(VietNamNet) - Đó là cảnh báo của luật sư Nguyễn Đăng Trừng khi kết thúc phần tranh luận tại phiên phúc thẩm vụ án "Lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu được TAND TP. Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm ngày 19/11/2009.
"Nông trường Sông Hậu (NTSH) đến nay vẫn là 100% vốn Nhà nước"(...) "những gì có được là tài sản Nhà nước" (...) "không chấp nhận những lời biện bạch của các bị cáo không chấp hành các quy định quản lý kinh tế do Nhà nước quy định" (...) "không chấp nhận việc các bị cáo khai sử dụng nguồn quỹ này qua ý kiến của ban chấp hành công đoàn" (...) "những người có công tạo ra của cải vật chất cho nông trường đã được hưởng lương và được khen thưởng" (...) "hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước" (...) "trong các báo cáo tài chính hằng năm của nông trường không có bất kỳ kiến nghị gì với các cơ quan cấp trên trong việc giúp đỡ những khó khăn của nông trường"...
Phiên tòa xét xử vụ án NTSH tuyên án lúc 3h chiều ngày 19/11/2009. Bà Trần Ngọc Sương vắng mặt khi tuyên án vì sức khỏe quá yếu. Năm nay bà Trần Ngọc Sương đã 61 tuổi, có 28 năm phục vụ cho NTSH. Ảnh: GVT.
Những lời tuyên án đanh thép của chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ án "Lập quỹ trái phép" ở nông trường Sông Hậu, thẩm phán Nguyễn Văn Trinh, vang lên lúc 3h chiều ngày 19/11/2009 tại Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đã kết thúc những tranh tụng của các luật sư. Nhiều mái tóc bạc đã bật khóc sau khi nghe chủ tọa phiên tòa tuyên án.
"Vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự"?
"Không rõ quý tòa quan niệm như thế nào? Không rõ Viện kiểm sát (VKS) quan niệm như thế nào? Nhưng phía luật sư chúng tôi thấy rằng việc không có quyết định phân công phó thủ trưởng cơ quan điều tra (CQĐT) phụ trách điều tra vụ án, phân công điều tra viên, phân công kiểm sát viên trong vụ án này là vi phạm nghiêm trọng bộ luật Tố tụng hình sự (THS)", luật sư Nguyễn Trường Thành nói tại tòa phúc thẩm.
Ngay lời mở đầu phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Trường Thành, bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương, đã "đòi" đại diện VKS, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cho công bố các quyết định phân công phó thủ trưởng CQĐT, các điều tra viên và kiểm sát viên điều tra vụ án "Lập quỹ trái phép" tại NTSH. Luật sư Thành cho rằng tất cả các quyết định phân công người phụ trách điều tra, các điều tra viên, kiểm sát viên trong vụ án "Lập quỹ trái phép" tại NTSH chỉ phục vụ cho việc điều tra vụ án "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Đại diện VKS, bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, trong phần tranh tụng với các luật sư chỉ khẳng định rằng tất cả người phụ trách điều tra, các điều tra viên, kiểm sát viên đều là những người đang điều tra vụ "Cố ý làm trái..." tại Nông trường Sông Hậu. Vụ án "Lập quỹ trái phép" mà VKS đưa ra truy tố là do trong quá trình điều tra CQĐT phát hiện ra, nên các thành viên điều tra vụ "Cố ý làm trái..." đương nhiên tham gia điều tra luôn.
Các quyết định phân công điều tra theo quy định của luật pháp, dù luật sư "đòi" công bố tại tòa, nhưng phía đại diện VKS chỉ giải thích như trên.
Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Lập quỹ trái phép" ở NTSH, do Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ xét xử ngày 19/11/2009. Ảnh: GVT.
Sau khi nghe tranh luận của đại diện VKS, luật sư Nguyễn Trường Thành cho rằng vụ án “Lập quỹ trái phép” mà tòa án đang xét xử thì hồ sơ vụ án hoàn toàn không có các quyết định phân công Phó thủ trưởng cơ quan điều tra chỉ đạo điều tra vụ án; không có quyết định phân công cho các điều tra viên nhiệm vụ điều tra vụ án. Mặt khác hồ sơ vụ án cũng không có quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án “Lập quỹ trái phép”".
Vì vậy, theo luật sư Thành, theo quy định của điều 34, 35, 36 và 37 của Bộ Luật Tố tụng hình sự thì hoạt động điều tra, truy tố là bất hợp pháp.
Không chỉ vậy, luật sư Nguyễn Trường Thành còn dẫn ra hàng loạt dấu hiệu khác mà ông Thành cho rằng đã vi phạm luật tố tụng hình sự trong quá trình điều tra vụ án "Lập quỹ trái phép" tại NTSH. Trong đơn kháng cáo và kháng cáo bổ sung, bà Trần Ngọc Sương cũng liệt kê những nghi ngờ này.
Cụ thể, ông Thành cho rằng việc đưa NTSH là nguyên đơn dân sự của vụ án vào quy trình tố tụng, đặc biệt chỉ trước 4 ngày khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, chứ không phải từ trong giai đoạn điều tra, là vi phạm điều 52 luật TTHS.
Hơn nữa, việc đưa bà Nguyễn Kim Oanh (Chánh thanh tra Sở Tài chính TP. Cần Thơ), vốn là tổ trưởng tổ tài chính trong đoàn thanh tra NTSH, về sau là thành viên giám định kết luận tài chính NTSH, "có thể sẽ không khách quan", là vi phạm điều 60 luật TTHS.
Luật sư Thành nói rằng cần triệu tập giám định viên tài chính ra tòa, nhưng HĐXX khẳng định không cần thiết, và đó là quyền của tòa án. Trước đó, yêu cầu này của luật sư cũng đã bị tòa sơ thẩm vụ án này từ chối.
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Lập quỹ trái phép" tại NTSH, ông Nguyễn Văn Trinh. Ảnh: GVT.
Cũng liên quan đến việc giám định tài chính, luật sư Thành cho rằng việc không ghi rõ những tài liệu nào được sử dụng trong quá trình giám định; những thành viên tham gia giám định và việc giám định kết luận "là hành vi lập quỹ trái phép" là vượt quá quyền hạn..., là vi phạm điều 175 bộ luật TTHS.
Đồng thời, việc không công bố cho bị can, bị cáo kết quả giám định tài chính là vi phạm điều 158 luật TTHS.
Tranh luận về vấn đề này, đại diện VKS nói rằng theo quy định của Nhà nước, giám định viên trước khi được bổ nhiệm đã theo những tiêu chuẩn xét duyệt. Còn việc kết luận tài chính ghi "lập quỹ trái phép" là khẳng định hành vi, chứ không phải tội danh. Còn bà Trần Ngọc Sương khi bị khởi tố đã ghi rõ "đề nghị được nhận kết quả giám định", còn luật thì quy định rằng chỉ phải "thông báo" nội dung giám định, và việc này đã được "thông báo" cho bị cáo hay.
Tại tòa phúc thẩm, cả bị cáo Trần Ngọc Sương và luật sư bào chữa đều khiếu nại việc tòa sơ thẩm "có 2 biên bản nghị án", lẫn việc tòa sơ thẩm yêu cầu VKS khởi tố vụ án "Tham ô tài sản" đối với bị cáo Sương trước khi bản án có hiệu lực.Tuy nhiên, đại diện VKS không chấp nhận những khiếu nại này, và chỉ giải thích ngắn gọn "nếu bị cáo có tư túi riêng thì đã khởi tố tội Tham ô rồi".
"Cha làm sao bắt con gánh?"
Bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương, luật sư Nguyễn Đăng Trừng đặt câu hỏi như vậy. Căn cứ quy định pháp luật hình sự mà ông Trừng viện dẫn là "ai làm người đó chịu". Các bị cáo Nhung, Sơn, Hưng, thậm chí cả bị cáo không kháng cáo trong vụ án này là bà Hoàng Thị Bình (tòa sơ thẩm tuyên phạt án treo) đều khai ngay tại tòa là quỹ này có từ lâu, được cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng thành lập, bà Sương khi lên làm giám đốc đã có. Mọi người cứ thế duy trì.
Hai trong số 3 luật sư bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương tại tòa, luật sư Nguyễn Đăng Trừng (áo vàng) và luật sư Nguyễn Trường Thành (cầm sách). Ảnh: GVT.
Cho rằng, cái quỹ đang bị cáo buộc "trái phép" mà VKS đang đưa ra truy tố không phải do bà Trần Ngọc Sương lập, ông Trừng đặt câu hỏi "nếu sai và phải truy tố thì phải truy tố ông Hoằng, là cha của bà Sương. Nhưng giờ ông chết rồi, làm sao mà truy tố?".
Câu hỏi của ông Trừng đã được ông chủ tọa phiên tòa kết luận khi tuyên án: Không chấp nhận các biện bạch của các bị cáo. Bị cáo Sương khi tiếp nhận vị trí giám đốc là tiếp nhận cả trách nhiệm trước pháp luật (Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Hoằng cùng 16 người khác khai phá NTSH từ năm 1979. Năm 2000, ông Hoằng mất, bà Trần Ngọc Sương tiếp nhận nhiệm vụ Giám đốc nông trường từ năm 2000, sau khi ông Hoằng, cha của bà Sương, mất - NV). Việc chủ trương lập quỹ trái phép là trách nhiệm của bị cáo Sương. Vai trò chủ mưu và quyết định tối cao của bị cáo Sương thể hiện trong điều lệ nông trường do chính bị cáo ký.
Trong phần tranh luận, luật sư Trừng không tập trung nhiều vào các tình tiết tố tụng, chỉ đặt các vấn đề để "mong HĐXX suy nghĩ".
Thứ nhất, ông Trừng đề nghị "phải có quan điểm lịch sử của quá trình hình thành, phát triển gần 30 năm của NTSH". Ông Trừng nói rằng "quỹ đen", quỹ trái phép thì phải giấu diếm. Nhưng cái quỹ trái phép này ở NTSH thì ai cũng biết, và có lập bảng kê thu chi. Thực chất cái quỹ này đã được lập từ 30 năm trước, có tác dụng cho bà con nông trường trong việc ma chay, lễ tết, thăm viếng, thi đua khen thưởng, hỗ trợ gia đình chính sách... khi buổi đầu khai phá nông trường, Nhà nước không cấp một đồng ngân sách nào mà hoàn toàn là phải đi vay.
Bà Trần Ngọc Sương sau 28 năm (1981 - 2009) kể từ ngày bước chân vào nông trường Sông Hậu theo lý tưởng của cha, Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Hoằng. Ảnh: GVT.
Về nguồn quỹ, ông Trừng cho rằng "các khoản tiền thu từ tận dụng đất đai, mặt nước tự nhiên không thể giao khoán để trồng chuối, bạch đàn, ấu thu hoạch cá ở lung bàu, chất chà hoặc tận thu các phụ phế phẩm trong sản xuất để chăm lo trợ cấp ốm đau, thai sản, ma chay, cưới hỏi, thi đua khen thưởng, hỗ trợ cất nhà ở cho nông trường viên… có phải là “quỹ đen”? Luật sư Trừng nói rằng việc tận dụng các nguồn thu đó là tiết kiệm, cần phải khuyến khích. Đó là chủ trương của Nhà nước từ trước đến nay.
Cuối cùng, luật sư Nguyễn Đăng Trừng khẳng định, năm 1981, Hội đồng Chính phủ ra quyết định 25 - CP (quyết định này do Phó Thủ tướng Đỗ Mười lúc bấy giờ ký, khi nền kinh tế lạm phát 3 con số - NV), theo nghị quyết của Bộ Chính trị, gọi là quyết định cho phép kinh tế 3 thành phần. Chính vì vậy, cái quỹ do Công đoàn quản, chi tiêu công khai, được lập từ 30 năm trước, thì không thể kết tội cho bị cáo Sương tội "chủ mưu" và không thể gọi đó là quỹ trái phép được.
Còn nếu phải kết tội, luật sư Trừng cho rằng đó phải là trách nhiệm của Chủ tịch Công đoàn nông trường. Lý do, theo ông Trừng, bà Trần Ngọc Sương không có chữ ký nào duyệt chi từ quỹ này, mà chỉ ký "xác nhận công tác".
Về việc "thụ hưởng" các khoản tiền gồm tiền mua quà sinh nhật, tiền 3 sổ tiết kiệm trị giá 15 triệu đồng, tiền mua nhà do công đoàn duyệt, tiền chi phí đi công tác hơn 2 tỷ đồng... mà cáo trạng cáo buộc, ông Trừng lắc đầu "tôi bỏ các khoản nhỏ đi, chỉ tính khoản lớn để tranh luận với VKS. Số tiền hơn 2 tỷ đi công tác tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, đâu có chi cho riêng bà Sương, mà là chi cho nhiều người trong đoàn. Mà chi 2 tỷ trong mấy năm thì quá rẻ, quá tiết kiệm".
Luật sư Trừng chứng minh "chỉ riêng tổng tiền xuất nhập khẩu lúa gạo, phân bón ở NTSH từ 1998-2003 đã là hơn 192 triệu USD. Theo quy định của Bộ Tài chính, 3% số tiền trên được phép chi cho hoa hồng, môi giới... tính ra là hơn 5,7 triệu USD. Được xài số tiền cỡ đó, mà bà Sương chỉ dùng hết hơn 2 tỷ để đi công tác, tôi nghĩ phải khen bà là quá tiết kiệm".
Những mái đầu bạc đã không cầm được nước mắt sau khi nghe tòa phúc thẩm tuyên án. Ảnh: GVT.
Cuối cùng, luật sư Nguyễn Đăng Trừng cảnh báo "Mong HĐXX xem xét đến tính lịch sử, quá trình lịch sử khi xem xét phán quyết vụ án này. Một đơn vị như NTSH 2 lần Anh hùng, ông Trần Ngọc Hoằng là Anh hùng. Con gái ông Hoằng là bà Sương cũng là Anh hùng. Cha con đều là Anh hùng, đơn vị được nhiều lần tôn vinh. Nếu không xem xét, thì chính chúng ta hôm nay sẽ nã đại bác vào quá khứ. Mà đây không phải là một quá khứ bình thường. Đây là một quá khứ đã được Tôn vinh".
Sau gần hơn 2 giờ nghị án, lúc 15h chiều ngày 19/11, HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ án "Lập quỹ trái phép" tại NTSH đã tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù giam, buộc bồi hoàn hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương với nhận định "NTSH đến nay vẫn là 100% vốn nhà nước. Việc lập quỹ để ngoài sổ sách trái quy định được phép là vi phạm pháp luật".
Tòa cũng tuyên y án đối với ông Đặng Thế Quốc Hưng (nguyên quyền kế toán trưởng NTSH). Riêng bà Nguyễn Hồng Nhung (nguyên Phó Giám đốc NTSH) và ông Nguyễn Văn Sơn (nguyên thủ quỹ NTSH) được tòa giảm cho 1 năm tù giam so với án sơ thẩm.
-
Trường Minh - Huy Bình