- Các xe ô tô đi vào trung tâm thành phố hay khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng sẽ phải đóng phí.
Đây là một trong những biện pháp được UBND thành phố đưa ra nhằm hạn chế ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng ở TP.HCM.
Ùn tắc hơn 8 tiếng đồng hồ là… bình thường
Trước tình hình ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng về số vụ và thời gian ùn tắc, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, ngày 24/10, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị bàn về các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Theo Sở GTVT, ùn tắc giao thông tại TP.HCM thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu chuyển biến khả quan. Các quận huyện bị ảnh hưởng nặng nhất bởi nạn kẹt xe là Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp… Cụ thể, một số khu vực thường xuyên xảy ra kẹt xe hàng giờ đồng hồ là ngã ba Cát Lái, cầu Sài Gòn, Quốc lộ 1A, ngã tư Hàng Xanh, giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Đình Giót, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Kiệm, Trường Chinh…
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban ATGT thành phố cho biết chỉ trong 9 tháng đầu năm 2009, toàn thành phố xảy ra 61 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút (tăng 23 vụ so với năm 2008). Trong đó có đến 12 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài từ 4 tiếng đến gần 9 tiếng đồng hồ do xe ô tô chết máy trên cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu. Ngoài ra, 23 vụ kẹt xe hàng giờ do các “lô cốt” chiếm dụng mặt đường, mưa lớn triều cường gây ngập nước …
“Cần phải có biện pháp căn cơ giải quyết vấn đề này chứ không thể để một thành phố năng động như TP.HCM mà kẹt xe kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ chỉ vì xe chết máy trên cầu” - ông Tường bức xúc.
Tình trạng kẹt xe ngày càng diễn biến phức tạp ở TP.HCM khiến UBND thành phố phải họp bàn đưa ra các biện pháp cấp bách để hạn chế. Ảnh: Thái Phương |
Nguyên nhân gây kẹt xe nghiêm trọng là tốc độ tăng chóng mặt của phương tiện cá nhân. Theo ông Phượng, hiện thành phố có hơn 4,5 triệu phương tiện giao thông. Mỗi ngày thành phố có khoảng 100 xe ô tô đăng ký mới và trên 1.000 xe gắn máy đăng ký mới.
“Trong khi tốc độ tăng bình quân GDP chỉ từ 6-7% thì lượng phương tiện cá nhân lại tăng từ 10-11%. Diện tích TP.HCM chỉ chiếm 5% diện tích cả nước nhưng phương tiện giao thông lại bằng 1/3 tổng số phương tiện xe cộ của cả nước. Nếu không có giải pháp hạn chế xe cá nhân thì đường sá nào chịu nổi với mật độ xe cộ dày đặc như vậy” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói.
Trước tình hình này, UBND thành phố vừa chấp thuận chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong nghiên cứu dự án đầu tư hệ thống kiểm soát và thu phí tự động với xe ô tô tại trung tâm thành phố (theo hình thức BOT). Theo đó, xe ô tô đi vào những nơi thường xuyên xảy ra kẹt xe, khu vực trung tâm thành phố sẽ phải đóng phí.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng nguyên nhân chính gây kẹt xe nghiêm trọng ở các quận nội thành và trên tuyến quốc lộ 1A là do các dự án thi công đào đường để lắp đặt cống thoát nước gần đây chủ yếu thi công ngay tại giao lộ của các trục đường chính.
“Chủ tịch UBND quận huyện và các khu quản lý giao thông phải chịu trách nhiệm trước tiếp trước UBND thành phố nếu để gia tăng ùn tắc giao thông trên địa bàn mà không có sự phối hợp, đưa ra giải pháp xử lý” - Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân khẳng định.
90% “lô cốt” sẽ được tháo dỡ vào cuối năm nay?
Giám đốc Sở GTVT thừa nhận một số nhà thầu yếu kém, không có năng lực và thường xuyên vi phạm công tác đào đường như tái lập mặt đường chưa tốt, mặt đường lồi lõm đầy ổ voi ổ gà gây khó khăn cho người đi đường. Thậm chí không ít vụ người tham gia giao thông bị té, ngã do vướng ổ gà cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.
“Trước thực trạng này, vừa qua UBND thành phố đã đình chỉ và cấm 3 nhà thầu thi công các dự án vốn ngân sách thành phố trong thời hạn 1 năm ” - ông Phượng cho biết.
Ngoài ra từ ngày 1/1/2010, khi lập thủ tục xin cấp phép đào đường để lắp đặt các công trình ngầm chủ đầu tư phải ký quỹ tại các Khu quản lý giao thông đô thị hoặc tại UBND quận, huyện một số tiền bằng 100% giá trị dự toán xây lắp phần tái lập mặt đường được duyệt. Đây là biện pháp được Sở GTVT áp dụng để tránh tình trạng nhà thầu tháo dỡ rào chắn mà không tái lập hoặc tái lập mặt đường chưa tốt.
Cụ thể, nếu nhà thầu nào tái lập mặt đường không tốt, không kịp thời thì ngoài việc xử phạt theo quy định, Khu quản lý giao thông đô thị hoặc UBND quận huyện được sử dụng tiền ký quỹ trên để thi công hoàn thiện phần tái lập mặt đường.
“Đơn vị nào thi công cẩu thả, để xảy ra tai nạn cần xử lý nghiêm, nếu cần thiết phải xử lý hình sự chứ không thể nói chung chung mãi được” - lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo.
Thời gian qua, tình trạng “lô cốt” dời ra giao lộ khiến giao thông trở nên phức tạp, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo Sở GTVT cần đôn đốc nhà thầu các dự án thoát nước, môi trường đẩy nhanh tiến độ thi công, chậm nhất đến cuối năm 2009 tháo dỡ khoảng 90% “lô cốt” trên các tuyến đường ở thành phố.
Được biết đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố còn 199 “lô cốt” ở 84 tuyến đường.
“Vấn đề giao thông không thể giải quyết một sớm một chiều. Chính vì vậy chống ùn tắc giảm tai nạn giao thông, đảm bảo lưu thông bình thường cho người dân được thành phố hết sức quan tâm và phải được ưu tiên hàng đầu” - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
- Thái Phương