- Vào bệnh viện để chữa bệnh nhưng chưa kịp khỏi bệnh này thì người bệnh lại gánh tiếp bệnh khác vì bị nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị.
Vào viện để… bị thêm bệnh
Chị Lê Thị Hằng (quê Ninh Bình) đưa chồng vào Bệnh viện Đ. sau khi anh bị tai nạn lao động ngã từ giàn giáo xuống đất, vết thương rất nặng.
Quá trình điều trị cho chồng chị, các bác sỹ đã phải sử dụng thủ thuật xông tiểu. Sau khoảng 3, 4 ngày, đầu óc anh tỉnh táo dần nhưng cơ quan bài tiết bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu bất thường như đái buốt, đi tiểu ra máu và đi liên tục.
Chị Hằng vội vã báo cho bác sỹ. Ngay sau đó, song song với việc điều trị bệnh cũ, các bác sỹ phải can thiệp và điều trị thêm bệnh viêm bàng quang cho chồng chị.
“Những hiện tượng như trên được gọi là bị nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Bệnh nhân vào viện để điều trị một bệnh, nhưng trong quá trình điều trị, bệnh nhân mắc thêm một bệnh mới. Nhiễm khuẩn đang rất phổ biến và là mối lo của các bệnh viện hiện nay, vì nó kéo chất lượng điều trị đi xuống”, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai) giải thích.
Vào viện "không an toàn" như người dân vẫn thường nghĩ, vì có nhiều "ổ bệnh" đến từ việc triển khai quy trình chuyên môn của ngành y. (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên) |
Như trường hợp của chồng chị Hằng, ông Hùng cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc cán bộ y tế không đảm bảo đầy đủ các quy trình vô khuẩn khi đặt ống xông tiểu vào bên trong cơ thể. Điều này đã tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, gây thêm bệnh cho bệnh nhân.
“Nếu nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm thận vì nhiễm khuẩn”, ông Hùng nói.
Ngay tại Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng nhiễm khuẩn cũng rất phổ biến. Có những bệnh nhân bị hôn mê, suy hô hấp, sau khi sử dụng máy thở đã bị viêm phổi. Nguyên nhân là máy thở cho vào cơ thể không vô khuẩn theo đúng quy trình.
“Có khoảng 20% bệnh nhân thở máy bị viêm phổi do nhiễm khuẩn. Có những bệnh nhân không chết vì bệnh ban đầu mà chết vì bệnh mới do bị nhiễm khuẩn nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời”, ông Hùng nói.
Không chỉ người bệnh bị nhiễm khuẩn, người nhà đi trông nom cũng có thể bị nhiễm khuẩn từ môi trường trong bệnh viện và trở thành “con bệnh”.
Con gái chị Nguyễn Lệ Thu (trú tại quận Cầu Giấy, HN) bị nhiễm cúm A/H1N1, phải nhập viện và điều trị cách ly trong Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Chị Thu vào viện chăm con nhưng kết quả là khi con chị chưa khỏi thì đến lượt chị nhiễm cúm.
“Gọi là khu cách ly nhưng thực tình tôi thấy nó như bao khu khác. Cách “cách ly” duy nhất là đeo khẩu trang phòng cúm mà thôi”, chị nói.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho hay: “Các khu cách ly tránh lây nhiễm của ta không đạt tiêu chuẩn. Theo quy định phòng cách ly phải có vùng đệm, tức là giường bệnh rồi đến vùng đệm rồi mới đến hành lang đi lại. Nhưng chúng ta chưa có những khu cách ly chuyên dụng đảm bảo đúng điều kiện như thế này”.
Phải nằm viện thêm 1 tuần để “diệt” bệnh mới
Tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ nhiễm khuẩn trung bình là 5,7-6,8%. Tại một số khoa “nóng” như Điều trị tích cực, Hồi sức cấp cứu, tỷ lệ nhiễm khuẩn tăng vọt lên 40%. Còn tại các khoa như Ngoại khoa, Nhi và sơ sinh, tỷ lệ nhiễm khuẩn là 20%.
Nhiễm khuẩn không chỉ đến từ áo quần, vệ sinh bệnh viện mà còn đến từ chính cán bộ y tế. (Ảnh: Cẩm Quyên) |
“Nếu bị nhiễm khuẩn, thời gian điều trị của bệnh nhân sẽ kéo dài thêm trung bình 1 tuần, chi phí điều trị sẽ tăng trung bình lên gấp đôi. Đó là chưa kể đến khả năng kháng thuốc của virus ngày càng tăng cao”, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết.
Thử làm một phép tính đơn giản để thấy hậu quả của nhiễm khuẩn: Nếu trung bình một năm Bệnh viện Bạch Mai có 300.000 bệnh nhân điều trị nội trú, với tỷ lệ nhiễm khuẩn 5,7-6,8%, thì có ít nhất thêm 15.000 bệnh phát sinh cần điều trị. Thời gian điều trị tăng thêm 1 tuần, như vậy phải mất thêm 105.000 ngày điều trị. Nếu mỗi bệnh nhân điều trị hết trung bình 5 triệu, thì khoản chi phải bỏ ra thêm để điều trị các bệnh phát sinh do nhiễm khuẩn là 7,5 tỷ! Tỷ lệ nhiễm khuẩn trung bình ở các bệnh viện VN vào khoảng 5,8%. Theo thống kê được công bố hồi tháng 7/2009 của Bộ Y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ vệ sinh bệnh viện đa phần đã xuống cấp, thiếu điểm rửa tay cho nhân viên y tế và người bệnh, nhân lực làm vệ sinh bệnh viện phần lớn không được đào tạo theo quy chuẩn, 44% bệnh viện có hộ lý hoặc nhân viên vệ sinh, kỹ thuật và phương tiện làm vệ sinh bệnh viện chưa đạt chuẩn. Ngoài ra, một số bệnh viện chỉ làm vệ sinh trong giờ hành chính, ngoài giờ và ban đêm không có người dọn vệ sinh, dẫn đến môi trường bệnh viện ở mức độ mất vệ sinh nghiêm trọng.
“Như vậy, rõ ràng người bệnh vừa tốn thêm nhiều tiền, còn bệnh viện lại càng thêm quá tải vì không giải phóng được giường bệnh”, ông Hùng nói.
Ông Phạm Đức Mục, Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng khẳng định: "Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến tăng biến chứng và tử vong, tăng ngày điều trị, tăng sử dụng kháng sinh, tăng kháng thuốc, tăng giá thành điều trị. Nhiễm khuẩn làm giảm chất lượng điều trị, giảm uy tín bệnh viện”.
Như đã nói ở trên, khi xảy ra nhiễm khuẩn bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả (về sức khỏe, tiền bạc,…), nhưng nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn chủ yếu lại đến từ… bệnh viện.
“Khi làm thủ thuật xâm nhập, nếu thiết bị y tế đưa vào cơ thể đã vô khuẩn mà bàn tay cán bộ y tế chưa vô khuẩn thì sẽ có nhiễm khuẩn, hoặc ngược lại”, ông Hùng cho biết.
Hiện nay, phương tiện máy móc dùng cho công tác vô khuẩn trang thiết bị y tế còn rất hạn chế, cách phổ biến vẫn là tiệt khuẩn bằng hơi nước, máy sấy khô… Do đó, luôn giữ bàn tay sạch sẽ là cách vừa đơn giản, vừa tiết kiệm để chống nhiễm khuẩn. Nhưng theo nhận định của ông Hùng, đại đa số người ở trong môi trường bệnh viện không có thói quen rửa tay, kể cả cán bộ y tế.
Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, năm 2003, chỉ có 13% cán bộ y tế tuân thủ rửa tay theo quy định; năm 2007, tỷ lệ này là 17%. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 2009, đã có 47% cán bộ y tế của bệnh viện tuân thủ rửa tay.
Mặt khác, khi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân, cơ thể người bệnh không được cán bộ y tế tiệt khuẩn đúng quy trình. Đây cũng là một lý do khiến tình trạng nhiễm trùng vết mổ ngày càng trở nên phổ biến.
“Nhiễm khuẩn thường được phát hiện muộn (sau 3-4 ngày) vì khả năng phát hiện, giám sát nhiễm khuẩn hiện nay của chúng ta còn rất hạn chế. Mọi người chỉ nghĩ đơn giản nhiễm khuẩn chỉ là khâu vệ sinh, quét rác,…", ông Hùng nhấn mạnh.
Có rất nhiều con đường gây ra tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện: Tay bẩn, thiết bị y tế không được vô khuẩn, quần áo và phương tiện chăm sóc không đảm bảo vệ sinh, cách ly phòng ngừa không hiệu quả, vệ sinh môi trường, rác thải y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm.. v..v…
Chuyển từ bị động "chống" sang chủ động "phòng"
Ngày 14/10/2009, Bộ Y tế ban hành Thông tư “Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Thông tư quy định cụ thể 10 nội dung liên quan đến nhiễm khuẩn và chống nhiễm khuẩn bệnh viện:
1. Vệ sinh tay 2. Thực hiện các quy định về vô khuẩn 3. Làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ và phương tiện chăm sóc, điều trị. 4. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa cách ly 5. Giám sát phát hiện nhiễm khuẩn mắc phải và các bệnh truyền nhiễm trong cơ sở y tế 6. Vệ sinh môi trường và quản lý chất thải 7. Vệ sinh đối với người bệnh, người nhà người bệnh 8. Vệ sinh an toàn thực phẩm 9. Quản lý và sử dụng đồ vải 10. Vệ sinh trong việc bảo quản, ướp, mai táng, di chuyển thi thể khi người bệnh tử vong
Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, thông tư mới này đã đánh dấu một bước chuyển mới trong công tác chống nhiễm khuẩn, chuyển từ bị động “chống” sang chủ động “phòng” để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng nhiễm khuẩn của bệnh nhân. Hiệu quả của thông tư đang được chờ đợi sau khi các bệnh viện áp dụng vào thực tế. |
- Cẩm Quyên