản qua đường thư điện tử, tăng cường công tác quản lý văn bản, điều hành qua mạng; Hai là phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn bằng việc bảo đảm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin về các cơ quan nhà nước, về các văn bản quy phạm pháp luật, về các quy trình, thủ tục hành chính nhà nước, bước đầu cung cấp các các dịch vụ hành chính công trực tuyến cho người dân và DN.
Hiện nay, Bộ TT-TT đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010, nhằm kế thừa các kết quả đã đạt được, thúc đẩy nhanh hơn việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
lê văn hiền-thanh hóa: Xin bộ trưởng cho biết khi nào thành lập ngân hàng Bưu điện.Tôi thấy viễn thông đang có nhiều thuận lợi hơn so với bưu chính nhưng viễn thông lại có quỹ viễn thông công ích để cho các DN viễn thông vay trong khi bưu chính không có. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho bưu chính trong tương lai.
Trả lời:
Trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho ngành bưu chính Việt Nam đổi mới và phát triển, Nhà nước đã có những chính sách “mở cửa” thị trường, tạo môi trường cạnh tranh cho các DN cùng tham gia cung ứng dịch vụ, phân tách minh bạch nghĩa vụ cung ứng dịch vụ công ích với hoạt động kinh doanh... Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu và Nhà nước cần tiếp tục có những định hướng, chính sách, giải pháp phù hợp để ngành bưu chính Việt Nam, một mặt đảm đương được sứ mệnh cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho xã hội theo yêu cầu của Nhà nước, mặt khác nhanh chóng trở thành một ngành kinh tế phát triển có hiệu quả.
Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT Nguyễn Thanh Phúc tham gia hỗ trợ thông tin trả lời cho Bộ trưởng.
Bộ TT-TT có chủ trương khuyến khích các DN đa dạng hóa các sản phẩm, tận dụng cơ sở hạ tầng, mạng lưới nhằm tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực phục vụ, đáp úng nhu cầu ngày càng cao của xã hội… Việc thành lập ngân hàng Bưu điện phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN và quy hoạch của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng. Theo tôi được biết, việc thành lập ngân hàng đang trong giai đoạn thuê tư vấn để xác định giá trị của Công ty tiết kiệm Bưu điện để có thể triển khai việc góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện, dự kiến trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm tới sẽ hoàn tất các thủ tục thành lập và đi vào hoạt động cung cấp dịch vụ trên mạng bưu chính công cộng trên toàn quốc.
Do hoạt động của lĩnh vực bưu chính hiện tại có qui mô thị trường còn nhỏ, khả năng hình thành quỹ từ đóng góp nội bộ ngành rất khó khăn nên Nhà nước chưa có chủ trương thành lập quỹ dịch vụ bưu chính công ích trong thời gian này. Hiện nay, trên thế giới cũng còn nghiên cứu vấn đề này và chưa có kinh nghiệm về thành lập quỹ dịch vụ bưu chính công ích. Do đó, Nhà nước phải áp dụng các giải pháp khác để đảm bảo cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
Trong những năm trước mắt, việc hỗ trợ DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích do Nhà nước đặt hàng, chủ yếu không qua các cơ chế: qui định dịch vụ bưu chính dành riêng, tài trợ trực tiếp cho DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Những nội dung này được quy định tại Quyết định số 65/2008/TTg ngày 22/5/2008 của Thủ tướng chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, cụ thể:
1. Cơ chế tài chính đặc thù bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
a) Nhà nước khoán mức trợ cấp hàng năm cho Bưu chính Việt Nam duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích kể từ khi Bưu chính Việt Nam hạch toán độc lập với viễn thông, nhưng chậm nhất là đến hết năm 2013.
- Khoán chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng trên cơ sở quan hệ giữa chi phí cho người lao động với các chi phí khác.
- Khoán tỷ lệ (%) chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng do Bưu chính Việt Nam tự bảo đảm bằng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
- Khoán mức tăng sản lượng hàng năm đối với dịch vụ bưu chính công ích do Nhà nước đặt hàng.
- Mức lợi nhuận về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được xác định theo quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Nguồn kinh phí trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
- Trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010: Nhà nước trích một phần lợi nhuận sau thuế được chia theo vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam.
- Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013: Nhà nước trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam từ ngân sách nhà nước,
2. Các giải pháp cơ chế quản lý khác nhằm bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
a) Đầu tư đủ vốn cho Bưu chính Việt Nam để hình thành mạng bưu chính công cộng có công nghệ hiện đại, hoạt động hiệu quả.
b) Thực hiện lộ trình điều chỉnh tăng dần giá cước dịch vụ bưu chính cộng ích để từng bước bù đắp được chi phí cung ứng các dịch vụ này phù hợp với cơ chế thị trường, mức sống của người dân và tình hình giá cước các dịch vụ cùng loại của các nước trong khu vực.
c) Quy định dịch vụ dành riêng, giá cước dịch vụ dành riêng cho Bưu chính Việt Nam để hỗ trợ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
d) Thực hiện các chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, sử dụng đất đối với hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của pháp luật.
đ) Quy định về chế độ hoạch toán, báo cáo; giám sát, kiểm tra tình hình cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo ưquy định của pháp luật.
Dương Văn Nhân-331/30/22 Trần Hưng Đạo - P3 - Tp Sóc Trăng: Việc cán bộ chuyên ngành CNTT có trình độ, năng lực từ bỏ nhiệm sở trong các cơ quan Nhà nước đã được các phương tiện thông tin đại chúng nêu rất nhiều trong thời gian gần đây, trong đó có 2 vấn đề quan trọng là môi trường làm việc và thu nhập. Bộ Trưởng có thể cho biết Bộ TT-TT đã có giải pháp gì để cải thiện tình trạng trên ? Khi nào thì giải pháp đó được thành hiện thực ?. Việc Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước đã được đúc kết kinh nghiệm rằng người Lãnh đạo có vai trò quan trong nhất trong việc ứng dụng CNTT của một địa phương, một đơn vị. Nhưng thực tế hiện nay cũng còn rất nhiều nhà nhà Lãnh đạo chưa thực sự vào cuộc, đặc biệt là các đia phương ở vùng sâu vùng xa, và thực tế là ở các nơi đó mức độ và hiệu quả ứng dụng CNTT phục vụ cho hoạt động rất thấp và kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí cho việc đầu tư cho ứng dụng CNTT. Xin Bộ Trưởng cho biết Bộ TT-TT có giải pháp gì để hạn chế tối đa tình trạng này đồng thời có biện pháp gì để chuyển biến nhận thức về hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước cho các nhà Lãnh đạo này ?
Trả lời:
Bộ TT-TT đã xác định rõ vai trò của người lãnh đạo các cấp trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị mình. Với tinh thần đó, trong thời gian Bộ đã triển khai những công việc cụ thể nhằm đánh giá, xác định vai trò, cũng như nâng cao nhận thức của người lãnh đạo các cấp trong việc ứng dụng CNTT, cụ thể:
Bộ đã có những đánh giá, khảo sát thực tế hiện trạng ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương (ví dụ: xây dựng báo cáo ICT Index của Việt Nam; Đánh giá, xếp hạng về mức độ truy cập và cung cấp dịch vụ hành chính công của các trang thông tin điện tử của các bộ và địa phương trên toàn quốc...) từ đó đánh giá được hiệu quả ứng dụng CNTT, cũng như xác định các khó khăn, vướng mắc trong triển khai ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương;
Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007, trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước đó là: ”Trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực, địa phương và tổ chức, cơ quan của mình” ; Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 (tại Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/03/2008), trong đó xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, phân công công việc cụ thể về ứng dụng CNTT năm 2008 của các cơ quan nhà nước, như việc thực hiện các cuộc họp của lãnh đạo các cấp qua mạng, sử dụng thư điện tử để trao đổi văn bản giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, tỉnh, thành phố.., triển khai quản lý văn bản và điều hành qua mạng, đồng thời cũng xác định rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2008.
Hiện nay, Bộ TT-TT đang tập trung đôn đốc, tổ chức triển khai Kế hoạch này. Ngoài ra, Bộ đang dự thảo và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người lãnh đạo các cấp trong việc ứng dụng CNTT về các mặt: bảo đảm tài chính, bảo đảm nguồn nhân lực, bảo đảm sự phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc.
thanh Thuỷ-Đài Tiếng nói Việt Nam: -Xin Bộ trưởng cho biết làm thế nào để kiểm soát tốt nhất mạng lưới thông tin và truyền thông hiện nay? -Trong chiến lược phát triển thông tin và truyền thông hiện nay thì lĩnh vực nào được ưu tiên số 1?
Trả lời:
Để kiểm soát tốt mạng lưới thông tin và truyền thông cần phải:
- Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;
- Sử dụng các phương pháp và các trang thiết bị kiểm soát tiên tiến phù hợp với từng lĩnh vực và điều kiện thực tế của Việt Nam;
- Nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông nói chung và các đơn vị có trách nhiệm kiểm soát mạng lưới nói riêng.
- Đề cao trách nhiệm và vai trò tự kiểm soát của các đơn vị trong hệ thống.
Trong chiến lược phát triển thông tin và truyền thông hiện nay, lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên là đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong khối cơ quan quản lý nhà nước, với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý, cung cấp tốt hơn các dịch vụ của Nhà nước tới người dân và DN, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế xã hội.
Trần Trọng Kim-Qui Nhơn - Bình Định: Kính thưa Bộ Trưởng Bộ TT-TT. Hiện tại các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT. Vậy kính xin hỏi Bộ Trưởng là Liên Bộ TT-TT - Bộ Tài Chính đã có những quyết định, chỉ thị gì về việc xây dựng kinh phí sự nghiệp hoạt động CNTT
Trả lời:
Để giải quyết các khó khăn trong việc đầu tư cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT, Bộ TT-TT, Bộ Tài chính trong thời gian qua đã tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp. Cụ thể, năm 2006 Bộ TT-TT (trước đây là Bộ Bưu chính, Viễn thông) đã dự thảo và trình Quốc hội thông qua Luật CNTT, trong đó có nội dung nhằm tăng cường đầu tư cho CNTT từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt quy định rõ Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách cho CNTT, bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách cho CNTT hằng năm cao hơn tỷ lệ tăng chi ngân sách nhà nước.
Năm 2007 Bộ TT-TT xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Nghị định xác định sự ưu tiên của ngân sách nhà nước cho ứng dụng CNTT, đồng thời xác định các nội dung đầu tư cho ứng dụng CNTT. Ngày 26 tháng 5 năm 2008 Bộ TT-TT và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTT-TT Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Thông tư này xác định nguồn, nội dung, mức chi cho ứng dụng CNTT, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng CNTT.
Hiện nay, Bộ TT-TT đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó đưa ra cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù ứng dụng CNTT.
Trần Duy Bình-Sở Thông tin & Truyền thông Thanh Hoá:
Câu hỏi 1: Danh mục tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước ban hành theo Quyết định số: 0/2008/QĐ-BTT-TT ngày 09/04/2008 của Bộ TT-TT có Mục 3: Ban hành Tiêu chuẩn về truy cập thông tin, khoản 3.14 Bộ ký tự và mã hóa cho tiếng Việt sử dụng tiêu chuẩn TCVN 6909:2000, bắt buộc áp dụng; Tuy nhiên tại Thông tư Liên tịch số 55/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Liên bộ Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản, trong đó qui định sử dụng font chữ VnTime với chữ in thường và VnTimeH đối với chữ in hoa (Trang 15). Vì vậy khi Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá đang tham mưu cho UBND tỉnh Ban hành qui chế quản lý, truyền, nhận, khai thác thông tin trên mạng máy tính trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Thanh Hoá một số ngành: Nội vụ, Văn phòng UBND chưa thống nhất ý kiến sử dụng "Bộ ký tự và mã hóa cho tiếng Việt sử dụng tiêu chuẩn TCVN 6909:2000". Đề nghị Bộ TT-TT phối hợp với các Bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn để sửa đổi một số nội dung Thông tư Liên tịch số 55/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Liên bộ Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ để thực hiện áp dụng thống nhất tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước theo QĐ số 20 của Bộ TT-TT. Câu hỏi 2: Triển khai Nghị định 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã ban hành 2007. Bộ cần có thông tư hướng dẫn cụ thể các nội dung từ việc xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2009-2010 (hạng mục nào đầu tư từ TW, hạng mục nào do các địa phương, kể cả Quy chế quản lý thực hiện các chương trình) để sự đầu tư từ TW đến các địa phương được thống nhất và không trùng lặp các hạng mục; hướng dẫn biên chế chuyên trách CNTT tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh (Nghị định 13, 14 mới hướng dẫn cho các cơ quan chuyên trách),.. Nhưng Bộ chưa có Thông tư hướng dẫn nên công việc triển khai ở nhiều địa phương còn không thống suốt . Đề nghị Bộ trưởng cần có ý kiến để UBND các tỉnh thống nhất thực hiện, nhất là việc các biên chế chuyên trách CNTT. Câu hỏi 3: Tại sao sản phẩm phần mềm máy tính là sản phẩm chủ yếu của công nghiệp phần mềm, thuộc các chương trình quản lý của ngành CNTT, mới đây, Bộ đã thay mặt Chính phủ ký với Microsoft về bản quyền phàn mềm Văn phòng và tổ chức triển khai trên toàn quốc. Thế nhưng việc thanh tra kiểm tra bản quyền phân mềm lại vẫn tiếp tục do Bộ VHTTvà DL thực hiện. Bộ trưởng có ý kiến thế nào?? Trần Duy Bình: Sở TT-TT Thanh Hoá
Trả lời:
Câu hỏi 1.
- Theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 55/TTLT-BNV-VPCP hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản:
+Tại điểm l, mục 11 Phần II về mẫu chữ và chi tiết trình bày thể thức văn bản đã quy định sử dụng phông chữ VnTime với chữ in thường và VnTimeH đối với chữ in hoa.
+Tuy nhiên tại mục 4, Phần I hướng dẫn chung về phông chữ trình bày văn bản đã quy định “Đối với những văn bản dùng trong trao đổi thông tin điện tử giữa các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, phải sử dụng các phông chữ của Bộ mã ký tự chữ Việt (Phông chữ tiếng Việt Unicode) theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001”
Các quy định tại Thông tư như trên có thể hiểu: nếu văn bản chỉ để in ra bản giấy, không có trao đổi điện tử với các cơ quan, tổ chức khác thì sử dụng phông chữ VnTime với chữ in thường và VnTimeH đối với chữ in hoa như đã đề cập, còn nếu có trao đổi điện tử, thì phải sử dụng phông chữ theo TCVN 6909:2001.
Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đều phải trao đổi bằng đường điện tử (gửi file đăng Công báo, đăng trên các trang thông tin điện tử, trao đổi file giữa các đơn vị...), do vậy các cơ quan Chính phủ hiện nay phổ biến đều soạn thảo văn bản sử dụng phông chữ TCVN 6909:2001 (Unicode) để in và tiện trao đổi bằng đường điện tử.
- Quyết định 20/2008/QĐ-BTT-TT ngày 9/4/2008 của Bộ TT-TT đã quy định việc áp dụng phông chữ theo TCVN 6909:2001, nhằm phục vụ mục tiêu là “truy cập thông tin” (mục 3), quy định như vậy yêu cầu các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước phải sử dụng phông chữ TCVN 6909:2001 để sẵn sàng cho việc truy cập thông tin và trao đổi thông tin điện tử.
- Do vậy nội dung Thông tư Liên tịch số 55/TTLT-BNV-VPCP và Quyết định số 20/2008/QĐ-BTT-TT không có mâu thuẫn, và cũng phù hợp với Quyết định số 72 /2002/QĐ-TTg ngày 10/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất dùng bộ mã các ký tự chữ Việt theo tiêu chuẩn TCVN 6909:2001 trong trao đổi thông tin điện tử giữa các tổ chức. Hiện không cần thiết phải sửa đổi Thông tư Liên tịch số 55/TTLT-BNV-VPVP liên quan đến cách sử dụng phông chữ theo TCVN 6909:2001.
Câu hỏi 2. Liên quan đến câu hỏi này có 2 vấn đề lớn là (1) quy chế quản lý đầu tư các dự án CNTT và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm; (2) biến chế chuyên trách CNTT tại các cấp ở địa phương. Đây là những vấn đề rất lớn mà từ trước tới nay chúng ta chưa thực sự bắt tay vào làm. Hiện nay, Bộ đang tiến hành nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm có những hướng dẫn cho những vẫn đề này.
Câu hỏi 3 :
Về vấn đề này Bộ TT-TT đã và đang làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan và đang làm tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phân định chức năng quản lý Nhà nước về bản quyền phần mềm, xuất bản, báo chí và nội dung thông tin số. Trong đó Bộ TT-TT đề xuất Chính phủ giao chức năng quản lý nhà nước về quyền đối với tác phẩm báo chí, xuất bản, phần mềm máy tính và nội dung thông tin số về Bộ TT-TT.
Duong Chí Dũng-Thanh Hóa: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết “Chiến lược phát triển Thông tin và Truyền thông” trong những năm tới gồm những nội dung gì? Nội dung nào có tính đột phá, mũi nhọn? Những biện pháp cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển? Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Trả lời:
Về Chiến lược phát triển thông tin và truyền thông, cho tới nay Chính phủ đã ban hành:
1) “Chiến lược phát triển thông tin Việt Nam đến năm 2010” tại Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính Phủ;
2) “Chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” tại Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính Phủ;
Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) đã ban hành:
3) “Định hướng chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam giai đoạn 2011-2020” tại Chỉ thị số 07/CT-BCVT, ngày 07/7/2007.
Trong 3 văn bản nêu trên đều thể hiện rất rõ quan điểm và định hướng chiến lược phát triển thông tin và truyền thông, các nội dung có tính đột phá, mũi nhọn cũng như những giải pháp để thực hiện chiến lược. Thông tin chi tiết, xin mời bạn tìm đọc trong Website của Chính phủ, tại địa chỉ www.chinhphu.vn và Website của Bộ TT-TT, tại địa chỉ www.mic.gov.vn.
Tran Ngoc Phuoc-: Do kiến thức vế CNTT của CCVC rất kém vậy việc ứng dụng CNTT vào cơ quan nhà nước có hiệu quả không? Hiện tại có rất nhiều CCVC kể cả CCVC lãnh đạo cấp tỉnh chưa biết khởi động máy vi tính thì việc ứng dụng cntt vào cơ quan có hiệu quả không?
Trả lời:
Liên quan đến câu hỏi của bạn, tôi cho rằng yêu cầu cơ bản về kiến thức CNTT đối với cán bộ công chức là kỹ năng sử dụng máy tính, tin học văn phòng (gọi tắt là tin học cơ bản), ngoài ra còn yêu cầu thói quen sử dụng các chương trình ứng dụng CNTT chuyên ngành theo các dự án ứng dụng CNTT của các Cơ quan. Theo quy định tại thông tư số 74/2005/TT-BNV ngày 26/7/2005 của Bộ Nội vụ thì các cán bộ công chức từ khi dự tuyển vào đến các giai đoạn nâng ngạch, điều động … đều được xem xét, đánh giá lại kỹ năng tin học cơ bản. Tuy nhiên, nhiều nơi còn xem tiêu chuẩn có kỹ năng tin học văn phòng còn là hình thức nên việc khai thác các ứng dụng CNTT còn rất hạn chế, đặc biệt khi chúng ta đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, phục vụ cải cách hành chính sâu rộng.
Đồng thời, để thực hiện nhiệm vụ quản lý ứng dụng và phát triển CNTT trong các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 331/QĐ-TTg ngày 6/4/2004 về việc phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực về CNTT đến năm 2010. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã cụ thể hóa chủ trương này bằng Quyết định số 112/2005/QĐ-BNV về việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về quản lý CNTT cho cán bộ lãnh đạo thông tin và CNTT (Chief Information officer - viết tắt là CIO) giai đoạn 2006 – 2008 nhằm tạo điều kiện triển khai hiệu quả việc ứng dụng và phát triển CNTT của các bộ, ngành, địa phương.
Như vậy, chúng ta đã đặt vấn đề một cách tổng thể, câu chuyện tiếp theo là chúng ta thực hiện việc này như nào. Về điều này, tôi thấy rằng còn nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của cán bộ công chức trong việc áp dụng CNTT vào công tác hành chính. Ứng dụng CNTT phải được làm từng bước, phải đúng chỗ, đúng lúc, tháo gỡ ngay vấn đề và từ đó từng bước nâng dần nhận thức, tạo nhu cầu, thói quen sử dụng chương trình phần mềm, dần cải thiện được hiệu quả công việc, đồng thời là hiệu quả đầu tư các ứng dụng CNTT.
Trương Quốc Phong-Qui Nhơn - Bình Định: Kính thưa Bộ Trưởng. Xin Bộ Trưởng cho biết tại sao việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước vẫn còn gặp nhiều lúng túng. Ý kiến chỉ đạo,hướng dẫn của Bộ trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước ở địa phương như thế nào.
Trả lời:
Có thể nói có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước còn nhiều lúng túng, bất cập. Tuy nhiên, chúng ta có thể tóm lược những nguyên nhân chính sau: Một là, nhận thức về vai trò của CNTT và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn còn rất hạn chế, ứng dụng CNTT chưa thực sự kết hợp chặt chẽ với cải tiến quy trình làm việc, với thiết lập phong cách làm việc dựa trên máy tính, dựa trên ứng dụng của hệ thống thông tin và mạng máy tính. Hai là, đầu tư cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn nhỏ giọt, không đầy đủ. Ba là, mặc dù trong thời gian qua môi trường pháp lý cho ứng dụng CNTT đã được cải thiện, tuy nhiên môi trường để quản lý đầu tư cho ứng dụng CNTT vẫn còn nhiều vướng mắc. Bốn là, nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước nhìn chung còn thiếu, với chất lượng không cao.
Thực hiện vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT-TT đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, đã dự thảo và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, trong đó xác định rõ trách nhiệm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2008 đó là: Một là, hợp lý hóa, cải tiến và minh bạch các quy trình công việc, thủ tục hành chính trong các cơ quan nhà nước. Hai là, kế thừa các kết quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành. Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cổng thông tin điện tử (hoặc trang thông tin điện tử) để cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công trực tuyến, phục vụ người dân và DN. Bốn là, xây dựng, phát triển, bổ sung, nâng cấp mạng nội bộ và các điều kiện hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, Bộ TT-TT cũng đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010, trong đó cũng xác định rõ trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc ứng dụng CNTT trong giai đoạn tới.
lương công đức-107 Nguyễn Trãi, TP. Tuy Hòa, Phú Yên: Kính chào Bộ trưởng! Xin chúc Bộ trưởng, gia đình và toàn thể CBCC Bộ TT-TT sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Xin Bộ trưởng cho biết định hướng sắp tới của Bộ về các điểm BĐVHX? Việc phân định rõ hơn quy định về quảng cáo (báo nói, báo hình, báo điện tử) cho các sở TT-TT thực hiện? khi nào thì Bộ có hướng dẫn về vấn đề này. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Nghị định 187/2007/NĐ-CP, Bộ TT-TT có nhiệm vụ và quyền hạn quản lý nhà nước về quảng cáo trên báo chí, trên mạng thông tin máy tính. Công tác quản lý nhà nước về quảng cáo được thực hiện theo các quy định của pháp luật về quảng cáo như Pháp lênh quảng cáo, Nghị định hướng dẫn thi hành pháp lệnh quảng cáo, Thông tư của Bộ Văn hóa Thông tin (trước đây) hướng dẫn thực hiện việc quảng cáo.
Tới đây, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng xây dựng dự án Luật quảng cáo. Sau khi Luật ban hành, việc phân cấp quản lý quảng cáo cho các địa phương sẽ được quy định tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này.
Trần Trọng Kim-Qui Nhơn - Bình Định: Thưa Bộ Trưởng Bộ TT-TT. Theo Chỉ thị 07/CT-BBCVT về chiến lược phát triển CNTT-TT giai đoạn 2011-2020 Xin Bộ Trưởng Cho biết: -Ý kiến chỉ đạo của Bộ đối với các địa phương trong việc triển khai thực hiện chiến lược? -Bộ đã có những hỗ trợ như thế nào về cơ chế, chính sách và kinh phí cho các địa phương để thực hiện hiệu quả chỉ thị.
Trả lời:
Xin cảm ơn anh Trần Trọng Kim. Chỉ thị số 07/CT-BBCVT ngày 07/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông là chỉ thị về định hướng Chiến lược phát triển CNTT và Truyền thông Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (còn được gọi là Chiến lược “Cất cánh”).
Hiện nay, Bộ TT-TT đang khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông; Quy hoạch phát triển CNTT và TT đến năm 2020 (dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2009) và các văn bản, chính sách liên quan để cụ thể hóa Chỉ thị này.
Sau khi các văn bản này được ban hành, Bộ TT-TT sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng hoặc điều chỉnh các quy hoạch về CNTT và TT của địa phương mình cho phù hợp với các định hướng phát triển mới của quốc gia.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Bộ TT-TT đã xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông để định hướng, hỗ trợ các địa phương, DN trong cả nước thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị.
Ví dụ: Để đẩy mạnh Ứng dụng CNTT và Truyền thông và Internet trong các cơ quan Nhà nước, Bộ đã xây dựng, trình và được Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước năm 2008 (Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, các địa phương đều được hỗ trợ kinh phí để triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước tại địa phương mình.
Dương Chí Dũng-Thanh Hóa: Thưa Bộ trưởng, xin hỏi Bộ trưởng một số vấn đề sau: - Việc chỉ đạo các DNVT đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch cung ứng dịch vụ VTCI được Bộ giao đăc biệt là phát triển các điểm truy nhập điện thoại công cộng, và các điểm truy nhập Internet công cộng hiện nay và hướng thực hiện trong những năm tới như thế nào? - Hiện nay, Bộ đã có hướng chỉ đạo về thực hiện cơ chế hỗ trợ về trang bị máy vi tính cho các DN cung ứng dịch vụ VTCI tại các điểm truy nhập công cộng, đặc biệt là các điểm truy nhập Internet công cộng đặt tại các điểm BĐVH xã chưa? - Về cơ chế hỗ trợ tài chính cho các Sở TT-TT đảm bảo các điều kiện, công cụ, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát, xác nhận số liệu VTCI cho các DN; Bộ đã triển khai và kết quả cho đến nay như thế nào? Hướng chỉ đạo trong thời gian tới về vấn đề này ra sao? - Hiện tại, các Sở TT-TT đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định phạm vi, khu vực phải xin cấp phép xây dựng các trạm BTS. Vậy Bộ đã có hướng chỉ đạo để hướng dẫn đồng bộ các Sở TT-TT các tiêu chí xác định phạm vi các khu vực phải xin cấp phép xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động theo mục 6.1 Thông tư liên tịch số 12/TTLT/BXD-BTT-TT ngày 11/12/2007 giữa Bộ Xây dựng và Bộ TT-TT hướng dẫn về cấp phép xây dựng đối với các công trình trạm thu phát sóng thông tin di động? - Hiện nay, việc triển khai thành lập các trung tâm cung cấp, giải đáp số máy điện thoại 116 tại các tỉnh, Bộ đã chỉ đạo các Sở TT-TT thực hiện như thế nào? Lộ trình, nội dung triển khai và hướng thực hiện của Bộ trong thời gian tới là gì? Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng
Trả lời:
- Về phát triển các điểm truy nhập viễn thông công cộng:
Mặc dù Ngành viễn thông Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong thời gian qua, năm 2005 đã đạt 100% số xã có máy điện thoại, tuy nhiên vẫn còn có khoảng cách phát triển lớn giữa thành thị và nông thôn, số máy điện thoại xuống xã chưa nhiều, do vậy một trong những mục tiêu quan trọng phát triển viễn thông đến năm 2010 là đẩy nhanh việc phổ cập điện thoại xuống các vùng nông thôn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nông nghiệp và nông dân.
Nên một trong những chính sách lớn của Bộ là ở những khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, người dân chưa có điều kiện để có thuê bao sử dụng dịch vụ viễn thông riêng, Nhà nước chủ trương phát triển các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng nhằm phổ cập dịch vụ viễn thông và tạo điều kiện cho người dân sử dụng dịch vụ viễn thông khi có nhu cầu, phấn đấu đến năm 2010 100% số xã có điểm truy nhập điện thoại công cộng. Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ TT-TT đã giao kế hoạch cho các DN thực hiện nhiệm vụ phát triển điểm truy nhập điện thoại cộng hàng năm cho DN từ nguồn phát triển viễn thông công ích.
- Về trang bị máy vi tính cho các DN cung ứng dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) tại các điểm truy nhập công cộng, đặc biệt là các điểm truy nhập Internet công cộng đặt tại các điểm Bưu điện văn hóa xã: Các điểm Bưu điện- Văn hoá xã, các bưu cục là một địa điểm cung ứng dịch vụ viễn thông công cộng. Cho đến nay theo quy định việc trang bị máy vi tính và các thiết bị liên quan, phụ trợ, do DN đầu tư, vì đây là tài sản của DN; Bộ đã có định mức hỗ trợ về tài chính cho các DN để bù đắp được chi phí duy trì hoạt đọng của các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng này, bao gồm cả việc thu hồi chi phí khấu hao máy vi tính mà DN đã đầu tư. Bên cạnh đó hiện Bộ TT-TT đã và đang triển khai nhiều chương trình kêu gọi các nhà tài trợ trong nước và quốc tế hỗ trợ việc trang bị máy vi tính cho các điểm truy nhập công cộng.
- Về thành lập các trung tâm cung cấp, giải đáp số máy điện thoại cố định (dịch vụ 116) tại các tỉnh.Trong quá trình mở cửa thị trường, nhiều DN tham gia cung cấp dịch vụ điện thoại công cộng, cần thiết phải có mô hình cung cấp dịch vụ 116 phù hợp và Bộ đã có chủ trương chỉ đạo nghiên cứu Đề án này với ý tưởng ban đầu là có thể giao các Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện. Tuy nhiên, liên quan đến cơ chế hỗ trợ cho việc đầu tư ban đầu và duy trì hoạt động thường xuyên lâu dài của các trung tâm này chưa khả thi nên chưa triển khai được. Hiện Bộ đang chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu mô hình cung cấp dịch vụ 116 đảm bảo khả thi, hiệu quả và ổn định lâu dài. Sau khi có quyết định chính thức về mô hình, Bộ sẽ thông báo đến các DN viễn thông, các Sở Thông tin và Truyền thông.
Việc giao cho các Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các trung tâm 116 tại địa phương được thực hiện theo đề án đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt về chủ trương. Tuy nhiên để triển khai trên thực tế thì cần phải hoàn thiện cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Sau khi hoàn thiện xong Bộ sẽ tiến hành triển khai theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu dự kiến sẽ triển khai trong năm 2009.
Trên cơ sở việc triển khai của giai đoạn 1, sẽ tiến hành các giai đoạn tiếp theo.
khuat ba canh-Vien thong Cao Bang: Xin bo truong cho biet su tang truong cua nganh trong thoi gian toi . khi nao thi co phan hoa vien thong va buu dien cac tinh thanh. tai sao cac tram BTS khong de cac don vi chung nhau cho loi va my quan .
Trả lời:
Trong thời gian qua thông tin và truyền thông đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong thời gian tới thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Mạng lưới các điểm phục vụ bưu chính tiếp tục phát triển: Đến năm 2010, 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính hoạt động. Cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển với công nghệ hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, có độ bao phủ rộng khắp trên cả nước với dung lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả. Dự báo đến hết năm 2010, mật độ điện thoại trung bình (gồm cả cố định và di động) sẽ đạt trên 90%; Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 30%. Công nghiệp CNTT và truyền thông phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm vào khoảng 20%/năm. Đến năm 2010, hoàn thành cơ bản việc phổ cập các phương tiện thu thanh, truyền hình đến mỗi gia đình. 98% số xã có báo Đảng đến trong ngày.
Bùi Xuân Bình-Sở TT-TT: Kính thưa Bộ trưởng: Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ đã có những giải pháp nào tích cực để quản lý các DN CNTT? Giải pháp đó có tác động như thế nào đối với DN CNTT? Các Sở TT-TT có được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ về giải pháp quản lý DN CNTT chưa? Cảm ơn Bộ trưởng! -- Bùi Xuân Bình
Trả lời:
Việc quản lý nhà nước đối với DN bao gồm việc đảm bảo để DN hoạt động đúng quy định pháp luật, đồng thời hỗ trợ các DN phát triển theo các cơ chế, chính sách ưu đãi mà nhà nước dành cho loại hình DN đó. Đối với các DN CNTT, Nhà nước không yêu cầu phải có giấy phép và điều kiện hoạt động như đối với các DN Viễn thông, và có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, do vậy:
- Về mặt Quản lý đảm bảo để các DN CNTT hoạt động đúng quy định pháp luật thì cũng được thực hiện như với nhiều loại hình DN khác, tức là chủ yếu đảm bảo DN hoạt động theo đúng Luật DN, các Luật Thuế và các văn bản quy định liên quan.
- Về mặt Hỗ trợ các DN phát triển theo các cơ chế, chính sách ưu đãi mà nhà nước dành cho loại hình DN CNTT, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 71/2007/NĐ-CP, các QĐ số 51/2007/QĐ-TTg, 56/2007/QĐ-TTg, 75/2007/QĐ-TTg và nhiều văn bản khác với các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT nói chung cũng như các DN CNTT nói riêng. Bộ TT-TT cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và các Sở TT-TT triển khai thực hiện các Quyết định điạnh của Thủ tướng về thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT. Gần đây, Bộ TT-TT đã gửi công văn số 1844/BTTT-CNTT và công văn số 1845/BTTT-CNTT ngày 10/6/2008 tới các bộ, ngành, địa phương Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch triển khai các Chương trình phát triển công nghiệp CNTT giai đoạn 2009-2010.
Đinh Đức Minh-Hà Nội: Để phổ cập dịch vụ, xoá bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, khuyến khích người dân tại các địa phương sử dụng các dịch vụ viễn thông nội hạt, trong giai đoạn tới, Bộ TT-TT có đề xuất/ dự kiến xoá bỏ việc tính cước liên huyện hiện nay tại các Tỉnh/thành không thuộc thành phố cấp 1? Nếu có, khi nào thực hiện chủ trương đùng đắn này để bảo đảm, người dân tại các Tỉnh/thành thực hiện cuộc gọi nội hạt sẽ được tính cước như tại hà Nội, Tp. HCM?
Trả lời: Hiện nay Bộ TT-TT đang xây dựng đề án điều chỉnh cước nội hạt nội tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đề án, Bộ sẽ thống nhất cước nội hạt nội tỉnh, cước liên lạc giữa các huyện trong tỉnh trên toàn quốc sẽ được áp dụng như cước nội hạt trong thành phố Hà Nội. Tp. HCM hay Đà Nẵng. Điều này có nghĩa là các thuê bao điện thoại tại các tỉnh không thuộc thành phố cấp 1 sẽ được áp dụng cước như thuê bao tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Dự kiến đề án sẽ được triển khai áp dụng vào đầu năm 2009.
Lê Huy Dũng-Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá: Để nâng cao vai trò quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản của Sở Thông tin và Truyền thông. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vị trí, vai trò của Sở đối với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Người đứng đầu và Tổng biên tập của cơ quan báo chí, xuất bản ở địa phương?
Trả lời:
Khi bổ nhiệm Tổng biên tập Cơ quan báo chí, Giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản thì các Cơ quan báo chí, Nhà xuất bản này có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị bổ nhiệm theo quy định, trình cơ quan chủ quản quyết định theo thẩm quyền. Trước khi ra quyết định, cơ quan chủ quản phải xin ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ TT-TT. Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan giúp việc UBND tỉnh, thành phố quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí, Nhà xuất bản tại địa phương nên có trách nhiệm tham mưu cho UBND trong công tác bổ nhiệm nói trên.
Vu Thi Hue-Luật Việt: Xin hỏi lĩnh vực xuất bản, in, phát hành sách báo, tạp chí đã mở rộng cho tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài chưa ạ? Bên nước ngoài được tham gia với tỷ lệ bao nhiêu trong những lĩnh vực trên? Nếu một hãng báo của nước ngoài mua tin tức, tạp chí của nước ngoài bằng phần mềm sau đó lập cơ sở xuất bản, in và phát hành những tin tức này tại Việt Nam thì có được không ạ, có hạn chế hay có điều kiện gì không? Mong được trả lời giúp tôi vấn đề trên, vì Luật báo chí và Luật Xuất bản và văn bản hướng dẫn không quy định rõ sự tham gia của nước ngoài và cũng không có trong cam kết WTo về lĩnh vực xuất bản, báo chí. Rất mong nhận được sự giải đáp .
Trả lời:
Pháp luật về xuất bản của Việt Nam quy định:
- Về lĩnh vực xuất bản: chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia xuất bản sách. Mọi nhu cầu xuất bản của tổ chức, cá nhân nước ngoài đều phải thông qua một nhà xuất bản của Việt Nam có chức năng tương ứng. Riêng các nhà xuất bản nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để giới thiệu về tổ chức và sản phẩm của mình, xúc tiến các giao dịch về bản quyền và phát hành sách (nhưng không được phép trực tiếp kinh doanh).
- Về lĩnh vực in: chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào lĩnh vực in xuất bản phẩm. Riêng việc in tem nhãn, bao bì tại các khu công nghiệp. khu chế xuất, thì tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể đầu tư 100 % vốn.
- Về lĩnh vực phát hành: theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, kể từ ngày 1/1/2009, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép nhập khẩu xuất bản phẩm vào Việt Nam để kinh doanh, riêng với sách thì không được phép trực tiếp phân phối, mà phải thông qua một cơ quan của Việt Nam có chức năng phát hành sách.
Do Quoc Duy-385 C Nguyen Trai, Q1, TP. Ho Chi Minh: Thua Bo truong, Hien nay tinh trang khach hang thue bao tra sau khong chiu dong tien no cuoc rat lon vi khach hang khong so su vi pham hop dong kinh te, khong so vu viec dua ra toa kinh te. Vay bo truong co cach nao de nghi Bo Tu Phap, Quoc Hoi dua ra khung phap ly du ran de cac doi tuong vi pham hop dong phai so nhu cac nuoc tien tien, giup cac doanh nghiep noi chung cung nhu doanh nghiep vien thong noi rieng han che toi thieu tinh trang nay.
Trả lời:
Thu cước viễn thông là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh viễn thông, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN viễn thông. Các dịch vụ viễn thông nói chung như điện thoại cố định, điện thoại di động, Internet… đa phần là cung cấp dịch vụ trước rồi mới thu tiền sau nên khách hàng luôn nợ một khoản tiền rất lớn. Mặt khác đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông ngày càng đa dạng, số lượng các dịch vụ viễn thông ngày càng phong phú làm nợ cước tăng và số nợ khó đòi cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt nhất là nợ cước điện thoại di động trả sau.
Đối với nợ khó đòi cước điện thoại di động trả sau, công việc giải quyết nợ liên quan đến nhiều khâu và việc đi thu nợ cũng gặp nhiều khó khăn. Về nguyên tắc, hợp đồng cung cấp dịch vụ của các nhà cung cấp khá chặt chẽ và trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng không thanh toán cước viễn thông sẽ bị cắt thuê bao và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhà cung cấp dịch vụ hoàn toàn có thể khởi kiện khách hàng ra toà. Tuy nhiên, nếu số nợ không lớn thì nhà cung cấp cũng không muốn khởi kiện vì tốn nhiều thời gian, chi phí.
Để giải quyết tình trạng nợ cước viễn thông nói chung và cước di động trả sau nói riêng, hiện nay Bộ đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý về viễn thông (xây dựng Luật Viễn thông), theo đó Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành có liên quan (Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Toà án nhân dân tối cao; v.v…) xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với đặc thù của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông giúp cho các DN này có điều kiện giải quyết các khoản nợ cước viễn thông. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các DN viễn thông sử dụng các hình thức thanh toán cước phù hợp với thực tế từng địa phương để thu tối đa nợ đọng cước. Đồng thời xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, công an, toà án, viện kiểm sát để phối hợp trong việc thu nợ khó đòi, tuỳ từng khoản nợ để có một phương án thu hồi nợ hiệu quả. Với mục tiêu trong công tác thu nợ cước ở các DN là làm thế nào thu róc cước, giảm tỷ lệ nợ đọng, nợ khó đòi cước viễn thông xuống mức thấp nhất.
trương công dân-Thanh hóa: Tôi thấy Viễn thông đang có nhiều thuận lợi so với Bưu chính rất nhiều nhưng Bưu chính lại không được hỗ trợ nhiều như viễn thông. Mới đây tôi thấy Viễn thông có quỹ viễn thông công ích trong khi Bưu chính khó khăn hơn rất nhiều tại sao lại không có chính sách hỗ trợ như viễn thông.
Trả lời:
Theo chính sách của Đảng và Nhà nước, hiện cả hai lĩnh vực hoạt động viễn thông và bưu chính đều được đã mở cửa thị trường cạnh tranh quốc tế theo các cam kêt của WTO, tuy nhiên, mỗi lĩnh vực có đặc thù riêng: Trong phân ngành viễn thông có những lĩnh vực dịch vụ kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận cao: như dịch vụ điện thoại quốc tế, di động, kênh thuê riêng…, nhưng cũng có những lĩnh vực kinh doanh khó khăn, đầu tư lớn, lợi nhuận thấp như dịch vụ điện thoại cố định nội hạt.
Trước đây khi chưa mở cửa thị trường có 01 nhà cung cấp dịch vụ thì các dịch vụ viễn thông dược bao cấp bù chéo, lấy dịch vụ có lãi bù dịch vụ vụ lỗ, đến nay thị trường viễn thông Việt Nam đã mở cửa, các DN đều bình đẳng tham gia thị trường, Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết, thực hiện điều tiết từ các dịch vụ có điều kiện kinh doanh thuận lợi để bù cho các dịch vụ có điều kiện kinh doanh khó khăn thông qua việc hình thành Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách công ích, phổ cập dịch vụ viễn thông của Nhà nước.
Trong khi đó, thị trường bưu chính Việt Nam hiện nay còn nhỏ, hầu hết các dịch vụ cung ứng đều đang gặp khó khăn, qui mô nhỏ, nên chưa có cơ sở kinh tế cho Nhà nước huy động nguồn tài chính trong nội bộ Ngành bưu chính để tạo lập Quỹ phổ cập dịch vụ bưu chính. Do đó, việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hiện nay do Nhà nước đảm nhiệm và tài trợ trực tiếp cho DN được Nhà nước đặt hàng cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích (Bưu chính Việt Nam). Ngoài ra, Nhà nước còn thực hiện một số biện pháp khác để hỗ trợ DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích như: đầu tư đủ vốn để hình thành mạng bưu chính công cộng hiện đại, hiệu quả, thực hiện chính sách dịch vụ giành riêng cho DN cung ứng dịch vụ bưu chính phổ cập…
Đỗ Anh Tuấn -UBND TP Thanh Hoá: Hiện nay các DN viễn thông xây dựng các trạm BTS vẫn bị người dân cản trở, lý do lại từ những bài báo (ví dụ: Bài “xung quanh tác động xấu của sóng cao tần từ các trạm BTS – Đừng vì lợi nhuận mà coi thường sức khoẻ con người” đăng trên báo “Sức khoẻ & đời sống – Số 122, ra ngày 31/7/2008 của tác giả TS Y Khoa Đào Kỳ Hưng) đã gây nên lo lắng, bức xúc cho nhân dân không chỉ một xã, thậm trí một huyện. Kính thưa Bộ trưởng! - Với cương vị quản lý nhà nước về viễn thông, tần số vô tuyến điện Bộ trưởng có ý kiến như thế nào? - Với cương vị là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí Bộ trưởng có ý kiến gì? Trân trọng cám ơn Bộ trưởng. Người hỏi: Đỗ Anh Tuấn – UBND TP Thanh Hoá.
Trả lời:
Việc người dân quan tâm đến sức khỏe là sự lo lắng chính đáng. Trên thế giới , tính đến nay có khoảng 3,5 tỷ máy di động và các mạng di động này đều sử dụng cấu trúc tế bào có nghĩa là với một khoảng cách nhất định cần có một trạm thu phát sóng (BTS) để phục vụ các máy di động trong khu vực. Đối với quốc tế, các tổ chức quốc tế có liên quan đã tổ chức nghiên cứu và có các văn bản khuyến nghị về vấn đề này, đặc biệt là tổ chức who, Ủy ban Quốc tế về phòng chống Bức xa phi ion hóa (ICNIRP) và Liên minh viễn thông Quốc tế (ITU). Các nghiên cứu này đều kết luận: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh huwongr có hại cho sức khỏe”. Kết quả nghiên cứu cũng xác định mức độ an toàn (gọi là mức phơi nhiễm trường điện từ an toàn) đối với khu vực sinh sống của người dân.
Ở Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio- Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong giải tần 3 kHz đến 300 GHz”. Bộ TT-TT cũng đã có Quyết định số 19/2006/QDD-BBCVT ngày 15/6/2006 quy định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với trạm thu phát thông tin di động.
Với việc bắt buộc áp dụng TCVN này, trị giá mật độ dòng năng lượng (S) quy định đối với các BTS là 2w/m2. Trị giá này nghiêm ngặt hơn khi so sánh với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước: Ủy ban Quốc tế về phòng chống bức xạ ion hóa (CNIRP) là 4,5w/m2, Mỹ, Nhật Bản là 6 w/m2; Anh là 32w/m2. Bộ cũng ban hành tiêu chuẩn ngành TCN 68-255:2006 về phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ, ban hành các quyết định về kiểm định công trình viễn thông (có hiệu lực từ ngày 1/1/2007), theo đó từng trạm BTS phải được kiểm định, nếu tuân thủ TCVN 3781-1:2005 thì mới được hoạt động. Riêng các BTS đã xây dựng trước 1/1/2007 cần phải được lập kế hoạch kiểm định.
Như vậy, nhằm bảo vệ người dân sống quanh trạm thu phát vô tuyến khỏi ảnh hưởng của phơi nhiễm vô tuyến điện. Bộ TT-TT đã có quy định mức giới hạn an toàn (xác định theo mức phơi nhiễm của TCVN 3718-1:2005) và quy định các trạm thu phát thông tin di động phải đảm bảo thông qua hình thức quản lý là kiểm định công trình viễn thông. Ngoài ra theo yêu cầu của người dân, Bộ TT-TT cũng đã tổ chức đo kiểm để xác minh mức độ phơi nhiễm tại các địa điểm nhạy cảm. Bộ TT-TT cũng đã có các giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu biết sâu hơn về vấn đề này, giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại của nhiều tổ chức, cá nhân xung quanh các vấn đề này. Bộ cũng đã có các văn bản hướng dẫn các Sở Thông tin Và Truyền thông và các DN cung cấp dịch vụ thông tin di động thực hiện theo đúng các quy định để đảm bảo an toàn cho dân.
Nguyễn Quốc Thắng: Bộ trưởng cho biết mối quan hệ giữa văn hóa đọc truyền thống và văn hóa đọc trên mạng? Hiện nay lớp trẻ chủ yếu đọc trên mạng, liệu văn hóa đọc truyền thống có bị mai một không và chủ trương của Bộ trưởng để phát triển văn hóa đọc truyền thống?
Trả lời:
- Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ ngày nay, bạn đọc có thể tìm đọc và thưởng thức một tác phẩm, một công trình hay nhiều vấn đề khác trên hệ thống mạng máy tính một cách hết sức nhanh chóng và thuận tiện. Văn hóa đọc trên mạng là sự kế thừa và nối tiếp văn hóa đọc truyền thống, đều có chung một đối tượng là những người yêu thích văn hóa đọc và ham hiểu biết. Sách- văn hóa đọc truyền thống là phương tiện đọc có tính lan toả cao, người đọc được sử hữu hoặc sử dụng một tác phẩm hiện hữu có nội dung và hình thức đẹp, có thể phục vụ cho việc sưu tầm, chơi sách. Mặt khác, sách in trên giấy có đề tài rất rộng với nhiều thể loại, dễ thể hiện và trình bày hơn hẳn sách trên mạng.
- Có thể khẳng định văn hóa đọc truyền thống không thể bị mất đi. Như chúng ta đã thấy số lượng sách xuất bản hàng năm vẫn tăng lên đáng kể, người đọc vẫn không hề quay lưng hoặc thờ ơ với sách, bạn có thể thấy số lượng người vào các thư viện hoặc mua sách tại các hiệu sách, nhà sách, sạp sách rất đông và không có chiều hưóng giảm đi. Nếu có dịp đến các Triển lãm-Hội chợ Sách quốc tế Việt Nam lần 1, 2 và các Hội sách TP Hồ Chí Minh lần 1,2,3,4 chúng ta sẽ thấy không khí tưng bừng của ngày Hội của những người yêu thích sách, yêu thích văn hóa đọc truyền thống với hàng vạn lượt người đến tham quan và mua sách, trong đó đáng mừng là có rất nhiều bạn trẻ đã đến với sách.
- Chủ trương của Bộ TT-TT là hết sức đề cao và coi trọng văn hóa đọc, nhằm phục vụ đắc lực cho một xã hội học tập và phát triển. Bộ sẽ chú trọng thực hiện các biện pháp như:
+ Tuyên truyền, giới thiệu cổ vũ cho văn hóa đọc phát triển.
+ Định hướng và có biện pháp để ngành xuất bản nâng cao chất lượng của XBP.
+ Phát triển mạng lưới hệ thống phát hành sách, đặc biệt là hệ thống PHS cấp huyện; duy trì và phát triển tủ sách Bưu điện Văn hóa xã, tủ sách pháp luật xã phường.
+ Củng cố và tăng cường các chương trình hỗ trợ, tài trợ sách của nhà nước, khuyến khích các lực lượng PHS đưa sách đến các thư viện, đến đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo vùng gặp nhiều khó khăn.
+ Tăng cường tổ chức các triển lãm, hội chợ sách.
Nguyễn Viết Thành-Lào Cai: Cháu xin hỏi Bộ trưởng như sau: Bộ có chủ trương nào về việc các DN Viễn thông sử dụng chung hạ tầng mang Viễn thông không? Bộ trưởng nghĩ như nào với hình ảnh một quả đồi nhỏ mà có đến 3 cột anten di động sừng sững, mỗi DN một cột. Trong khi cả nước đang gồng mình chống chọi với lạm phát, giá cả leo thang. Cháu xin cảm ơn!
Trả lời:
Đây đúng là vấn đề đang rất nóng hiện nay, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các DN thực sự là cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư và hạn chế ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Trên thực tế, các DN viễn thông cũng đã tiến hành sử dụng chung một số hạ tầng viễn thông nhất định, song phạm vi chưa lớn và hiệu quả chưa cao. Bộ TT-TT đang tiến hành nghiên cứu và sẽ ban hành Quy định về vấn đề này.
Nguyễn Trung Hiếu-Yên Bái: Thưa Bộ trưởng, vấn đề quản lý dự án đầu tư chuyên ngành CNTT có nhiều khác biệt, bao giời thì Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành quy chế quản lý đầu tư phù hợp đối với các dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Trả lời:
Theo sự phân công của Chính phủ, Bộ TT-TT đã hoàn thành việc soạn thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư các dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước. Bộ đã gửi toàn văn dự thảo Nghị định lên Website Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Bộ TT-TT rất hoan nghênh những ý kiến góp ý để góp phần hoàn chỉnh Nghị định. Hết thời hạn lấy ý kiến trên Website Chính phủ (15/9/2008), Bộ sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Chính phủ.
Nguyễn thi thuý Vân-Đình quán- Phú diễn- Từ liêm _ Hà nội: Xin đồng chí Bộ trưởng cho biết: trong giai đoạn hiện nay Bộ TT-TT co một vai trò hết sức quan trọng, để thực hiện trọng trách mà đảng, nhà nước và nhân dân giao phó Ông đã chỉ đạo, thực hiện những mục tiêu chiến lược và giải pháp nào? - Tôi được biết hiện nay bộ máy của bộ vẫn chưa vận hành được thuận lợi, Ông cho biết lý do? - Ông cho biết quan điểm về việc tổ chức cán bộ? - Có rất nhiều người cho rằng,việc cơ cấu bộ máy bị chồng chéo, điều này có đúng hay không?
Trả lời:
1. Phạm vi câu hỏi của bạn rất rộng. Tôi xin trả lời ngắn gọn như sau: Bộ TT-TT là cơ quan quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, Bộ đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, trong đó có đưa ra những mục tiêu, định hướng phát triển Thông tin và Truyền thông đến năm 2020. Đối với mỗi lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ đều có Quy hoạch phát triển, Kế hoạch phát triển với các mục tiêu và giải pháp cụ thể cho từng thời kỳ.
Trong năm 2008, Lãnh đạo Bộ TT-TT tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí chức năng nhiệm vụ của Bộ, để mỗi cán bộ, công nhân, viên chức hiểu và xác định rõ nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới; Tiến hành rà soát bộ máy, điều chuyển lại cán bộ cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, và phù hợp với Nghị định 187/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ; Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ở địa phương, giúp các địa phương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; Tăng cường công tác đối ngoại, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT và thông tin đối ngoại, tạo điều kiện để các DN viễn thông cạnh tranh lành mạnh để không ngừng phát triển; Đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử; Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, quy chế quản lý mới để quản lý báo chí, xuất bản đạt hiệu quả tốt nhất phù hợp với tình hình trong nước và hội nhập quốc tế; Tích cực chỉ đạo công tác xã hội hoá trên tất cả các lĩnh vực Bộ quản lý, đảm bảo lộ trình cổ phần hóa, thu hút các nguồn lực cho phát triển thông tin và truyền thông ngày một tốt hơn; Đẩy nhanh quá trình giảm bù lỗ cho bưu chính, để bưu chính hoạt động có hiệu quả, tăng cao tính cạnh tranh, sớm có lãi; Tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ đầu ngành, và cán bộ CNTT.
2. Hiện nay, một số cơ quan thuộc Bộ còn gặp khó khăn về trụ sở làm việc, cụ thể là việc đi thuê ở một số địa điểm. Tuy nhiên đó là khó khăn tạm thời, khó khăn của phát triển vì Bộ đang cải tạo trụ sở chính tại 18 Nguyễn Du - Hà Nội.
3. Cơ cấu tổ chức của Bộ hiện nay là hợp lý, phù hợp với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị được phân định mạch lạc, bảo đảm không chồng chéo, bỏ sót. Đặc biệt nguyên tắc “phân công là tương đối, phối hợp là tuyệt đối” được đề cao hàng đầu, bao trùm trong triêể khai thực hiện.
4. Về tổ chức cán bộ, Bộ TT-TT luôn quan tâm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Đối với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì cần phải thay thế. mặt khác, Bộ thực hiện triệt để việc phân cấp quản lý cán bộ, tạo sự chủ động và tăng tính trách nhiệm cấp dưới.
Nguyễn Trung Hiếu-Yên Bái: Điều 63 Luật CNTT đã quy định rõ về việc bố trí ngân sách cho sự nghiệp phát triển ứng dụng CNTT, tuy nhiên tại các địa phương việc thực hiện bố trí ngân sách địa phương cho sự nghiệp CNTT vẫn gặp nhiều khó khăn, một phần do bộ chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, đề nghị bộ trong thời gian tới cần hướng dẫn cụ thể việc chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp CNTT, nếu có thể cần hưỡng dẫn rõ về % trong chi ngân sách dành cho CNTT, trân trọng cảm ơn bộ trưởng.
Trả lời:
Triển khai Điều 63 Luật CNTT, hai Bộ TT-TT và Tài chính đã soạn thảo và ban hành Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTT-TT ngày 26/5/2008 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nội dung của Thông tư liên tịch quy định về nội dung chi, mức chi, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và quy trình lập dự toán ngân sách nhà nước chi cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Trứơc đây khi chưa có luật CNTT các khoản chi cho CNTT được chi ở nhiều mục lục chi khác nhau. Hiện nay theo hướng dẫn của thông tư liên tịch 43 các khoản chi cho CNTT đã được hướng dẫn tổng hợp thành chi sự nghiệp CNTT. Trong thời gian sắp tới, cũng sẽ tổng hợp được tỉ lệ % trong chi NS.
Nguyễn Văn Mạnh-Hà Nam: Xóa bỏ khoảng cách viễn thông giữa nông thôn và thành thị, phổ cập dịch vụ +Thưa bộ trưởng, Hiện nay, một thực tế đang tồn tại tại các Tỉnh, thành không thuộc các thành phố cấp I là: Người dân tại các Tỉnh, thành này đang bị phân biệt trong việc sử dụng các dịch vụ viễn thông liên quan đến việc tính cước viễn thông nội hạt so với NSD dịch vụ viễn thông tại các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ). Theo đó, họ sẽ bị tính cước cuộc gọi liên huyện với mức giá cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với các thành phố cấp I, vốn đang được sử dụng chỉ với một mức cước nội hạt (mà không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý là theo Quận/huyện). Để thực hiện việc xoá bỏ sự phân biệt đối xử này, tiến tới phổ cập dịch vụ tại các địa phương nói trên, tại ra một mức cước nội hạt thống nhất, Bộ TT-TT có dự kiến xoá bỏ cách tính cước liên huyện như đang áp dụng hiện nay hay không? Nếu không xoá bỏ cách tính cước này, thì đâu là sự khác nhau giữa các quận/ huyện trong thành phố Hà nội mở rộng tới hơn 3000 Km2 (từ 1/8/2008)với chỉ một mức cước nội hạt thống nhất, với một tỉnh giáp ranh, nhưng NSD lại bị tính cước goi liên huyện,gấp 2-4 lần/phút khi thực hiện cuộc gọi chỉ trong địa bàn tỉnh, thành đó? Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng
Trả lời:
Theo quy định về địa giới hành chính hiện hành thì chỉ có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phạm vi nội hạt là toàn thành phố, còn các tỉnh thành phố khác phạm vị nội hạt chỉ là thành phố, thị xã. Như vậy hiện nay người dân ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được gọi điện thoại trong toàn thành phố theo cước nội hạt, có giá rẻ hơn so với người dân ở các tỉnh thành phố còn lại hiện đang phải gọi điện thoại trong tỉnh với mức cước điện thoại đường dài nội tỉnh (đắt hơn khoảng 3 lần so với giá cước điện thoại nội hạt). Điều này đã tạo ra sự bắt bình đẳng trong việc sử dụng dịch vụ.
Trong khi khả năng thanh toán của dân cư 3 thành phố cao hơn thì lại được sử dụng mức giá cước trong nội tỉnh thấp, ngược lại dân cư các tỉnh, thành phố khác có khả năng thanh toán thấp thì lại chịu mức cước liên lạc nội tỉnh cao, tạo nên sự bất hợp lý. Do vậy hiên nay Bộ TT-TT đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng phương án điều chỉnh cước dịch vụ điện thoại nội hạt, nội tỉnh với mục tiêu hoà đồng không phân biệt cước nội hạt, nội tỉnh để giảm bớt sự phân biệt trong sử dụng trên của khách hàng.
Nguyen van Hieu-105 tran hung dao - Can Tho: Xin cho hỏi: Sinh viên ngành CNTT đã học xong năm thứ nhất Đại học Cần Thơ được Bộ GDĐT tuyển đi đào tạo ngành CNTT tại Đại học Thượng Hải - Trung Quốc theo đề án 322 (hệ đại học 5 năm - nhập học tại TQ năm 2006) sau khi tốt nghiệp sẽ do Bộ GDĐT hay UBND TP.Cần Thơ phân công công tác. Xin cho biết thông tin chi tiết, xin chân thành cám ơn !
Trả lời:
Hiện nay, việc tuyển dụng cán bộ vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP, 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 và các Nghị định số 09/2007/NĐ-CP ngày 15/1/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2003/NĐ-CP và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP. Sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT là một trong những đối tượng tuyển dụng nếu đủ điều kiện khác theo quy định của các Nghị định này và những quy định của cơ quan tuyển dụng. Hình thức tuyển dụng bao gồm thi tuyển hoặc xét tuyển. Việc tuyển dụng cán bộ vào làm việc tại các DN thực hiện theo quy chế tuyển dụng của DN.
Trương Quốc Phong-Qui Nhơn - Bình Định: Xin hỏi Bộ Trưởng việc tạo lập mạng diện rộng thông qua vệ tinh VINASAT-1 có được đưa vào quản lý của Sở Thông Tin và Truyền Thông hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, khái niệm mạng viễn thông bao gồm mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng và mạng viễn thông chuyên dùng. Quy định quản lý từng loại hình mạng được nêu cụ thể tại Nghị định 160/2004/NĐ-CP. Khái niệm mạng diện rộng mà bạn đưa ở đây chưa rõ ràng nên chưa thể xếp được vào loại hình mạng nào. Tuy nhiên, nếu mạng có sử dụng đường truyền dẫn qua vệ tinh VINASAT-1 thì có thể là phạm vi liên vùng hoặc toàn quốc hoặc quốc tế (Vệ tinh VINASAT-1 có vùng phủ sóng khắp toàn quốc, một phần của Đông Nam Á và châu Á). Những loại hình mạng này đều cần được sự cho phép của Bộ TT-TT. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực này được quy định cụ thể tại thông tư liên tịch giữa Bộ TT-TT và Bộ Nội Vụ số 03/2008/TTLT-BTT-TT-BNV ngày 30/06/2008 trong đó Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, cho nên có thể sẽ tham gia vào việc quản lý các điểm kết nối đầu cuối tại các địa phương.
Lưu Anh-HCM: Là một DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát, chúng tôi có thể phát hành tem để phục vụ cho việc kinh doanh của DN có được không?
Trả lời:
Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ TT-TT là cơ quan duy nhất được quyền phát hành tem bưu chính mang dòng chữ “Việt Nam”, đồng thời là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tem bưu chính.
Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Bưu chính Việt Nam) là DN bưu chính duy nhất được Bộ TT-TT giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất, cung ứng và kinh doanh tem bưu chính trên mạng bưu chính công cộng.
Các DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát có thể in tem để thể hiện cước phí đã thu ở khách hàng theo đúng các quy định của Pháp luật ViệtNam. Tem này là một loại hóa đơn để thanh toán cước dịch vụ chuyển phát, không phải là tem bưu chính và trên tem không được in chữ “Bưu chính” và chữ "Việt Nam" .
Lê Huy Dũng-Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá: Chức năng quản lý nhà nước về Quảng cáo, thông tin, Triển lãm, Thư viện phải thuộc Bộ TT-TT mới đúng ( trước đây đã có lần tách Bộ ); nhưng hiện nay lại thuộc Bộ VH, TT & DL là không phù hợp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của Bộ trưởng và quan điểm của Bộ trong thời gian tới đối với vấn đề này. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Trước hết cảm ơn bạn Lê Huy Dũng về câu hỏi này. Đây là một vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục xem xét bộ máy quản lý nhà nước của mình, để chứng năng trong một Bộ gần nhau, gắn bó mật thiệt với nhau và có quan hệ nhân quản tốt hơn, kế thừa lẫn nhau tốt hơn.
Sau khi thành lập Bộ TT-TT, toàn bộ Bộ Bưu chính viễn thông cũ nắm 3 lĩnh vực: bưu chính, viễn thông và CNTT được hợp nhất với bộ phận thông tin của Bộ Văn hóa sang gồm xuất bản và báo chí. Trong phiên làm việc của Chính phủ, sinh hoạt của Quốc hội, và họp trung ương, bàn về bộ máy mới, tôi cũng nói về vấn đề mà đồng chí đã đặt ra. Bởi xét đến cùng, những nội dung về quảng cáo, triển lãm, thư viện đều là cung cấp thông tin, gắn với thông tin nhiều hơn. Các nước trên thế giới hầu hết thành lập một bộ là Bộ Thông tin. Những lĩnh vực nằm liên quan đến thông tin nằm dưới sự quản lý của Bộ này.
Thông tin đưa về quản lý thuộc Bộ TT-TT được biết tới 4 loại hình báo chí gồm báo nói, báo viết, báo hình, và báo điện tử, dễ xác định rồi. Vấn đề quảng cáo và thông tin thư viện nghiêng về chức năng là các bộ khác, đặt ở Bộ Văn hóa cũng hợp lí trước mắt.
Ví dụ, về quảng cáo, gắn với kẻ vẽ là văn hóa. Hiện nay quảng cáo của VN kẻ vẽ là chính. Sau này khi quảng cáo chủ yếu là điện tử, trực tuyến, tương lai có thể không hợp lý.
Tôi nghĩ, bộ máy 5 năm bầu lại một lần, có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, nếu thấy sự quản lý có bất cập.
Hay triển lãm bản thân là cung cấp thông tin nhưng nghề nghiệp lại là văn hóa. Sản phẩm gắn với thông tin còn nghề nghiệp là văn hóa, đặt nơi này nơi kia có hợp lý. Do đó sẽ xem xét thực tiễn để điều chỉnh.
Hay việc đến thư viện để lấy thông tin, nhưng tổ chức để mọi người đến lấy thông tin là văn hóa. Có sự đan chéo nhau.
Theo tôi, bộ máy hoàn chỉnh một lúc đảm bảo hoàn thiện một lúc ngay là cần thiết nhưng khó. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và vận động thời cuộc sẽ điều chỉnh phù hợp hơn.
Ý kiến của bạn là kiến nghị cần xem xét nghiêm túc khi điều chỉnh bộ máy trong tương lai, gắn với sự phát triển tốt hơn.
Tran Ngoc Phuoc-: Bộ sẽ có cách giải quyết như thế nào về tình hình quản lý thuê bao di động trả trước. Xảy ra như đăng hộ, đăng ký không đúng, hoặc người đăng ký bán, tặng lại sim cho người khac thì phải xử lý ra sao?
Trả lời:
Sau hơn 06 tháng tháng triển khai thực hiện Quyết định số 03/2007/QĐ-BTT-TT ngày 04/09/2007 của Bộ TT-TT về quản lý thuê bao di động trả trước, kết quả đạt được gần 100% người bắt đầu sử dụng dịch vụ di động trả trước đều được đăng ký thông tin, tỷ lệ cả thuê bao đang hoạt động và bắt đầu sử dụng dịch vụ được đăng ký thông tin tin chiếm từ 50% đến 70% của các mạng thông tin di động. Tuy nhiên, độ chính xác của thông tin được đăng ký chưa cao, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn thiếu…
Để sớm điều chỉnh, khắc phục các bất cập, tồn tại trên, Bộ TT-TT đã chỉ đạo, hướng dẫn các DN thông tin di động và các đơn vị thuộc Bộ triển khai đồng bộ một số giải pháp thực hiện như sau:
1. Đối với các DN thông tin di động:
a) Chỉ ký kết hợp đồng uỷ quyền với các chủ điểm giao dịch có địa điểm giao dịch cố định và có địa chỉ rõ ràng.
b) Thống kê và báo cáo với các Sở Thông tin và Truyền thông toàn bộ danh sách các chủ điểm giao dịch được uỷ quyền đã ký hợp đồng với DN trên địa bàn.
c) Rà soát, bổ sung Hợp đồng uỷ quyền đã ký kết với chủ điểm giao dịch, đặc biệt lưu ý về trách nhiệm của chủ điểm giao dịch đối với việc đảm bảo tính xác thực của thông tin thuê bao mà họ đã tiếp nhận, đăng ký. Bổ sung điều khoản về đơn phương đình chỉ hợp đồng đối với chủ điểm giao dịch khi vi phạm các quy định tại Quyết định số 03/2007/QĐ-BTT-TT.
b) Rà soát lại và bổ sung quy trình, thủ tục, đặc biệt là quy trình tiếp nhận thông tin, kê khai và lưu giữ bản khai thông tin (theo mẫu của DN) đối với chủ thuê bao đăng ký mới tại các điểm giao dịch được uỷ quyền.
c) Chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và xử lý các chủ điểm giao dịch được uỷ quyền làm sai các quy trình, thủ tục đã giao kết với DN thông tin di động. Kiên quyết cắt hợp đồng uỷ quyền đối với các chủ điểm giao dịch vi phạm các quy định về đăng ký thuê bao di động trả trước tại Quyết định 03/2007/QĐ-BTT-TT; đặc biệt đối với các hành vi sử dụng chứng
2. Đối với các đơn vị thuộc Bộ
Giao Vụ Viễn thông: Trong quý III/2008, chủ trì cùng với các cơ quan TT-TT như Báo Bưu điện Việt Nam, Trung tâm Thông tin Bưu điện, Tạp chí Bưu chính Viễn thông và CNTT, Đài truyền hình kỹ thuật số, báo điện tử VietNamNet, báo điện tử VNMedia phối hợp với các DN thông tin di động để tổ chức phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ điểm giao dịch và người sử dụng trong việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTT-TT của Bộ TT-TT. Từ nay đến quý IV/2008, chủ động làm việc với các đơn vị của Bộ Công an để xác định đầu mối phối hợp; tổ chức tập huấn về chứng minh thư nhân dân cho các DN thông tin di động; tổng hợp dữ liệu thông tin thuê bao được nghi vấn đăng ký sai lệch thông tin từ các DN thông tin di động để các đơn vị của nghiệp vụ Bộ Công an xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật
Giao Thanh tra Bộ: Từ nay đến hết năm 2008, tập trung vào kế hoạch thanh kiểm tra, thanh tra trên diện rộng trong phạm vi cả nước việc tổ chức thực hiện Quyết định số 03/2007/QĐ-BTT-TT về quản lý thuê bao di động trả trước và các văn bản hướng dẫn triển khai quyết định trên của Bộ TT-TT. Thanh tra Bộ tập trung kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quyết định tại các DN thông tin di động, các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung vào kiểm tra, thanh tra các điểm giao dịch được uỷ quyền của các DN thông tin di động trên địa bàn. Trong quý III/2008, chủ trì nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ việc áp dụng hoặc quy định các hành vi vi phạm Quyết định số 03/2007/QĐ-BTT-TT và chế tài xử phạt tương ứng . Trong đó cần đưa ra cụ thể các hình thức xử lý vi phạm đối với DN thông tin di động, chủ điểm giao dịch được uỷ quyền và các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ cố tình đăng ký sai lệch thông tin.
hongobi-HN: Thưa Bộ trưởng, tôi xin hỏi về Chiến lược phát triển (không hỏi về Quy hoạch, kế hoạch). Với tư cách là người phải chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển sự nghiệp Thông tin và Truyền thông nói chung trong đó có sự nghiệp Xuất bản-In-Phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020 nói riêng, Ông sẽ đề ra những định hướng, mục tiêu chiến lược là gì đối với sự nghiệp Xuất bản-In-Phát hành xuất bản phẩm ??? (không phải là những con số cụ thể như kiểu mục tiêu của Quy hoạch, kế hoạch). Và theo ông trong tương lai sự nghiệp Xuất bản-In-Phát hành sẽ đạt được được bao nhiêu % mục tiêu do ông đề ra ??? (nói nôm na là: đến năm 2020 thì ngành Xuất bản-In-Phát hành xuất bản phẩm sẽ phát triển đến mức độ nào, tác dụng và ảnh hưởng đối với xã hội ra sao?) Rất mong nhận được sự quan tâm trả lời của Bộ trưởng. Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Chiến lược phát triển ngành xuất bản, in, phát hành của Việt Nam đến năm 2020 phải đạt được những mục tiêu sau:
- Xây dựng một nền xuất bản độc lập, tự chủ, phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước.
- Cơ cấu đề tài sách cân đối và hợp lý, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của nhân dân.
- Phấn đấu đến năm 2020 đưa trình độ công nghệ xuất bản sách của Việt Nam đạt loại khá so với các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nguyễn Tiến Dũng-Lâm Thao,Phú Thọ: Trước tiên xin chúc Bộ trưởng sức khỏe, hạnh phúc! Tôi xin được hỏi như sau: Hiện nay chúng ta đã có Luật CNTT, Chính phủ và Thủ tướng cũng quyết tâm phát triển CNTT nhưng dường như Luật, các chính sách ở mức độ vĩ mô quá người dân như chúng tôi không thấy được tác dụng của CNTT vào trong cuộc sống đời thường (tôi cũng có hiểu biết nhất định về sử dụng máy tính, internet nhưng % dân số của nước ta không hiểu, ko dùng, ko thấy lợi thế của CNTT là cao) vậy Bộ trưởng cho biết trong tương lai tới đây Chính Phủ có chủ trương, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong nhân dân? Các DN chuyên về CNTT có chính sách gì hỗ trợ không?
Trả lời:
Luật CNTT được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006, Số 67/2006/QH11 đã nêu rõ chính sách của Nhà nước luôn khuyến khích ứng dụng và phát triển ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ công... để phục vụ người dân và DN.
Nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong người dân, Chính phủ đã ban hành chiến lược hành động cụ thể để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các ứng dụng và dịch vụ CNTT, phổ cập kiến thức CNTT.. xây dựng nền tảng cho phát triển công dân điện tử. Để triển khai thành công, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp thực hiện chủ yếu:
1) Phát triển hạ tầng CNTT tới tất cả các địa phương, Phát triển hệ thống các điểm Bưu điện văn hoá xã và các điểm truy cập Internet công cộng. Ngày 07/4/2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010” (Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg) trong đó đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2010, 70% số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập dịch vụ Internet công cộng. Đến nay đã xây dựng được 8.025 điểm BĐVH xã trong đó có 1.524 điểm thuộc các xã đặc biệt khó khăn (theo báo cáo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT, ngày 1/8/2008). Hiện Bộ TT-TT đang triển khai thực hiện dự án Phát triển Internet cho cộng đồng nông thôn (IFC) nhằm cung cấp các dịch vụ và thông tin (y tế, nông nghiệp, công cộng) phục vụ người dân nông thôn trên đường truyền Internet băng rộng tại các điểm truy nhập công cộng.
2) Đào tạo nguồn nhân lực: phổ cập các kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính và Internet trong nhà trường, cho thanh thiếu niên và cho người dân. Chương trình tin học đã và đang được đưa vào dạy tại các trường phổ thông từ cấp cơ sở. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành xây dựng Dự án thực hiện sáng kiến “Phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh niên Việt Nam” nhằm phổ cập tin học cho trên 20 triệu thanh thiếu niên Việt Nam, đầu năm 2006 dự án “Thí điểm phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên Việt Nam” đã được phê duyệt.
3) Đẩy mạnh xây dựng các dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ người dân tốt hơn, thông qua đó nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của CNTT và kích thích người dân khai thác, ứng dụng CNTT. Trong giáo dục người dân đã làm quen với các dịch vụ ôn thi trực tuyến, đăng ký dự thi trực tuyến, tra cứu điểm thi trực tuyến, ...). Trong kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cổng thông tin điện tử (hoặc trang thông tin điện tử) của tất cả các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công trực tuyến, phục vụ người dân và DN, bao gồm: Cung cấp thông tin của cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên môi trường mạng; Cung cấp các biểu mẫu điện tử thay cho việc sử dụng biểu mẫu giấy cho người dân, DN và các tổ chức trong giao dịch với cơ quan nhà nước. Hình thành kênh tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân, DN trên môi trường mạng đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước.
4) Khuyến khích DN CNTT hỗ trợ người dân trong việc mua trang thiết bị tin học, đào tạo phổ cập tin học... Trong thời gian qua nhiều DN đã nhiều DN CNTT tham gia thực hiện như: Chương trình máy tính Thánh gióng của CMS; Chương trình Partners in Learning tại Việt Nam của Microsoft, nhằm đào tạo kỹ năng công nghệ cho khoảng 50 nghìn giáo viên và 2 triệu học sinh, hỗ trợ phát triển các chương trình đào tạo, khuyến khích giáo viên và học sinh ứng dụng CNTT và truyền thông vào dạy và học...
Đối với bộ phận người khuyết tật (NKT), năm 2007, Bộ TT-TT cũng đã phê duyệt "Đề án trợ giúp tiếp cận và sử dụng thông tin, truyền thông bao gồm CNTT-TT và hỗ trợ giai đoạn 2006-1010" với mục tiêu trợ giúp hiệu quả hơn cho NKT có phương tiện để vươn lên trong cuộc sống với các nội dung: Nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách, tiêu chuẩn công nghệ tiếp cận và sử dụng CNTT-TT cho NKT; xây dựng bộ đề tài về sản phẩm và việc làm trong lĩnh vực CNTT-TT phục vụ NKT; hỗ trợ xây dựng các mô hình đào tạo nghề và việc làm trên cơ sở ứng dụng CNTT và tự động hóa cho NKT. Ngày 25/1/2008, Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam, Bộ TT-TT, Đài truyền hình Việt Nam, tạp chí Điện tử- Tin học và Đoàn TNCS Hồ Chí MinhChương trình Nhắn tin nhân ái 10.000 máy tính giành cho người khuyết tật.
Lê Phương Lan-Hà Nội: Thưa bộ trưởng, sắp tới các DN viễn thông sẽ tăng số điện thoại cố định tại Hà Nội, Tp Hồ CHí Minh từ 7 lên 8 số; các tỉnh từ 6 lên 7 số. Mặc dù sự chuyển đổi này diễn ra trong một tháng nhưng chắc chắn nó gây nhiều bất tiện cho tổ chức và các nhân trong việc thông tin liên lạc (ví dụ như phải in lại toàn bộ danh bạ, các -vi- dít, làm lại hệ thống biển cửa hàng, ...), thực sự gây lãng phí cho xã hội. Tại sao các DN kinh doanh điện thoại cố định không cấp cho hẳn đầu số mới (như các DN di động) hoặc tăng từ 6 hay 7 số lên 10 số để tránh tình trạng 10, 20 năm nữa có thể tái diễn tình trạng này? Mong Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này? Xin chúc Bộ trưởng và các cán bộ viên chức Bộ Thông tin &Truyền thông mạnh khoẻ.
Trả lời:
Cũng như nhiều nước khác, lịch sử ngành viễn thông Việt Nam đi từ yếu tố độc quyền tự nhiên như trước đây sang cạnh tranhlành mạnh như hiện tại. Điển hình là việc kinh doanh điện thoại cố định vốn trước đây chỉ do một mình VNPT đảm nhiệm, đương nhiên kho số cố định dành cho VNPT cũng lớn hơn nhiều DN khác.
Như vậy nếu không mở rộng độ dài thuê bao cố định thì sẽ không đủ tài nguyên phân bổ cho các DN mới tham gia thị trường như Viettel, EVNT, FPT, VTC...
Tuy nhiên không thể tăng một cách bừa bãi được vì nó phải phù hợp với quy mô dân số, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống thiết bị viễn thông. Ví dụ quy mô dân số của Hà Nội mở rộng và Tp. HCM hiện khoảng hơn 6 triệu người, với việc nâng độ dài số thuê bao lên 8 chữ số về mặt lý thuyết tương đương với 100 triệu số thuê bao. Các tỉnh còn lại chưa có tỉnh nào có quy mô dân số trên 4 triệu với độ dài số thuê bao là 7 chữ số về mặt lý thuyết tương đương với 10 triệu thuê bao. Như vậy sau lần đổi số này mỗi DN sẽ được cấp một đầu số riêng (như bạn mong muốn), đáp ứng được nhu cầu trong thời gian dài nữa mà chưa cần phải đổi số điện thoại cố định, theo các công nghệ hiện nay.
Nguyễn Phương Tuấn-Thị Trấn Diễn Châu - Nghệ An: Xin chào Bộ Trưởng! Trước hết tôi cảm ơn vì Bộ trưởng đã trả lời trực tuyến, trực tiếp trao đổi với người dân. Tôi chỉ xin nêu ra một câu hỏi thôi: " Đảng và nhà nước đang có xây dựng chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2010-2020 và trong đó có chiến lược CNTT-TT, nhưng vấn đề chiến lược nguồn nhân lực thế nào phục vụ cho công cuộc xây dựng đó điều tôi cũng đang rất muốn được nghe Bộ trưởng giải trình. Xin Bộ trưởng trả lời trọng tâm chứ đừng chung chung. Xin chân thành cảm ơn và chúc Bộ trưởng sức khoẻ để gánh vác trọng trách mà nhân dân giao phó
Trả lời:
Chào bạn ! Phát triển nguồn nhân lực nhằm đẩy mạnh phát triển CNTT và TT, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đã được Đảng, Chính phủ và toàn xã hội rất quan tâm. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển CNTT và TT Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005), trong đó phần về phát triển nguồn nhân lực CNTT và TT đã nêu rõ như sau:
+ Phát triển nguồn nhân lực CNTT và truyền thông là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông. Phát triển nguồn nhân lực CNTT và truyền thông phải đảm bảo chất lượng, đồng bộ, chuyển dịch nhanh về cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng cường năng lực CNTT và truyền thông quốc gia.
+ Định hướng phát triển đến 2015 và tầm nhìn đến 2020: Đảm bảo 80% sinh viên CNTT và TT tốt nghiệp ở các trường đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.
+ Mục tiêu phát triển đến năm 2010: Đào tạo ở các khoa CNTT và truyền thông trọng điểm đạt trình độ và chất lượng tiên tiến trong khu vực ASEAN. Đảm bảo đa số cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên tất cả các cấp, bác sĩ, y sĩ, sinh viên đại học và cao đẳng, học sinh trung học chuyên nghiệp, trung học dạy nghề và trung học phổ thông, 50% học sinh trung học cơ sở và trên 30% dân cư có thể sử dụng các ứng dụng CNTT và truyền thông và khai thác Internet.
Nhằm cụ thể hóa Chiến lược, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2007 Bộ TT-TT đã có Quyết định số 05/2007/QĐ-BTT-TT phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020. Trong văn bản này đã thể hiện rất rõ quan điểm và định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực CNTT và TT.
Thông tin chi tiết, xin mời bạn truy cập vào Website của Bộ TT-TT, tại địa chỉ www.mic.gov.vn
Nguyen Van Binh-Nghe An: Thưa Bộ trưởng, tại sao không cho phép thành lập NXB tư nhân mà cho phép tư nhân nhập khẩu xuất bản phẩm. Bộ trưởng có thấy đây là vấn đề nhạy cảm không? Trên thực tế việc quản lsy 50 NXB dễ hơn rất nhiều việc quản lý xuất bản phẩm nước ngoài sẽ được nhập khẩu vào Việt Na, đặc biệt qua các đơn vị tư nhân. Thực tế nhiều năm cho thấy, việc liên kết xuất bản với tư nhân các nhà xuất bản đã để lọt lưới nhiều cuốn sách vi phạm Luật Xuất bản. Sách tuy phong phú song nội dung có nhiều vấn đề dư luận đã lên án. Vì vậy việc quản lsy XBP được xuất bản từ nước ngoài sẽ ra sao, đây chính là kẽ hở rất lớn mà các nhà làm luật không thể không biết mà sao vẫn cho phép tư nhân nhập khẩu xuất bản phẩm?
Trả lời:
Theo quy định tại điều 11 Luật Xuất bản thì tư nhân không nằm trong đối tượng được thành lập nhà xuất bản.
Trong cam kết của VN khi gia nhập WTO đã xác nhận quyền của tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia một số khâu của hoạt động phát hành xuất bản phẩm và quyền của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được kinh doanh xuất nhập xuất bản phẩm. Chính vì lý do đó, Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 3 ngày 3/6/2008 đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản, điều chỉnh một số điều cho phù hợp với những cam kết của VN với WTO trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm.
Theo đó, tổ chức cá nhân VN cũng được tham gia vào kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm. Tuy nhiên, Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản quy định rõ về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh nhập khấu xuất bản phẩm và giao cho Chính phủ quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép và hồ sơ xin cấp giấy phép.
Như vậy, với quy định này, không phải bất cứ đối tượng nào cũng được cấp phép kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm mà phải có đủ các điều kiện cần thiết và bắt buộc.
Mặt khác, nhằm quản lý chặt chẽ các xuất bản phẩm nhập khẩu vào VN - điều mà bạn quan tâm, lo ngại - tại Điều 39 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản quy định: Trước khi nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu phải đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu với Bộ TT-TT và phải được Bộ TT-TT xác nhận bằng văn bản. Trường hợp phát hiện xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật VN, Bộ TT-TT có quyền yêu cầu thẩm định nội dung xuất bản phẩm đó trước khi xác nhận đăng ký hoặc khước từ xác nhận đăng ký nhập khẩu đối với xuất bản phẩm đó. Ngoài ra, Điều 44 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý tuỳ theo mức độ, từ xử phạt hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trần Đăng Thành-TP Thanh Hóa: Thực tế hiện nay, sau khi Tập đoàn BCVT Việt Nam triển khai thực hiện phương án chia tách BCVT trên địa bàn tỉnh, việc Viễn thông “xí” chỗ đẹp của Bưu chính đối với tỉnh Quảng Ngãi(Đăng Trên báo Công an nhân dân số ra ngày 29/07/2008 ) bộ trưởng có biết không? Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước Bộ đã có những chỉ đạo gì đối với tập đoàn BCVT Việt Nam khi Viễn thông các tỉnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các chủ trương của Tập đoàn BCVT Việt Nam trong việc hỗ trợ Bưu chính giai đoạn đầu mới chia tách BCVT.?
Trả lời:
Khi thực hiện chia tách giữa bưu chính và viễn thông theo; chủ trương của Bộ là phải ưu tiên bàn giao địa điểm, mặt bằng kinh doanh thuận lợi cho Bưu chính Việt Nam để hình thành mạng bưu chính công cộng, thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ bưu chính, có sự hỗ trợ cho lĩnh vực kinh doanh bưu chính còn nhiều khó khăn. Chủ trương này đã được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo tại các cuộc họp với Lãnh đạo Tổng công ty Bưu chính Việt Nam và Lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Tôi cũng được biết, Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng đã có chủ trương như vậy và đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại các địa phương thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên, thực tế chia tách, bàn giao tài sản giữa bưu chính và viễn thông ở các địa phương đã có những nơi không thực hiện đúng chủ trương trên, đang gây bất bình, bức xúc trong dư luận và cán bộ viên chức Bưu chính Việt Nam. Qua theo dõi, Bộ TT-TT cũng đã biết có những ý kiến về tình hình này.
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước Bộ, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam báo cáo tình hình và kết quả chia tách; đồng thời sẽ có khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện việc chia tách giữa bưu chính, viễn thông. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ chỉ đạo Hội đồng quản trị Tập đoàn có biện pháp điều chỉnh những bất hợp lý đã xảy ra trong quá trình chia tách, đảm bảo có sự hỗ trợ cần thiết cho Bưu chính giai đoạn đầu mới chia tách bưu chính viễn thông.
Nguyễn Lưu Chung-Thái Hà - Đống Đa - Hà Nội: Tôi xin được hỏi về các quy định quản lý nội dung, ứng dụng Internet vào thương mại quốc tế. Các thông tin trên Internet có rất nhiều nên để đạt được hiệu quả trong công việc và kinh doanh thì thông tin phải thực sự có giá trị, vậy tôi cũng mong được biết sự quản lý và khuyến khích trong việc sử dụng và ứng dụng các công nghệ Internet, góp phần phát triển CNTT và Internet. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Để ứng dụng Internet vào việc tham gia thương mại quốc tế, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý cho thương mại điện tử như Luật Giao dịch điện tử (Số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005); Nghị định quy định chi tiết về chữ ký số và chứng thư số, việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số (Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007); Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007), Nghị định về Thương mại điện tử (Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006), mới đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư hướng dẫn nghị định Thương mại điện tử về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử quy định rất chi tiết về thương mại điện tử (Thông tư số 09/2008/TT-BTC ngày 21/7/2008).
Thực hiện quản lý và khuyến khích sử dụng và ứng dụng CNTT, phát triển CNTT và Internet, Luật CNTT (được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006, Số 67/2006/QH11) đã nêu rõ chính sách của Nhà nước luôn khuyến khích ứng dụng và phát triển ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ công... để phục vụ người dân và DN. Do đó, một loạt các chương trình nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT cho người dân đã được triển khai với các mục tiêu như: phát triển hạ tầng CNTT tới tất cả các địa phương, phát triển hệ thống các điểm Bưu điện văn hoá xã và các điểm truy cập Internet công cộng; đào tạo nguồn nhân lực, phổ cập các kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính và Internet trong nhà trường, cho thanh thiếu niên và cho người dân; đẩy mạnh xây dựng các dịch vụ hành chính công trực tuyến nhằm phục vụ người dân tốt hơn, thông qua đó nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của CNTT và kích thích người dân khai thác, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh xây dựng các dịch vụ hành chính công trực tuyến nhằm phục vụ người dân tốt hơn, thông qua đó nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của CNTT và kích thích người dân khai thác, ứng dụng CNTT.
Nguyễn Thượng Hải-Thành Phố Hà Tĩnh: Kính gửi Bộ trưởng Lê Doãn Hợp Tôi được biết trong thời gian ngành thông tin - truyền thông của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, nhưng vấn đề đặt ra là ở chỗ các thành tựu ngành CNTT - TT chủ yếu phục vụ cho bộ phận dân cư thành thị, trong lúc đói dân số Việt Nam chiếm 70% là sinh sống ở các vùng nông thôn, núi cao, rừng sâu hải đảo xa vậy Bộ TT-TT đã có định hướng gì để phát triển hệ thống thông tin - truyền thông đạt được yêu cầu như thành thị lúc này. Vấn đề tôi đề cập không chỉ ở công nghệ mà còn ở cả chi phí, và thời gian để thực hiện (Internet, thoại, truyền hình...). Kính chúc bộ trưởng mạnh khoẻ, lãnh đạo tốt Xin cảm ơn.
Trả lời:
Trước hết, tôi xin khẳng định các thành tựu về thông tin và truyền thông mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua không phải chỉ chủ yếu phục vụ cho bộ phận dân cư thành thị như bạn đã nêu. Thông tin và truyền thông trong những năm qua đã phát triển nhanh chóng và góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ cho nhân dân cả ở khu vực thành thị và các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, do có sự chênh lệch về phát triển kinh tế, xẫ hội giữa các vùng nên vẫn còn có sự chênh lệch về mức độ sử dụng các dịch vụ thông tin và truyền thông giữa khu vực đô thị và vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách đó, Chính phủ đã thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và giao cho Bộ TT-TT chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động của Quỹ nhằm đẩy nhanh việc phổ cập các dịch vụ viễn thông và Internet đến mọi người dân trên cả nước, trong đó tập trung phát triển phổ cập dịch vụ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet giữa các vùng, miền, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Du Long-08 Núi một Nha Trang, Khánh Hoà: Thưa ông Bộ Trưởng, Trong việc tính giá chi phí dịch vụ Internet hiện nay, có cần thiết lập một cơ quan giám định khi khách hàng khiếu nại về tốc độ đường truyền không đúng như mức tính giá của gói cước đó không? Thực tế hiện nay chúng tôi chỉ truy cập được Internet với tốc độ 1/3 của gói cước ký Hợp đồng thuê bao, tức là thực ra chỉ cần trả tiền theo gói cước thấp dưới 2 bậc theo tiêu chuẩn.
Trả lời:
Liên quan đến việc quản lý nhà nước đối với chất lượng dịch vụ dịch vụ Internet hiện nay Bộ TT-TT căn cứ theo Nghị định sô 55/2001/NĐ-CP; Quyết định số 33/2006/QĐ-BBCVT và Tiêu chuẩn Ngành TCN68-227: 2006. Theo các văn bản nói trên nếu DN cung cấp dịch vụ dưới mức chất lượng đã công bố sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Hiện nay Bộ TT-TT đã có Cục quản lý chất lượng CNTT và truyền thông là cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành về chất lượng. Thực tế, trong nhiều năm, Cơ quan này đã tiến hành đánh giá chất lượng dịch vụ Internet theo các bài đo được quy định trong Tiêu chuẩn ngành. Trong quá trình đánh giá chất lượng, các DN cung cấp dịch vụ Internet vi phạm về chất lượng đã bị xử phạt theo đúng quy định.
Hong Thai-: Thưa Bộ trưởng Việc in và phát hành báo chí hàng ngày của nước ta còn gặp khó khăn vì những yếu tố chủ quan và khách quan, chúng ta có giải pháp gì để có thể in và đưa báo chí kịp thời đến tay bạn đọc nhanh nhất, đặc biệt là các tờ báo hàng ngày?
Trả lời:
Đối với việc in và phát hành báo chí công ích: Trong những năm gần đây, ngành Bưu chính Viễn thông (nay là ngành Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan xây dựng và đưa vào sử dụng 8 điểm truyền in báo Nhân dân trên toàn quốc (Hà Nội, Nghệ An, Cần Thơ, Bình Định, Điện Biên, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đắk Lắk) rút ngắn quy trình, thời gian chuyển phát báo Nhân dân trên toàn mạng.
Tuy nhiên, đúng như nhận định của ông, việc in và phát hành báo chí hàng ngày nói chung của nước ta còn gặp nhiều khó khăn vì một số lý do chủ quan và khách quan. Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng chuyển phát báo chí công ích nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, đưa báo chí kịp thời đến tay bạn đọc nhanh nhất, Bộ TT-TT đã đề ra một số giải pháp sau:
- Về phía Nhà nước: Bộ đang xem xét, nghiên cứu nhằm đề xuất với Chính phủ giao cho một DN thực hiện việc phát hành các loại báo chí mang tính công ích để tập trung lưu lượng, giảm chi phí vì hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia phát hành báo chí và chủ yếu tập trung ở những địa bàn thuận lợi, những địa bàn khó khăn khó khăn thì do Tổng công ty Bưu chính Việt Nam đảm nhiệm; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, trong đó có dịch vụ phát hành báo chí công ích.
- Về phía DN: Bộ đã và đang chỉ đạo Tổng công ty Bưu chính Việt Nam đẩy mạnh đổi mới tổ chức; hợp lý hóa, tối ưu hóa quy trình khai thác theo hướng có hiệu quả; tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian chuyển phát; quan tâm đến thu nhập và đời sống của người lao động, đặc biệt là phát xã, thuê phát xã nhằm tăng mức thu nhập hợp lý, bảo đảm đời sống để người lao động yên tâm công tác, phát huy trách nhiệm; bảo đảm chất lượng dịch vụ bưu chính công ích do Nhà nước ban hành.
Trương Hoàng Điệp-: Thưa Bộ trưởng, hiện nay Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đi tiên phong trong vấn đề công khai tuyển chọn nhân sự cao cấp. Vậy, khi nào thì Bộ TT-TT sẽ có đợt tuyển dụng như thế ?
Trả lời:
“Nhân sự cao cấp” được đề cập ở đây là các chức vụ Lãnh đạo Bộ (Thứ trưởng). Hiện nay, Bộ TT-TT chưa có nhu cầu đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các chức danh này.
ThuanND-35 Ngô Quyền, Hà Nội: Khi nói đến CNTT và truyền thông, phần lớn chúng ta chỉ tập trung vào TP lớn và đô thị, vậy Bộ có kế hoạch gì đểmở rộng CNTT và TT đến nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nơi người dân đang thiếu thông tin trầm trọng? Tại sao Bộ không làm thí điểm ở một vài địa phương (nông thôn và/hoặc vùng sâu vùng xa) để dần nhân rộng hiệu quả của CNTT và TT?
Trả lời:
Rất cảm ơn những nhận xét và góp ý của bạn về tình hình phát triển CNTT-TT hiện nay. Nhận thức được khoảng cách số sẽ ngày càng gia tăng giữa khu vực thành thị và nông thôn, từ năm 2006, Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây và Bộ TT-TT hiện nay đã ban hành các quyết định và thông tư liên quan đến các dịch vụ viễn thông công ích, chương trình cung cấp các dịch vụ này đến năm 2010 và nhất là việc thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Các quyết định và thông tư này quy định các dịch vụ truyền thông thiết yếu cung cấp cho người dân, chương trình và danh sách các vùng miền trong diện được nhận hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích để phát triển các dịch vụ này. Hơn thế nữa, trong chương trình cung cấp Internet cho cộng đồng nông thôn, từ năm 2007, Bộ TT-TT triển khai dự án “Phát triển Internet phục vụ cộng đồng nông thôn” tại Tỉnh Hòa Bình. Đây là mô hình mẫu về xây dựng hạ tầng truyền thông và cung cấp dịch vụ công, dịch vụ gia tăng trên môi trường Internet cho cộng đồng nông thôn.
Qua đó, Bộ sẽ hướng dẫn và phối hợp với các địa phương khác trên cả nước triển khai nhân rộng góp phần cung cấp thông tin và các dịch vụ truyền thông cho cộng đồng nông thôn một cách nhanh chóng và hiệu quả, thúc đẩy quá trình xây dựng và đưa Chính phủ điện tử đến gần hơn với người dân.
Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng đang chủ trì các chương trình hỗ trợ khác như chương trình máy tính giá rẻ, chính sách giá cước ưu đãi cho người dân nông thôn…
Nguyễn Tiến Lẫm-: Hiện nay Việt Nam đã có vệ tinh của mình, vậy xin Bộ Trưởng cho biết Bộ có kế hoạch gì để ứng dụng các dịch vụ của VINASAT-1 ở những nơi miền núi núi: Như truyền hình cáp, Internet... vì hiện tại các tỉnh miền núi về cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông rất kém, mưa bão hay bị xạt nở đất đã làm tác đường, hỏng các đường dây cáp thông tin. TRAN MANH CUONG--manhcuong_cto@yahoo.com.vn: ve tinh VI NA SAT duoc su dung nhu the nao trong viec phat trien TT-TT den vung sau vung xa ?
Trả lời:
Mỗi vệ tinh khi được thiết kế ra đều có tính đến điều kiện địa hình lãnh thổ của mỗi nước. Mà điều kiện địa hình của Việt Nam lại tương đối phức tạp, trải dài với nhiều vùng biên giới miền núi hải đảo, nên các phương thức truyền dẫn thông thường như cáp quang, cáp đồng, viba … thường không đáp ứng được nhu cầu sử dụng hoặc khó triển khai. Nhưng với vệ tinh thì lại khác, chúng ta có thể dễ dàng đưa thông tin liên lạc tới những vùng miền kể trên. Qua đó góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng. Vệ tinh VINASAT-1 có vùng phủ sóng rộng khắp toàn quốc nên có thể phổ cập dịch vụ trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa.
Đài truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị lớn đầu tiên ký kết hợp đồng sử dụng dung lượng vệ tinh VINASAT-1 1 để phủ sóng truyền hình trên toàn quốc. Hiện VTV đã tiến hành thu phát 4 kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV4 duy nhất qua đường truyền của VINASAT-1 1. Khi nhận được tín hiệu của VTV, các kênh truyền hình có thể được phân phối lại bằng cáp hay sóng vô tuyến tại nơi cung cấp. Ngoài phát hình quảng bá, VINASAT-1 còn có thể cung cấp các dịch vụ cho các vùng xa xôi, hẻo lánh như: điện thoại ở các vùng xa vùng sâu, các dịch vụ mạng VSAT có khả năng cung cấp dịch vụ thoại và truyền số liệu cho giới DN và chính phủ và cộng đồng dân cư, dịch vụ truy nhập Internet ở các vùng xa xôi (hai chiều), Internet một chiều, Dịch vụ hội nghị qua truyền hình, Phát hình di động, Kênh thuê riêng....Các DN di động còn có thể sử dụng VINASAT-1 làm trung kế cho mạng di động để phủ sóng các vùng rừng núi, hải đảo...
Như vậy là vệ tinh VINASAT-1 sẽ hoàn thiện và hiện đại hoá mạng viễn thông, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ tại những vùng sâu, vùng xa.
Trần Thị Vân Anh -An Giang: Là một DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát, chúng tôi có thể phát hành tem để phục vụ cho việc kinh doanh của DN có được không?
Trả lời:
Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ TT-TT là cơ quan duy nhất được quyền phát hành tem bưu chính mang dòng chữ “Việt Nam”, đồng thời là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tem bưu chính.
Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Bưu chính Việt Nam) là DN bưu chính duy nhất được Bộ TT-TT giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất, cung ứng và kinh doanh tem bưu chính trên mạng bưu chính công cộng.
Các DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát có thể in tem để thể hiện cước phí đã thu ở khách hàng theo đúng các quy định của Pháp luật ViệtNam. Tem này là một loại hóa đơn để thanh toán cước dịch vụ chuyển phát, không phải là tem bưu chính và trên tem không được in chữ “Bưu chính” và chữ "Việt Nam" .
Duc Minh-HN: Xin chào Bộ Trưởng và Ban lãnh đạo Bộ TT-TT. Nghe nói vừa rồi có quyết định chuyển một số đơn vị sự nghiệp từ VNPT về trực thuộc Bộ. Xin Bộ trưởng cho biết tình hình đến nay thế nào rồi? Có chuyển hay không? Được biết là đã quá hạn 1/7/2008 để thực hiện quyết định của Thủ Tướng CP?
Trả lời:
Theo Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 10/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ TT-TT, Học viện CNBCVT là đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn BCVT VN được chuyển về Bộ quản lý trước ngày 01/7/2008. Tuy nhiên Tập đoàn BCVTVN đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Học viện tiếp tục trực thuộc Tập đoàn nên hiện nay Bộ TT-TT đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 17/6/2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 755/QTTg về việc chuyển Báo điện tử VietNamNet về trực thuộc Bộ. Thời hạn bàn giao trước ngày 20/6/2008. Đến nay công tác bàn giao đã hoàn tất.
Tran Thu Ha-Hà Nội: Nhằm góp phần triển khai Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngành Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai kế hoạch xây dựng điểm Bưu điển – Văn hoá trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm 1998. Để phát huy vai trò, tác dụng của điểm Bưu điện – Văn hóa, xin Bộ trưởng cho biết định hướng của Bộ trong việc phát triển điểm Bưu điện – Văn hóa xã trong thời gian tới?
Trả lời:
Tiếp tục góp phần triển khai Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thiết thực góp phần triển khai Nghị quyết TW7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bộ TT-TT tiếp tục chỉ đạo nhằm phát triển và hoàn thiện điểm Bưu điện – Văn hoá xã, cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông, đồng thời phục vụ tốt cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Điểm Bưu điện – Văn hóa xã với ý nghĩa là một điểm phục vụ bưu chính, viễn thông kết hợp với một số hoạt động văn hóa lấy mục đích và trách nhiệm chính là phục vụ nhân dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, đồng thời là cánh tay nối dài của ngành thông tin và truyền thông với người dân và cơ sở, Bộ TT-TT có một số định hướng nhằm củng cố và phát huy vai trò của điểm Bưu điện – Văn hóa xã trong thời gian tới:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về đường lối, cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng điểm Bưu điện - Văn hóa xã của Ðảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân đối với tầm quan trọng của điểm Bưu điện - Văn hóa xã; tăng cường sự phối hợp giữa ngành thông tin và truyền thông với ngành văn hóa, thể thao, du lịch và các đơn vị liên quan trong việc triển khai hoạt động của các điểm Bưu điện - Văn hóa xã; Bộ TT-TT coi việc xây dựng điểm Bưu điện - Văn hóa xã là trách nhiệm của ngành, của Bộ với các địa phương.
Hai là, rà soát, bổ sung, sửa đổi một số văn bản hiện hành, có chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là internet băng rộng, chế độ đãi ngộ cho người làm công tác tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã; xây dựng chính sách cụ thể nhằm đa dạng hóa các loại hình hoạt động, nhất là thông tin kịp thời về giá cả các loại nông sản để người nông dân biết nhằm tổ chức kinh doanh có hiệu quả.
Ba là, Bộ TT-TT sẽ chỉ đạo Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam duy trì, nâng cấp các công trình điểm Bưu điện - Văn hóa xã, tiếp tục bổ sung các hạng mục đầu tư thiết bị còn thiếu, hoàn thiện cơ chế quản lý, quy chế tổ chức và hoạt động, chức năng kinh doanh các dịch vụ để nâng cao hiệu quả của điểm Bưu điện - Văn hóa xã, hỗ trợ ngày càng nhiều cho các hoạt động văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực để có đội ngũ cán bộ công nhân viên sử dụng thành thạo các thiết bị được đầu tư.
Bốn là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, đồng thời chú trọng đến các trang thiết bị cần thiết, nhằm phổ biến kiến thức về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Năm là, triển khai các hoạt động xã hội hóa trong việc tổ chức hoạt động điểm Bưu điện - Văn hóa xã, huy động và đa dạng hóa các loại hình đóng góp trong và ngoài ngành thông tin và truyền thông để tạo thêm cơ sở vật chất, tài trợ chi phí cho các tổ chức, miễn giảm các chi phí dịch vụ cho nông dân khai thác sử dụng; chú ý đến nội dung hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã, sao cho phong phú sinh động bổ ích, thiết thực, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
Sáu là, tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong việc huy động các nguồn lực, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như công tác quản lý của hệ thống điểm Bưu điện - Văn hóa xã.
Bảy là, có chính sách khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đi đầu trong công tác xây dựng điểm Bưu điện - Văn hóa xã; hàng năm tiến hành bình xét các tập thể, cá nhân hoạt động tốt trong lĩnh vực xây dựng điểm Bưu điện - Văn hóa xã để khen thưởng và nhân rộng những mô hình tốt cho cả nước học tập.
Nguyễn Văn Hiển-Hà Nam: Tôi xin có được một câu hỏi mong được sự trả lời của Bộ Trưởng. Trong thời gian qua Bộ đã giúp hầu hết các địa phương trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Bưu chính, viễn thông, CNTT và truyền thông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Do là quy hoạch mang tính chất tổng thể, mang tính chất định hướng và chiến lược; các mục tiêu vẫn còn chung, chưa được chi tiết hóa, cụ thể hóa theo từng giai đoạn. Vậy sau khi có quy hoạch tổng thể này rồi Bộ sẽ có chủ trương gì trong việc giúp các địa phương trong việc xây dựng quy hoạch ICT chi tiết, xây dựng các kế hoạch dài hạn hay chưa?
Trả lời:
Sau khi quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, các địa phương có thể xây dựng Quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực và triển khai xây dựng Kế hoạch (5 năm và hàng năm) về phát triển CNTT và TT của địa phương mình trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc thành phố) phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.
Để hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch Bộ TT-TT đã giao nhiệm vụ cho Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (là đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc Bộ TT-TT, thực hiện chức năng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thông tin và truyền thông) sẽ phối hợp và hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ này.
Hoàng Văn Chính-: Sách chưa đến được nhiều với vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, nguyên nhân có nhiều nhưng có một phần là do chưa có cơ quan nào được giao làm việc này. Bộ trưởng có kế hoạch gì để nâng cấp hệ thống PHS cấp huyện?
Trả lời:
Hiện nay Nhà nước có một số chương trình tài trợ, hỗ trợ cho việc đưa sách đến đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo vùng gặp nhiều khó khăn như: chương trình chuyển giao sách tài trợ theo Quyết định số 21/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Dự án “Cấp sách cho các Thư viện huyện miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa” theo Chương trình tài trợ mục tiêu Quốc gia về văn hóa của Thủ tướng Chính phủ, chương trình trợ cước vận chuyển sách và văn hóa phẩm lên miền núi , chương trình cung cấp sách cho 8.000 Bưu điện Văn hóa xã trên toàn quốc… Các chương trình trên đã bước đầu phát huy được hiệu quả, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về sách và văn hóa phẩm của đồng bào dân tộc vùng vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
- Trong thời gian tới Bộ TT-TT sẽ xây dựng đề án “ Xây dựng, nâng cấp mạng lưới phát hành sách tại địa bàn ưu tên đầu tư của Nhà nước” theo mục 2 Điều 3 Nghị định 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, để đề nghị Chính phủ phê duyệt kinh phí đầu tư mạng lưới PHS các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó Bộ cũng sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường cho tủ sách của hệ thống Bưu điện Văn hóa xã và thư viện luân chuyển xã trên các địa phương của cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về sách cho đồng bào các dân tộc tại các địa bàn ưu tiên của Nhà nước.
Một DN-Hà Nôi: Giá cước các dịch vụ bưu chính như thư thường, bưu phẩm, bưu kiện v.v... áp dụng từ năm 1999 đến nay, trong khi các chi phí đầu vào tăng mạnh như giá xăng, dầu, lương, thực phẩm v.v... Sắp tới Bộ TT-TT có chính sách điều chỉnh giá cước bưu chính như thế nào để phù hợp với giá đầu vào?
Trả lời:
Quyết định số 39/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007 của Thủ tuớng Chính phủ về cơ chế quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông thể hiện rõ cơ chế, chính sách quản lý giá cước dịch vụ bưu chính của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước quy định giá cước dịch vụ thư thường trong nước đến 20g, giá cước dịch vụ bưu chính công ích, khung giá cước dịch vụ bưu chính dành riêng. Giá cước các dịch vụ bưu chính khác do DN chủ động quy định.
Như vậy, đối với dịch vụ thư (là dịch vụ được dự kiến quy định là dịch vụ bưu chính công ích), Bộ đã có đề xuất với Chính phủ (trong Đề án cung ứng dịch vụ bưu chính công ích) về lộ trình điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính công ích trong thời gian tới để giá cước tiến tới bù đắp được chi phí cung ứng dịch vụ. Đối với các dịch vụ khác, DN cung ứng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là Bưu chính Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, linh hoạt quyết định giá cước dịch vụ để đảm bảo hiệu quả kinh tế của dịch vụ, phù hợp với tình hình biến động về giá cả của một số yếu tố đầu vào.
nguyễn văn an-hanoi: Xin bộ trưởng cho biết xây dựng dự án liên quan đến phần mềm thì dựa vào định mức theo quyết định nào của bộ như buổi trực tuyến trước đây thứ trưởng Hồng đã hứa
Trả lời:
Dự án phát triển phần mềm (PM) thuộc dạng không có xây dựng công trình, theo qui định hiện hành phải thực hiện lập dự án theo qui định tại Nghị định: 52/1999/NĐ-CP, 12/2000/NĐ-CP, 07/2003/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT số: 06/1999/TT-BKH ngày 24/11/2000, 07/2000/TT-BKH ngày 03/7/2000, 11/2000/TT-BKH ngày 11/9/2000, 04/2003/TT-BKH ngày 17/6/2003;
Từ 23/12/2005, Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây đã có Văn bản số 2599/BBCVT-KHTC v/v áp dụng định mức chuyên ngành gửi các Sở Bưu chính Viễn thông cả nước thí điểm áp dụng phương pháp tính giá trị sản phẩm phần mềm là kết quả nghiên cứu vận dụng phương pháp Use case point vào điều kiện hoàn cảnh Việt Nam.
Bộ TT-TT đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn NSNN, hiện đang gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân (website Chính phủ), dự kiến trình Chính phủ vào cuối tháng 8 này. Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành, Bộ TT-TT sẽ có Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp xác định giá trị PM. Cục ứng dụng CNTT là đơn vị được Bộ TT-TT giao dự thảo Thông tư này.
Nguyễn Mỹ-: Thưa Bộ trưởng! Bộ trưởng cho biết Chiến lược phát triển Thông tin và Truyền thông nói chung, phát triển sự nghiệp xuất bản nói riêng từ nay đến năm 2020 sẽ như thế nào ??? Cụ thể hơn, Xuất bản-In-Phát hành sẽ phát triển, lớn mạnh và ảnh hướng tới xã hội như thế nào? và liệu rằng lúc đó nước ta có Nhà xuất bản tư nhân hay không?
Trả lời: Chiến lược phát triển ngành xuất bản, in, phát hành của Việt Nam đến năm 2020 phải đạt được những mục tiêu sau:
- Xây dựng một nền xuất bản độc lập, tự chủ, phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước.
- Cơ cấu đề tài sách cân đối và hợp lý, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đáo ứng nhu cầu độc ngày càng cao của nhân dân.
- Phấn đấu đến năm 2020 đưa trình độ công nghệ xuất bản sách của Việt Nam đạt loại khá so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Còn về việc đến năm 2020 có NXB tư nhân hay không thì hiện nay, nước ta đã có trên 50 nhà xuất bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, đồng thời, Luật Xuất bản cũng đã cho phép tư nhân được liên kết xuất bản với các NXB. Vì vậy, đến năm 2020, tuỳ theo sự phát triển của xã hội, trình độ dân trí và nhu cầu của người dân đối với xuất bản phẩm thì Bộ TT-TT sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét mở rộng đối tượng được thành lập NXB.
cán bộ Sở TT-TT-: Chào Bộ trưởng! Đầu tiên xin gửi đến Bộ trưởng (BT) lời chúc sức khỏe và chúc ngành TT-TT ngày một phát triển bền vững... Nhân ngày giao lưu trực tuyến, xin gửi đến BT một số ý kiến như sau: 1. Sở TT-TT rất tâm đắc với các chiến lược phát triển ngành mà Bộ đã ban hành. Nhưng vấn đề còn vướn ở địa phương là cách thực hiện và nhân lực để thực hiện. Lâu nay các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều cán bộ Sở TT-TT ra đi vì mưu sinh, những người ra đi toàn là cán bộ có trình độ nghiệp vụ vững vàng. Điều này làm khó khăn cho nhiều địa phương. Đây cũng là bài toán của nhiều bộ ngành, địa phương trong cả nước. Bộ ta đã có nhiều chiến lược về chuyên ngành, thế có chiến lược gì về nguồn nhân lực chuyên ngành hay không? Nếu chỉ dừng lại ở tập huấn,.. thì chẳng ăn thua gì. Khoản cách thu nhập giữa DN VT-CNTT và Sở ngày càng lớn. Đó là một áp lực vậy Bộ có chính sách gì để các địa phương có thể hưởng thụ nhằm giữ chân cán bộ hay không? 2. Năm ngoái Bộ đã ban hành các biễu mẫu báo cáo về BCVT-CNTT vậy năm nay có chỉnh sửa gì không? Một số yêu cầu trong biểu mẫu vừa thiếu, vừa thừa, giống như Bộ làm cho có để đối phó. Bộ có kế hoạch gì không. Luật Viễn thông sao vẫn chưa có động tĩnh gì, việc DN báo cáo về SỞ rất không nghiêm túc Bộ có chỉ đạo về chế tài gì xử lý hay không? Từ lý do đó mà số liệu báo cáo về Bộ có lẽ rất rất không chính xác. 3. Xăng đã tăng, BT có dự báo gì về biến động giá đối với ngành BCVT-CNTT.
Trả lời:
Cám ơn bạn đã quan tâm. Trước khi trả lời, tôi xin trao đổi: có lẽ bạn đã hiểu nhầm một chút, hiện Bộ đang chỉ đạo ứng dụng CNTT tại các Bộ, ngành, cơ quan quản lý để cải cách thủ tục hành chính, còn ứng dụng trong toàn ngành vẫn được chỉ đạo đồng đều.
Phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa là chính sách lớn của chính phủ mà ta đã triển khai nhiều năm. Đến năm 2005, 100% các xã ở vùng sâu, vùng xa đã có máy điện thoại. Nhưng mức độ phổ cập còn hạn chế, nên theo đề xuất của Bộ, chính phủ đã chấp thuận chương trình cung cấp phục vụ viễn thông công ích cho vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, nơi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, quỹ đã có khoảng gần 1000 tỷ đồng hỗ trợ vùng sâu, vùng xa có điện thoại, Internet và nay là Internet băng rộng.
Chúng ta sẽ đặc biệt quan tâm đến các điểm truy cập Internet, điểm điện thoại công cộng, đặc biệt tại các điểm bưu điện văn hóa xã để nhiều người có thể vào truy cập. Trong chương trình đến năm 2010, tất cả nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ được cấp Internet, điện thoại, phổ cập không còn vùng nào dưới 5 máy trên 100 dân.
Ngoài ra, về vấn đề bạn hỏi là phát triển nguồn nhân lực và chế độ ưu đãi, chúng tôi đã trả lời ở các phần trên, đề nghị bạn tham khảo. Tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm: đối với cán bộ quản lý ở Sở, Bộ vẫn tiếp tục có chương trình bồi dưỡng, đào tạo theo hệ thống giáo dục quốc dân, tạo điều kiện cho cán bộ, nếu họ có nhu cầu sẽ gửi đi đào tạo đại học, thạc sỹ nhưng phải theo đúng quy chế. Về đạo tào, quan trọng nhất là đào tạo cán bộ quản lý. Những người có chuyên môn được đưa lên làm quản lý nhưng chưa được học về quản lý. Bộ sẽ có kế hoạch đào tạo cho họ, bởi nếu không sẽ rất khó phát huy, và có thể bị mất một cán bộ chuyên môn giỏi nhưng lại được một cán bộ quản lý tồi. Bộ sẽ đào tạo theo nguyên tắc, đào tạo theo địa chỉ và trở về cống hiến theo địa chỉ. Chung quy lại, Bộ sẽ chịu trách nhiệm đào tạo, nhưng quy hoạch và cử đi đào tạo là địa phương phải lo.
Về ý bạn hỏi về biểu mẫu báo cáo. Bắt đầu từ năm 2007, Bộ đã ban hành biểu mẫu báo cáo thống kê. Đây là biểu mẫu để quản lý chuyên ngành của Bộ, và đã có trong các Sở. Nhưng Bộ cũng đã xem xét lại biểu mẫu để phù hợp hơn với thực tế, giãn ra và Bộ sẽ điều chỉnh thành form báo cáo trên mạng để nâng cao hiệu quả. Biểu mẫu đã lấy ý kiến đóng góp của 64 tỉnh thành.
Về vấn đề giá cả tăng, Bộ cũng như toàn ngành, xã hội đang thực hiện 8 giải pháp của chính phủ để giảm lạm phát. Ngành TT&TT cũng gặp khó khăn chẳng hạn như xăng dầu tăng, khiến hệ thống bưu chính cũng bị ảnh hưởng. Nhưng để thực hiện tốt chỉ đạo của chính phủ, Bộ đã chỉ đạo các hoạt động viễn thông, Internet phải tiết kiệm tối đa, tận dụng hiệu quả, năng lực khoa học để không tăng giá. Thực tế, giá nhiều mặt hàng tăng nhưng giá viễn thông, Internet không tăng.
Hồ Hải Hà-Hà Nội: Theo như tôi biết, hiện nay Bộ TT-TT đã cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư cho 9 DN, trong khi đó hiện có khoảng 200 DN đang kinh doanh dịch vụ này trên toàn quốc. Vậy Bộ TT-TT xử lý những DN không có phép ra sao? Có phải Bộ TT-TT không kiểm soát được hết tình hình kinh doanh dịch vụ này? Tình trạng mất công bằng này sẽ kéo dài đến bao giờ?
Trả lời:
Nghị định số 128/2007/NĐ-CP về dịch vụ chuyển phát điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát của mọi DN trên thị trường, trong đó việc kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư chỉ được thực hiện khi có Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian qua, chưa có nhiều DN được cấp giấy phép. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Bộ chỉ cấp phép cho các DN mà Bộ kiểm soát được. Nâng cao sự hiểu biết và ý thức pháp luật cho các DN, theo tôi, mới là điều quan trọng mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm. Sau khi Nghị định nêu trên được ban hành, Bộ TT-TT và các Sở đã tăng cường việc hướng dẫn, tuyên truyền để các DN nắm rõ, tuân thủ pháp luật và khuyến khích các DN chủ động lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định. Đã có nhiều DN tìm hiểu về các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chứng tỏ ý thức pháp luật của các DN đã được cải thiện. Hiện nay, đã có gần 20 DN nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư hoặc thông báo việc kinh doanh dịch vụ chuyển phát theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ và các Sở cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về bưu chính chuyển phát. Bộ TT-TT và các Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai thanh tra diện rộng dịch vụ bưu chính chuyển phát và các đại lý bưu điện. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bưu chính, chuyển phát (đặc biệt là các vi phạm về điều kiện kinh doanh) đều bị xử lý theo Nghị định số 142/2002/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông.
Tem cũ-Triệu Việt Vương, Hà Nội: Xin hỏi Bộ trưởng: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế Bộ TT-TT có những chủ trương, định hướng gì để tem bưu chính Việt Nam hội nhập thành công, sánh vai cùng với tem bưu chính của các nước trong khu vực và trên thế giới? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Xin cảm ơn bạn, tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: Để tem bưu chính Việt Nam hội nhập thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ TT-TT đã đề ra một số chủ trương và định hướng sau:
Một là, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực tem bưu chính, tăng cường công tác kinh doanh tem bưu chính và thúc đẩy phong trào sưu tập tem.
Hai là, đầu tư nâng cao chất lượng tem bưu chính, trong đó chú trọng việc xã hội hóa việc đề xuất chương trình đề tài tem phát hành, công tác thiết kế mẫu tem.
Ba là, đa dạng hóa các sản phẩm tem bưu chính, đầu tư, sản xuất, giới thiệu các mặt tem bưu chính mới phục vụ cho mọi đối tượng trong và ngoài nước.
Bốn là, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tem bưu chính, mạnh dạn hợp đồng in tem ở nước ngoài; hợp tác phát hành tem chung với các nước, vùng lãnh thổ; tham gia triển lãm tem quốc tế trên thế giới và khu vực; trao đổi học hỏi kinh nghiệm.
Năm là, đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ những người làm tem bưu chính
Hà Văn Thái-Hà Giang: Hiện nay việc triển khai và phổ cập dịch vụ bưu chính gặp nhiều khó khăn đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đối với viễn thông đã có Quỹ dịch vụ viễn thông công ích còn bưu chính thì Bộ có cơ chế, hình thức nào để hỗ trợ không? Nếu có Quỹ dịch vụ bưu chính công ích thì khi nào triển khai và dựa vào tiêu chí nào để xét duyệt vùng được thụ hưởng dịch vụ bưu chính công ích.
Trả lời:
Nhà nước chưa có chủ trương thành lập Quỹ dịch vụ bưu chính công ích. Trong thời gian tới Nhà nước sẽ hỗ trợ DN bưu chính được đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích chủ yếu bằng hai hình thức là trợ cấp trực tiếp và quy định dịch vụ bưu chính dành riêng.
Do đặc thù hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính khó phân biệt được vùng hưởng thụ dịch vụ (nếu có phân biệt thì cũng rất tốn kém về chi phí quản lý), do đó Bộ TT-TT chưa có chủ trương phân biệt vùng được cung ứng dịch vụ bưu chính công ích mà Nhà nước chỉ qui định phạm vi dịch vụ, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật dịch vụ bưu chính công ích. Mọi tổ chức và người dân, không phân biệt vùng, miền đều được hưởng thụ dịch vụ bưu chính công ích mà Nhà nước đã công bố.
Thế Lâm-: Là một phần không thể tách rời của dịch vụ bưu chính, tem bưu chính đã ra đời và phát triển cùng với các dịch vụ bưu chính, Bộ TT-TT có những chủ trương gì để phát triển tem bưu chính Việt Nam trong thời gian tới nhằm đưa doanh thu tem bưu chính lên một tỷ lệ xứng đáng trong tổng doanh thu của bưu chính, coi đây như một phần bù đắp cho các dịch vụ bưu chính công ích.
Trả lời:
Để phát triển tem bưu chính trong thời gian tới, Bộ TT-TT đã đề ra một số chủ trương và định hướng sau:
Một là, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực tem bưu chính, tăng cường công tác kinh doanh tem bưu chính và thúc đẩy phong trào sưu tập tem trong nước.
Hai là, đầu tư nâng cao chất lượng tem bưu chính, trong đó chú trọng việc xã hội hóa việc đề xuất chương trình đề tài tem phát hành, công tác thiết kế mẫu tem và công tác in tem.
Ba là, đa dạng hóa các sản phẩm tem bưu chính; đầu tư, sản xuất, giới thiệu các mặt tem bưu chính mới phục vụ cho mọi đối tượng trong và ngoài nước.
Bốn là, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tem bưu chính, mạnh dạn hợp đồng in tem ở nước ngoài; hợp tác phát hành tem chung với các nước, vùng lãnh thổ nhằm mở rộng hợp tác kinh doanh, tranh thủ thị trường, công nghệ tiên tiến; tham gia triển lãm tem quốc tế trên thế giới và khu vực nhằm trao đổi học hỏi kinh nghiệm.
Năm là, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành, nâng cao năng lực của đội ngũ những người làm tem bưu chính.
Nguyễn Thị Bích Tâm-Đê La Thành: Xin bộ trưởng cho biết cơ cấu sách của Việt Nam đã phục vụ tốt nhu cầu người đọc hay chưa? Ngày xưa Trung Quốc có Tứ thư, Ngũ kinh, nay ta có nên đưa ra một chương trình sách quốc gia hay không?
Trả lời:
- Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hàng năm ngành xuất bản vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10% về số bản sách và 8-10% về số đầu sách với các thể loại đa dạng, phong phú. Có thể khẳng định rằng ngành xuất bản từ chỗ thiếu sách đã vươn lên trở thành một ngành xuất bản tự chủ, độc lập, cung cấp đủ sách cho nhu cầu sử dụng của xã hội và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài.
Để khẳng định cơ cấu sách đã phù hợp và phục vụ tốt nhu cầu của người đọc hay chưa sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ dân trí, địa bàn dân cư, nhu cầu sử dụng của từng lứa tuổi… Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác tiến hành điều tra xã hội học để có những đánh giá cụ thể.
- Mỗi quốc gia đều đặt ra mục tiêu xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước và bảo tồn, phát triển nền văn hoá của mình. Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ triển khai xây dựng chương trình sách quốc gia và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT-TT.
Mục tiêu của Chương trình sách quốc gia sẽ tập trung chọn lựa, xuất bản các tác phẩm có giá trị ở các lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên từ khi dựng nước đến ngày nay, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời sẽ chọn lựa những tác phẩm có giá trị của thế giới để xuất bản phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nguyen Ha Khoa-Dong Da Ha Noi: Thưa Bộ Trưởng Tôi muốn hỏi về chủ chương của nhà nước khi mà hiện nay có một sự bùng nổ các DN chủ lực của nhà nước cùng nhảy vào kinh doanh dịch vụ Viễn thông. Như vậy thì đâu là tiêu chí dành cho DN chủ lực đối với từng lĩnh vực. Quân đội, Công An, Dầu khí, Điện lực...cũng làm viễn thông! Liệu những DN khác cũng nhảy vào làm Điện lực, dầu khí có được không? Tôi thừa nhận là việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh của các DN sẽ tạo sự cạnh tranh, nhưng kiểu ò ạt kinh doanh sang lĩnh vực khác như hiện nay thì tôi nghĩ nên đổi lại tên các tập đoàn vì nó không phản ánh đúng bản chất.
Trả lời: Chủ trương của Đảng và Nhà nước là Giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ độc quyền và tạo môi trường thuận lợi cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường dịch vụ....
Quy định của Pháp luật hiện hành:
Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X thông qua ngày 25/5/2002 quy định: Thúc đẩy cạnh tranh về viễn thông trong đó Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Đối với lĩnh vực hạ tầng mạng viễn thông: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Bưu chính, Viễn thông (Nay là Bộ TT-TT) quy hoạch số lượng DN kinh doanh hạ tầng mạng viễn thông như hiện nay cho đến năm 2010. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của WTO, Nhà nước không được hạn chế số lượng DN mà phải do cơ chế thị trường tự điều tiết, trong đó nếu DN muốn tham gia thị trường và nếu còn đủ tài nguyên thông tin, DN có quyền tham gia. Điều này sẽ được thể hiện trong Luật Viễn thông sắp tới.
Đối với các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tập đoàn và tổ chức kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước, tập trung đầu tư vào ngành kinh doanh chính của họ và số vốn đầu tư phải không được thấp hơn 70% tổng đầu tư của họ. Các tập đoàn và tổ chức này chỉ được phép đầu tư vào các ngành kinh doanh khác khi mà các ngành khác này có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính.
Lê Quang Việt -Việt Trì: Trên cơ sở nhận thức về thời đại ngày nay, Bộ TT-TT đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu gì cho lĩnh vực bưu chính để hội nhập thành công và phát triển bền vững?
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Có thể nói, trong hoàn cảnh phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, việc nhận thức đúng đắn những đặc điểm của tình hình thế giới, những đặc điểm của đất nước và xu thế vận động của thế giới, tức là vần đề thời đại là rất quan trọng và cần thiết. Việc nhận thức này sẽ giúp cho chúng ta đề ra được các chiến lược, sách lược, hướng đi đúng đắn và phù hợp cho toàn ngành để hội nhập và phát triển bền vững.
Trên cơ sở nhận thức về vấn đề thời đại, Bộ TT-TT đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực bưu chính trong tình hình mới để hội nhập thành công và phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, cụ thể:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin về WTO, những cơ hội và thách thức, các cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực bưu chính; phổ biến những quy định hiện hành về lĩnh vực bưu chính của hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế; tạo sự nhận thức, hiểu biết đầy đủ và thống nhất cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong ngành, DN, hiệp hội ngành nghề và nhân dân nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực của mỗi cá nhân.
Hai là, khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế trong lĩnh vực bưu chính; rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bãi bỏ những văn bản đã hết hiệu lực, loại bỏ những quy định chồng chéo, sửa đổi những quy định không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ba là, đổi mới và nâng cao năng lực canh tranh của DN, bảo đảm yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý theo cơ chế thị trường, phát huy nội lực, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch giữa các DN.
Bốn là, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý của cơ quan Bộ TT-TT theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực bảo đảm sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, khắc phục sự chống chéo về chức năng, nhiệm vụ và kém hiệu quả trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.
Năm là, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ tốt, vững váng trong quản lý kinh tế, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Sáu là, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; quán triệt yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng trong quá trình xây dựng thể chế chính sách phát triển bưu chính.
Vũ Quốc Thành-P 401, 25 Bà Triệu: Thay mặt cho Hiệp hôi An toàn thông tin Việt nam (chỉ mới vừa thành lập cuối năm 2007) xin được hỏi Bộ trưởng về chiến lược phát triển ngành An toàn thông tin quốc gia và khả năng tham gia của Hiệp hội cùng với Bộ TT&TT trong lĩnh vực này như thế nào? Xin cảm ơn Bộ trưởng
Mô tả ảnh.
Trả lời:
I. Về chiến lược:
An toàn thông tin là một nhu cầu và yêu cầu rất lớn, rất quan trọng của mọi tổ chức, cá nhân sử dụng mạng máy tính và mạng Internet nhằm đảm bảo thông tin chính xác về nội dung, kịp thời, tin cậy về dịch vụ, phục vụ đúng đối tượng, bảo vệ thông tin và dịch vụ, bảo vệ các đối tượng cung cấp và sử dụng thông tin, ngăn chặn các hoạt động phá hoại và các sự cố có thể xảy ra. .v.v.
Nhiệm vụ của ngành đảm bảo an toàn thông tin của một quốc gia thường bao gồm 3 mục tiêu lớn:
1. Bảo vệ các kết cấu hạ tầng trọng yếu về CNTT của quốc gia
2. Đảm bảo phát triển ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước
3. Đảm bảo môi trường ứng dụng CNTT an toàn cho các hoạt động kinh tế, xã hội và cho cộng đồng
Trong điều kiện hiện nay của nước ta, chiến lược phát triển về an toàn thông tin trong những năm tới là hình thành tổ chức quản lý nhà nước và phát triển hệ thống đảm bảo an toàn thông tin cho không gian mạng quốc gia.
Với mục tiêu như vậy, chúng ta phải triển khai các bước hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực sau:
1. Cải thiện môi trường pháp lý bao gồm xây dựng, bổ sung sửa đổi các luật và văn bản dưới luật, các quy định liên quan đến an toàn thông tin, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy phạm kỹ thuật, ban hành các quy trình xử lý, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thông tin...
2. Thúc đẩy phát triển lực lượng, đảm bảo an toàn thông tin của Nhà nước và xã hội gồm xây dựng các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị và cơ cấu điều phối đảm bảo an toàn thông tin. Hỗ trợ, định hướng phát triển cho các doanh nghiêp, các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thông tin.
3. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn thông tin quốc gia, sớm triển khai các dịch vụ an toàn thông tin cơ bản như: hệ thống theo dõi và cảnh báo sự cố, dịch vụ về chữ ký số và xác thực điện tử, dịch vụ đánh giá, kiểm định về an toàn thông tin, dịch vụ ứng cứu và khắc phục sự cố .v.v.
4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đảm bảo hài hoà giữa các mục tiêu an toàn thông tin quốc gia và hội nhập. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và đào tạo nâng cao nhận thức trong nước.
5. Xây dựng và triển khai các quy hoạch và kế hoạch dài hạn về triển khai đảm bảo an toàn thông tin.
Về vai trò của Hiệp hội an toàn thông tin:
Hiệp hội ATTT là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và giới chuyên gia trong và ngoài nước. Do đó, hiệp hội có thể tham gia các hoạt động đa dạng như điều tra thông tin, tư vấn, hỗ trợ các hoạt động hợp tác quốc tế, hoạt động nâng cao nhận thức trong nước.
Hiệp hội ATTT có thể phản biện và đề xuất các chính sách, quy định về ATTT cho cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, triển khai các dịch vụ an toàn thông tin cho quốc gia. Hiệp hội cũng có thể đóng vai trò lớn trong việc đào tạo nhân lực về nghiệp vụ an toàn thông tin, phổ biến công nghệ.
Hiệp hội cũng có thể đóng vai trò thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa Việt Nam và quốc tế về an toàn thông tin.
Bộ TT-TT rất vui mừng vì sự ra đời của Hiệp hội ATTT. Lãnh đạo Bộ cũng đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội, bảo trợ cho hoạt động tổ chức sự kiện "Ngày an toàn thông tin Việt Nam" vào đầu tháng 11 tới. Bộ đã giao cho VNCERT là đầu mối của Bộ TT-TT để cùng phối hợp tổ chức sự kiện này và các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Ngô Văn Hùng-: Đề nghị đồng chí bộ trưởng cho biết chiến lược phát triển thông tin và truyền thông đến vùng nông thôn, nơi có gần 70% sô dân của cả nước. Bộ Thông tin và Truyền thông có tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Bưu chính viễn thông và Hội nông dân việt nam "Về đưa công nghệ thông tin vào phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân giai đoạn 2007-2013" ký ngày 24 tháng 7 năm 2007 nữa không? Vì từ khi có Bộ thông tin và Truyền thông đến nay chương trình này không được khởi động. Xin cảm ơn đồng chí Bộ trưởng Kính Ngô văn Hùng
Trả lời:
Cám ơn bạn Ngô Văn Hùng đã nêu câu hỏi đến một vấn đề rất lớn trong chiến lược phát triển CNTT&TT Việt nam đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong bản thỏa thuận giữa Bộ BCVT với Hội Nông dân Việt Nam "Về đưa công nghệ thông tin vào phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân giai đoạn 2007-2013" đã thống nhất những nội dung cần phối hợp triển khai. Trên cơ sở thỏa thuận này, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT và Hội Nông dân Việt nam cần xây dựng các đề án cụ thể để thực hiện. Về phía Bộ TT&TT đã chủ động triển khai nhiều nội dung về việc đưa CNTT vào phục vụ nông nghiệp, nông thôn bao gồm:
- Triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, nhằm đưa điện thoại, Internet tới các vùng nông thôn Việt nam.
- Tổ chức triển khai dự án “Phát triển Internet phục vụ cộng đồng nông thôn” tại Tỉnh Hòa Bình. Đây là mô hình mẫu về xây dựng hạ tầng truyền thông và cung cấp dịch vụ công, dịch vụ gia tăng trên môi trường Internet cho cộng đồng nông thôn. Qua đó, Bộ sẽ hướng dẫn và phối hợp với các địa phương khác trên cả nước triển khai nhân rộng góp phần cung cấp thông tin và các dịch vụ truyền thông cho cộng đồng nông thôn một cách nhanh chóng và hiệu quả, thúc đẩy quá trình xây dựng và đưa Chính phủ điện tử đến gần hơn với người dân.
Trần Văn An-ha nội: Ở nhiều quốc gia, cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông có hình thức đấu giá và thu phí thương quyền, Vậy sắp tới cấp phép 3G chúng ta có thu phí những phí này không 2. Cách tính doanh nghiệp khống chế thị phần như thế nào?Tại sao chúng ta công bố doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế nhưng không công khai các chỉ số chiếm thị phần khống chế của họ? Các chỉ số này có phải là các con số cần phải bí mật không
Trả lời:
Thương quyền đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện khi cấp phép cho các DN tham gia thị trường VT. Việc thu thương quyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như đấu thầu hoặc thi tuyển.
Ở Việt Nam trước đây thì việc cấp phép các dịch vụ VT thì vẫn cho các DNNN cho nên NN chưa thu thương quyền. Nay cùng với việc mở cửa thị trường cho phép nhiều thành phần KT tham gia kinh doanh VT; Nhà nước thực hiện CPH các doanh nghiệp viễn thông nên Nhà nước cũng sẽ phải thu thương quyền khi cấp phép cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế khi tham gia kinh doanh các dịch vụ VT, trước tiên thực hiện thí điểm với việc cấp phép 3G.
Các quy định về DN chiếm thị phần khống chế đã được quy định hết sức rõ ràng trong Pháp lệnh BCVT và Nghị định 160 hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh BCVT. Theo quy định thì các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, là DN chiếm 30% thị phần lưu lượng hoặc doanh thu của dịch vụ và có khả năng ảnh đến sự thâm nhập thị trường của các DN khác. Hàng năm, Bộ TT&TT đều công bố doanh mục dịch vụ và DN chiếm thị phần khống chế để quản lý.
Vũ Lệ Hằng- Quảng Nam: Vai trò, chức năng của Sở TT&TT, Phòng VHTT. Xin Bộ trưởng cho biết, vai trò và những thay đổi của của việc quản lý Nhà nước về báo chí và xuất bản tại các Sở TT&TT, Phòng VHTT sau khi chuyển giao về Bộ TT&TT quản lý nhà nước thống nhất từ Bộ VHTT&DL. Việc chuyển giao này có ý nghĩa thế nào? Có làm tăng thêm đội ngũ CBCC, ngân sách cũng như ảnh hưởng của nó đến đội ngũ CBCC làm việc tại các Sở BCVT trước đây. Thay đổi cơ bản nhất liên quản đến công tác QLNN của các Sở TT&TT, Phòng VHTT. Xin cảm ơn!
Trả lời:
- Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên các phương tiện báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm (sau đây gọi tắt là thông tin và truyền thông); quản lý các dịch vụ công về thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật.
- Phòng Văn hóa và Thông tin là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về: báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và Internet; công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; phát thanh trên địa bàn (việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch của Phòng Văn hóa và Thông tin do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ hướng dẫn).
- Việc chuyển giao này thể hiện một tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và sự bắt kịp của quản lý nhà nước với xu thế phát triển hội tụ công nghệ thế giới, đảm bảo nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Điều này cũng phù hợp với nhiều nước phát triển trên thế giới hiện nay.
- Việc chuyển giao này không gây ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ công chức làm việc tại các Sở Bưu chính Viễn thông trước đây, không làm tăng thêm đội ngũ cán bộ công chức, ngân sách của tỉnh, thành phố.
tân khoa-: Thưa Bộ trưởng, để triển khai thành công Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trong giai đoạn mới, theo ý kiến của Bộ cần có những giải pháp gì?
Trả lời:
Để triển khai thành công Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trong giai đoạn tới, cùng với việc xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, BộThông tin và Truyền thông chỉ rõ 6 nhóm giải pháp chính cần tập trung, gồm:
1) Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ được ưu tiên bố trí cho các bộ, tỉnh, thành phố triển khai mô hình điểm, các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ các địa phương có khó khăn về ngân sách;
2) Kết hợp chặt chẽ giữa Kế hoạch ứng dụng CNTT với việc thực hiện Chương trình cải cách hành chính để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thực sự thúc đẩy cải cách hành chính và ngược lại, cải cách hành chính góp phần làm tăng hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin;
3) Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Kế hoạch;
4) Đa dạng hóa các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin và tập trung đầu tư;
5) Tăng cường quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp;
6) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT
Nguyên Hằng-Hà Tây: Xin chào Bộ trưởng, Tôi có vấn đề xin hỏi bộ trưởng như sau: Theo tôi được biết Bộ trưởng không có chuyên môn trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, cntt,... vậy bộ trưởng đã làm gì để nắm rõ lĩnh vực mình phụ trách và làm tốt chức trách của mình. Bộ trưởng có thể chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này được không?. Câu hỏi thứ 2: Bộ trưởng thường nói "Người tài là phải biết tập hợp cái tài của người khác" vậy xin hỏi bộ trưởng tự đánh giá thấy mình đã phải là người tài chưa? Những người xung quanh bộ trưởng có phải là những người tài không? Bộ trưởng đã dám cách chức một ai trong số những người không tài đã được bổ nhiệm chưa , xin cho ví dụ? Xin cảm ơn nếu bộ trưởng trả lời thành thực.
Trả lời:
Xin cảm ơn bạn,
Đọc hơn 180 câu hỏi trên mạng, hỏi về đời tư của tôi 7 câu, dù không đúng chủ đề trực tuyến, nhưng vì là người đứng đầu và tôn trọng ý kiến của độc giả, tôi xin có vài lời để các bạn hiểu thêm.
Hy vọng những người quan tâm đến cá nhân tôi có dịp đến Hà Nội gặp tôi, trao đổi thông tin 2 chiều để hiểu nhau sâu hơn qua đó mà phối hợp và hợp tác tốt hơn.
Về cá nhân, có thể nói tôi là người lính xung kích, từ trong chiến tranh sang hòa bình, trong quân đội ra ngoài đời. Kể từ khi nhập ngũ năm 17 tuổi, nay tôi đã 57 tuổi, có 40 năm công tác, kinh qua 18 chức danh, từ cơ sở đến ngành, thành phố, tỉnh và ra trung ương. Qua nhiều lĩnh vực: lực lượng vũ trang, kinh tế, quản lý nhà nước, xây dựng Đảng, hành pháp, lập pháp, quản lý kinh tế, tư tưởng, văn hóa, thông tin. Tôi có cảm nhận, đi qua nhiều chức danh, mỗi chức danh như một trường học tổng hợp. Ai đi qua nhiều chức danh, nếu làm tốt, sẽ có vốn liếng và kinh nghiệm cần thiết cho công việc được giao.
Với bản thân tôi, qua 18 chức danh, ở đâu tôi cũng làm hết sức mình. Tôi cho rằng, cái tài cần nhất của người lãnh đạo, quản lý là biết quy tụ những người tốt, người có tài xung quanh mình để thực thi tốt mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công và nhân dân giao phó.
Trong quá trình công tác, tôi đã được đào tạo kiến thức kinh tế công nghiệp tại Đại học Kinh tế quốc dân, học Lý luận cao cấp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, học quản lý đô thị ở Liên Xô (cũ) và làm Luận án Tiến sĩ ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về kinh tế hộ đô thị trong cơ chế thị trường. Tôi nghĩ, học qua trường là những kiến thức cơ bản nhưng quan trọng hơn là học qua thực tiễn, qua bạn bè, qua sách vở.
Tôi luôn luôn thực hiện phương châm "4 chịu": chịu học, chịu đọc, chịu nghe và chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở đó để có "4 biết": biết viết cho mọi người hiểu, biết nói cho mọi người thông, biết làm cho mọi người tin tưởng và biết điều để xử sự tốt với mọi người.
Tôi thực hiện phương châm 10 chữ trong hành động: tận tụy để cấp dưới thương, gương mẫu để cáp dưới trọng, sáng tạo để cấp dưới có thêm việc làm và có thu nhập chính đáng, dân chủ để cấp dưới dễ gần để cung cấp thông tin, kỷ cương để người tốt có điểm tựa, người chưa tốt được giáo dục, rèn luyện cảm hóa, tiến bộ, trưởng thành.
Phương châm này tôi thực hiện cả ở 18 chức danh và đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, nhờ đó tôi có vốn liếng và kinh nghiệm để đảm đương chức vụ hiện nay là Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Cố nhiên mọi chức vụ do Đảng và Nhân dân phân công, lấy thước đo tổ chức để phấn đấu trưởng thành. Phải xác định được người tài, người tốt để tập hợp. Khi nào xung quanh mình nhiều người tốt tức là mình đương tốt và ngược lại. Cần biết tín nhiệm của mọi người về mình để xác định chỗ đứng cho mình.
Quy tụ người tốt, người tài là nhiệm vụ chính trị đặt ra cho Đảng và người đứng đầu, là thước đo tài năng của người lãnh đạo.
Về một bộ đa ngành, đa lĩnh vực vừa chính trị nhậy cảm, vừa kinh tế mũi nhọn, vừa kỹ thuật thời đại như Bộ TT-TT, tôi tiếp tục thực hiện phương châm: gần gũi chuyên gia, cố vấn, người có chuyên môn sâu, kinh qua thực tiễn tốt để tập hợp thông tin, quy tụ lực lượng, hoạch định chính sách.
Tôi cùng tập thể Lãnh đạo Bộ quyết liệt trong lĩnh vực mình cho là đúng đắn: quan tâm công tác quy hoạch, thể chế, luật lệ chuyên ngành, hướng dẫn nghiệp vụ để chỉ đạo hệ thống, đào tạo đội ngũ chuyên ngành, chuyên môn hóa, kiểm tra đốc thúc khen - chê, thưởng - phạt để công việc tiển triển nhanh hơn, hợp thực tiễn trong nước, xu thế thời đại và lòng dân hơn.
Công tác cán bộ là của Đảng, của ban cán sự Đảng, tôi chỉ xây dựng tiêu chí cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ, để quản lý hiệu quả hơn. Nguyên tắc của tôi là ai hiểu cán bộ thì để cho người đó ra quyết định. Tiêu cực là do không phân cấp để người hiều cán bộ phải báo cáo giải trình cho người không hiểu cán bộ ra quyết định dễ dẫn đến chạy chức, chạy quyền.
Tôi cho rằng, không ai kém cỏi hoàn toàn, chỉ có điều đặt ai vào chỗ nào để phát huy tốt nhất. Mỗi người có thể làm nhiều việc nhưng làm giỏi chỉ một việc, đó là việc họ được đào tạo cơ bản, có năng khiếu sở trường và tâm huyết và say mê nhất.
Người biết làm tổ chức là biết chọn cán bộ để đặt đúng vị trí. Tôi đã thay đổi chức danh cho một số cán bộ ở Bộ. Đó không phải là cách chức mà là điều chỉnh cho phù hợp hơn, đúng vị trí và phát huy khả năng của họ như đã làm ở Cục Ứng dụng CNTT, Viện Chiến lược, Cục Phát thanh - truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại... Đổi mới, luân chuyển, thay thế được đa số đồng tình, người được bổ nhiệm phát huy tốt. Ngay công tác cán bộ ở những tập thể mất đoàn kết cũng vậy. Xây dựng hạnh phúc gia đình là thiêng liêng nhất của mỗi người. Nhưng khi không ở được với nhau thì vẫn có luật hôn nhân gia đình để chia tay, nói gì là công tác cán bộ. Vì thế ở đâu cán bộ không phù hợp thì có phương án điều chuyển, thay thế, luân chuyển, để mọi người tránh được môi trường cũ không phù hợp đáp ứng yêu cầu mới tốt hơn. Công tác cán bộ không chỉ vì một tổ chức mà còn vì từng con người. Nhiệm vụ là phải củng cố từng cơ sở. Vấn đề là đánh giá đúng và làm công tác tư tưởng tốt, gặp từng cán bộ để góp ý, phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế để cán bộ phấn khởi, đoàn kết tiến lên.
Tóm lại về mặt cá nhân, tôi chỉ hứa một điều là bất kỳ vị trí nào do Đảng phân công, nhân dân tín nhiệm tôi đều cố gắng cao nhất, đoàn kết anh em, suy nghĩ sáng tạo, tự tin, tự chủ, vững vàng trên cương vị được giao, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, của công dân, của chính quyền cơ sở, để thực thi tốt trách nhiệm trong bộ máy công quyền và hệ thống chính trị của đất nước. Tôi hứa sẽ đoàn kết anh em phấn đấu vươn lên, hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu ở một ngành rộng lớn, đưa ngành trở thành nền tảng của mọi sự phát triển, đóng góp tốt nhất vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế thắng lợi. Thực hiện bằng được mục tiêu: Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển.
Người dẫn chương trình:
Thưa quý vị độc giả. Trong khoảng thời gian hơn 3 giờ, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã trả lời được khoảng 90 câu hỏi. Hiện nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi của quý vị độc giả gửi đến nhưng do thời gian có hạn, xin dừng buổi trả lời trực tuyến của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tại đây, các câu hỏi của quý vị chưa được trả lời sẽ được chúng tôi chuyển đến Bộ trưởng để tiếp tục trả lời quý vị sau. Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi của quý độc giả, xin cảm ơn Bộ trưởng Lê Doãn Hợp.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Dù đã rất có gắng, nhưng thời gian có hạn và có nhiều nội dung nên buổi trả lời trực tuyến hôm nay chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu của quý vị độc giả. Tất cả những câu hỏi liên quan đến chủ đề của buổi giao lưu chúng tôi đã cố gắng trả lời hết. Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin cảm ơn quý vị độc giả đã tham gia và đặt câu hỏi thể hiện mối quan tâm đến sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Cảm ơn Ban Tổ chức, VDC, Trung tâm Thông tin, các báo điện tử ICTnews, VietnamNet, trang tin điện tử VTC đã kịp thời chuyển đến độc giả những câu hỏi của bạn đọc quan tâm và ý kiến trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông.
-
Bộ TT-TT