221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1190316
Bảo vệ vườn hoa bị qui là "bóp méo sự thật"?
1
Article
null
Bảo vệ vườn hoa bị qui là 'bóp méo sự thật'?
,

 - Được phỏng vấn tình cờ trên đường hoặc gõ cửa bất chợt để hỏi ý kiến về vườn hoa Con Voi, rất đông cư dân Trung Tự thẳng thắn đưa ra quan điểm phản đối công trình kiên cố, mong giữ lại vườn hoa - sau đó đều bị qui là "bóp méo sự thật xung quanh việc thực hiện dự án", "đi ngược với nguyện vọng của đại đa số nhân dân trong phường"...

Chính những người thực hiện loạt bài này cũng không ngờ một số cư dân Trung Tự mà VietNamNet đã đăng tên, địa chỉ và ý kiến của họ xoay quanh dự án chợ trên vườn hoa Con Voi suốt một thời gian qua kể từ khi báo ra đã khổ sở thế nào: bị các bí thư, tổ trưởng chỉ trích đích danh trong nhiều cuộc họp phường, họp tổ, họp đoàn thể...; bị nhắc nhở "chung chung" trên loa; thậm chí bị đề nghị "đưa ra họp và xem xét về góc độ Đảng viên"...

Họ - có người vẫn đang gồng mình chống chọi, có người ngần ngại co mình trong sự cô lập, có người muốn thanh minh nội trong khu vực nhưng không có diễn đàn nào dành cho họ khả dĩ "địch" được với loa phường! Đặc biệt có người từ lúc rất quyết liệt, nhiệt tình cung cấp chứng cứ cho báo chí, một thời gian sau khi bị các cán bộ tại đây chỉ trích công khai, lấy ra làm ví dụ cụ thể tại nhiều cuộc họp - đã trở nên hoang mang, lo ngại và cuối cùng vắng mặt một cách khó hiểu tại cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến mà chính cá nhân này trước đó vô cùng tâm huyết, mong đợi...

Tờ tuyên truyền 3 trang có ghi "Ban Văn hóa - Thông tin Phường Trung Tự" ở trang đầu (không dấu và chữ ký) được dán nhiều nơi, được các cán bộ mang đến cuộc họp phổ biến cho dân... khẳng định "một số cá nhân đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân với các phóng viên của báo VietNamNet, truyền hình Trung ương cố tình tuyên truyền bóp méo sự thật xung quanh việc thực hiện dự án" (tại vườn hoa Con Voi).

Về phía những người làm báo, không ngờ có chuyện như vậy giữa Thủ đô bởi những ý kiến trích đăng chỉ là sự lựa chọn đại diện trong "rừng" quan điểm ghi nhận từ những cư dân tình cờ gặp gỡ, từ hàng nghìn thư điện tử gửi tới tòa soạn đồng loạt phản đối dự án lấn chiếm vườn hoa này. Những con người đó, sau khi cho ý kiến - hoặc là nhóm phóng viên chưa từng có cơ hội gặp lại, hoặc là chưa ai trong tòa soạn có dịp biết mặt... nhưng vẫn bị qui chụp "đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân với các phóng viên của báo VietNamNet, truyền hình Trung ương cố tình tuyên truyền bóp méo sự thật xung quanh việc thực hiện dự án, gây dư luận không tốt trong nhân dân".

Đi du học rồi thì không được phát biểu  về vườn hoa?

Quá bức xúc khi biết tin một dự án đang nhăm nhe "khai tử" vườn hoa Con Voi gắn bó suốt tuổi thơ cho đến tận ngày rời xa (cách đây chưa lâu) để đi du học, bạn đọc Hồ Cẩm Tú gửi email từ Pháp về VietNamNet, nhắc lại ký ức về vườn hoa "là một kỷ niệm tuổi thơ thật êm đềm: các bác phụ lão thì tập thể dục trên sân, các bé gái thì múa hát, chơi đu quay, bập bênh còn các cậu con trai thì đá bóng... Sân Con Voi ngay từ dạo đó đã không chỉ là một sân chơi mà dân phường Trung Tự coi đây như một địa chỉ sinh hoạt văn hóa của mình" (nguyên văn trong bài "Khai tử" sân chơi Con Voi để... xây chợ?! xuất bản ngày 16/2/2009).

Cũng trong bài viết này, VietNamNet trích đăng ý kiến của ông Ngô Đức Huy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, người trước đây từng nằm trong hệ thống chính trị của Phường Trung Tự. Ông Huy đơn giản kể về một chợ tạm từng tồn tại trong ngách nhỏ giữa C3, C4 nhiều năm, bình yên, hợp lý và thuận tiện nhưng khoảng 2005 đã bị dẹp, dù chưa biết sẽ thay thế bằng chợ nào để phục vụ nhu cầu thiết yếu dân sinh, dù nhiều ý kiến ngay trong Thường vụ và cả nhân dân khi đó không đồng tình dẹp đi chợ tạm duy nhất này! 

TIN LIÊN QUAN

Không chỉ kể lại, ông Huy còn cung cấp chứng cứ từ các cuộc họp mà trước đây khi còn trong hệ thống chính trị phường này ông đã tham gia, ghi chép và lưu giữ... Đơn cử: Tại cuộc họp vào thứ sáu 18/11/2005, có 63 người dự thì 51 ý kiến tán thành nơi họp chợ tạm cũ, chỉ 12 ý kiến không tán thành.

Cần lưu ý, cũng từ 2005, chính quyền cơ sở ở đây sau khi dẹp xong chợ tạm đang nhiều năm yên ổn phục vụ nhân dân (kể trên) lại trình cấp trên rằng khu này không có chợ để đề nghị xây lên vườn hoa Con Voi một chợ tạm khác!

Một tuần sau khi xuất bản bài báo trên VietNamNet, liên tục vào các ngày 23 và 25/2/2009, Chủ tịch UBND phường Trung Tự Trần Tấn Anh tổ chức họp với nhiều cán bộ ban, ngành, đoàn thể phường cùng các bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố. Đây là hệ thống lãnh đạo 100% đồng tình, ủng hộ dự án chợ kiên cố trên vườn hoa Con Voi. Biên bản còn lưu cho thấy những cái tên "Hồ Cẩm Tú", "Ngô Đức Huy" đã được mang ra trước các cuộc họp "thảo luận sôi nổi và tập trung" này!

Ông Lê Hữu Ý (Bí thư Chi bộ C4b) nêu ý kiến: "Việc xây chợ đem lại lợi ích cho nhân dân là rất cần thiết, góp phần đem lại môi trường tốt hơn. Các thông tin của ông Ngô Đức Huy cần phải được đưa ra họp và xem xét về góc độ Đảng viên".

Ông Nguyễn Ngọc Thành (cán bộ tổ 15 phường Trung Tự) khẳng định: "Việc xây chợ trên sân Con Voi là thể hiện ý nguyện của nhân dân. Cần trao đổi trực tiếp với ông Ngô Đức Huy để làm rõ vấn đề trên bài báo VietNamNet".

Một cán bộ khác - bà Khiếu Cẩm Vân sáng kiến: "Cuộc họp này cần biểu quyết để thể hiện sự nhất trí xây dựng chợ dân sinh Con Voi và có sự trao đổi thẳng thắn với một số cá nhân đã đưa ra các ý kiến đi ngược với nguyện vọng của đại đa số nhân dân trong phường".

Tờ rơi 3 trang tuyên truyền "ủng hộ việc xây dựng chợ và đề nghị triển khai càng sớm càng tốt, đồng thời bất bình trước những thông tin sai lệch của báo VietNamNet và mục thời sự của Truyền hình Việt Nam" được người dân phát hiện dán công khai tại bảng tin khu nhà ở Trung Tự.

Chưa hết, ngày 17/3/2009, tại một cuộc họp khác với đông đủ cán bộ cốt cán phường Trung Tự (như trên) thêm sự tham dự của Chủ tịch UBND quận Đống Đa và nhiều phóng viên truyền hình, báo chí... những cái tên "Ngô Đức Huy", "Hồ Cẩm Tú" tiếp tục được nhắc bên cạnh sự phản đối chung chung các cá nhân và báo chí đưa "tin thất thiệt".

Tổ trưởng tổ dân phố 10 Trần Minh Tâm đứng lên: "Chúng tôi được nghe một số thông tin trên báo VietNamNet, trong đó lại có một công dân của nhà G chúng tôi là Hồ Cẩm Tú, thì hôm nay trước toàn thể nhân dân ở đây cũng như báo chí, tôi khẳng định và tuyên bố rằng công dân Hồ Cẩm Tú hiện nay không ở trong khu dân cư chúng tôi, hiện nay đang ở nước ngoài, đã rời khu dân cư này 6 - 7 năm nay rồi, toàn bộ gia đình nhà cô ta không có mặt ở đây. Cho nên việc báo đưa thông tin này lên là không chính xác... Các đồng chí cần rút kinh nghiệm trong việc tiếp nhận thông tin".

Một cán bộ khác khẳng định: "Dưới có dân, trên có chính quyền. Chính quyền với dân là một. Dân xây dựng chính quyền, chính quyền bảo vệ cho dân. Tại sao lại đưa ý kiến một hai cá nhân không thông qua chính quyền? Tôi cho đó là trách nhiệm của đồng chí phóng viên làm cái tin này chưa tròn trách nhiệm. Từ cái không đúng, thiếu trách nhiệm, dẫn đến thiệt hại chúng tôi phải bỏ thời gian ra đây họp mấy buổi về vấn đề này, vậy bây giờ qui thành thóc, ai đền cho chúng tôi?"...

Người dân kể, ông Huy sau đó còn bị "đấu" trực tiếp tại cuộc họp khác nữa... Qua cuộc ấy, ông mệt nặng, ít gặp gỡ, trao đổi và trở nên trầm lặng. Gia đình rất lo vì ông đã 80 tuổi, lại không được khỏe, nhắn với báo chí xin dừng tư liệu, ý kiến, hình ảnh gắn với tên ông liên quan đến vườn hoa Con Voi. Cũng không ai trong gia đình ông Huy đến bỏ phiếu ý kiến tại "hội nghị" tổ này tối 12/4.

Chỉ vì nêu ký ức, xót xa cho vườn hoa Con Voi - vườn hoa duy nhất của khu dân cư - và được trích đăng ý kiến trên báo chí, những cư dân Trung Tự đã bị các cán bộ nêu tên tại nhiều cuộc họp, cho rằng phải "xem xét", còn gia đình thì sau đó gặp nhiều khó hiểu, bất công...

Với công dân Hồ Cẩm Tú, ngày 16/2 báo trích đăng ý kiến thì hai ngày sau (18/2), Tổ trưởng Trần Minh Tâm (kể trên) đã ký ban hành một Thông báo có đoạn khiến gia đình Tú (mẹ là Xuân, bố là Lâm) khá bất ngờ, khó hiểu: "Trường hợp KT2 của gia đình công dân Tạ Thị Xuân tại P302-G2, căn cứ Luật cư trú và thực tế đã dời tổ nhiều năm. Nay tập thể tổ yêu cầu chuyển sinh hoạt về tại nơi cư trú mới hiện đang ở. Và thực hiện các nghĩa vụ công dân ở đó kể từ tháng 3/2009. Khi nào quay lại G2 ở thì báo cáo cho tổ để sinh hoạt bình thường như trước"!?

Bà Xuân (mẹ Hồ Cẩm Tú) cho hay từ 1982 đến nay gia đình bà vẫn đang có hộ khẩu thường trú tại G2 Trung Tự, tuy nhiên thời gian này Tú đi du học, gia đình ở tạm nơi khác, phòng 302 đang được sửa. Dù có hộ khẩu tại đây nhưng gia đình Hồ Cẩm Tú sau việc kể trên đã không được phát phiếu lấy ý kiến về dự án trên vườn hoa Con Voi sát cạnh khối nhà có căn hộ thuộc sở hữu của mình!

Tin thất thiệt? Không chính xác? Sai sự thật?

Mặc dù nhiều cán bộ trong hệ thống đoàn thể, chính trị khu Trung Tự đã công khai "chĩa mũi nhọn" công kích các cá nhân từng phát biểu trong những kỳ báo đầu tiên của loạt bài về vườn hoa Con Voi trên VietNamNet, càng ngày càng nhiều người vẫn sẵn sàng đưa ra ý kiến của mình trên mọi phương tiện thông tin đại chúng (báo, phát thanh, truyền hình...) - tựu chung đều phản đối công trình kiên cố 3 tầng "lấn át" vườn hoa. Thư điện tử, thư qua bưu điện hoặc thư do người dân mang đến tận nơi vẫn được gửi về tòa soạn VietNamNet ngày một nhiều, mặc các cán bộ phường, tổ (trên) ra sức cho những ý kiến đó là "trái chiều", "không chính xác", "sai sự thật"...!?

Đi tập thể dục, gặp nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đang ghi hình vườn hoa Con Voi, bà Hồ Thị Thúy (201-E5b Trung Tự) không chần chừ phản đối ngay dự án đang triển khai. Sau hôm xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, bà Thúy cho biết cũng bị "đánh tiếng" rất nhiều khiến bà quyết định phải nói công khai tại cuộc bỏ phiếu ở tổ: "Nhà báo hỏi thì tôi phát biểu, thế mà có cựu chiến binh ở phường này đi tuyên bố ở nhiều nơi, với nhiều người là bà ấy làm gì có quyền mà phát biểu! Tôi rất bất bình về việc này. Tôi chỉ nói là không đồng ý xây chợ ở vườn hoa, tôi nói thế sai - đúng cứ chiểu theo pháp luật, nhưng không thể cho là tôi không có quyền".

Tờ tuyên truyền 3 trang góc đầu có ghi "Ban Văn hóa - Thông tin phường Trung Tự", nội dung quảng bá dự án chợ, hô hào dân ủng hộ đồng thời công kích những người đã phản đối dự án lấn chiếm vườn hoa Con Voi đã được phát cho bí thư, tổ trưởng và đến tay dân (Chụp bí thư, tổ trưởng nhà G1 và E5b trong đó bí thư đang cầm tờ tuyên truyền này trên tay, tại cuộc bỏ phiếu tối 12/4/2009 - Ảnh: T.A.N)

Càng gần ngày bỏ phiếu, người dân tại đây cho biết họ càng ngột ngạt bởi bầu không khí tuyên truyền một chiều, mang tính áp đặt và sự qui chụp một số cá nhân. Tờ tuyên truyền 3 trang (như đã dẫn ở bài trước) góc đầu có ghi "Ban Văn hóa - Thông tin Phường Trung Tự" được phóng to, dán ở bảng tin, đồng thời phát đến bí thư, tổ trưởng để "tác động" dân (các ảnh trên).

"Nội dung tờ tuyên truyền này đọc xong có cảm giác như Quận, Phường đã nghiễm nhiên được xây chợ 3 tầng lên vườn hoa rồi và toát lên một điều đây đã là chủ trương của Đảng ủy - Chính quyền và các đoàn thể phường, ai không đồng ý xây tức là bóp méo sự thật, đi ngược ý Đảng lòng dân..." - người dân bộc bạch. Vì lẽ đó, một số người cho rằng không thể không đánh dấu "đồng ý" xây chợ trên vườn hoa vào lá phiếu, bởi họ vốn là những người trước nay chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền.

Tờ tuyên truyền này có đoạn: "Gần đây, có một số cá nhân đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân với các phóng viên của báo VietNamNet, truyền hình Trung ương cố tình tuyên truyền bóp méo sự thật xung quanh việc thực hiện dự án, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Về việc này, Đảng ủy - Chính quyền và các đoàn thể của Phường đã liên tục tổ chức 4 hội nghị để xin ý kiến của đại diện nhân dân. Tại các hội nghị này, tất cả các ý kiến phát biểu đều ủng hộ việc xây dựng chợ và đề nghị triển khai càng sớm càng tốt, đồng thời bất bình trước những thông tin sai lệch của báo VietNamNet và mục thời sự của Truyền hình Việt Nam".

Còn "tấm gương" Ngô Đức Huy, mặc dù đã bị "lôi ra" trước nhiều cuộc họp nhưng vào những ngày "áp chót" bỏ phiếu, người dân cho biết bài báo có ảnh ông vẫn tiếp tục được Tổ trưởng Trần Minh Tâm giơ lên trong cuộc họp dân (dù ông Huy không thuộc tổ ông Tâm), "giới thiệu" rằng đây là phần tử đã có những lời lẽ không đúng sự thật, nhờ quen biết VietNamNet..., đồng thời "dẫn dắt" dân rằng đến nay tất cả đều đồng ý xây chợ rồi, chỉ có điều ngoài việc đánh dấu "đồng ý" thì bà con nên ghi thêm là công trình chợ cần đủ đèn chiếu sáng buổi tối!?

Vườn hoa Con Voi nằm ngay sát cạnh trường PTCS Trung Tự và Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Đống Đa. Bị Quận, Phường "ngăn sân xây chợ", các em phải chen nhau ngồi trong một góc nhỏ còn sót lại của vườn hoa này... (Chụp tháng 4/2009 - Ảnh: H.H)

Nhiều cư dân đã phản ứng mạnh mẽ, trong số đó có bà  Nguyễn Thái Vân (502-G2 Trung Tự) thẳng thắn đề nghị không được phê phán ông Huy vì đây là quyền tự do ngôn luận. "Phê phán như thế là sai. Tôi nghĩ rằng đây không phải nội dung cuộc họp của chúng ta. Chúng tôi đến đây không phải để nghe phê phán" - bà Vân nhấn mạnh.

Vậy là, sống giữa Thủ đô, người dân Trung Tự không những cay đắng vì mất vườn hoa - khoảng xanh quí giá duy nhất của khu dân cư, lên tiếng thì bị qui là "bóp méo sự thật", đến khi sắp được hỏi ý kiến lần đầu tiên về dự án "đã rồi" (kể trên) lại phải chịu những "tác động tâm lý" rất không bình thường bên cạnh sự thiếu thông tin hoặc thông tin chỉ một chiều, sự áp đặt trong hàng loạt vấn đề mà người dân cho rằng lẽ ra họ phải được tham gia từ đầu đến cuối, như: phạm vi, đối tượng hỏi ý kiến; nội dung các câu hỏi trên lá phiếu; giám sát việc thu thập, tổng hợp phiếu không chỉ tại tổ dân phố mà cả tại phường, tại quận...

Trước cuộc bỏ phiếu đã không bình thường như vậy, cuộc bỏ phiếu diễn ra còn lắm bất thường hơn... Đặc biệt, nó có thật "kín" và "khoa học" như mong muốn của Chủ tịch Thành phố Hà Nội không - sẽ được VietNamNet phản ánh trong kỳ tới...

  • Nhóm PV Xã hội

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,