221
10701
Bảo vệ Người tiêu dùng bằng Thông tin
bvkh
/bvkh/
1183210
Người tiêu dùng Việt ngậm ngùi phận "cá tháng Tư"
1
Article
null
Người tiêu dùng Việt ngậm ngùi phận 'cá tháng Tư'
,

 - Nếu người bán ở Việt Nam biến cả thành Buratino thì mũi của họ sẽ mọc dài đến mức chọc thủng vũ trụ. Nên người mua có đề cao cảnh giác đến mấy, vẫn có thể suốt đời tủi phận "cá tháng Tư".

Hôm qua, bà Hiên (Khu tập thể Học viện Hành chính quốc gia, P.Yên Hoà, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bần thần hết cả người vì thấy "đi chợ cứ như mất cắp". Cân sườn heo bà mua chỉ còn 8,5 lạng. Mớ rau cải xổ ra thấy 1 nắm cỏ dại "độn" bên trong. Chục miếng đậu phụ, bà hàng đã nhanh tay chọn "giúp" 3 miếng "tồn kho" từ hôm qua, đã dậy mùi chua loét. Tính sơ, bà Hiên thấy mình bị "móc túi" hơn chục nghìn đồng.

Càng ngày, người tiêu dùng càng phải thận trọng hơn với chất lượng hàng hoá, nhất là sữa. Ảnh: Lệ Hà
Buổi chợ hôm nay, bà Hiên vội ghé các hàng hôm trước để phàn nàn. Nhưng bà hàng nào cũng bù lu bù loa kêu oan.

Bà Hiên chỉ là 1 trong 86 triệu người tiêu dùng (NTD) cả nước thực hiện khoảng vài chục triệu giao dịch mua bán mỗi ngày. Họ có thể bị "xỏ mũi" khi mua không chỉ cân thịt, mớ rau, mà cả khi chi dùng những sản phẩm giá trị (thậm chí mất cả đời tích góp mới mua nổi). Người bán không phải là mấy bà hàng đậu, thịt kém lý chỉ biết xa xả nói át, mà là các "đại gia bán hàng" thương hiệu lớn và thuộc "chiếu trên" trong họ hàng nhà Cuội.

"Đại gia Cuội"

Còn nhớ,
tháng 9/2008, hàng chục nhãn hiệu sữa bột bị phát hiện có tỷ lệ đạm dưới 2%, nhưng in trên bao bì "trội" nhiều chục %. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Châu ngậm ngùi: "Đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng!". 

Câu nói này không có căn cứ pháp lý và giá trị kết tội, bởi đến thời điểm này, các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN chưa có khảo sát toàn diện và cụ thể nào về sữa nghèo đạm để vạch mặt, xử lý các DN gian dối. Và biết đâu, nhiều loại sữa siêu nghèo đạm vẫn đang thản nhiên tại vị trên các kệ bán hàng, ung dung thu lời từ hàng triệu người già đau ốm và trẻ nhỏ suy dinh dưỡng.

Không chỉ sữa. Nhiều thực phẩm nô nức nhập họ nhà Cuội, thả sức "treo đầu dê, bán thịt chó". "Knorr đảm đang" với 50% là muối và 30% là mì chính được quảng cáo là bột xương hầm. Nhiều loại bột nêm khác, "xướng" ra rả rằng làm từ "nước hầm xương", "ngon từ thịt, ngọt từ xương", "tốt hơn cho sức khỏe" cũng bị phát hiện thành phần chủ yếu là... bột ngọt. Mì ăn liền "làm từ khoai tây, không sợ nóng" với thành phần 10g/1kg là bột khoai tây (tức... 1%)!

Mặt hàng "đại chúng", giúp các "Cuội" dễ móc túi NTD hơn cả là xăng dầu. Năm 2008, một cây xăng ở Vĩnh Phúc tình cờ bị phát hiện gắn chíp điện tử vào đồng hồ đo xăng dầu để thu lời bất chính.

Trước sức ép của dư luận, cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc bằng việc kiểm tra các cây xăng trên toàn quốc, đình chỉ hoạt động và phạt hành chính 33 cơ sở với mức tối đa... 20 triệu đồng/cây xăng.

Dư luận băn khoăn: "Sao đủ răn đe, khi mà thanh kiểm tra chỉ rộ theo đợt, cây xăng gian lại quá dễ thành một cây xăng mới tinh với tên chủ đăng ký kinh doanh khác, có thể "bù lỗ" tiền phạt chỉ sau khoảng 1 tuần đong gian?".

Nên các cây xăng lại nói dối, thi nhau nói dối. Gần như 100% người mua từng ít nhất 1 lần bị hai cây xăng đong 1 bình xe đầy với số tiền chênh đến chục nghìn đồng.

"Cá tức cười" vô địch

Giải thích lý do buộc phải tiếp thị "dối", bán hàng "gian", một doanh nhân thú thật với PV VietNamNet: "Làm gì có DN sạch sẽ? Người bán phải phát minh vô số thủ thuật để móc túi người mua và qua mặt cơ quan quản lý Nhà nước. Để tồn tại, phải tìm đủ cách “tối ưu hóa” lợi nhuận. Để giữ uy tín DN, phải khẩn trương xoá "hiện trường", dẹp dư luận".

Thế là, ứng xử kiểu "Cuội" đôi khi được áp dụng với cả giai đoạn sau bán hàng, và nhiều nhà cung cấp viện đủ lý do khó tin, thậm chí nực cười để "phúc đáp" khi giải quyết các sự vụ liên quan hậu mãi.

Trả nhầm tiền cho trộm, Ngân hàng NN-PTNT từ chối giải quyết khiếu nại của khách bởi "mất sổ tiết kiệm phải báo ngay; nếu tại thời điểm này bị kẻ gian lợi dụng là do lỗi của... người gửi tiền".

Với mong muốn kiểm tra đúng - sai cước điện thoại của chủ thuê bao, nhà cung cấp dịch vụ nói "không" vì lý do... bảo mật. Hoặc về việc khắc phục sự cố MegaVNN sau gần...1 tháng, thì trần tình: tại khách hàng chỉ có nhà buổi tối!

Với đề nghị bảo hành TV LCD Sony bị lỗi, nhà sản xuất lắc đầu với lý do đây là
lỗi cho phép theo... tiêu chuẩn của hãng này!

Về khiếu nại tình trạng chậm, huỷ chuyến bay liên tục thời gian qua, Jetsta Pacific cho biết máy bay cũng phải có lúc hắt hơi, sổ mũi, phải "đi viện"!

Siêu thị Metro Thăng Long trưng bảng bếp ga Malaysia, bán bếp Tàu, viện dẫn giải thích của nhà sản xuất Electrolux rằng "dán nhầm nhãn phụ"; và cuối cùng, đổi cho khách hàng 1 bếp ga xuất xứ... Malaysia, và "đền bù" phiếu mua hàng 2 triệu đồng!

Xe Honda chạy một tháng đã gãy cổ phốt, một cán bộ Honda VN giải thích do "siêu lực" 12 tấn tác động (trong khi người điều khiển xe chỉ ngã đập mặt xuống đường, bị choáng và xây xước nhẹ). Đây là giải thích được bạn đọc VietNamNet bình chọn là tức cười nhất từ trước đến nay.

Chưa nói đến những nhà cung cấp không áp dụng "biện pháp Cuội", thẳng thừng bỏ lửng, thậm chí đe doạ khách hàng khiếu nại sản phẩm.

"Cá không nước"

Người dân hiếu kỳ trước chiếc xe Honda bị lực mạnh 12 tấn tác động làm gãy cổ phốt, trưng bày bên lề đường Hoàng Hoa Thám, HN chiều 20/3/2009. Ảnh: C.Thanh
Trừ Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đang được soạn thảo (có thể trình Quốc hội thông qua vào năm 2010), Việt Nam có nhiều văn bản luật quy định việc xử phạt nhà sản xuất/cung cấp sản phẩm gian dối, nhưng khó thực thi nên chưa thay đổi được tình hình.

Ðiều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ NTD chỉ quy định "nghiêm cấm thông tin, quảng cáo sai sự thật và các vi phạm khác nhằm lừa dối NTD".

Điều 26 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại theo... giá trị hàng hoá, mức phạt cao nhất là 20 triệu -30 triệu đồng.
Trong một số trường hợp, cho phép đình chỉ lưu thông, thu hồi hoặc tiêu hủy hàng hóa.

Với hành vi "lừa dối NTD", Luật Thương mại sửa đổi cũng cho phép truất bỏ vĩnh viễn quyền thực hiện khuyến mại của DN
.

Với vi phạm đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, có thể chiểu theo Nghị định 95 (năm 2007) của Chính phủ để xử phạt. Nhưng trường hợp cây xăng gian (mức phạt cao nhất cũng chỉ đến 20 triệu đồng/cơ sở).

Theo TS. Nguyễn Ngọc Chí (khoa Luật, ĐHQG Hà Nội), dù tiền phạt có tăng lên 10 lần so với quy định, nhưng các biện pháp quản lý, phòng ngừa thực hiện không tốt thì kinh doanh gian lận vẫn không giảm.

TS. Chí cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, hành vi lừa dối khách hàng nhiều lần, thu lợi bất chính lớn (như chủ cây xăng và những người đồng phạm), có thể bị phạt từ 2 năm đến 7 năm tù, và còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung từ 3 triệu đến 30 triệu đồng.

Vẫn biết các văn bản luật liên quan bảo vệ quyền lợi NTD nước ta chung chung, khó thực thi, phải đợi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời.

Vẫn biết bản thân NTD cần được nâng cao nhận thức để đòi 8 quyền tiêu dùng - ở nhiều nước trên thế giới, được gọi là "quyền lực mềm" khiến DN khiếp sợ.

Nhưng trong khi chờ "thuốc đặc trị" gian dối trong lĩnh vực tiêu dùng, với chế tài đủ mạnh, "lực lượng chịu lắng nghe khiếu nại chất lượng/đo lường sản phẩm" đủ đông thì NTD vẫn cứ phải chấp nhận bị lừa đảo, và ngậm ngùi gật đầu với những lời nói dối.

Người ta bảo, nếu người bán ở Việt Nam biến cả thành Buratino thì mũi của họ sẽ mọc dài đến mức chọc thủng vũ trụ. Nên người mua, có "đề cao cảnh giác" đến mấy, vẫn có thể suốt đời tủi phận "cá tháng Tư". Ngày "Cá tháng Tư", cả thế giới nói dối để "cảnh giác với sự dối trá", và để sự thật được tôn trọng hơn trong 364 ngày còn lại của năm. Còn ở Việt Nam, mong 1 ngày nói thật trong cả đời tiêu dùng bị gian dối, khó lắm thay!!!

  • Quảng Hạnh

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,