(VietNamNet) - Đó là ý kiến của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trong buổi thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 3/3. Đồng chí Đỗ Mười cũng yêu cầu phải có chính sách khai thác hợp lý đi đôi với bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Báo cáo với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực nêu ra ba mâu thuẫn đang nổi lên hiện nay trong lĩnh vực khoáng sản. Thứ nhất, trong một số trường hợp chưa có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương, tức là Bộ TN&MT muốn tài nguyên khoáng sản được khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả vừa phục vụ trước mắt vừa bảo đảm nhu cầu sử dụng lâu dài. Nhưng một số địa phương trước yêu cầu tăng trưởng kinh tế đã yêu cầu Bộ cho khai thác xuất khẩu quặng thô hoặc yêu cầu bàn giao mỏ, điểm khoáng sản để địa phương cấp phép khai thác tận thu. Giữa một số Tổng công ty và công ty của Trung ương với một số doanh nghiệp của địa phương cũng chưa có sự thống nhất trong việc phân chia vùng thăm dò hoặc khai thác.
Bộ trưởng Mai Ái Trực cũng phân tích mâu thuẫn giữa trước mắt và lâu dài. Đất nước ta còn nghèo, phải dựa vào nguồn tài nguyên, trong đó có khoáng sản, để phát triển kinh tế. Nhưng nếu khai thác quá mức thì các thế hệ mai sau không còn gì khai thác nữa. Bởi vậy, cần phải giải quyết hài hoà giữa trước mắt và lâu dài. Giải quyết mâu thuẫn này không đơn giản.
Giữa khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường là mâu thuẫn khá gay gắt. Khai thác khoáng sản liên quan tới chuyện phá rừng, phá vỡ cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước…
Bộ trưởng Mai Ái Trực khẳng định, việc sửa đổi chính sách, pháp luật về khoáng sản trong thời gian tới phải nhằm giải quyết ba mâu thuẫn này. Khó nhưng cũng phải tập trung giải quyết, không nói định hướng nữa mà phải nói cụ thể rõ ràng, thậm chí phải có định lượng.
Phát biểu với lãnh đạo Bộ TN&MT, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lưu ý một số vấn đề của tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay: tình trạng khai thác khoáng sản đang có những mặt lộn xộn, công nghệ khai thác còn kém, quản lý về khai thác chưa được tốt, có những trường hợp địa phương còn làm phức tạp do lợi ích cục bộ. Đồng chí Đỗ Mười cũng gợi ý Bộ TN&MT nên báo cáo để Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư chỉ đạo các cấp uỷ địa phương lãnh đạo lập lại trật tự công tác khai thác khoáng sản; Bộ TN&MT cùng với Bộ Công nghiệp và các bộ, ngành liên quan xây dựng quy hoạch phát triển ngành khai thác, chế biến khoáng sản, thực hiện CNH-HĐH ngành này, đặc biệt là với sắt thép, bôxit... nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
-
Kiều Minh