Trước thực tế người dân có thói quen sử dụng thuốc tự do (kể cả thuốc đặc biệt như tâm thần, thuốc gây nghiện), Cục Quản lý Dược cũng như sở y tế các tỉnh thành đã thực hiện nhiều biện pháp để siết chặt quản lý loại thuốc này.
Bệnh nhân ngoại trú không phải cứ muốn là mua được
Do những điều kiện khác nhau, không phải bệnh nhân nào cần uống thuốc tâm thần, thuốc gây nghiện đều có điều kiện điều trị nội trú. Rất nhiều bệnh nhân phải điều trị bên ngoài.
Để hạn chế tình trạng mua bán và sử dụng thuốc tâm thần tự do, ngày 01/02/2008, Bộ Y tế đã ra Quyết định về việc ban hành quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, trong đó có quy định rất rõ ràng, cụ thể về việc kê đơn thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc.
Theo đó, đối với bệnh cấp tính bác sỹ cần kê đơn với liều đủ dùng không vượt quá 10 ngày. Còn đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh thì bác sỹ cần kê đơn thuốc vào sổ điều trị bệnh mạn tính, số ngày kê đơn theo hướng dẫn điều trị của chuyên ngành tâm thần.
Người nhà bệnh nhân hoặc Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, Y tế cơ quan của người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh chịu trách nhiệm mua/ lĩnh thuốc và ký, ghi rõ họ tên vào sổ cấp thuốc của Trạm Y tế (mẫu sổ theo hướng dẫn của chuyên ngành tâm thần).
Đối với thuốc tâm thần, gây nghiện, không phải bệnh nhân cứ muốn là mua được bên ngoài. Sở y tế các tỉnh thành có trách nhiệm tổ chức các cơ sở bán thuốc gây nghiện cho người bệnh ngoại trú |
Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức cơ sở bán thuốc gây nghiện cho người bệnh ngoại trú. Với những nơi khó khăn không bố trí được cơ sở bán thuốc gây nghiện thì khoa dược bệnh viện phải cung ứng (theo giá mua) thuốc gây nghiện cho người bệnh ngoại trú để bảo đảm cung cấp đủ thuốc cho người bệnh.
Người cấp, bán thuốc ghi hạn dùng của thuốc đã bán vào đơn lưu (để theo dõi thời gian lưu đơn) và đơn lưu có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số giấy chứng minh nhân dân của người mua thuốc và lưu thêm giấy xác nhận người bệnh còn sống của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn kèm theo đơn thuốc điều trị đợt 2, đợt 3.
Ngoài ra, người bán phải ghi biên bản nhận lại thuốc gây nghiện không dùng hết do người nhà người bệnh nộp lại. Biên bản được làm 02 bản (01 bản lưu tại nơi cấp, bán thuốc; 01 bản người nộp lại thuốc giữ). Thuốc nhận lại để riêng, bảo quản và xử lý theo đúng quy định của Quy chế quản lý thuốc gây nghiện.
Bệnh nhân nội trú: Quy trình cấp phát thuốc ngặt nghèo
Đối với những trường hợp điều trị nội trú, ngày 29/04/2010, Bộ Y tế đã ra Thông tư mới liên quan đến thuốc tâm thần, thuốc gây nghiện, trong đó có phần hướng dẫn và yêu cầu đối với quy trình pha chế, cấp phát, sử dụng và bảo quản thuốc tâm thần ở các cơ sở y tế, các trung tâm cai nghiện.
Theo đó, đối với việc cấp phát, sử dụng, khoa Dược của bệnh viện cần thực hiện chặt chẽ quy định về phát thuốc tâm thần, tiền chất cho các khoa điều trị theo Phiếu lĩnh thuốc hướng tâm thần, tiền chất (và Khoa Dược cũng là nơi trực tiếp cấp phát thuốc cho người bệnh điều trị ngoại trú). Chỉ có trưởng khoa dược hoặc dược sĩ đại học được trưởng khoa dược uỷ quyền bằng văn bản mới có quyền ký duyệt phiếu lĩnh thuốc hướng tâm thần, tiền chất của các khoa điều trị.
Với bệnh nhân tâm thần nội trú, quy chế cấp phát thuốc cũng rất nghiêm ngặt |
Còn tại các khoa điều trị, sau khi nhận thuốc từ khoa dược, điều dưỡng viên được phân công nhiệm vụ phải đối chiếu tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, số lượng thuốc trước lúc tiêm hoặc phát cho người bệnh, tránh tình trạng nhầm lẫn. Thuốc hướng tâm thần, tiền chất thừa do không sử dụng hết hoặc do người bệnh chuyển viện hoặc tử vong, khoa điều trị phải làm giấy trả lại khoa dược. Trưởng khoa dược căn cứ tình hình cụ thể để quyết định tái sử dụng hoặc huỷ theo qui định và lập biên bản lưu tại khoa dược.
Tại các trung tâm cai nghiện, chỉ có dược sĩ trung học trở lên mới được quyền đứng ra chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, cấp phát thuốc hướng tâm thần, tiền chất.
Song song với việc ra các văn bản để đảm bảo hành lang hoạt động của các loại thuốc gây nghiện, thuốc tâm thần, Bộ Y tế cũng thường xuyên yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc, nhất là trong việc kê đơn điều trị nội, ngoại trú; riêng các công ty dược phải tổ chức điểm bán lẻ hợp lý, đảm bảo cung ứng kịp thời thuận tiện, đủ thuốc chữa bệnh theo yêu cầu điều trị của người bệnh.
Bộ Y tế cũng thường xuyên yêu cầu Sở Y tế các địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Mua thuốc gây nghiện qua mạng: Đã có cách trị
TS Cao Minh Quang – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, một số tổ chức và cá nhân hám lợi đã lôi kéo những người cả tin mua bán thuốc trên mạng mà không cần kê đơn hay bất cứ sự tư vấn nào của bác sỹ”.
Trên Internet xuất hiện những website khi bán thuốc có hình thức giao dịch rất đơn giản chỉ cần trả tiền vào tài khoản và thông báo địa chỉ là lập tức dịch vụ cung ứng thuốc “tận tay” được thực hiện. Kể cả với những loại cần kiểm soát chặt chẽ như thuốc gây nghiện, thuốc tâm thần cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Theo TS Cao Minh Quang, do có liên quan đến sự an toàn của người bệnh nên việc rao bán thuốc trên mạng đang trở thành vấn đề khá bức xúc.
Tuy Bộ Y tế không có chức năng quản lý, kiểm soát các giao dịch trên mạng thông tin điện tử nhưng đứng trước thực trạng này Cục Quản lý dược VN rất quan tâm đề ra những biện pháp quản lý trong quyền hạn của mình.
Bộ Thương mại - Y tế đã xây dựng thông tư liên tịch “Hướng dẫn bán buôn thuốc qua các phương tiện điện tử”, trong đó có qui định rõ: cấm bán lẻ thuốc qua phương tiện điện tử, bất kể loại thuốc nào.
Khi thông tư liên tịch này được ban hành thì đây sẽ là cơ sở cho việc ngăn chặn tệ nạn bán thuốc bừa bãi qua mạng, trong đó có thuốc tâm thần, thuốc gây nghiện.
- Ngọc Anh