221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1244650
Chuyện xả lũ, dự báo và những cái chết...
1
Article
null
Chuyện xả lũ, dự báo và những cái chết...
,

Lúc này, tại Nam Trung Bộ, nước lũ vẫn chia cắt nhiều khu vực và đang gây đau thương cho nhiều gia đình. Trong khi đó, dư luận cũng đang rất quan tâm đến những thông tin về chuyện xả lũ trên sông Ba Hạ cũng như công tác dự báo lũ...

Những cái chết đau lòng sau lũ

Nhìn từ trực thăng, cả TP Tuy Hòa  (Phú Yên) như một biển nước rộng mênh mông với hàng chục tuyến đường vẫn bị nước nhấn chìm từ đêm 3/11, chỗ sâu nhất hơn 1,5m và người dân chỉ có thể di chuyển bằng thuyền, trong khi nhiều xã vẫn còn bị nước lũ cô lập, chia cắt.

 

d
Thành phố Tuy Hòa chìm trong biển nước bởi cơn lũ lớn nhất trong lịch sử - Ảnh: Tuổi Trẻ


Nhìn từ trực thăng, cả TP Tuy Hòa  (Phú Yên) như một biển nước rộng mênh mông với hàng chục tuyến đường vẫn bị nước nhấn chìm từ đêm 3-11, chỗ sâu nhất hơn 1,5m và người dân chỉ có thể di chuyển bằng thuyền, trong khi nhiều xã vẫn còn bị nước lũ cô lập, chia cắt.

20 giờ ngày 4-11, nhiều người dân TP Tuy Hòa vẫn chưa thể quen với cảnh sống trong một thành phố đầy nước. Cụ ông Nguyễn Hội vừa dò dẫm từng bước chân vừa phân trần với chúng tôi: “Đời tui có bao giờ thấy nước trong thành phố nhiều đến thế này. Giờ đi đâu cũng thấy nước, cứ như là sống ở một vùng quê nào đó”.

Nước đã bắt đầu xuất hiện trên các tuyến đường vào sáng 2-11 chỉ vài tấc, nhưng hôm sau khi nước từ thượng nguồn sông Đà Rằng đổ về ngày càng nhiều thì cả thành phố thật sự trở thành một biển nước. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên nằm trên trục lộ chính là đường Trần Hưng Đạo cũng bị nước bao vây tứ bề khiến hoạt động nơi đây bị đảo lộn. Một canô đã được huy động ứng trực trước cổng bệnh viện để cấp cứu các ca bệnh nặng vì giao thông giờ đây chỉ dành cho xuồng bè.

Con đường nhỏ vào khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) sau cơn lũ kinh hoàng tối 3-11 vẫn còn đầy bùn đất trơn trượt,  rác và cây cối ngổn ngang. Ở cuối hẻm, tiếng trống, tiếng kèn đám ma, tiếng khóc của người vợ mất chồng, người con mất cha mẹ… làm não nề cả khu dân cư nhỏ.

Ông Nguyễn Lặt, một người hàng xóm của ông Trần Phương Thẻ (93 tuổi), kể lại: “Vợ chồng ông Thẻ chỉ có một người con gái nhưng đã có chồng và sống cách xa 10km. Sáng nay khi tui qua gõ cửa thì không thấy động tĩnh gì trong nhà cả. Tui đành đập cửa vào thì phát hiện vợ chồng ông đã chết”. Tối 3-11, khi hai vợ chồng ông Thẻ và bà Nguyễn Thị Nhàn (85 tuổi) đang ngủ trong nhà thì nước lũ tràn vào bất ngờ lên tận nóc nhà. Tuổi già sức yếu không thể chống chọi, hai vợ chồng ông chết ngay trong căn nhà của mình.

 

d
Bà Phạm Thị Hồng chỉ lên trần nhà, nơi anh Mỹ bị chết ngạt - Ảnh: Quang Phương

Cách đó chừng 500m, ở cuối hẻm là đám tang của anh Nguyễn Đình Mỹ (43 tuổi). Một người hàng xóm cho biết: tối 3-11, khi anh Mỹ cùng vợ và đứa con gái út đang ngủ trong nhà thì khoảng 22g30 nước lũ ập vào. Khi nước lên tới bụng thì anh dỡ ngói đưa vợ và con lên mái tránh lũ. Phần anh bám ở dưới mái nhà. Không may con gái Nguyễn Thị Chi (học lớp 9) bị trượt chân và té từ trên mái nhà xuống. Nước lũ hung hãn cuốn trôi con gái anh.

Nghe tiếng vợ kêu cứu con, anh vội buông tay định cứu con nhưng không còn kịp nữa, nước đã tràn lên tới mái nhà. Anh bị chết ngạt ở dưới mái nhà. May thay, con của anh sau đó được những người dân trong khu vực  cứu sống. Bà Phạm Thị Hồng, mẹ vợ anh Mỹ, nghẹn ngào: “Nó là trụ cột trong nhà. Giờ nó chết, không biết vợ con sống thế nào đây?”.

Bất lực nhìn vợ con bị lũ cuốn phăng

Chúng tôi đến Sông Cầu - Phú Yên vào sáng 4/11 khi lũ đang rút. Những cặp mắt lộ vẻ lo lắng trên gương mặt hốc hác sau hai đêm một ngày vật lộn với lũ dữ, đường phố ngập đầy rác, bùn đất... Nhiều gia đình đang chuẩn bị lo mai táng cho những người xấu số.

Nhà anh Huỳnh Đình Thanh Tùng ở khu phố Long Hải Nam, phường Xuân Phú nằm ven quốc lộ 1A xây dựng khá kiên cố. Vậy mà, lũ đã xoáy và xé toạc móng nhà làm sập tường cuốn trôi cả gia đình. Vợ chồng anh Tùng may mắn thoát chết, nhưng hai đứa con anh là Huỳnh Đình Ái Vân (14 tuổi) và Huỳnh Như Hạnh Nguyên (9 tuổi) bị nước cuốn trôi vừa tìm thấy thi thể chiều qua.

 

df
Đến đường sắt cũng xơ xác sau lũ. Ảnh: Tiền Phong

Trên gương mặt hốc hác, già hẳn đi so với tuổi 35, anh Tùng đau buồn kể lại: “Khi cơn bão tan chừng một giờ, tôi thấy nước dưới đất ùn ùn dâng lên và chưa đầy hai giờ sau đã dâng gần thắt lưng. Vợ chồng tôi kê, dọn đồ đạc trong nhà lên để cho hai đứa con tránh lũ. Nhưng đến 20 giờ, nước xoáy ầm ầm làm sập vách, cuốn trôi vợ chồng tôi đi. Tôi chỉ kịp bấu víu vào nhánh cây gần đó, rồi cố gắng men theo nóc nhà kề bên mới thoát được dòng nước chảy xiết. Trong khi đó vợ tôi cứ trôi theo dòng lũ. Tôi nghĩ, vợ con tôi đã chết. Nhưng thật may mắn, vợ tôi được cứu sống”.

Chị Nguyễn Thị Ái Mỹ, vợ anh Tùng bị nước lũ cuốn đi, chỉ kịp bám lấy đọt dừa nhưng nước mạnh khiến chị tuột tay, may mắn chị bám được vào gốc dừa khô thoát chết. “Lúc tuột tay ra khỏi đọt dừa, tôi nghĩ mình chết là chắc, nhưng vẫn cố bám vào cái gì đó đang trôi trong lũ. Không ngờ, tôi may mắn ôm được gốc dừa khô, mới trụ nổi trong dòng lũ chảy xiết” – chị Mỹ thất thần thuật lại.

Phải mất hơn 3 giờ, người dân mới cứu được chị Mỹ đến nơi an toàn nhưng vợ chồng chị lại nhận hung tin: lũ đã cuốn trôi hai cháu Vân và Nguyên.

Trường hợp khác cũng tương tự, anh Đỗ Tấn Hoan là bà con chú bác với chồng chị Đặng Thị Thu Thủy ở gần bên. Khi lũ lên, anh Hoan vội cầm đèn pin chạy đến nhà chị Thủy ở khu phố Long Bình, phường Xuân Phú để đưa hai mẹ con chị đến nơi an toàn. Đến nơi, lũ quá mạnh nên anh Hoan chỉ còn biết đứng nhìn, chứng kiến lũ cuốn trôi chị Thủy và con trai chị là cháu Đỗ Quốc Trung (9 tuổi). Anh Hoan kể lại: “Lũ chảy xiết quá, tôi bảo hai mẹ con Thủy đứng sát vào vách tường, trụ lại chờ nước rút mới đi. Thật bất ngờ, chỉ trong chốc lát lũ đã cuốn trôi cả căn nhà cùng với hai mẹ con Thủy”.

Anh Đỗ Văn Hùng, chồng chị Thủy, đang đi biển tận Ninh Thuận, nhưng khi nhận được gia đình báo tin vợ con chết nên tức tốc đón xe đi về nhà ngay chiều 3/11. Anh Hùng đau khổ: “Đến 23 giờ, mọi người mới vớt được xác con trai tôi. Mãi đến mờ sáng nay, xác vợ tôi mới được tìm thấy. Tôi khổ quá”.

Bí thư xã kiêm chủ tịch UBND phường Xuân Phú, ông Lê Văn Thế cho biết: “Phường có 9 người chết đều là trẻ em và phụ nữ, 20 căn nhà bị sập. Lũ đã cuốn trôi hết tài sản của người dân, ngay cả những nhà kiên cố cũng bị “bứng” theo dòng nước”. Còn Chủ tịch UBND phường Xuân Thành, bà Nguyễn Thị Mười cho biết, trên địa bàn có 12 nhà sập và 118 chiếc tàu đánh cá bị chìm hoặc sóng đánh tấp lên bờ, lên đường….

Báo cáo của UBND thị xã Sông Cầu cho biết đến 8 giờ sáng 4/11, toàn thị xã đã có 13 người chết, 1 người mất tích, 309 nhà của dân bị sập, nhưng đến chiều nay con số người chết đã lên đến 15…

Sông Ba Hạ - hồi chuông cảnh báo thứ hai

150 triệu m3 nước mà thủy điện A Vương xả vào đúng lúc bão số 9 hoành hành đã góp phần lớn vào việc nhấn chìm vùng hạ lưu sông Vu Gia (Quảng Nam), gây nên bao cảnh người mất nhà tan. Vụ A Vương vừa qua, nay lại thêm chuyện Phú Yên bị nhấn chìm trong lũ.

 

d
Người dân vùng lũ đang cần được tiếp nước sạch và lương thực - Ảnh: Tuổi Trẻ

Cơn bão số 11 không nguy hiểm như bão số 9, chỉ gây mưa to trên diện rộng, nhưng thiệt hại lại nặng nề khi tính đến tối 4-11 đã có 98 người chết. Chuyện gì đã xảy ra ở Phú Yên?

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Công tác dự báo còn yếu! 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng chỉ ra sự yếu kém trong công tác dự báo lũ sau bão: “Kinh nghiệm từ cơn bão số 9 và cơn bão số 11 cho thấy công tác dự báo mưa sau bão còn yếu. Dự báo mưa nhưng chưa cụ thể đến mức nào, có vượt đỉnh lũ lịch sử không ?”.

Phó Thủ tướng chỉ đạo sớm rà soát lại các hệ thống hồ chứa nước yếu, hệ thống neo đậu tàu thuyền, các khu di dân tại các địa phương, yêu cầu tăng cường thêm lực lượng và phương tiện cho Hải quân và Không quân để kịp thời ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết.

Chính lãnh đạo Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ thừa nhận đã bắt đầu xả lũ từ sáng 2-11 và tốc độ xả có lúc lên đến 14.000 m3/giây. Với tốc độ này, chỉ trong vòng một giờ là đã có trên 50 triệu m3 nước trút về hạ lưu sông Ba, con sông lớn nhất tỉnh Phú Yên.

Với mức độ này, Sông Ba Hạ chỉ cần xả trong vòng ba giờ là bằng A Vương xả trong bão số 9!
Vị lãnh đạo của Nhà máy Sông Ba Hạ cũng nói như lãnh đạo Nhà máy A Vương, đó là không thể không xả. Bởi không xả thì nguy hiểm cho đập. Và lỡ nói dại nếu đập vỡ thì có lẽ cả thành phố Tuy Hòa phải trôi ra biển!

Sau cơn bão số 9, tại Bangkok đã có một cuộc họp do Liên Hiệp Quốc tổ chức với sự có mặt của đại diện các cơ quan viện trợ nhân đạo để bàn về vấn đề thiên tai. Bà Madeleen Helmer, người đứng đầu trung tâm khí hậu Chữ thập đỏ quốc tế, đã lên tiếng cảnh báo châu Á đang phải trả giá đắt cho việc phá rừng, khai thác bừa bãi các dòng sông.

Thông tin từ bà này cho biết nếu năm 2000 số vụ thiên tai ở châu Á là 200 vụ thì nay đã tăng lên đến 350 vụ/năm. Hơn hai năm trước, vào tháng 3-2007, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên toàn cầu (WWF) cũng gióng hồi chuông báo động: các con sông châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Giám đốc Chương trình nước sạch toàn cầu của WWF Jamie Pittock cho rằng: ”Sai lầm lớn nhất của nhiều quốc gia là lo lắng khí hậu thay đổi sẽ giảm bớt lượng nước cung cấp, vì vậy cần xây nhiều đập ngăn nước hơn.

Nhưng kết quả lại càng có nhiều nước bị ’’bòn rút’’ từ hệ thống sông”. Báo cáo mà WWF đưa ra tập trung vào tình trạng xây dựng đập thủy lợi, thủy điện, thay đổi khí hậu là những mối đe dọa lớn nhất và sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất tới con người.

Thế giới đã trải nghiệm quá nhiều những mất mát, thiệt hại về người và của, môi trường sinh thái, bệnh tật tràn lan do con người tấn công các dòng sông một cách vô tội vạ. Tiếc thay, những bài học đắt giá đó đã không được chúng ta xem trọng. Các đập nước được xây dựng cấp tập mà không có những nghiên cứu cặn kẽ, tính toán chi li xem lợi có bù được hại cho tương lai.

Hơn một tháng sau hồi chuông cảnh báo từ A Vương, thiên nhiên đã gióng tiếp hồi chuông thứ hai từ Sông Ba Hạ. Liệu chừng ấy đã đủ để cảnh tỉnh?

 

Năm nào cũng vậy, trước mỗi cơn bão, công tác cảnh báo, triển khai ứng phó được đặt lên hàng đầu để các địa phương chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Trước và trong cơn bão số 11, chính quyền địa phương các tỉnh Nam Trung bộ đã chủ động lên kế hoạch di dân từ vùng thấp lên vùng cao hơn.

Những cảnh báo lũ quét, mực nước sông dâng cao cũng được đưa ra tại nhiều địa phương vốn là vùng trũng tại các tỉnh này.

Nhưng sau bão lũ, con số hơn 120 người chết và mất tích tại Nam Trung bộ khiến người ta giật mình. Một con số rất cao. Và thiệt hại về tài sản cũng rất nặng nề.

Làm thế nào để hạn chế được thiệt hại từ thiên tai? Giải pháp nào cho công tác dự báo lũ sau bão được "gần hơn", chính xác hơn?  Công tác đối phó với thiên tai của từng địa phương? Khi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và mỗi thành viên trong xã hội thực sự quan tâm đến điều này, có thể đau thương do bão lũ sẽ giảm hơn rất nhiều?



(Tổng hợp từ Tuổi trẻ, Tiền phong, TTXVN)
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,