– Một nhà báo từng chỉ đạo đưa tin vụ án Cimexcol Minh Hải những năm xưa so sánh về sự giống nhau đến kỳ lạ với vụ án Nông trường Sông Hậu hôm nay.
“Đau xót quá!” đó là câu nói đầu tiên của nhà báo Bảy Triển (Châu Ngọc Tiếp, nguyên Phó giám đốc Đài Truyền hình Cần Thơ 1975-1991) khi chúng tôi tìm đến hỏi về “Kỳ án Cimexcol Minh Hải” ở thời kỳ đầu mở cửa phát triển kinh tế đất nước.
|
Các bị cáo trong vụ án bị cáo buộc "Lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu tại phiên xét xử phúc thẩm bị tạm hoãn vào ngày 12/11/2009. Ảnh: GVT. |
Nhà báo Bảy Triển (tên thường gọi), một con người quắc thước, hơi thô ráp, giọng nói sang sảng nay đã 79 tuổi nhưng vẫn mẫn tiệp, vẫn nguyên chất “lửa” của một nhà báo cách mạng. Ông tâm sự: “Cho đến hôm nay, cuộc đời mình vẫn còn một câu hỏi mà chính mình và các “đồng đội” vẫn không sao lý giải cho tường tận rằng: “Vì sao cái vô lý cứ tồn tại mãi?””.
Từ CIMEXCOL…
Hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhớ loạt phóng sự truyền hình 6 kỳ phát sóng liên tục 6 đêm trước ngày 30/4/1989. Trước đó, trong 8 ngày (14-22/4/1989), TAND tối cao tiến hành xét xử vụ án “điển hình” Cimexcol MH (Minh Hải) bằng trình tự tố tụng đặc biệt sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Lãnh đạo nhiều tỉnh trong vùng được mời tới dự để “rút kinh nghiệm”.
Loạt phóng sự của Đài Truyền hình Cần Thơ phản ánh hoạt động xét xử có “nhiều vô lý” được cả vùng vựa lúa lớn nhất cả nước quan tâm, ủng hộ và khi vừa kết thúc thì đông đảo dư luận xã hội yêu cầu phát lại nhiều lần.
Cũng vì chuyện đó, toàn bộ Ban giám đốc Đài Truyền hình Cần Thơ bị “rầy rà” nhưng Phó giám đốc Châu Ngọc Tiếp đã đứng ra nhận hết trách nhiệm về mình, khi ông là người trực tiếp chỉ đạo phóng viên tác nghiệp, dựng, duyệt chương trình và trực phát sóng thiên phóng sự lịch sử đó.
|
Nhà báo lão thành Châu Ngọc Tiếp (thường gọi là Bảy Triển), nguyên Phó giám đốc Đài Truyền hình Cần Thơ. Ảnh: GVT. |
Nhà báo Bảy Triển nhớ lại: “Lúc đó, Đại hội Đảng VI kết thúc hơn năm. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người quyết định “mở cửa” phát triển kinh tế đất nước. Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự cũng vừa có hiệu lực chưa được bao lâu. Cimexcol MH - tiền thân là công ty liên doanh giữa Tp.HCM và tỉnh Minh Hải mang tên Cimexcol chuyên hoạt động xuất nhập khẩu gỗ - là mô hình thí điểm cách làm ăn mới: tự lo vốn (ngân sách không cấp vốn), tự hoàn vốn và thực hiện mọi nghĩa vụ với nhà nước.
Nhưng đang làm ăn bình thường, bị “ách” lại thanh tra, bị “gán” cho những “chuyện tày trời”. Thế là điều tra, bắt giam, xét xử theo cái khuôn “định sẵn”. Đau xót nhất là, theo “chỉ đạo” Tỉnh ủy, UBND tỉnh Minh Hải “phải chọn người” trong số các đồng chí của ta ra chịu trách nhiệm để “xử bọn kia”” (“Bọn kia” là lãnh đạo Cimexcol MH, đặc biệt là ông Dương Văn Ba, người của Thành phố Hồ Chí Minh đưa sang tham gia liên doanh, bị coi là chủ mưu trong vụ án, bị kết án tù chung thân, được trả tự do năm 1994 -PV).
Và “người được chọn” là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải Lê Văn Bình (tên thường gọi là Năm Hạnh, quê gốc Bến Tre) - một cán bộ tốt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh. Trớ trêu hơn, ông Năm Hạnh được bầu giữ chức Chủ tịch tỉnh tháng 11/1986, ngay sau đó đi học ở Liên Xô, tháng 7/1987 về nước thì tháng 9/1987 bị đình chỉ hoạt động của Cimexcol MH để thanh tra…
Ngày 4/3/2008 vừa qua, bà Ngô Thị Huệ (nguyên đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM) và là vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết thư gửi các cơ quan Trung ương đề nghị xem xét lại vụ án, minh oan cho những người bị hàm oan.
Nhiều đồng chí, đồng đội khác như bà Nguyễn Thị Được (nguyên khu ủy viên Khu Tây Nam Bộ, Phó ban Phụ vận TW Cục Miền Nam, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - năm 1994 đã cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và các Ủy viên BCT Đào Duy Tùng, Lê Phước Thọ (Sáu Hậu)... và đại diện cao nhất của VKSNDTC và TANDTC xem xét lại vụ án - mới đây, lại thêm một lần nữa viết thư yêu cầu minh oan cho ông Năm Hạnh và những người bị hàm oan trong vụ Cimexcol MH.
... Nhìn tới SOHAFARM
Về mô hình, Nông trường (NT) Sông Hậu (Sohafarm) là nông trường quốc doanh. Nhưng cố Giám đốc Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (AHLĐ) Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) từng nói với người viết bài này: “Chúng tớ thở bằng lỗ mũi ngân hàng”.
|
Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Sương (con gái ông Năm Hoằng) ra toà cùng các cộng sự trong vụ án "Lập quỹ trái phép", bị cáo buộc vai trò "chủ mưu". Tại phiên toà sơ thẩm (từ 11-15/8/2009), bà Sương bị TAND huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) tuyên phạt 8 năm tù giam và buộc chịu trách nhiệm số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. |
Nhà báo lão thành Bảy Triển chỉ cho “hậu bối” về sự giống nhau đến kỳ lạ giữa Cimexcol MH và Sohafarm: “Nhà nước không cấp vốn, muốn làm gì họ phải tự đi vay, tự trả nợ nhưng 25 năm liền (1979-2004), Sohafarm đã làm thay nhà nước tất tần tật từ điện, đường, trường, trạm đến chăm lo đời sống, học hành, sức khỏe cho 15.000 con người trên hạ tầng canh tác nông nghiệp hoàn chỉnh, chủ động và khép kín 7.000ha đất được giao”.
Ông Bảy Triển nói một mạch như để chứng minh câu “thở bằng lỗ mũi ngân hàng” của người AHLĐ quá cố.
“NT làm ăn mạnh giỏi, từ lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều coi Sohafarm là niềm tự hào của đường lối kinh tế XHCN. Tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ cũng coi Sohafarm là bông hoa thơm và đẹp để đem ra “khoe” mỗi khi có khách quý, khách lạ đến thăm… Đất “bờ xôi, ruộng mật” hàng năm làm ra hạt lúa phẩm chất xuất khẩu và thương hiệu Sohafarm nổi tiếng thế giới cho nhiều loại sản phẩm, có cả “giấy thông hành” đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, vào “thế giới” Hồi giáo khó tính; nay đang có nguy cơ bị “xẻ thịt” làm đường cao tốc vào năm 2050, hoặc biến thành khu công nghiệp với những công nghệ chưa ai dám chắc là không gây ô nhiễm môi trường…”, nhà báo già ưu tư.
Năm 1999, sắp tới kỷ niệm 14 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi tháp tùng AHLĐ Trần Ngọc Hoằng về Cù Lao Dung (Sóc Trăng) viết bài “Nông trường mang tên Ngày Giải phóng”. Chả là, Sohafarm đã “phân thân” mình ra để gây dựng một nông trường “em” lấy tên là Nông trường 30/4 đứng chân trên Cù Lao Dung, nhìn ra cửa biển Định An.
Mấy đêm nghỉ lại vùng đất bãi bồi cù lao, chúng tôi càng hiểu thêm tấm lòng người lính Cụ Hồ đã “chiến đấu trong thời bình” và trăn trở cùng nông dân ra sao.
Ngoài mục tiêu chăm lo đời sống, sản xuất cho gần ngàn hộ dân, NT 30/4 còn góp cho đời những hạt gạo thơm đặc sản đầu tiên ở ĐBSCL nhân giống từ lúa Khawdak Mali, nổi tiếng những năm cuối 1990 đầu 2000. Thế nhưng chỉ ít năm sau, người ta đã “cho” AHLĐ Năm Hoằng, Giám đốc NT 30/4 nghỉ hưu. Ông Năm Hoằng mất chừng vài tháng sau đó.
“Các cậu vẫn nhớ chứ? Năm 1979, cả nước ta còn phải nhờ bạn bè viện trợ bo bo, nguyên thiếu tá quân đội chuyển ngành Năm Hoằng đang làm Phó ty Nông nghiệp, tự nguyện xin đi làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu.
Ban đầu tiếp quản 3.500ha đất lung bào, dân khoét lõm làm lúa, bộ đội gầy dựng Nông trường Quyết Thắng để tự sản, tự tiêu. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, bộ đội bàn giao lại NT để sang Campuchia giúp bạn cứu dân trước họa diệt chủng của bọn Khmer đỏ”, nhà báo Bảy Triển nhớ lại lịch sử phát triển Sohafarm.
Rồi ông gay gắt: “Hôm nay, trên hạ tầng canh tác nông nghiệp hoàn chỉnh, chủ động và khép kín gần 7.000ha đất với gần 3.200 hộ nông trường viên, 15.000 nhân khẩu… có cuộc đời mới. So ra cả nước, có thể nói chưa có nơi nào mà người nông dân được an cư, lạc nghiệp, no ấm, sung túc, con cái được học hành đầy đủ như ở Sohafarm. Chính các nông trường viên là những tiếng nói cần và đáng nghe sao không hỏi mà lại vì dăm chục đứa làm ăn biếng nhác, quậy quạng để rồi đối xử với Sohafarm “như quân thù” vậy. Vô lý quá!”.
|
Các bị cáo trong vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu đang ký nhận giấy tờ báo hoãn phiên tòa tới ngày 19/11/2009 tại Tòa án TP. Cần Thơ. Ảnh: GVT. |
Một phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra với bản án tù 8 năm cộng với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng buộc phải khắc phục hậu quả đã được Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) tuyên phạt đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới vào tháng 8/2009 vừa qua.
Trước đó, Sohafarm những ngày tháng 5/2008 đang chịu sự điều tra hình sự (theo quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái các quy định quản lý về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (ban bố ngày 14/4/2008) nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.
Trước đó nữa, ngay trong thời gian bị thanh tra gần 4 tháng (4–7/2006) nhưng cơ quan thanh tra cứ “nhì nhằng” mãi đến ngày 7/5/2007 mới có kết luận chính thức. Tuy vậy, Sohafarm vẫn xuất khẩu hàng chục triệu USD nông-thủy sản, vẫn sản xuất 60 ngàn tấn lúa/năm.
Thế rồi, đương kim Giám đốc Sohafarm, AHLĐ thời kỳ đổi mới Trần Ngọc Sương (Ba Sương), trong thời gian trị bệnh ở TP.HCM bị triệu hồi nhiều lần để triển khai quyết định nghỉ hưu. Thành phố Cần Thơ triển khai quyết định giao cho Bí thư xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) - một đơn vị hành chính thành lập năm 2004 mà đất và dân chính là đất và nông trường viên của Nông trường - làm Phó giám đốc thường trực nhưng vẫn giữ chức Bí thư Đảng ủy xã (!?).
“Người ta định “bức tử” Ba Sương hay sao? Một cán bộ nữ độc thân, không chồng con, không tài sản riêng, hết mình vì lý tưởng Cộng sản, tiếp nối truyền thống của người cha AHLĐ giờ bị đối xử như thế sao ? Vô lý không hiểu nổi ???” , nhà báo Bảy Triển băn khoăn.
Gần 20 năm trước, khi đưa Cimexcol ra xét xử, dư luận xã hội rộng rãi phản đối kịch liệt. Ngày 12/5/1989, Ban giám đốc Trường Đảng tỉnh An Giang báo cáo Trung ương dư luận về vụ án Cimexcol trong cán bộ, đảng viên: “Quan điểm xét xử không đổi mới, lấy Nghị quyết 4, Nghị quyết 5 xử Nghị quyết 6, lấy cơ chế cũ xử cơ chế mới, lấy tư duy cũ xử tư duy mới đi ngược lại Nghị quyết Đại hội VI”… Dư luận trong Đảng, chính quyền và ngoài xã hội ở Hậu Giang, Cửu Long cũng tương tự.
“Xin đừng ! Tôi xin can: Xin đừng để có thêm một Cimexcol mới!”, nhà báo Bảy Triển thảng thốt.