221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1178692
Chủ tịch quận Đống Đa: Chợ "đè" vườn hoa là "chợ kín"!
1
Article
null
Hà Nội:
Chủ tịch quận Đống Đa: Chợ 'đè' vườn hoa là 'chợ kín'!
,

 - Về dự án chợ tạm dân sinh "có một không hai" tại Thủ đô: không chỉ "đè" lên vườn hoa đúng nghĩa, đúng qui hoạch duy nhất của khu dân cư Trung Tự, mà còn kiên cố 3 tầng với tường gạch bao kín xung quanh như thể một khuôn viên biệt thự mà vườn hoa Con Voi trở thành sân nhà riêng của biệt thự này - Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học khẳng định đây là một "chợ kín" để giảm thiểu tiếng ồn!?

Ông Học cho hay, vì biết rằng đặt chợ tại đây chắc chắn sẽ gây ô nhiễm, ồn ào, ách tắc giao thông đối với nhiều khu nhà xung quanh và Trường tiểu học Trung Tự nên đã chỉ đạo xây một "chợ kín" - tức là tường xây bao quanh, các ki-ốt quay vào trong sân chứ không quay ra đường!?

Sân chơi Con Voi từng gắn với kỷ niệm ấu thơ của rất nhiều cư dân Trung Tự, nay không ít trong số đó đã "bay" tới những phương trời xa... vẫn dõi theo các tin tức và xót xa cho vườn hoa đang bị "khai tử" này (Chụp cách đây 12 năm - Ảnh: Người dân cung cấp)

"Chúng tôi giảm thiểu ảnh hưởng bằng cách tách chợ ra khỏi trường học: phần ồn ã chợ tươi sống ở dưới sân được cách ly ra và đặt ở giữa là nhà 3 tầng, để giảm tiếng ồn cho trường học! Trong thiết kế, chúng tôi sẽ cho xây dựng lại tường rào trường học cao lên..." - Chủ tịch quận Đống Đa nói.

Theo vị Chủ tịch này, dự án kể trên được thực hiện theo nguyện vọng của đại đa số người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm 17/3/2009 (bước sang năm thứ 5 kể từ khi bắt đầu manh nha chủ trương xây "chợ và trung tâm thương mại tại khu đất Con Voi"), ngay tại cuộc họp báo, trong hồ sơ cũng như sau nhiều lần được các phóng viên yêu cầu - từ UBND quận Đống Đa, UBND phường Trung Tự đến các cán bộ chủ chốt của mọi tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng và các tổ trưởng tổ dân phố tại đây đều không trả lời được đã họp toàn thể cư dân để công bố công khai dự án, lấy ý kiến từng hộ dân hoặc từng người dân vào ngày giờ nào; theo qui trình nào; tỉ lệ bao nhiêu... kèm bằng chứng, cứ liệu.

Trước đề nghị được cung cấp ngày giờ cụ thể các cuộc họp với những hộ gia đình trong khu vực vườn hoa Con Voi cùng biên bản, cứ liệu phản ánh "100% thống nhất đề nghị xây chợ lên sân Con Voi" - Chủ tịch quận đã đề nghị bí thư khu nhà trả lời, bí thư thì cho hay phải hỏi tổ trưởng dân phố, còn tổ trưởng dân phố khi phát biểu lại tuyên bố những chuyện khác!?

Về chi tiết này, ý kiến của ông Học là: "Không thể họp 8.000 dân để lấy ý kiến được, nên chúng ta phải dựa vào hệ thống chính trị. Ở đây, chúng tôi đã lấy ý kiến đến các Tổ trưởng, Bí thư chi bộ... là những người đại diện chính thức của đông đảo người dân khu vực. Họ khi đã phát biểu là nguyện vọng của dân, khi là Tổ trưởng dân phố chắc chắn là phải đại diện cho đa số người dân ở tổ dân phố đó"!

Các phóng viên đến từ Đài Truyền hình Việt Nam, VietNamNet, Kinh tế & Đô thị, Tiền Phong... đã đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo quận Đống Đa quanh dự án "bất thường" này...

"Chợ tạm là tạm về mặt thời gian"!?

- Ông có thể cho biết công trình dự kiến xây trên vườn hoa Con Voi là tạm hay kiên cố?

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học (Ảnh: T.M).

Chủ tịch Trần Đức Học: - Trước năm 2002, khi chưa có Luật Xây dựng, các văn bản về lĩnh vực đầu tư xây dựng đều có khái niệm "nhà tạm" là nhà cấp 4, mái ngói... Nhưng, năm 2002 Luật Xây dựng ra đời thì không có khái niệm "nhà tạm", mà người ta chỉ chia ra các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4. Công trình thuộc dạng cấp 4 là công trình bê-tông cốt thép các loại từ 3 tầng trở xuống.

Còn "tạm" trong qui định của Luật Xây dựng hiện nay là các đơn vị thi công khi xây dựng công trình làm kho, làm lán chỉ huy, làm nhà ở cho công nhân tại công trường - thì đấy là "tạm", khi công trình xây xong thì phải dỡ bỏ.

Tôi nhắc lại, trong Luật Xây dựng không có khái niệm "tạm", cấp 4 là 3 tầng trở xuống nên chợ Con Voi theo đúng thỏa thuận của qui hoạch là Quận làm đúng 3 tầng!

- Cứ cho là khái niệm công trình tạm đã thay đổi, tối đa được 3 tầng - song riêng khái niệm "tạm" cũng không thể là lâu dài, vĩnh cửu. Vậy xin hỏi "chợ tạm" đã được Thành phố chấp thuận sẽ tồn tại trên vườn hoa Con Voi bao lâu?

- Nhà 3 tầng trên sân Con Voi này tôi cho rằng chỉ là tạm về mặt thời gian, tức là sau đây 10, 15, 20 năm nếu chúng ta phá bỏ khu Trung Tự này đi, xây lại thì lúc đấy chúng ta sẽ có một qui hoạch mới. Có thể lúc đấy chợ tạm này bị phá đi làm lại, nhưng cũng có thể qui hoạch mới sẽ hỗ trợ cho cái chợ này - nên ý nghĩa "tạm" chúng ta hiểu là tạm về mặt thời gian.

Chủ trương của Thành phố là từng bước sẽ cho phá đi làm lại các khu tập thể 4, 5 tầng đã cũ nát. Trên địa bàn các quận đang thực hiện một số dự án, riêng với quận Đống Đa chúng tôi đã đề xuất Thành phố, Thành phố đã chấp nhận và đang thực hiện ưu tiên làm những khu xuống cấp nặng, thiết kế bất hợp lý, ví dụ như nhà của Bắc Triều Tiên viện trợ cho ta năm 60... rồi khu Văn Chương, Vĩnh Hồ...

Đối với Hà Nội, khu Giảng Võ (quận Ba Đình) và khu Trung Tự (quận Đống Đa) tuy xây từ những năm 70 nhưng khoảng cách các nhà rất rộng, xây bằng bê-tông tấm lớn tương đối chắc chắn - cho nên hiện tượng lún nứt rất ít. Chủ trương của quận là đối với khu Trung Tự này sẽ đầu tư sau cùng! Với tình hình đầu tư như hiện nay thì tôi dự kiến có nhanh cũng phải 15 năm nữa mới cải tạo đến khu Trung Tự!

"Quận và Sở đều rất trăn trở..."

- Ngay như giới thiệu của Sở Qui hoạch-Kiến trúc vài năm trước và đến nay trên thực tế phường Trung Tự vẫn còn rất nhiều khu đất có thể tận dụng để lập chợ dân sinh, tại sao cứ nhất quyết phải là xây tòa nhà 3 tầng lên sân chơi Con Voi thay vì chỉnh trang, cải tạo vườn hoa này theo đúng qui hoạch?

- Khu đất số 127 mà Sở QH-KT giới thiệu ở phía bên kia đường Đặng Văn Ngữ đang được nhiều cơ quan quản lý. Theo qui hoạch 1/500 đã được Thành phố duyệt cho quận Đống Đa, đó là khu đầu tư trung tâm thể dục thể thao lớn, chúng tôi cũng đã xây nhà luyện tập lớn ở đấy rồi, trong tương lai gần chúng tôi sẽ đầu tư sân thi đấu, bể bơi... nếu đặt chợ tạm ở đấy thì sẽ hỏng hết qui hoạch!

Ô đất 127 (viền đỏ) được Sở QH-KT Hà Nội nhận định rất phù hợp và thuận tiện đặt một chợ tạm dân sinh vì hàng thập kỷ nay vẫn chưa triển khai dự án theo qui hoạch, cách không xa vườn hoa Con Voi (tô xanh).

Chỗ thứ hai là khu đất ở đài nước, hiện Thành phố đã có chủ trương cho phá nhưng giả sử phá xong thì miếng đất đấy có vài trăm mét - không thể làm chợ được! Còn các khu đất khác đều đã có người sử dụng, nên không thể lấy ra làm chợ! Chúng tôi cũng đã rà soát tất cả và thấy chỉ còn khu đất Con Voi có thể tận dụng.

Về mặt sân chơi, riêng khu Trung Tự - theo phường báo cáo là ngoài sân Con Voi còn 8 sân chơi khác, tuy không lớn, mỗi điểm chỉ 300 - 400m2 cho đến gần 1.000m2 nhưng cũng đều đã được phường, quận những năm qua đầu tư rất nhiều đồ chơi cho trẻ em ở đó...

Theo qui hoạch trước đây, khu đất hơn 3.000m2 kia đúng là sân chơi cho trẻ em, cầu trượt có hình con voi nên tự thành cái tên Con Voi do dân đặt. Có thể nói trong thời kỳ bao cấp, sân đó phát huy rất tốt, nhưng trong khoảng 15 năm gần đây do lối sống thay đổi nên trẻ em muốn ra chơi cũng không ra chơi một mình được mà phải có bố, mẹ, ông, bà dẫn ra, còn trông coi... nên mật độ trẻ em ra chơi giảm dần.

Tại sân Con Voi, chỉ các cụ ra tập là chính, đánh cầu lông, thể dục buổi sáng... nên nhu cầu có một khoảng trống để các cụ tập thể dục đã xuyên suốt nhiều năm qua. Do đó, phía phường cũng không có đề xuất đầu tư trở lại, quận chúng tôi cũng thấy rằng nhu cầu tập thể dục của các cụ là nhu cầu bao trùm.

Dù đã bị "ngăn sân xây chợ", người dân, học sinh quanh khu vực vẫn "vớt vát" ra chơi, tập tại những phần rất hẻo còn sót lại của vườn hoa Con Voi... (Chụp vào trung tuần tháng 3/2009 - Ảnh: T.M)

Thế nhưng bây giờ, chính vì người dân ở đây thấy cần chợ hơn - thì thôi ta đành phải chấp nhận một giai đoạn thu hẹp sân chơi lại để đầu tư một chợ tạm phục vụ dân sinh... Chợ cũng là công trình công cộng, sân chơi cây xanh cũng là công trình công cộng, đều phục vụ nhân dân tại chỗ cả - nhưng dân ở đây đa số thấy cái chợ cần hơn, sân chơi cũng rất cần nhưng chưa cấp thiết bằng cái chợ. Chính vì thế, chúng tôi hoàn toàn quyết định lập và thực hiện dự án này trên tinh thần nguyện vọng của đa số người dân trong khu vực.

- Theo qui hoạch đã duyệt, sân chơi Con Voi là một vườn hoa - vậy để xây công trình lên đó đã có điều chỉnh qui hoạch chưa?

- Chính vì phải lấy một phần đất của sân Con Voi là qui hoạch chính thức từ năm 1971 để làm chợ tạm dân sinh nên quận và đặc biệt là Sở QH-KT rất trăn trở! Đáng nhẽ ra một thỏa thuận qui hoạch - kiến trúc bình thường chỉ mất 3 - 6 tháng nhưng riêng chợ này chúng tôi làm với Sở QH-KT mất hơn 2 năm!

Thực chất là Sở QH-KT không muốn thay đổi, nhưng vì đây là ý kiến của đa số người dân Trung Tự và rất cấp thiết nên đành chấp nhận...

Ở đây về mặt qui hoạch, nói đúng ra khu đất đó vẫn là sân chơi - nhưng vì nhu cầu bức xúc dân sinh nên tất cả văn bản từ Sở QH-KT đến Sở Thương mại đều buộc phải dùng chữ "chợ tạm", mà tạm đây như tôi đã giải thích là tạm về mặt thời gian. Đây có thể hiểu là một giải pháp tình thế để đáp ứng yêu cầu của dân. Sau khi Sở QH-KT có văn bản thỏa thuận, việc này đã được báo cáo lên UBND TP xin ý kiến - Thành phố đã có văn bản chấp thuận. Về mặt thủ tục theo tôi là rất đầy đủ!

"Giải pháp tình thế" 5 năm vẫn... tình thế?

- Ông nói rằng dự án này chỉ là một giải pháp tình thế, vậy tại sao 5 năm qua Quận, Phường không tập trung mọi nguồn lực để đầu tư một chợ cố định tại nơi nào đó phù hợp, lâu dài hơn - bởi rõ ràng xây công trình lên vườn hoa Con Voi hiện nay không chỉ sai qui hoạch mà còn đang có rất nhiều ý kiến phản đối (chứ không hẳn 100% đồng thuận như ông vừa nói)?

- Cách sân Con Voi không xa (chừng 500m) có chợ Khương Thượng, chợ Kim Liên... nhưng dân 29 nhà thuộc khu tập thể Trung Tự với hơn 8.000 người chủ yếu là các cụ lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em muốn đi các chợ này phải vượt qua đường Phạm Ngọc Thạch và Chùa Bộc với lưu lượng giao thông lớn, ở giữa có dải phân cách, rất nguy hiểm.

Thế nên người dân tại đây đề nghị xem xét, đầu tư một chợ ngay trong khu tập thể, mà tìm các khu đất thì như tôi đã nói - nên buộc phải có giải pháp tình thế làm chợ tạm tại sân chơi Con Voi!

- Nhiều người dân cho rằng họ không hay biết về công trình trên vườn hoa Con Voi, cho đến một ngày tường được xây và tấm biển công trình được treo - tuy nhiên tấm biển này hoàn toàn thiếu các thông tin theo qui định như: ngày khởi công, ngày hoàn thành, tổng vốn đầu tư, diện tích xây dựng, số tầng, chiều cao tối đa toàn công trình... Ông giải thích sao về việc thiếu thông tin tại một dự án của quận như vậy?

- Dự án này quận giao Ban Quản lý dự án của quận làm chủ đầu tư. Thực tế là ngay sau khi đấu thầu trước Tết âm lịch, đơn vị thi công đã khởi công làm tường bao ngay và chưa thực hiện theo qui định. Ngay sau Tết khi nắm được thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án yêu cầu bên B phải làm ngay. Đúng là có sự chậm trễ của đơn vị thi công!

Ông Lê Thanh Tùng - Trung Tự (Ảnh: T.M)

Ông Lê Thanh Tùng (409 D5 Trung Tự) - Đội trưởng Đội Cầu lông tại sân Con Voi: "Nhà tôi ở ngay trước cổng UBND phường Trung Tự, cho đến nay chưa ai hỏi ý kiến trực tiếp tôi về dự án này nên làm sao nói được đồng ý hay không đồng ý? Đội chúng tôi mấy chục người, còn đội các bà tập dưỡng sinh mấy chục người nữa, bây giờ không có chỗ tập phải tập nhờ sang trước cửa trường Chích Bông gần đây...

Tất nhiên khu này cần phải có chợ, nhưng không nên làm chợ ở sân chơi Con Voi. Một điều tối thiểu mà ai cũng biết là không nên đặt chợ sát cạnh trường học của các cháu nhỏ. Vừa rồi người ta đã rào kín cổng cao tường hết vườn hoa này rồi, nhưng chúng tôi đã phá ra một đoạn mới có chỗ mà vào tập đấy!

Vừa rồi, việc "trích ra một khúc" công viên Thống Nhất để xây khách sạn, rồi biến Vườn thú Hà Nội thành "đại trung tâm thương mại"... đều đã bị phản đối, không nên đi theo "vết xe đổ" ấy mà cần làm lại cho đàng hoàng hơn, nghìn năm Thăng Long sắp đến rồi!

Nguyện vọng của chúng tôi là bây giờ phải trả lại lá phổi này cho người già và trẻ em, trước mắt phá bỏ bức tường vừa xây kia đi, rồi sửa sang lại vườn hoa cho đẹp...

Ông Đặng Trần Thiết (Ảnh: T.M)

Ông Đặng Trần Thiết (113 D6 Trung Tự): "Tôi thấy không nên xây chợ ở đây. Ngày nào tôi cũng qua đây tập thể dục, lúc nào khỏe là ra. Nguyện vọng của chúng tôi đơn giản lắm, chỉ mong được trả lại cái sân này để hoạt động vui chơi, đồng thời tránh tiếng ồn ào cho các trường và khu nhà lân cận. Chợ ở đây là không phù hợp".

Bà Hồ Thị Thúy - E5b (Ảnh: T.M)

Bà Hồ Thị Thúy (201 E5b Trung Tự): "Ở đây người ta đấu tranh ghê lắm, cán bộ, nhân dân lên từng đoàn đấu tranh với cái dự án này, bản thân tôi cũng đi phản đối. Tôi đã sang các trường gặp các cô giáo, họ đều phản đối vì ồn ào, ảnh hưởng xấu đến môi trường sư phạm...
 
Tôi đã đi từ đầu chí đuôi kêu gọi nhưng họ cứ tỉnh bơ thôi! Bây giờ tôi đã 80 rồi, cũng nhờ báo chí và giới trẻ giúp cho thôi...
 
Họ "thèm" mảnh đất này để xây công trình, trong khi đúng ra phải sửa sang, chỉnh trang để cho người già và trẻ em chơi, nghỉ ngơi
  • Thoại Mi (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,