- Việc nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông rất cấp thiết nhưng nhiều công trình tại TP.HCM lại cứ ì ạch khiến kẹt xe thêm … kẹt.
Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ từ khoảng 6h30, tại ngã tư Bình Lợi (quận Thủ Đức, TP.HCM) dòng xe trên Quốc lộ 1 hướng vào TP.HCM đều bị “nghẹn” lại và nối đuôi kéo dài gần cả km. Phải chờ nhiều lượt đèn xanh dòng xe này mới thoát qua được ngã tư để vào TP.
“Giá mà dự án mở rộng cầu Bình Triệu và Quốc lộ 13 làm xong sớm thì đâu có cảnh này”, chị Diệp - một công chức ngành tòa án hằng ngày phải vượt qua “ngã tư khổ sở” trên để vào quận 1 làm việc… than thở.
Những “đại công trình” dang dở
“Truy” lại chương trình chống kẹt xe nội thị của thành phố giai đoạn 2001-2005 thì dự án công trình cầu đường Bình Triệu 2 và các đoạn nối với Quốc lộ 13 là một trong những dự án giao thông trọng điểm nhằm thực hiện chương trình này.
Nhưng hiện chỉ có hạng mục cầu Bình Triệu II được hoàn thành. Còn toàn bộ các hạng mục khác như nâng cấp, mở rộng cầu Bình Triệu Cũ; mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi lên hơn gấp đôi; xây vòng xoay Đài liệt sĩ, mở rộng đường Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm rộng 30m… đã “chết đứng” từ tháng 9/2003 cho đến nay.
Cùng trong danh sách được thành phố xác định là những dự án tiêu biểu của chương trình chống kẹt xe giai đoạn 2001-2005 còn có dự án Đại lộ Đông - Tây, đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nâng cấp tỉnh lộ 15 (quận 12), đường trục Bắc - Nam giai đoạn 2 (từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm). Nhưng chúng có cùng sự tiêu biểu về sự… chậm trễ tiến độ.
Những dự án trên lẽ ra, đến thời điểm này đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng vì nhiều nguyên nhân, hiện chúng vẫn là những “đại công trình” mà, “những khi chen chúc trong dòng xe chật chội, người dân chúng tôi cứ ao ước chúng được nhanh chóng hoàn thành để giải tỏa sự căng thẳng, mệt mỏi do kẹt xe mang lại”, chị Diệp lại trông ngóng.
“Nhưng các dự án đó còn đỡ hơn so với dự án cầu Hoàng Hoa Thám hay cầu vượt Gò Dưa. Chỉ có 100m cầu hay một hạng mục nhỏ nhưng cứ bị “treo” trong nhiều năm qua và chưa biết ngày… thi công trở lại”, một đại biểu HĐND TP.HCM thất vọng.
Dự án mới… “lỗi hẹn”
Song song với việc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, TP.HCM còn lên danh sách hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm khác và quan tâm với thái độ quyết liệt nhằm sớm bắt tay vào xây dựng, như dự án đường trên cao Nhiêu lộc - Thị Nghè, các tuyến metro…
Tuyến trên cao xuyên tâm số 1 có vai trò quan trọng cho việc lưu thông đến sân bay Tân Sơn Nhất nay lại trở về vạch xuất phát sau nhiều năm nghiên cứu. Ảnh: H.M.A |
Cụ thể, thành phố yêu cầu xác định tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư đối với các dự án giao thông quan trọng như đường sắt đô thị, đường vành đai, đường cao tốc và cao tốc đô thị, trục hướng tâm. Nhưng điểm lại, có quá nhiều công trình trọng điểm trong danh sách “tập trung đầu tư để đến cuối năm 2010 tạo bước đột phá trong giao thông đô thị” lại bị lỗi hẹn.
Đơn cử, thành phố yêu cầu có chính sách “huy động mọi nguồn lực để tập trung phát triển đường sắt đô thị” vì đây là loại hình vận tải công cộng chủ yếu trong tương lai. Trong sáu tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố cùng với ba tuyến xe điện mặt đất được quy hoạch thì hiện chỉ có tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên có… động đậy.
Nhưng chủ đầu tư cũng không dám đoán chắc đến năm 2015 đưa vào khai thác tuyến metro số 1 được. Thông tin mới nhất từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, hiện vẫn chưa tổ chức đấu thầu cho các gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị của dự án tuyến metro số 1. Tiến độ giải tỏa mặt bằng đã chậm một năm so với kế hoạch sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Người dân sinh sống, làm việc tại TP.HCM trông từng ngày các dự án giao thông nhanh chóng đưa vào sử dụng để giảm bớt cảnh kẹt xe quá mức như thế này. Ảnh: H.M.A |
Một ví dụ khác là trục xuyên tâm trên cao số 1 (đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè) được kỳ vọng sẽ giải quyết bớt nạn kẹt xe trên trục chính ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhưng chủ đầu tư của dự án này lại tuyên bố rút lui và dự án trở về… vạch xuất phát sau nhiều năm khởi động. Với kế hoạch đặt ra là năm 2009 khởi công để đến năm 2012 hoàn thành chắc chắn không thể thực hiện được.
Đường mới chưa xong, đường cũ đã hỏng
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 cũng như quy hoạch chung của thành phố đến năm 2025 xác định hạ tầng kỹ thuật là bộ khung sườn của đô thị.
Nhưng hiện TP.HCM chỉ có khoảng 3.300km đường, so với tổng diện tích địa bàn (gần 2.100km2) chỉ chiếm khoảng 1,44km/km2 và mật độ diện tích đường trên diện tích chung là 1,7%. “Tỉ lệ này quá thấp so với chuẩn chung, cần mật độ diện tích đường đạt từ 10-20% giao thông mới thông suốt”, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nói.
Cho nên, “đại công trình” ở TP.HCM như hiện nay là để từng bước nâng dần chỉ tiêu đất giao thông đạt chuẩn.
Tuyến metro số 1 được kỳ vọng để giải vây cho kẹt xe ở khu vực Suối Tiên lại bị thử thách bởi tiến độ. Ảnh: H.M.A |
Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết, do có quá nhiều công trình xây dựng hạ tầng giao thông lớn đang triển khai thi công nên các tuyến đường hiện hữu nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, nguồn kinh phí phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng đường phố hạn hẹp nên công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ còn nhiều hạn chế, nhiều khu vực xuất hiện tình trạng hư hỏng, làm giảm khả năng thoát xe nhưng không thể sửa chữa ngay được.
Việc công trình mới chậm hoàn thành, nhu cầu đi lại gia tăng nhưng đường cũ không được duy tu kịp thời và hậu đào đường với căn bệnh “ổ gà” là những nguyên nhân chính yếu khiến giao thông trên địa bàn TP.HCM ngày càng tệ.
-
Hoàng Minh Anh