- Tàu cánh ngầm chạy với tốc độ cao giữa các loại phương tiện đường thủy qua lại tấp nập khiến nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quy định tốc độ đối với loại phương tiện này và phần lớn do thuyền trưởng tự điều chỉnh.
Nguy hiểm rình rập!
Sau vụ hai tàu cánh ngầm đâm nhau nghiêm trọng chiều 25/11, nhiều hành khách đi lại bằng loại phương tiện này không khỏi lo ngại bởi những nguy hiểm rình rập có thể xảy ra với tàu cánh ngầm.
Hiện TP.HCM có 14 chiếc tàu cánh ngầm của các đơn vị gồm Công ty cổ phần Dòng Sông Xanh (Greenlines Express), Công ty dịch vụ hàng hải Sài Gòn (Vina Express) và Công ty vận tải Quang Hưng (Petro Express). Mỗi ngày, có khoảng 20 chuyến tàu cánh ngầm xuất bến từ TP.HCM đi Vũng Tàu và ngược lại với lượng hành khách chuyên chở lên tới khoảng 1 triệu khách/năm. Lượng hành khách tăng bình quân mỗi năm là 20%.
Chính vì vậy, tàu cánh ngầm được xem là phương tiện vận chuyển hành khách nhanh và tiện lợi trên sông từ TP.HCM đi Vũng Tàu và ngược lại. Đồng thời giảm tải một phần lưu lượng phương tiện đường bộ trên tuyến Quốc lộ 51.
Tàu Greenlines 10 bị vỡ nát sau cú đâm vào tàu Petro Express 2 ngày 25/11. Ảnh: Ngô Đình Quang. |
Trước lượng hành khách khá lớn, các hãng tàu đang tính phương án xin đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua thêm tàu cánh ngầm…, ông Ngô Đình Quang, Phó Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM cho biết.
Trong khi đó, lượng tàu thuyền ra vào trên các luồng tuyến sông ở TP.HCM ngày càng tấp nập, hoạt động của các sà lan chở cát, vật liệu xây dựng, đánh bắt thủy hải sản trên sông cũng sôi nổi không kém… Điều này khiến nhiều người lo ngại tàu cánh ngầm chạy với tốc độ cao sẽ làm nguy cơ xảy ra tai nạn nhiều hơn.
Thống kê của Ban ATGT TP.HCM từ đầu năm đến hết tháng 9, đã có 16 vụ TNGT đường thủy xảy ra làm chết 4 người. Tuy số vụ tai nạn giảm nhưng số người chết lại tăng lên 2 người. Còn theo thống kê riêng của Cảng vụ hàng hải TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2009 cũng có tới 13 vụ tai nạn đường thủy xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm phòng CSGT đường thủy đã lập biên bản và xử lý 46.392 trường hợp vi phạm, tăng 4.515 vụ so với cùng kỳ 2008.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, không chỉ tuyến đường thủy lưu thông từ TP.HCM đi Vũng Tàu mà nhiều tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, tình hình các phương tiện giao thông đường thủy diễn ra khá bát nháo, rất ít các phương tiện đi theo luồng quy định.
Chẳng hạn, ở bến đò An Lợi Đông, Q.2 trước giờ luôn “nóng” với các nguy hiểm rình rập khi đò của người dân hoạt động cắt ngang qua tuyến hàng hải, phương tiện nhỏ nhưng lại chở quá tải và thường vi phạm các lỗi về giao thông thủy nội địa. Chính vì các chuyến đò ngang chở hành khách thường cắt ngang mặt đường hàng hải - luồng tuyến của tàu lớn, tàu cánh ngầm… nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chưa hết, không ít thuyền bè qua lại trên sông thiếu hiểu biết, kiến thức về luật giao thông đường thủy. Người dân điều khiển ghe thuyền chủ yếu dựa theo kinh nghiệm “người đi sau chỉ người đi trước” là chính. Điều này khiến nhiều phương tiện thường băng ngang, cắt mặt các loại tàu thuyền lớn khác mà không biết nguy hiểm rình rập, tai nạn thường trực có thể xảy ra.
Tốc độ do thuyền trưởng… tự điều chỉnh!
Được biết từ đầu năm đến nay đã có 2 vụ tai nạn do phương tiện tàu cánh ngầm gây ra khá nghiêm trọng. Trước đó vào ngày 8/4/2009, tàu cánh ngầm Greenlines 11 số HP 2246 cũng gặp tai nạn khi tự va vào phao neo tàu biển làm tàu bị thủng và 84 hành khách trên tàu thoát chết trong gang tấc. Đó là chưa kể vào ngày 22/9/2008, một tai nạn nghiêm trọng do tàu cánh ngầm của hãng Vina Express gây ra với chiếc ghe loại 1,8 tấn khiến một người trên ghe bị cắt làm đôi.
Theo ông Quang, không phải vụ đâm nhau giữa 2 tàu cánh ngầm lần đầu tiên xảy ra tại khúc cua trên. Trước đó, hàng chục vụ va chạm giữa các tàu thuyền đã xảy ra do đoạn sông này hẹp lại bị che khuất tầm nhìn.
Và để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu cánh ngầm trước khi xuất bến, lực lượng cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa thường xuyên phải kiểm tra độ an toàn của các phương tiện. Theo ông Quang, không ít trường hợp khi bị kiểm tra đột xuất, các chuyến tàu chưa đảm bảo điều kiện an toàn buộc đội kiểm tra phải hoãn chuyến thậm chí đình chỉ lập biên bản thuyền trưởng và cán bộ trên tàu.
Những phương tiện chở cát, đá trên sông như thế này thường di chuyển rất chậm dễ làm che khuất tầm nhìn của tàu cánh ngầm. Ảnh: Thái Phương |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP.HCM cho biết đến nay không có quy định về tốc độ của các loại phương tiện đường thủy, biển cũng như tàu cánh ngầm. Điều này nghĩa là ngay cả tại các khúc cua hẹp, nguy hiểm hay những khu vực thường xuyên có tàu thuyền qua lại, thuyền trưởng cũng sẽ chạy với tốc độ, xử lý theo kinh nghiệm là chính.
Hiện chỉ có quy định về tốc độ an toàn nhưng phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, ông Nam nói thêm.
Chẳng hạn, vụ đâm nhau giữa tàu Greenlines 10 và tàu Petro Express 2 ngay tại khúc cua gấp khá nguy hiểm ở khu vực gần cầu Phú Mỹ trên sông Sài Gòn. Và trong biên bản hiện trường do Cảng vụ hàng hải TP.HCM lập, ngay lúc xảy ra tai nạn tàu Petro Express 2 đang chạy với vận tốc cao khoảng 50km/h. Do chạy với vận tốc cao lại thắng gấp nên cú va chạm mạnh đã làm cả hai phương tiện hư hỏng nặng, vỡ nát.
-
Thái Phương