- Người đi đường sẵn sàng lao vào nhau ẩu đả khi xảy ra va chạm trên đường, rút dao trong túi ra tấn công người đối diện hoặc châm bật lửa đốt xe của họ chỉ vì va quẹt nhỏ… Và họ chỉ tuân thủ pháp luật khi có mặt CSGT, nơi nào có cảnh sát nơi đó không xảy ra tai nạn chết người!
Ý thức của người tham gia giao thông trong tình hình kẹt xe trầm trọng ở TP.HCM đang là vấn đề đáng báo động. Và những ví dụ trên được các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi sôi nổi tại hội nghị “Những chuyển biến ý thức pháp luật của cư dân TP.HCM trong quá trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại” do Viện nghiên cứu phát triển tổ chức ngày 22/12.
Sẵn sàng… hỗn chiến vì va quệt nhỏ!
Các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, một trong những nguyên nhân cơ bản của nạn kẹt xe, ngoài bùng nổ lượng phương tiện xe cá nhân còn do ý thức người dân quá kém.
“Ở Đức, người dân vẫn phải xếp hàng cả cây số để mua thuốc lá. Ở Trung Quốc, người dân phạm luật giao thông ngoài việc nộp phạt sẽ phải làm… CSGT một tuần để biết khổ. Và chỉ cần bị phạt một tuần là cán bộ công nhân viên có khả năng mất việc nên họ sợ bị phạt” - chuyên gia Diệp Văn Sơn dẫn chứng.
Người dân chỉ tuân thủ luật giao thông khi có cảnh sát. Ảnh: Thái Phương |
Trong khi ngược lại, văn hóa giao thông ở TP.HCM là người đi đường sẵn sàng… thủ hung khí trong người để hỗn chiến dù chỉ va chạm nhỏ. Thậm chí có người còn bật lửa đốt xe, chém người đối diện chỉ vì va chạm giao thông… “Nếu có ý thức giao thông, người đi đường sẽ nói năng, cư xử nhỏ nhẹ với nhau để giải quyết sự việc nhưng đành này…” - Tiến sỹ Đỗ Minh Khôi, ĐH Luật TP.HCM nói.
Vì thế, nhiều chuyên gia này nhận xét nếu không giáo dục ý thức cho người dân thì dù có mở đường rộng đến đâu cũng vẫn kẹt xe như thường! Và giáo dục từ gia đình là rất quan trọng nhưng cha mẹ làm gương. Chẳng hạn, mua cho con chiếc xe máy nhưng lại tặng kèm.. mua luôn bằng lái xe cho con thì chẳng khác nào chỉ con vi phạm.
Chưa hết, nhiều ý kiến rất bức xúc trước tình trạng người thi hành công vụ, CSGT nhưng lại phạm luật, núp trong chỗ đường vắng, bụi cây để… canh người vi phạm. Và thay vì nhắc nhở cho người dân biết vi phạm thì lại chỉ lăm lăm viết biên bản nộp phạt…
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM kể lại chuyện CSGT thổi còi và phạt tiền 2 em học sinh nhưng không ghi biên lai. Sau khi nhận được biên lai nộp phạt, 2 em học sinh nói với nhau “thà mất thời gian lên kho bạc nộp tiền còn hơn đưa tại chỗ cho mấy người… cảnh sát này”. Chính những cách ứng xử trên của CSGT làm mất hình ảnh tốt trong mắt người dân.
“Chỗ nào có cảnh sát sẽ không có tai nạn”
Phản biện lại các ý kiến trên, Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM cho rằng ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng chứ không phải cảnh sát.
Theo đó, ông Vân phân tích: Chỗ nào có cảnh sát giao thông chỗ đó không xảy ra tai nạn chết người. Các TNGT xảy ra phần lớn do ý thức của người tham gia giao thông kém như lấn đường, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ… Và thường xảy ra ban đêm từ 23h đến 5h sáng khi lực lượng CSGT mỏng, chủ yếu đi tuần chống đua xe.
Còn ngược lại, mỗi ngược chạy một hướng... tùy thích. Ảnh: Thái Phương |
Được biết tới thời điểm hiện tại, mỗi ngày TP.HCM có tới 300 xe ô tô đăng ký mới và 1.500 xe gắn máy đăng ký mới (thay vì 100 xe ô tô và 1.000 xe gắn máy như trước). Lượng phương tiện tăng chóng mặt trong khi các cơ sở đào tạo bằng lái xe không thể… chạy theo kịp. Và người dân không hiểu luật, không có bằng lái vẫn tham gia giao thông sẽ khiến nguy cơ gây tai nạn cao.
“Theo thống kê mới nhất trung bình mỗi ngày TP.HCM có gần 3 người chết và khoảng 30 người bị thương vì TNGT - một con số không thể chấp nhận trong thời bình ở thành phố này” - ông Vân nói.
Hiện TP.HCM có 3.583 tuyến đường với tổng chiều dài 3.668km, diện tích mặt đường là 26 triệu km2. Nếu đem toàn bộ gần 4 triệu xe gắn máy và trên 400.000 xe ô tô rải ra đường sẽ không còn chỗ trống.
Trong khi đó, các biện pháp kiềm chế việc bùng phát xe cá nhân ở thành phố như tăng phí trước bạ, thu phí xe cá nhân… liên tiếp bị phản ứng từ phía người dân. Còn các chuyên gia, nhà khoa học tỏ ra bất ngờ bởi nếu so với diện tích mặt đường chật hẹp với thống kê mới về lượng xe gắn máy, ô tô đăng ký mới mà “xe vẫn còn chạy được trên đường quả là… lạ”.
Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng phải tăng mức phạt để người dân… sợ. Ngoài ra, nếu không có biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người dân một cách quyết liệt, có biện pháp thì 20 - 30 năm văn hóa giao thông vẫn là khái niệm xa lạ với người dân.
-
Thái Phương