- Nhiều khả năng, giấy của Cục Đường bộ sau khi cấp đã bị bịt, dán số xe, scan màu, từ đó có 1 đầu nậu cung cấp cho lái xe khách.
Sau khi VietNamNet đăng tải thông tin "Cận cảnh lách... thanh tra qua cầu Thăng Long", ngày 26/11, ông Mai Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đường Bộ Việt Nam (Bộ GTVT) trả lời VietNamNet về hiện tượng xe khách bị cấm nhưng vẫn qua cầu Thăng Long êm thuận.
Cục tham gia nhưng Sở GTVT Hà Nội chỉ huy
Thưa ông, việc điều tiết giao thông trên cầu Thăng Long trong thời gian sửa cầu, Cục Đường bộ có trách nhiệm như thế nào?
Ông Mai Anh Tuấn:- Việc sửa chữa các công trình giao thông thì phải kèm theo phân luồng, tổ chức giao thông. Trên toàn quốc, với các công trình không phức tạp chúng tôi chỉ cần làm phương án tổ chức thi công rồi thông báo cho Giám đốc Sở GTVT địa phương, từ đó Sở họ tự điều tiết.
Riêng với cầu Thăng Long, vì thấy điều tiết giao thông phức tạp nên trước đó Cục Đường bộ đã báo cáo Bộ GTVT. Ngay trước cả khi báo cáo Bộ, Cục cũng đã hợp đồng chặt chẽ với Sở GTVT, Công an giao thông Hà Nội.
Phải nói thêm rằng, Bộ, Cục rất muốn giao cho Sở trực tiếp điều tiết, nhưng do Sở bận nhiều việc, qua trao đổi miệng, Sở muốn Bộ, Cục chủ trì.
Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Mai Anh Tuấn Ảnh: C.Hiếu
Tháng 7/2009 Bộ ra Quyết định thành lập Tổ điều tiết giao thông, do tôi làm Tổ trưởng có sự tham gia của thanh tra giao thông Sở GTVT, công an Hà Nội.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, cơ quan trung ương chủ trì điều tiết một tổ công tác có nhiều thành phần địa phương thì thường phát sinh những trục trặc.
Thế nên trong cuộc họp ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đã quyết định giao cho Hà Nội chủ trì. Hôm đó Hà Nội cũng xung phong chủ trì.
Theo đó, các cơ quan của Cục Đường bộ vừa phối hợp nhưng trên nguyên tắc phục tùng sự chỉ huy của Sở GTVT Hà Nội. Cụ thể, Cục Đường bộ giao nhiệm vụ cho Ban Thanh tra I thay mặt Cục phối hợp với Sở Hà Nội.
Ông nghĩ gì khi những xe khách bị cấm qua cầu nhưng vẫn được qua cầu Thăng Long?
Ông Mai Anh Tuấn:- Mặc dù nhiệm vụ điều tiết đã giao cho Sở GTVT Hà Nội rồi nhưng Cục vẫn thường xuyên có mặt trên cầu xử lý các vấn đề kỹ thuật. Khi đó chúng tôi nhận thấy có một số xe đi qua. Cho nên, không chờ tới khi Ban Thanh tra I báo cáo chúng tôi đã biết. Khi nhận thấy, chúng tôi đã giao cho Thanh tra tìm hiểu, kiểm tra xem tại sao không xử lý.
Vì trong phương án của Hà Nội có cho xe đưa đón CBNV chức, để tránh đảo lộn sản xuất của họ. Nhưng chúng tôi cảm giác nếu chỉ có xe đó thôi thì xe qua cầu không thể nhiều thế được.
Xe khách lách Thanh tra nhờ giấy giả?
Trong quá trình kiểm tra, báo cáo từ cấp dưới lên, có điểm nào nói về xe khách qua cầu như ông đã "cảm nhận"?
Ông Mai Anh Tuấn:- Đến giờ cũng chưa có báo cáo chính thức bằng văn bản, song báo cáo miệng ở dưới cho thấy có hiện tượng xe ca liên tỉnh qua cầu.
Nhưng nếu giấy chỉ cấp cho xe đưa đón CBCNV thì tại sao xe khách lại qua được?
Ông Mai Anh Tuấn:- Thông tin ban đầu dưới đó cho biết, vì giấy của Cục cấp cho xe qua cầu là mẫu in sẵn, nhưng số xe lại lại viết tay. Do đó có thể có đơn vị sau khi xin giấy, đã bịt số đi, phô tô màu, ghi lại số mới. Khi đó, xe khách liên tỉnh chỉ việc cất biển cố định đi, treo giấy lên để qua cầu.
Theo ông Tuấn, có khả năng, giấy "CTL" đã bị làm giả? |
Cục đã có động thái gì để làm rõ việc này chưa, thưa ông?
Ông Mai Anh Tuấn:- Tôi đã chỉ thị phối hợp với công an, vì nhìn thoáng bằng mắt thường không phân biệt được nhưng nếu có điều tra quyết liệt thì có thể phân biệt được.
Tôi cũng chỉ đạo rà soát lại việc cấp giấy qua cầu. Báo cáo ban đầu không loại trừ có trường hợp cấp “linh động” nhưng tôi cho rằng đó không phải phổ biến, không đúng bản chất.
Ông có thể cho biết quy trình cấp giấy qua cầu?
Ông Mai Anh Tuấn:- Trong điều kiện vội vàng quá, tôi xin lỗi là cũng không nắm được.
Tuy nhiên phải nói thêm, ngày 24/10, khi họp với Hà Nội, tôi thấy phương án điều tiết giao thông của Hà Nội liên tục thay đổi. Từ đó kéo theo nội dung cấp giấy phải có điều chỉnh.
Có thể có đầu nậu cung cấp giấy giả
Sau khi báo VietNamNet nêu, Cục đã nắm thêm được gì, dưới đó báo cáo lên ra sao, thưa Phó Cục trưởng?
Ông Mai Anh Tuấn:- Trao đổi công việc thì chúng tôi trao đổi thường xuyên. Nhưng báo cáo bằng văn bản thì đang chờ phối hợp với Hà Nội nữa vì trong liên ngành ngoài thanh tra Cục còn có Thanh tra giao thông, công an Hà Nội nữa.
Hơn nữa, muốn biết xe nào treo biển giả phải có người chặn xe, thu hồi, đi giám định, việc đó phải có sự ủng hộ của công an.
Nhiều khả năng, giấy của Cục Đường bộ sau khi cấp đã bị bịt, dán số xe, scan màu, từ đó có 1 đầu nậu cung cấp cho lái xe khách.
Xe khách Hoàng Long hiên ngang trên cầu Thăng Long dù bị cấm qua cầu trong thời gian sửa cầu. Ảnh:C.Hiếu |
Có thông tin từ lái xe cho rằng, họ mua giấy này từ thanh tra với giá tiền triệu, ông nghĩ sao?
Ông Mai Anh Tuấn:- Khi thấy nhiều xe qua cầu tôi đã hỏi anh em dưới đó. Nhưng cũng phải xin lỗi vì vừa rồi nhiều việc quá nên chưa kiểm tra lại.
Song tôi nghĩ thời gian đầu rất nhiêm ngặt, việc này chỉ mới xẩy ra gần đây thôi. Tôi không loại trừ có việc đó, nhưng mình nên cẩn trọng điều tra. Mình phải tin tưởng đã, nhưng cũng không chủ quan. Có thể có 1 , 2 người làm việc đó.
Trong giấy “C.T.L” chúng tôi thấy có con dấu của Thanh tra Cục Đường bộ (Ban I), nhưng như ông Chánh Thanh tra Cục nói thì dấu này chỉ được sử dụng trong xử phạt hành chính chứ không được giao dịch hành chính, vậy việc đóng dấu này vào giấy “C.T.L” là sai, thưa ông?
Ông Mai Anh Tuấn:- Theo tôi, cũng có thể có như thế. Có điều không nên vận dụng máy móc trong trường hợp này. Vì tổ liên ngành không có dấu mà chỉ các đơn vị tham gia tổ đó có dấu. Cho nên có thể tổ này phân công đơn vị này làm gì, giao dịch với ai.
Trong trường hợp này, người xem hồ sơ không thể ra gác cầu nên cần có ký hiệu thống nhất giữa "ông" xem hồ sơ với "ông" gác cầu để nhận biết nhau, giải quyết. Nên hiểu như thế thì đơn giản hơn.
Không loại trừ có tiêu cực trong nội bộ, nhưng không nên phủ nhận công lao các đồng chí trong tổ chức giao thông trên cầu.
-
Chí Hiếu (thực hiện)