- Xây dựng hệ thống tàu điện ngầm (metro) và xe điện trên mặt đất (LRT) được đánh giá là "cây đũa thần" - phương án khả thi nhất để giải quyết nạn kẹt xe trầm trọng ở TP.HCM hiện nay. Thế nhưng đến thời điểm này, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vẫn chưa thể triển khai bởi vướng giải phóng mặt bằng còn các tuyến metro khác vẫn đang nghiên cứu lập dự án…
Lại vướng giải tỏa!
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khi dân số khoảng 1 triệu người, chính quyền phải tính chuyện xây dựng tuyến metro nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Thế nhưng hiện tại dân số TP.HCM đã ngấp nghé… 10 triệu người và phần lớn các tuyến metro mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu lập dự án.
Một số chuyên gia cho rằng, để giải quyết tình trạng kẹt xe đang trở thành đại nạn khủng khiếp ở TP.HCM thì nhất định phải xây dựng các tuyến metro, xe điện trên mặt đất (LRT)… Thế nên khi các tuyến metro, LRT, monorail được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển GTVT thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (gọi tắt là quy hoạch giao thông), người dân thành phố không giấu nổi vui mừng với hy vọng nạn kẹt xe sẽ được giải quyết.
Thế nhưng đến thời điểm này, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn chưa thể khởi công vì vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Tình trạng kẹt xe ở TP.HCM đã trở thành... đại nạn với người dân. Ảnh: Thái Phương |
Ông Lê Khắc Huỳnh, Chánh văn phòng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết tới thời điểm này dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu các gói thầu chính. Đến đầu tháng 12/2009 sẽ bắt đầu tiến hành xét duyệt, đấu thầu chính thức. Trong khi đó, công tác giải tỏa đền bù vẫn đang triển khai ở các quận huyện và phải đến quý I/2010 mới có thể hoàn tất.
Trong báo cáo mới nhất của BQL đường sắt đô thị về tình hình triển khai dự án metro số 1 lên UBND TP.HCM, hiện chỉ có quận 9 về cơ bản hoàn thành và chuẩn bị bàn giao mặt bằng. Còn lại các quận 2, Bình Thạnh… khoảng 30%-40% mặt bằng vẫn đang tiếp tục vận động người dân nhanh chóng chấp thuận, di dời.
Theo thiết kế, tuyến metro sẽ đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức. Đến thời điểm này chỉ mới có gói thầu xây dựng depot (Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật) ở quận 9 được khởi công từ tháng 2/2008 đang thi công.
Cũng theo ông Huỳnh, đến tháng 12/2010 dự án mới chính thức xét thầu để đầu năm 2011 khởi công. Như vậy, phải đến đầu năm 2015 thành phố mới có tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.
Trong lúc đó tuyến metro số 1 vẫn chưa thể khởi công vì vướng giải tỏa (trong ảnh: phối cảnh depot ga Văn Thánh). Ảnh: BQL đường sắt đô thị thành phố |
Được biết trong quy hoạch giao thông, thành phố sẽ xây dựng 6 tuyến metro với tổng chiều dài 107km và 3 tuyến LRT hoặc monorail.
Cụ thể, tuyến số 1 đang được triển khai bằng nguồn vốn ODA của Nhật và vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM. Tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã được Thủ tướng chấp thuận phương án vay nguồn hợp vốn của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đầu tư cho dự án. Tuyến số 3 tách thành 2 tuyến 3a (Bến Thành - Bến xe miền Tây) và tuyến số 3b (Bến Thành - Hiệp Phước).
Các tuyến còn lại gồm tuyến 4,5,6 đang được thực hiện công tác nghiên cứu lập dự án đầu tư và lập báo cáo đánh giá tác động môi tường.
Dự kiến từ giờ đến cuối năm tuyến xe điện mặt đất đầu tiên cũng sẽ được khởi công xây dựng.
Muốn hết kẹt xe, đành chờ thêm 5 năm!
Trong bài tham luận về các giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP.HCM mới đây, kỹ sư Nguyễn Trường Hiệp (Hội Cầu đường cảng thành phố) cho biết, việc xây dựng hệ thống metro là một vấn đề cấp thiết, mang tính chiến lược trong phát triển giao thông đô thị. Khi các tuyến metro hoạt động sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, lãng phí thời gian và hao tốn nhiên liệu…
“Theo tính toán sơ bộ, lãng phí hằng năm do kẹt xe khoảng 14.000 tỷ đồng. Nếu tính những bất lợi khác thì thiệt hại do nạn kẹt xe trong 1 năm tương đương với chi phí xây dựng một dự án metro hiện nay (khoảng 20.000 tỷ đồng)” - kỹ sư Hiệp phân tích.
Một góc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: BQL đường sắt đô thị thành phố |
Chẳng hạn, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7km. Thông thường người đi xe gắn máy sẽ mất gần 1 tiếng đồng hồ vì kẹt xe nhưng chỉ mất 29 phút trong hành trình này nếu đi bằng metro với vận tốc tương đương 40 km/h.
Mỗi tuyến metro chở được 942 hành khách và cứ 5 phút có một chuyến xuất bến. Như vậy, mỗi ngày lượng hành khách tuyến xe điện ngầm này vận chuyển trung bình trên 160.000 lượt người. Và theo dự tính đến năm 2040 khả năng tuyến xe điện ngầm sẽ vận chuyển cao nhất khoảng 800.000 hành khách.
Điều này nghĩa là khi cả 6 tuyến metro đi vào hoạt động trước năm 2020, cộng thêm 3 tuyến xe điện mặt đất và monorail, một lượng hành khách khổng lồ sẽ được loại phương tiện này vận chuyển.
Hệ thống metro này sẽ kết nối các khu vực cửa ngõ với khu trung tâm thành phố đồng thời kết nối khu trung tâm với các khu đô thị vệ tinh mới như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tây Bắc (Củ Chi), Nam Sài Gòn…
Thế nhưng với tiến độ triển khai các dự án như hiện nay, hy vọng giảm kẹt xe nhờ hệ thống phương tiện giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn của người dân đành phải chờ thêm 5 năm nữa!
Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) do Ban Quản lý đường sắt đô thị làm chủ đầu tư có tổng chiều dài 19,7km, trong đó 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao với 14 nhà ga. Tổng mức đầu tư của dự án ban đầu được duyệt là 1,091 tỷ USD nhưng sau đó UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng lên thành 2,071 tỷ USD. Nguyên nhân khiến vốn dự án dội lên gấp đôi do biến động giá cả nguyên vật liệu, khối lượng xây dựng thực tế của dự án sau khi nghiên cứu chi tiết tăng lên… Ngoài ra, thành phố thay đổi mục tiêu thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thành phố tới năm 2040 thay vì năm 2020. |
-
Thái Phương