- Tăng vé xe buýt là biện pháp khả thi nhất mà Sở GTVT TP.HCM chọn để bù đắp việc không xin thêm ngân sách trợ giá. Còn gánh nặng từ việc tăng vé xe buýt người dân… tự tìm cách.
Tăng giá xe buýt là việc “bắt buộc”
Trong cuộc họp với báo chí chiều ngày 17/3 về tình hình hoạt động của xe buýt, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nói tăng giá xe buýt là việc “bắt buộc” để bù một phần gánh nặng mà ngành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đang phải chịu.
Trong lúc giá dầu diezel giảm từ 15.950 đồng/lít xuống còn 10.500 đồng/lít nhưng tiền lương của cán bộ công nhân viên tăng từ 540.000 đồng/tháng lên 800.000 đồng/tháng. Xe buýt hoạt động từ năm 2003 đến nay bị xuống cấp cần phải tu bổ, sửa chữa.
Đồng thời, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cần phải tăng thêm 11% cự ly huy động cho các tài xế lái xe buýt. Cụ thể, trước đây xe buýt chạy tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn mỗi ngày 10 chuyến nhưng chỉ được tính quãng thời gian chạy đón trả khách, còn thời gian các bác tài chạy từ nhà đến đầu bến và chạy từ đầu bến về nhà thì tự bỏ tiền túi.
“Hiện nay tổng sản lượng vận tải hành khách công cộng quý I/09 ước đạt hơn 107 triệu lượt HK, tương đương hơn 1,1 triệu lượt HK/ngày và đạt 22,4% kế hoạch năm 2009. Nếu không tăng giá vé chúng tôi buộc phải chở khoảng 1,5 triệu lượt HK/ngày mới đủ bù đắp mọi chi phí. Nhưng chừng ấy lượt khách một ngày là quá sức” - ông Thanh cho biết.
Sinh viên, người nghèo là hai đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc tăng giá vé xe buýt. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, giá điện, giá nước tăng chóng mặt khiến giá thuê phòng trọ cũng được chủ nhà trọ “ăn theo” tăng thêm. Giờ lại tốn thêm một khoản chi phí cho việc đi lại khiến nhiều sinh viên, người lao động nghèo phải chới với bám trụ ở Sài Gòn.
Hành khách bước lên khi xe chưa dừng hẳn rất nguy hiểm. Ảnh: Thái Phương |
Ông Thanh nói việc tăng giá xe buýt chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của sinh viên - những người thường xuyên bị “viêm màng túi” nhưng không thể không tăng giá vé!?
Nếu đồng ý việc quảng cáo trên xe buýt, mỗi năm ngân sách thành phố sẽ có thêm khoảng 100 tỷ đồng, gánh phần nào cho ngân sách trợ giá xe buýt nhưng vấn đề này vẫn đang… cân nhắc. Lý giải điều này, ông Dương Hồng Thanh nói Sở GTVT không có quyền quyết định việc quảng cáo trên xe buýt mà chỉ có thể kiến nghị lên UBND TP.HCM.
"Thực ra việc cho phép quảng cáo trên xe buýt bị vướng quyết định 108 “cấm quảng cáo trên xe buýt” được ban hành trước đây. Giải quyết vướng mắc này, UBND thành phố đã xem xét và giao cho Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch họp với các nhà quảng cáo để cùng bàn bạc, tháo gỡ. Tuy nhiên, văn bản chính thức và việc cho phép quảng cáo bên ngoài xe buýt bao giờ mới thực hiện thì… đành chịu." Ông Thanh nói.
Bao giờ chất lượng xe buýt cải thiện?
Khi lý do tăng giá vé chưa thuyết phục thì thái độ của một số lái xe, tiếp viên xe buýt đối với hành khách càng làm cho người dân thất vọng. Chuyện tiếp viên chửi thề, văng tục trước mặt hành khách, cãi lộn, gây gổ với hành khách; tài xế lái xe ẩu, không đón trả khách đúng bến, không dừng xe hẳn khi khách lên xuống… trở thành cơm bữa. Thậm chí không ít lần khách bị té, trầy xước, gặp tai nạn chỉ vì chạy với theo xe buýt khi tài xế không chịu dừng hẳn.
Ông Phạm Đình Đức, Giám đốc Trung tâm Điều hành VTHKCC cho biết trung tâm thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm của lái xe, tiếp viên trên xe buýt ngay khi báo chí phản ánh, người dân điện thoại về đường dây nóng. Đối với trường hợp xe không dừng hẳn khi đón chở khách vi phạm một lần phạt 500.000 đồng, vi phạm lần 2 phạt một triệu đồng… Những doanh nghiệp vận tải, HTX vi phạm nhiều lần trung tâm sẽ làm việc riêng để có biện pháp chấn chỉnh.
Xe buýt trong vòng vây của các loại xe khác. Ảnh: Thái Phương |
Trong lúc Sở GTVT thành phố đang làm mọi cách để chấn chỉnh tình trạng trên thì hằng ngày, hằng giờ hành khách vẫn phải chịu cảnh "chướng tai, gai mắt" với lời ăn tiếng nói và cách hành xử của nhân viên và tài xế khi lên xuống xe…
Thạc sỹ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp, Sở GTVT thành phố nói rằng: Sở GTVT thường xuyên mở các lớp tập huấn về đạo đức nghề nghiệp, thái độ của tiếp viên, tài xế với hành khách. Đồng thời, mỗi tài xế, tiếp viên làm việc trong lĩnh vực VTHKCC đều phải có giấy chứng nhận tập huấn đạo đức, nghề nghiệp do Hiệp hội Vận tải hàng hóa cấp. Thậm chí cả văn bản chấn chỉnh hoạt động xe buýt vi phạm cũng được ban hành nhưng các tài xế, tiếp viên vẫn “chứng nào tật nấy” và hành khách luôn là người “chịu trận”.
Tăng giá xe buýt đã được UBND TP.HCM thông qua nhưng thời gian áp dụng vẫn đang được thảo luận. Tuy nhiên, với những bất cập còn tồn tại trong ngành xe buýt tại TP.HCM, e rằng có thể “xua” hành khách “xa” dần với xe buýt.
-
Thái Phương
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |