- Sáng nay (12/11/2009), TAND thành phố Cần Thơ tiếp tục tuyên hoãn phiên xử phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu.
Lý do được đưa ra là bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương), người bị cáo buộc vai trò “chủ mưu” trong vụ án này hiện đang phải nhập viện cấp cứu tại TP. Hồ Chí Minh, nên cũng tiếp tục có đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.
Đây là lần thứ 2 phiên phúc thẩm vụ án này phải hoãn. Lần thứ nhất hoãn vào ngày 28/10. Theo thông báo của TAND TP. Cần Thơ, dự kiến phiên phúc thẩm sẽ mở lại trong 1 tuần nữa (vào ngày 19/11/2009).
Trương Hồng Nhung, ông Đặng Thế Quốc Hưng, ông Nguyễn Văn Sơn và bà Hoàng Thị Bình đều có mặt tại tòa từ sáng sớm.
Ba luật sư bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương gồm luật sư Nguyễn Đăng Trừng, luật sư Nguyễn Trường Thành và luật sư Bùi Quang Nhơn cũng có mặt tại tòa.
Trước đó, từ ngày 11 – 15/8/2009, Tòa án Nhân dân huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “lập quỹ trái phép” tại nông trường Sông Hậu. Theo bản án hình sự sơ thẩm số 25 của tòa sơ thẩm, bà Trần Ngọc Sương (nguyên Giám đốc NTSH) bị cáo buộc vai trò “chủ mưu” lập quỹ, bị tuyên phạt 8 năm tù giam và phải bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng.
Các bị cáo khác trong vụ án gồm bà Trương Hồng Nhung (nguyên Phó GĐ NTSH) bị tuyên phạt 6 năm tù giam; ông Đặng Thế Quốc Hưng (nguyên kế toán NTSH) bị tuyên phạt 4 năm tù giam; ông Nguyễn Văn Sơn (nguyên thủ quỹ NTSH) bị tuyên phạt 3 năm tù giam; bà Hoàng Thị Bình (nguyên kế toán NTSH) bị tuyên phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 36 tháng.
Ngoài ra, các bị cáo cũng bị tòa tuyên phải bồi hoàn tiền theo trách nhiệm dân sự.
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, bốn bị cáo: Trần Ngọc Sương, Trương Hồng Nhung, Đặng Thế Quốc Hưng, Nguyễn Văn Sơn đã làm đơn kháng cáo.
Vụ án NTSH từng được xem là vụ án “trọng điểm”. Trong khi đó, ở Việt Nam, bà Trần Ngọc Sương cùng cha bà (ông Trần Ngọc Hoằng, còn gọi là Năm Hoằng, người khai phá NTSH) là trường hợp hiếm hoi cả cha và con cùng được phong danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.
-
Trường Minh