- Sáng 15/9, hàng chục hộ dân ở P.12, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) ra đầm thì phát hiện tôm, cá nằm phơi bụng chết hàng loạt.
Nghẹn ngào khi nhìn thấy những con tôm bằng ngón tay phơi bụng trên mặt nước, ông Phạm Văn Tài (47 tuổi, ngụ số 7, Hoa Lư) chua xót nói: “Khuya 14/9, tôi lấy nước từ sông vào thì sáng nay ra đầm đã thấy tôm chết hết”. Ông Tài cũng cho biết, vừa thả tôm giống được một ngày trước khi lấy nước từ sông vào đầm.
Hàng chục hộ dân ở P.12, TP Vũng Tàu điêu đứng vì hải sản nuôi trong đầm chết trắng xóa mặt nước. Ảnh: Huỳnh Thanh |
Đầm tôm của anh Phạm Văn Châu, cách khu nuôi hải sản nhà ông Tài 50m, tôm chết nằm phơi xác dày đặc xung quanh bờ. Tôm chết đã gây thiệt hại cho anh Châu hơn 20 triệu đồng. Được biết, phần lớn các hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ở P.12 đều vay tiền từ ngân hàng chính sách để mua con giống.
Tôm cá chết, nhiều người dân ra vớt về mang đi bán. Chị Nguyễn Thị Kiều đã ra sông Dinh vớt tôm, cá, bạch tuộc chết dọc sông mang bán được hơn 100.000 đồng.
Chị Kiều cho biết, tối 14/9, các nhà máy chế biến hải sản xả nước thải ra ngoài rất hôi. Chính vì vậy, chị biết thế nào cũng có cá, tôm chết nên sáng sớm đã ra ngoài sông vớt về đem bán. “Mỗi lần nhà máy xả nước thải là cá, tôm trên sông cũng chết chứ nói gì cá, tôm nuôi trong đầm” - chị Kiều khẳng định.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, gần khu vực tôm, cá chết có 3 nhà máy chế biến hải sản. Trước đây, 3 nhà máy này xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra rừng mắm phía sau gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhiều tháng qua, 3 nhà máy này đã làm đường ống dẫn nước thải từ nhà máy chế biến hải sản chảy thẳng ra sông Dinh. Khi nước sông lớn, nước thải từ những nhà máy này theo một con rạch chạy ngược vào đầm, nơi các hộ dân nuôi tôm, cá. Hộ dân nào không biết ngày các nhà máy này xả nước thải mà vô tình lấy nước vào là y như rằng hải sản nuôi chết như rạ.
“Trước đây gần 1 tháng, chúng tôi lấy nước từ sông vào đầm thì tôm, cá chết hết nên dân đã qua các nhà máy phản ánh. Mấy ông giám đốc của những công ty này có ra xem tình hình và hỗ trợ cho chúng tôi mỗi hộ 1 triệu đồng. Họ đã hứa sẽ khắc phục, vậy mà vẫn xả nước thải ô nhiễm ra ngoài sông”- ông Tài bức xúc.
Ông Huỳnh Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND P.12 cho biết, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, hiện tượng tôm, cá của các hộ dân chết rất nhiều. Mới đây, UBND TP Vũng Tàu và Cảnh sát Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập đoàn kiểm tra các nhà máy chế biến hải sản.
Ông Dũng nói có thể những nhà máy này sợ đoàn kiểm tra phát hiện nước thải quá số lượng quy định nên họ xả lén ra ngoài sông trước khi có đoàn vào kiểm tra.
Không riêng các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở P.12, TP Vũng Tàu bị nguồn nước ô nhiễm làm chết hết tôm cá, mà tại P.6 và P.9 nhiều ngày qua hàng chục hộ dân cũng lao đao vì tình trạng tôm, cá chết hàng loạt.
-
Huỳnh Thanh