221
1401
Đô thị
dothi
/xahoi/dothi/
1253563
"Lá phổi xanh" thành "quả thận" nhỏ?
0
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hồ Hà Nội bị lấn chiếm:
'Lá phổi xanh' thành 'quả thận' nhỏ?
,

 - Quanh khu vực này, chỗ nào cũng thấy ngổn ngang gạch cát như một công trường xây dựng hoành tráng. “Lá phổi xanh” hồ Phùng Khoang sau này sẽ trở thành khu nhà ở và cao ốc chung cư, chỉ còn lại phần hồ cỏn con... hình quả thận.

Xây dựng vành đai xanh với điểm nhấn là các con sông, hệ thống hồ điều hòa là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong bản báo cáo lần 3 về Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Trong khi bản quy hoạch này đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện thì nhiều hồ tại Hà Nội vẫn đang bị xâm lấn, lấn chiếm trầm trọng, thậm chí người ta còn cho lấp hồ để làm dự án nhà ở… 

"Lá phổi xanh" thành "quả thận nhỏ"?

Cùng với các hồ trong khu vực, hồ Phùng Khoang (còn gọi là hồ Trung Văn) đang trong cảnh bi thảm vì phần lớn diện tích hồ đang bị dự án khu đô thị Phùng Khoang "thôn tính".

d
Cấp tập san lấp hồ Phùng Khoang để làm dự án nhà ở.
Theo số liệu của UBND xã Trung Văn (huyện Từ Liêm) diện tích hồ Phùng Khoang khi chưa bị thu về dự án là khoảng 16 ha mặt nước. Trước đây, toàn bộ diện tích này được giao cho hợp tác xã Thống Nhất thuộc thôn Phùng Khoang quản lý, làm hồ thả cá, hàng năm thu lợi một phần đóng góp vào hoạt động chung của thôn, một phần chia đều cho bà con xã viên thôn Phùng Khoang. 

Đến đầu năm 2007, số phận của hồ Phùng Khoang "đã được định đoạt" bởi quyết định số 18/2007/QĐ – UBND của UBND thành phố HN về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Phùng Khoang tỷ lệ 1/500. 

Mô tả ảnh. d
Xót xa khi thấy cả một khu hồ rộng đang bị lấp dần để làm dự án nhà ở.
Theo đó, phần lớn diện tích hồ sẽ bị lấp để xây dựng khu đô thị. Đến ngày 18/3/2009, UBND thành phố HN đã chính thức ra quyết định thu hồi gần 28 ha đất tại khu vực này (trong đó có toàn bộ diện tích hồ Phùng Khoang) để giao cho liên danh Tổng công ty đầu tư phát triển nhà HN và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng đô thị (thuộc tập đoàn Nam Cường) thực hiện Dự án xây dựng khu đô thị mới Phùng Khoang…

Hồ Phùng Khoang những ngày này đang là một đại công trường san lấp quy mô lớn. Xưa kia, cả một khu hồ mặt nước mênh mông xanh biếc, không khí trong lành nay đang bị những đống gạch, đất, cát đổ ngổn ngang lấn vào giữa lòng hồ, bụi cát công trường bay mù mịt. 

d
“Lá phổi xanh” hồ Phùng Khoang sau này sẽ trở thành khu nhà ở và cao ốc chung cư, chỉ còn lại phần hồ cỏn con... hình quả thận.
“Còn đâu cái hồ rộng để cho người dân được hưởng không khí trong lành nữa. Mai đây mặt hồ sẽ biến thành nhà ở và những tòa cao ốc chung cư”, bà Bạch Thị Loan, một người dân Phùng Khoang tỏ vẻ tiếc nuối cho số phận hồ Phùng Khoang. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực hồ Phùng Khoang không chỉ bị riêng dự án khu đô thị Phùng Khoang và đường Lê Văn Lương kéo dài lấp gọn, mà còn có sự đóng góp của một loạt dự án nhà ở khác của một số cơ quan Trung ương...

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Viết Phú - cán bộ Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng đô thị, một đơn vị trong liên danh được giao đất thực hiện Dự án xây dựng khu đô thị Phùng Khoang cho biết, hồ Phùng Khoang không mất hẳn khi thực xây dựng khu đô thị tại đây, mà chỉ bị thu nhỏ lại. 

d d
Mặt nước “lá phổ xanh” hồ Phùng Khoang bị gạch đất san lấp không thương tiếc để làm dự án
“Một phần hồ bị lấp để làm đường Lê Văn Lương kéo dài, làm nhà ở, phần còn lại chúng tôi xây dựng hồ điều hòa rộng 6,3 ha theo đúng quy hoạch mà UBND thành phố HN duyệt”, ông Phú nói. 

Cũng theo ông Phú, xung quanh 6,3 ha hồ điều hòa được giữ lại sẽ có hệ thống đường dạo, cây xanh, công viên và một khách sạn nhỏ, với tổng diện tích (tính cả hồ điều hòa) là khoảng 13 ha.

Mặc dù, việc có dự án về làng khiến cho bộ mặt thôn xóm, xã thay đổi không ít trong tương lai, nhưng nhiều người dân Phùng Khoang (xã Trung Văn, Từ Liêm) vẫn tỏ ra tiếc nuối, xót xa khi chứng kiến cả một khu hồ rộng mênh mông hàng chục ha đang bị san lấp. 

Nhà bủa vây hồ

Sau nhiều năm bị chia năm xẻ bảy, một phần bị xẻ để làm đường, một phần bị xẻ làm bãi rác, một phần bị lấn chiếm… từ một hồ nước đẹp rộng hàng chục ha, diện tích còn lại của hồ Mễ Trì (huyện Từ Liêm) chỉ còn ngót nghét khoảng 5 ha. 

d
Khu đất ven hồ Mễ Trì (mạn đường Hồ Mễ Trì) bị xẻ làm những lô đất nhỏ cho thuê làm kho chứa hàng, than, phế liệu…
Hiện hồ được giao cho tư nhân kè bờ, đắp đường ngăn làm nơi thả cá, nhưng giống như những hồ nước khác tại Hà Nội, nó vẫn không thoát khỏi cảnh bị nhà cửa, lều lán "nhảy dù" bủa vây, lấn chiếm tứ phía.

Phía Đông Nam hồ, giáp với đường Hồ Mễ Trì, một khoảng đất rộng hàng nghìn m2 được ngăn thành từng ô cho tư nhân dựng nhà, lán làm kho chứa hàng và vật liệu. Theo tìm hiểu của VietNamNet, cách đây chưa tới chục năm (khoảng đầu những năm 2000), bãi đất này vẫn là mặt nước hồ rộng mênh mông. 

d
Nhà, lán lều đua nhau bủa vây hồ Mễ Trì.
Tuy nhiên, cho đến nay, phần hồ giáp với con đường Hồ Mễ Trì đã bị san thành bình địa, lều lán, kho bãi mọc lên với tốc độ chóng mặt. Theo nhẩm tính của chúng tôi, chỉ riêng đoạn bờ hồ phía Đông Nam có tới gần chục lều, lán xâm chiếm làm kho bãi chứa phế liệu, chứa than, dịch vụ kinh doanh cây cảnh…

Bờ Tây Nam của hồ Mễ Trì là con đường đất nối đường Hồ Mễ Trì với đường Láng - Hòa Lạc, cũng chịu chung số phận bị xâm lấn bởi dãy lều, lán kéo dài hàng trăm mét. Theo quan sát của chúng tôi, đặc điểm chung của những dãy lều này là đều quay lưng ra hồ và giáp với lòng hồ, diện tích mỗi nhà lều chừng 40-60 m2

Mô tả ảnh.
 

d
Lấn chiếm hồ bằng cách dựng những ngôi nhà tạm lên


Kết cấu của chúng khá sơ sài, nền láng xi măng, xung quanh vây gỗ, liếp, mái lợp tấm xi măng… Có lều xây kiên cố hơn bằng hình thức ngoài quây liếp, bên trong xây tường gạch. Một số lều người ta sử dụng để nuôi gia súc, gia cầm… còn lại là những hộ gia đình đến ở, sinh sống với giường chiếu, bếp núc đủ cả giống như bất kỳ khu nhà “ổ chuột” nào của Hà Nội. 

Trong những ngày có mặt tại khu vực này (trung tuần tháng 12-2009), chúng tôi chứng kiến hoạt động xây dựng, lấn chiếm hồ diễn ra khá sôi nổi. Khắp các ngôi nhà lán, lều và kho bãi ven hồ chỗ nào cũng thấy ngổn ngang gạch cát như một công trường xây dựng hoành tráng. Người ta xây tường, quây lán với tốc độ chớp nhoáng, chỉ trong một hai ngày những bức tường mới đã được dựng lên..,

Theo bà H. một người bán quán nước tại khu vực hồ cho biết, hầu hết những dãy lều, lán quanh hồ này đều là người trong làng và một số người nơi khác đến "nhảy dù", chiếm đất để ở từ vài ba năm nay. Gia đình của bà H. cũng là một trong số đó. Sau khi dựng lều, lán một phần họ làm chuồng trại chăn nuôi, một phần cho người lao động từ địa phương khác đến thuê ở với giá 5-700 nghìn/ tháng…

d
Những lô đất nhỏ cho thuê làm kho chứa hàng, than, phế liệu vốn là đất hồ
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm) đã thừa nhận có hiện tượng người dân xây dựng trái phép, dựng nhà cửa, lều lán lấn chiếm xung quanh hồ Mễ Trì thuộc địa bàn quản lý của xã. 

Theo ông Hiếu, câu chuyện xây dựng sai phép, lấn chiếm đất hồ Mễ Trì không phải thời điểm này mới xảy ra mà... nhức nhối từ lâu do đây là địa bàn giáp ranh giữa ba xã phường thuộc hai quận huyện gồm: xã Mễ Trì, Trung Văn (huyện Từ Liêm) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) nên rất khó quản lý. 

“Mặt khác, đến thời điểm cuối năm, hoạt động xây dựng sai phép càng cấp tập, người ta xây nhà, lấn chiếm đất công chỉ trong vòng một đêm đã xây dựng xong. Hơn nữa địa bàn xã lại rộng đến 700 ha, lại là một trong những xã trọng điểm về xây dựng và phát triển đô thị của Hà Nội, cán bộ lại ít do đó khó mà xử lý kịp thời các hiện tượng xây dựng sai phép, lấn chiếm đất đai”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu bày tỏ: “Thái độ của UBND xã Mễ Trì là kiên quyết xử lý. Vừa qua chúng tôi đã tổ chức hai cuộc họp giao ban với tổ công tác đất đai, xây dựng của xã về các vi phạm trật tự xây dựng tại hồ Mễ Trì. Hiện tại chính quyền xã đang cử người vận động những trường hợp lỡ xây dựng rồi thì dừng hẳn và tự tháo dỡ. Nếu người dân không tự tháo dỡ xã sẽ tổ chức cưỡng chế”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội cho rằng, việc hy sinh các hồ nước để thực hiện dự án phải được nghiên cứu, xem xét một cách cẩn thận.

Vì theo ông Hanh, ngoài vấn đề giúp cho không khí đô thị trong lành, các hồ nước tại Hà Nội còn đóng góp một phần quan trọng trong việc điều hòa lũ lụt, tránh cho HN lâm vào cảnh ngập lụt lịch sử như hồi tháng 11/2008.

  • Phú Nguyễn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,