- Trong gần 15 ngày đi tìm hiểu đời sống nông thôn khu vực Hà Nội mở rộng, câu hỏi này của những nông dân cứ ám ảnh mãi chúng tôi: "Không làm nông nữa, chúng tôi biết làm gì bây giờ?". Mang câu hỏi này đi khắp nơi, những nông dân độ tuổi trung niên trước vốn là lực lượng lao động chính, gánh vác kinh tế nông thôn thì nay đang trăn trở bởi trở thành gánh nặng của địa phương. Nhìn về chặng đường mù mờ phía trước, không ít người trong số họ lại ngậm ngùi mơ được quay lại làm người nông dân thực sự.
Bi kịch nông dân không đất
Không nói đâu xa, chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chưa đầy 7km, xã An Khánh trông bề ngoài như một khu đô thị mới với nhà cao tầng san sát thi nhau mọc lên, nhưng ở đây đang có đến 80% số người đến tuổi lao động lại không có việc làm sau khi phải nhường đất cho phát triển đô thị, công nghiệp.
Ông Bùi Văn Vận, Phó Chủ tịch xã Anh Khánh cho biết, toàn xã có 510ha đất nông nghiệp, đã bị thu hồi 450ha. 60ha đất nông nghiệp còn lại đến thời điểm này dù chưa có quyết định thu hồi nhưng đã nằm trong phê duyệt bản đồ 1/500.
Mất đất, được tiền, các hộ dân đua nhau xây nhà, tậu xe… Tuy vậy, niềm vui mua sắm, xây sửa sau một năm đã nguôi ngoai khi mà nhìn lại, chỉ còn 20% lao động trong xã có việc, nhưng chỉ toàn những việc lặt vặt không ổn định.
Gia đình anh Vương Văn Thú (29 tuổi), thôn An Thọ có 6 nhân khẩu với 6 sào ruộng, nhưng từ năm 2000 đến nay, toàn bộ số đất canh tác nhà anh đã bị thu hồi. Số tiền gia đình anh nhận được từ bồi thường của nhà nước được dùng để xây nhà và sắm sanh các đồ dùng trong nhà cũng hết dần theo năm tháng.
Những mảnh ruộng bé như chiếc chiếu còn sót lại đang là nguồn thu nhập duy nhất của các hộ dân.
Hiện tại cả gia đình anh chỉ trông chờ vào nguồn lương tháng không đầy 2 triệu đồng từ người vợ và cô em gái đi làm thuê cho một công ty may. Anh Thú than phiền: "Hết đất lại chẳng có nghề phụ nên chúng tôi chẳng biết phải làm gì để kiếm sống cả. Đi xin việc khắp nơi nhưng khó quá. Giờ chỉ lo tiền mua gạo hàng tháng cũng đủ khổ rồi. Trước đây còn đất trồng lúa dù sao cũng không lo thiếu gạo ăn, bây giờ mỗi tháng phải mua từ 70 đến 80kg gạo mới thấy cái đói đang cận kề”.
Nhà cụ Nguyễn Văn Lục, thôn An Thọ, sau khi đổ hết tiền vào xây nhà, cả nhà chỉ còn biết trông chờ vào đồng lương của hai người con. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đã khiến anh con trai cụ rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì vậy, 6 miệng ăn của gia đình chỉ dựa vào 800.000 đồng tiền lương hàng tháng của cô con dâu đang làm công nhân tạp vụ tại Công ty Đông Trường.
Nhìn cảnh người con trai cứ đi đi về về tìm không ra việc, cụ Lục ái ngại: “Nó đã gần 40 tuổi rồi mà chẳng có công ăn việc làm, suốt ngày lang thang đi xin việc. Chúng tôi già rồi chẳng sống được mấy nữa, nhưng nhìn thấy vợ chồng chúng nó nuôi con trẻ mà thấy lo cho tương lai của chúng nó” .
Giống như gia đình anh Thú, cụ Lục, 100% gia đình tại thôn An Thọ và 3 thôn khác tại xã An Khánh cũng đều mất hết đất canh tác. Đại đa số lao động phải nhao ra thành phố chạy chợ, bán hàng rong kiếm sống. Anh Nguyễn Thế Nguyên, Phó Chủ nhiệm HTX thôn An Thọ cho biết: “Hiện ở xã số lao động ngoài 40 tuổi chiếm tỷ lệ lớn, cày cấy thì được nhưng đi làm thì chịu. Ngay cả thanh niên sức dài vai rộng vẫn phải nằm nhà chơi dài huống gì là lao động lớn tuổi, trình độ văn hoá thấp”.
Triệu phú nghèo
Bà Phạm Thị Trãi thôn 1, xã Mê Linh Huyện Mê Linh (Hà Nội) vừa nhận tới 170 triệu tiền đền bù đất. Bà Trãi năm nay đã 78 tuổi, sống trong căn nhà cấp 4 tồi tàn với con gái là chị Nguyễn Thị Đào. Cùng sinh hoạt trong căn nhà rộng chừng 20m2, mái lợp prô-ximăng với bà Trãi còn có 2 con của chị Đào, cháu trai học lớp 6, cháu gái học lớp 3.
Có vẻ như khoản tiền đền bù cho 590m2 đất nông nghiệp không có ý nghĩa gì đối với mâm cơm tối của gia đình bà: một đĩa rau muống, vài con cá giếc kho, một chút mắm tép. Trong nhà đồ đạc cũng không có gì giá trị ngoài một cái tivi có từ thập niên 90.
Khoản tiền đền bù cho 590m2 đất nông nghiệp không có ý nghĩa gì đối với mâm cơm tối của gia đình bà Trãi.
Bà Trãi phân trần: “Thằng con trai của tôi nó mang hết tiền đi rồi, chẳng đưa cho mẹ đồng nào”. Chẳng hiểu anh con trai đã làm gì với số tiền khá lớn ấy nhưng chị Đào vẫn phải tần tảo làm thuê. Cả năm vừa rồi, chị Đào hết ra Hà Nội rửa bát thuê, đảo vữa phụ hồ lại ngược về quê trồng hoa mướn. Gặng hỏi, chị nói nhỏ: “Tôi phận gái không chồng, đâu dám đòi phần, chẳng biết chú ấy đem tiền đi đâu. Đành phải tự mình tìm việc làm thuê kiếm miếng cơm cho các cháu”. Xem ra, cái sự nghèo khó vẫn cứ đeo bám gia đình bà Trãi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Điều và bà Nguyễn Thị Thuyết nằm trong danh sách trên 30 hộ của xã Mê Linh đã nhận tiền từ dự án Khu đô thị AIC. Ông Điều có 1.034m2 ruộng và đã bán khoảng 700m2 để nhận 200 triệu đồng tiền đền bù.
Cũng như bao hộ ở xã Mê Linh, gia đình ông Điều cũng trồng hoa. Ông tâm sự: “Giờ cả gia đình với 3 nhân khẩu chỉ còn trông vào 12 thước ruộng còn lại (15 thước ruộng = 1 sào = 360m2) và số tiền nhận đền bù từ dự án, nếu cân đối không chuẩn thì cũng dễ dàng tiêu hết ngay”.
Con trai ông Điều tên Nguyễn Văn Bình, cách đây vài năm đã đi học nghề rồi tìm ra Hà Nội làm việc. Làm mãi thấy con lương “ba cọc ba đồng”, ông Điều lại lôi con về quê, gánh nặng lại càng thêm trĩu vai ông.
Giờ thì ông Bình phải xoay xoả thêm việc chạy chợ, chứ mảnh ruộng chỉ như chiếc chiếu giờ không đủ cho 3 con người sinh sống. “Vợ chồng tôi suy đi tính lại rồi. Khả năng gia đình sẽ cho thằng Bình đi học lái xe, rồi lấy số tiền được đền bù mua cho nó một cái xe tải mà mưu sinh” - ông Điều suy tính.
Luẩn quẩn đường mưu sinh
Nhường đất cho phát triển đô thị và công nghiệp, tưởng như khi các nhà máy mọc lên sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động trong xã. Nhưng thực tế từ năm 2001 đến nay trong số 30 doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp An Khánh thì chỉ có 8 doanh nghiệp có tuyển người lao động của địa phương, với khoảng 600 đến 700 lao động. Nếu so với số lượng lao động không có việc làm của toàn xã An Khánh hiện tại là hơn 5.500 thì đúng là chẳng thấm tháp gì.
Anh Nguyễn Thế Nguyên, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã An Thọ (xã An Khánh) kể rằng, nhiều người dân khi đến lấy tiền đền bù đất còn không thể ký tên mà phải dùng ngón tay điểm chỉ. Cho nên, nhiều người sau đó dù có đi học chuyển đổi nghề, được nhà máy nhận vào làm nhưng chẳng bao lâu lại bị loại, thất nghiệp lại hoàn thất nghiệp.
Kết quả của công cuộc bê tông hóa ruộng vườn là những căn nhà mới đua nhau mọc lên tại làng quê.
Để hỗ trợ những nông dân mất đất sản xuất, mới đây Hà Nội đã thành lập quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho người dân bị thu hồi từ 30% đất nông nghiệp trở lên. Người dân đủ điều kiện sẽ được cấp thẻ học nghề với mức kinh phí được hỗ trợ tối đa là sáu triệu đồng. Mặc dù bị mất 100% đất sản xuất nông nghiệp nhưng nông dân ở khu vực Hà Nội phần lớn không thuộc diện được nhận hỗ trợ vì theo quy định, chỉ những người bị thu hồi đất sau ngày 1/7/2008 mới được.
Các dự án nhận đất hàng năm không triển khai, dân cứ thế mà dài cổ chờ doanh nghiệp với lời hứa tạo công ăn việc làm. Tuy vậy, kể cả khi các dự án "chạy" suôn sẻ thì người dân cũng khó có hy vọng được giải quyết việc vì chủ yếu các dự án đều là khu đô thị.
Vậy nên, câu chuyện mất đất, mất việc, tái nghèo cứ luẩn quẩn với những người nửa nông dân, nửa thị dân. Làng quê đang gấp gáp hơi thở của đô thị hóa, chỉ có điều, đi trên con đường bê tông mới mở, những nông dân của Hà Nội vẫn đang chống chếnh bởi không biết đường nào sẽ dẫn họ trở thành một thị dân thực thụ. "Thị dân rỗng" ở trong những "ngôi làng rỗng" đang là một thực tế đáng suy nghĩ của nông thôn Hà Nội...
-
Nhóm phóng viên